Thứ trưởng Tạ Quang Đông làm việc với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các Hội văn học nghệ thuật Trung ương
- Written by Thiều Quang
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nội dung chủ đạo của Nghị quyết thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. "Cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là cụm từ được BCH Trung ương thống nhất cao - thể hiện xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết và phải được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và đã được triển khai rất mạnh mẽ thời gian qua.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm chính trị cao nhất, chiều 10/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 21 (Hội nghị mở rộng). Thứ trưởng Tạ Quang Đông - Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ Bộ VHTTDL dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với chủ trương "phải làm tốt công tác tư tưởng trong các đơn vị, làm sao để có được sự đồng thuận của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị trong quá trình sáp nhập, sắp xếp, tinh gọn bộ máy", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh làm công việc gì cũng phải có sự đoàn kết thống nhất, chung một ý chí mới có thể thực hiện thuận lợi, ngay sau Hội nghị, cũng trong chiều ngày 10/12, Thứ trưởng đã có buổi làm việc với các Hội VHNT TW và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật để đánh giá mô hình và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật. Bộ Văn hóa- Thể Thao và Du lịch triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW là công tác không chỉ riêng với đơn cử Trung tâm Hỗ trợ hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật mà tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả trên toàn hệ thống, đối với tất cả các đơn vị và quán triệt xuống từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị thuộc Bộ để tất cả các thành viên đều nắm rõ chủ trương, tinh thần của Trung ương và từ đó có sự đoàn kết, thống nhất, cùng xây dựng, để đơn vị đạt được chỉ tiêu, tính hiệu quả sau khi tiến hành sắp xếp lại.
Tại Hội nghị với các Hội Văn học nghệ thuật và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật với sự chủ trì của Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng đại diện của Vụ Tổ chức, Cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính, tất cả các ý kiến đều được trình bày rất tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển chung của ngành văn hóa cũng như rất thiết thực trong việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy đặc thù chuyên môn của các Hội khác nhau như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam… nhưng ý kiến tại Hội nghị có một điểm chung được trình bày đó là tất cả đều hàm chứa 3 nội dung chính. Trước hết, đại diện các Hội đều bày tỏ cảm ơn tới lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã quan tâm tạo điệu kiện cho văn nghệ sỹ được tham dự Trại sáng tác thường niên, các Hội đều mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp đến, các Hội trình bày sự cần thiết tiếp tục duy trì việc quan tâm của Nhà nước, của Bộ VHTTDL tới văn nghệ sỹ thông qua hoạt động hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và một số đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa mà Đang và Nhà nước đang quyết tâm tiến hành.
Việc Hỗ trợ sắp xếp bố trí Trại dẫu thời gian không được dài như nguyện vọng song lại rất cần thiết cho văn nghệ sỹ. Bởi lẽ, ý tưởng sáng tạo luôn nung nấu và tiềm tàng trong tâm trí trong người nghệ sỹ nhưng để thoát ra khỏi sức ỳ khi đời sống thường nhật đối diện “cơm, áo, gạo, tiền”, để tập trung vào sáng tác, người họa sỹ cầm cây cọ hay Nhà văn cầm cây bút hay ngồi trước bàn phím máy tính để viết lên cảm xúc sáng tạo của mình thì luôn cần có cú hích và đó chính là một không gian, là môi trường mà những người “làm nghề” bên nhau, chia sẻ nguồn cảm hứng, kinh nghiệm để cho ra đời những tác phẩm của mình. Đặc biệt là Văn học, khởi đầu và kết thúc một tác phẩm, nhà văn rất cần có khoảng thời gian tĩnh lặng để “chuốt” lại. Sau thời gian dự Trại, rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại hình văn học nghệ thuật có chất lượng cao, được dàn dựng, xuất bản, phổ biến, lan tỏa, phục vụ tích cực đời sống tình thần của công chúng. Đối với Hội Điện ảnh Việt Nam, trong những năm qua 48% kịch bản được sáng tác trong các Trại sáng tác thuộc Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã được dàn dựng, đưa vào sản xuất- tỷ lệ này cao hơn hẳn so với 26% của 5 năm trước đó
Tại Hội nghị, các Hội cũng nêu nhiều đề xuất rất thiết thực, có tính chất thời sự, phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghiệp sáng tạo.. Đặc biệt, đối với lĩnh vực phim truyện, Hội Điện ảnh Việt Nam đề xuất cần quan tâm tăng thời lượng dự trại mới có thêm điều kiện để xây dựng và hoàn thành kịch bản tốt. Bên cạnh đó, việc dự trại là rất cần thiết đối với không chỉ các tác giả kịch bản mà đối với văn nghệ sỹ nói chung để đảm bảo tính thông điệp của từng kịch bản, từng vở diễn qua đó, tính giáo dục, đính tư tưởng đặc biệt là tính chính trị được quán triệt xuyên suốt. Đối với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tưởng những tác phẩm kiến trúc, thiết kế nên những công trình hiện đại hay những khu đô thì được thiết kế nơi tiện nghi, sầm uất và đông đúc nhưng thực tiễn, nó đã được thai nghén và cho ra đời ở nơi rất khiêm tốn, dung dị, gần gũi – Nhà sáng tác của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có thể nói, các Nhà sáng tác được Bộ đầu tư vừa phải, khiêm tốn từ trang thiết bị tới nội thất đã triển khai thực hiện nhiệm vụ không hề lãng phí mà đem lại một hiệu quả rất cao. Có đề xuất cho rằng, mỗi địa phương nơi các Nhà sáng tác định đô có thể liên kết với hoạt động của các Trại để tổ chức các hoạt động văn hóa có lợi cho địa phương như hoạt động trưng bày, lưu trú sáng tạo… tiến tới mở rộng giao lưu có yếu tố nước ngoài. Theo chia sẻ trong Hội nghị của chuyên gia, mô hình hỗ trợ cho văn nghệ sỹ trong hoạt động sáng tạo cũng được nhiều nước quan tâm như Pháp, Anh và một số nước trong khu vực quan tâm, đầu tư.
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện chủ trương chung của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị. Công tác tinh gọn đòi hỏi thiết thực, cấp bách mang tính tất yếu khách quan để bộ máy hệ thống vận hành hiệu lực, hiệu quả. Là đơn vị sự nghiệp- Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã có 45 năm hoạt động mang sứ mệnh là cầu nối giữa Nhà nước, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam mà dưới đó là đội ngũ văn nghệ sỹ thuộc các chuyên ngành văn học nghệ thuật trên toàn quốc. Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, giữ vững chức năng là cánh tay nối dài của Bộ tới văn nghệ sỹ, phát huy hơn nữa những thế mạnh về vị trí địa lý và chức năng nhiệm vụ để Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật trở thành những Trung tâm không gian sáng tạo cần ưu tiên, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, cần được quan tâm hơn nữa để góp phần trong công cuộc chấn hưng văn hóa.