Nguyễn Du và “Bắc hành tạp lục” - Nghiên cứu văn học của Trần Đắc Trung – Hội văn học nghệ thuật Nam Định

Nghiên cứu văn học của Trần Đắc Trung – Hội văn học nghệ thuật Nam Định - sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 9/2019. Tác phẩm được đăng trên tạp chí Văn nhân số 127.

Nguyễn Du và “Bắc hành tạp lục” (Trích)

Sau “Thanh Hiên thi tập” và “Nam Trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” – tập thơ chữ Hán thứ ba của Nguyễn Du được sáng tác trong thời gian ông đi sứ nhà Thanh (1813-1814). Tập thơ không chỉ in đậm bóng dáng một sứ thần với công việc bang giao sự vụ, mà là tâm sự một thi nhân với cảm quan nhạy bén và nỗi niềm nhân thế sâu nặng. Cũng như “Truyện Kiều”, bằng lời lẽ khiêm cung, tác giả tự coi tác phẩm là “lời quê chắp nhặt”. Tập thơ “Bắc hành tạp lục” với nội dung phong phú, ôm trùm cả không gian thời gian lịch sử Trung Quốc mấy nghìn năm, ông cũng chỉ coi là những trang nhật ký vụn vặt, những ghi chép tản mạn, là cuốn “Tạp lục”. Tuy nhiên, tập thơ có nhiều nét đặc sắc, chiếm vị trí độc đáo trong dòng thơ đi sứ. Nếu đặt “Bắc hành tạp lục” bên cạnh các tác phẩm thơ của các sứ thần cùng thời với ông như “Hoa trình thi tập” của Đoàn Nguyễn Tuấn, “Hoàng hoa đồ phả” của Ngô Thời Nhậm, “Hoa trình tiêu khiển” của Nguyễn Đề, “Hoa nguyên thi thảo” của Lê Quang Định, “Thập anh đường thi tập” của Ngô Nhân Tĩnh…thì “Bắc hành tạp lục” được viết trong thời gian ngắn với số bài nhiều nhất. Chỉ trong vòng một năm, từ tháng 3 năm Quý Dậu ghi dấu sứ bộ lên đường từ Phú Xuân, đến tháng 3 năm Giáp Tuất, về đến cửa khẩu Nam Quan, cùng với việc hoàn thành xuất sắc vai trò chánh sứ, ông còn có 132 bài thơ, trong đó có tới 18 bài trường thiên, theo các thể ca và hành (30 đến 50 câu). Điều ấy đủ nói lên cảm xúc phong phú tràn đầy, dồn nén khi được phát lộ. Thể thơ luật thất ngôn bát cú, tứ tuyệt đã không còn đủ sức bao chở, phải cần đến các thể thơ khác phóng khoáng hơn để diễn đạt. “Có thể nói đây là khoảng thời gian mà ngòi bút trác việt và cảm xúc thơ Nguyễn Du bùng lên mạnh mẽ nhất” (Vương Trọng).

Nét nổi bật khác ở tập thơ này, như đã nói, trong suốt thời gian lộ trình, Nguyễn Du không hề nói đến công chuyện đi sứ, không đề cập đến vấn đề xã giao thù tiếp của Triều đình và quan lại địa phương, cũng không thấy bộc lộ tâm trạng vui vẻ hay muộn phiền với công việc của người chánh sứ. Phần đa là những trang thơ thế sự, về con người và cuộc sống phương Bắc. Ngay trong những bài tức cảnh hay vịnh sử cũng luôn sáng lên triết lý nhân sinh và ấm nóng hơi thở cuộc sống nhân quần.

Có thể trong suốt chuyến đi, nhà thơ vẫn có những bài thù tạc, nhưng trong “Bắc hành tạp lục” dạng thơ này hoàn toàn vắng bóng. Cũng có thể định hướng thi ca đã có chuyển đổi. Cái nhìn mới và cảm xúc nghệ thuật đã hướng ngòi bút tác giả sáng các vấn đề thiết yếu và rộng lớn hơn. “Bắc hành tạp lục” hàm chứa nội dung sâu sắc, phản ánh nhiều góc cạnh tâm hồn Nguyễn Du. Ở đây chỉ đề cập một vài khía cạnh nổi bật.

1- Những suy tư trăn trở của Nguyễn Du về thân phận con người, trong mối tương quan xã hội, và những hiện tượng lịch sử văn hoá.

