Bế mạc trại sáng tác âm nhạc 2020 tại Đà Lạt
- Written by Minh Phương
Ngày 18/12/2020, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Âm nhạc 2020.
Dự buổi bế mạc Trại có đại diện Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Lâm Đồng; đại diện Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng; ông Võ Văn Quốc Bình – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt; các phóng viên Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lâm Đồng…
Đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; NSƯT, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan – Ủy viên ban Thường vụ; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ, nghệ sĩ của tỉnh Lâm Đồng cùng 62 hội viên tham dự trại sáng tác và lớp tập huấn chuyên môn “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc”.
Qua 15 ngày miệt mài tư duy sáng tạo, tham quan tìm hiểu về thiên nhiên, con người Đà Lạt, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều thể loại Romane, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và nhiều ca khúc dành tặng cho miền cao xanh xứ lạnh mộng mơ Đà Lạt.
Phát biểu bế mạc, NSƯT Đình Nghĩ - Trưởng Trại sáng tác đã nhấn mạnh: “Mỗi nhạc sĩ, mỗi thành viên đã dốc hết tinh thần trí lực cho trại viết. Nét đẹp văn hóa ấy cùng chung một hướng nhưng giữa đại ngàn thanh âm dưới vòm trời thơ nhạc từng giai từ, tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc của mỗi nhạc sĩ lại khác hẳn. Người thì tạo nên cung bậc bổng trầm xao xuyến, người thì lắng đọng vút bay, người thì ầm ào suối thác tạo nên một bức tranh đa sắc màu, đa âm thể, dâng tràn cảm xúc”.
Có thể kể các tác phẩm: Đà Lạt tình mơ (Nguyễn Vũ Hùng), Lạc (Trịnh Ngọc Tân), Đà Lạt nỗi nhớ mùa đông (Mạnh Trí), Nụ cười thơm hương, Đà Lạt không thu (Phan Tử Nho), Bình minh trên nương (Nguyễn Hữu Phước), Em đã về chưa (Minh Châu), Nha Trang nhớ Đà Lạt mơ (Lê Minh Đạo), Chiều đông (Bùi Bá Quảng), Mùa đông (Cao Nguyên), Phố đào nguyên (Đình Nghĩ), Lời rao của biển (Xuân Huy), Biển gọi (Minh Thu), Chiều Đà Lạt không anh (Nguyễn Thanh Nghĩa), (Nguyễn Đức).
Nhạc sỹ, PGS.TS. Đỗ Hồng Quân đã biểu dương thành quả của Trại viết, ghi nhận những thành quả của các nhạc sĩ dự Trại, chỉ trong thời gian ngắn các nhạc sĩ đã cho ra đời các tác phẩm âm nhạc có chất lượng tốt, nội dung, đề tài phản ánh thực tế đời sống, văn hóa, con người Đà Lạt… với các cung bậc xúc cảm thăng hoa, mang tính nghệ thuật cao, khám phá những bút pháp thể hiện mới, với ngôn ngữ âm nhạc mới.
Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kết hợp tổ chức tập huấn chuyên môn “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc” cho 62 nhạc sĩ đến từ 12 chi hội của các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên và Hà Nội. Tại lớp tập huấn, các nhạc sĩ đã được các giảng viên là các GS, TS, các giảng viên âm nhạc, các nhạc sĩ có kinh nghiệm nghề nghiệp hướng dẫn và trao đổi về các đề tài: Tư duy khí nhạc trong thể loại ca khúc; Trao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc; Áp dụng các phần mềm soạn nhạc vào công việc sáng tác ca khúc; Thực thi luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả âm nhạc, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội viên; Giới thiệu về âm nhạc trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam; Trao đổi, hỏi đáp những vấn đề liên quan…
Đặc biệt trong 2 ngày 16 - 18/12, các nhạc sĩ đã được các giảng viên âm nhạc, đặc biệt là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hướng dẫn và trao đổi về các chuyên đề “Tư duy khí nhạc trong thể loại ca khúc”, làm sáng tỏ về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc, hình thức âm nhạc, thủ pháp nhắc lại (tái hiện); mối quan hệ giữa âm nhạc có lời và âm nhạc không có lời; đề cập đến các thành tố chính là giai điệu và ca từ (nhạc và lời) để tạo thành một bài hát, tư duy về mặt âm nhạc và gia công làm cho âm nhạc trở thành độc đáo, mới lạ, gần gũi chứa đựng nhiều nội dung; giai điệu hay, đẹp; tư duy khí nhạc, tính khí nhạc, tính giai điệu, lấy tiết tấu là chính và phát huy tiết tấu…Nhạc sĩ Đức Trịnh với “Trao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc”, phân tích ngôn ngữ thơ ứng với ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ hiện đại, vần điệu thơ, tiết tấu, đưa nhạc vào thơ. Từ đó sáng tạo ra những tác phẩm hay, mang tầm thời đại rung động lòng người, đi vào tâm thức của công chúng, có sức sống lâu bền với thời gian.
Kết thúc trại, Ban tổ chức đã nghiệm thu được 20 tác phẩm (11 Romance; 2 hòa tấu nhạc cụ dân tộc; 1 tam tấu cho Sáo, Violin Cello và Piano; 1 Prelude cho Piano; 1 Variation cho Piano và 4 ca khúc viết về Đà Lạt).