Thơ chữ Nôm như “Truyện Kiều”, “Văn tế thập loại chúng sinh”, nhuần thấm tâm sự Nguyễn Du, phải thông qua số phận các nhân vật, thông qua các hiện tượng nghệ thuật để bày tỏ. Thơ chữ Hán có điều kiện phản ánh tâm sự tác giả trước biến cố cuộc sống trực diện hơn.

Xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, Nguyễn Du được ảnh hưởng nhiều từ nền văn hoá Trung Hoa thông qua các sách kinh, truyện, sử, tử. Các triều đại Tam Hoàng Ngũ đế, tư tưởng Khổng, Mạnh, Lão, Trang mà chế độ phong kiến coi là lý tưởng; những nhà văn hoá, anh hùng nghĩa sĩ, tiêu biểu tính cách Trung Hoa như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Kinh Kha, Dự Nhượng…từng gieo vào ông ấn tượng sâu sắc. Lần này, trong lộ trình sứ bộ, con mắt của vị Cần Chánh Điện đại học sỹ có điều kiện để mục sở thị những di tích con người từng suy tư chiêm nghiệm để có thêm nhận thức và xúc cảm mới.

Nguyễn Du kính trọng Khuất Nguyên, người viết Ly Tao được coi là kế tiếp Quốc Phong của Kinh Thi. Ông xót thương tấm lòng cô trung, hết lòng với nước, bị biếm xa Tổ quốc 3 năm trong khôn xiết đau buồn. Giữa một xã hội nhiễu nhương “Chúng nhân giai tuý ngã độc tỉnh” (Người người đều say riêng mình tỉnh), mặt đất nơi nơi là sông Mịch La đầy sói lang cạm bẫy, ông thương Khuất Nguyên không biết gửi tấm lòng trung nghĩa vào đâu. “Tứ phương hà xứ thác cô trung”. Nhìn đám hội đua thuyền trên sông Nguyên Tương mịt mù khói sóng, ông chua xót thấy người đời gần đây thích trang phục lạ. Họ cũng đeo hoa tiêu, hoa lan trong ngày Đoan ngọ mà chẳng giống Khuất Nguyên chút nào. Có lẽ trong ông dấy lên niềm trăn trở: Sự thực đó nói lên điều gì, thói đời hay luỵ tục?
Cận thời mỗi hảo vi kỳ phục
Sở bội tiêu lan cánh bất đồng
Với Đỗ Phủ, bậc “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư” (Văn chương để muôn đời, người thầy của muôn đời). Ông bày tỏ nỗi niềm hậu thế, thương mà chỉ biết rơi nước mắt. Ông trăn trở trước nỗi cùng quẫn của bậc Thánh thi “Nhất cùng tri thử khởi công thi” (cùng quẫn đến thế có phải vì giỏi thơ), chẳng đành lòng nghe các con trai gái Đỗ Phủ rên khóc vì đói cơm. Nhà thơ treo trước nhân gian một tiêu đề nhức nhói, không chỉ cho quá khứ mà cả hiện tại và tương lai, cho bao thế hệ thi sĩ chân chính. “Văn chương quang diệm thành hà dụng” (Văn chương ngời sáng dùng được việc gì). Trong bài Lỗ Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ, có một chi tiết cảm động. Đương thời nhà thơ Đỗ Phủ mắc nhiều bệnh: tê bì, nhĩ minh (tê liệt, tai điếc), không thấy nói đến bệnh lắc đầu. Có lẽ đồng thanh tương ứng, đồng bệnh tương lân, Nguyễn Du đưa ra một câu hỏi mà như một cách bóng gió:
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị?
(Chứng lắc đầu đã khỏi được chưa?)

Hai ông già, hai thi sĩ dị hương dị đại sống cách nhau nghìn năm, trò chuyện hỏi han những lời chân tình thân thiết. Phải chăng đó là những trái tim lớn mang khổ đau và tình yêu thương lớn. Hiểu và cảm phục Đỗ Phủ, ông luôn tin vào tài năng và nhân cách bậc tiền bối, ở đâu lúc nào cũng giữ được tình yêu rộng lớn và tấm lòng trung “Địa hạ vô linh quý bối xi” (Dưới đất đừng để cho lũ ma quỷ cười mình).

Với các bậc trung thần nghĩa sĩ khác, Nguyễn Du hết lòng ca ngợi tấm gương vị nghĩa quên thân. Đến sông Dịch Thuỷ, nhìn dòng nước lạnh từ xưa vẫn chảy hoài, làng cũ Kinh Kha chỉ còn cỏ gai rậm rạp, nhà thơ day dứt ý nghĩa sự sống, giá trị của hành động anh hùng:
Mạc đạo chuỷ thủ canh vô tế
Yết can trảm mộc vi tiên thanh
(Chớ bảo mũi dao nhọn chẳng ích gì, nó mở đầu cho việc chặt cây làm cán cờ khởi nghĩa). Cái chết của Kinh Kha thức tỉnh và gieo mầm cho sự quật khởi lật nhào chế độ tàn bạo của Tần Thuỷ Hoàng. Cũng như vậy, với Liễu Hạ Huệ (người nước Lỗ thời Xuân Thu) bậc sỹ sư danh tiết lấy đạo ngay thẳng thờ vua ba lần bị truất vẫn giữ lòng trung vì nước. Sau nghìn năm vùi trong cỏ hoang, bia đá đã tàn, chữ đã mờ nhưng danh thơm, dấu cũ không mất. Ta chứng kiến trong thơ Nguyễn Du một động tác đầy ấn tượng của kẻ sỹ gặp nhau. Nguyễn Du đã xuống xe trân trọng bày tỏ niềm kính phục:
Bi tàn một tự mai hoang thảo
Thiên cổ văn phong nhất há xa

Trên lộ trình sứ bộ, những điều tai nghe mắt thấy không giống những gì Nguyễn Du thường tưởng tượng. Xã hội phong kiến đời Thanh ngỡ như bình trị, nhưng là một xã hội đầy ngang trái, đói rét, giặc giã, thiên tai. Số phận con người thật mong manh bị đẩy đến cùng cực. Hãy xem cảnh binh lửa nhao nhác suốt một vùng Hà Nam, Sơn Đông, Trực Lệ: “Đầy thành gió Tây thổi mùi máu tanh, bụi cuốn che cả mặt trời, nước sông Hoàng Hà dâng cao, năm ngày không có ăn phải đậu thuyền ngoài bãi” (Trở binh hành).

Trong “Bắc hành tạp lục”, hai lần Nguyễn Du viết về thân phận người mại ca, cả hai đều thấm đượm nỗi đau nhân thế. Ông xót cho cô Cầm người đẹp đất Thăng Long một thời “Áo hồng cũng mờ nhạt vì gương mặt hoa đào”. “Các quan Tây Sơn trong tiệc thấy đều nghiêng ngả, tả hữu tiền bạc gieo thưởng như đất bùn”. Hai mươi năm chiến tranh tao loạn vật vã mưu sinh, ngày gặp lại chỉ còn hình bóng xác ve một đời ca kỹ. Còn ông xẩm già hát rong ở phủ Thái Bình (Hồ Nam) hát để xin ăn “Căng hết tâm lực gần một trống canh, bọt mép sùi ra tay mỏi rạc” mà vẫn chỉ được năm sáu đồng tiền, khi được dắt ra khỏi thuyền còn quay lại nói lời chúc phúc. Hai người nghệ sỹ, hai phương trời, cùng khéo léo tài hoa, và cùng tử tế thì số phận hẩm hiu cùng cực. Tác giả nghẹn ngào “Ngã xạ kiến chi bi thả tân” (Ta chợt thấy vừa buồn đau vừa chua xót). Tình cảm của Nguyễn Du vượt qua ranh giới dân tộc. Đó là tình con người, tình nhân loại.

Ở một hoàn cảnh khác, Nguyễn Du không cầm lòng đậu trước cảnh bốn mẹ con người đàn bà nhà quê, gặp buổi hung niên phải bỏ làng phiêu bạt kiếm ăn. Những đứa trẻ đói khát rách rưới, nhếch nhác sợ sệt vẫn đang trong lứa tuổi vui đùa, chưa thấu hiểu hết nỗi đau người mẹ. Tình cảnh một người làm thuê kiệt sức không nuôi nổi bốn miệng ăn, thấy trước mắt cái lúc bỏ xác bên ngòi rãnh, máu thịt quăng cho lũ sói cầy “Mẹ chết không tiếc nhưng nhìn con mà đứt ruột”, Nguyễn Du muốn vạch trời kêu đến chín tầng cao. Bài thơ như một bức tranh tố cáo, lại như một hồi chuông thức tỉnh….

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này