Nghiên cứu văn học của Nguyễn Đình Anh – Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An

Nghiên cứu văn học của Nguyễn Đình Anh – Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An – sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 3/2020

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TUYỂN TẬP VĂN HỌC NGƯỜI MIỀN NÚI

       Năm 2019, Nhân dịp Đại hội nhiệm kỳ III (2019 - 2024) Chi hội văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghê An phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An  đã ấn hành tuyển tập tác phẩm của các hội viên thuộc Chi hội văn học dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghệ An. Các tác phẩm trong tuyển tập được sáng tác trong khoảng thời gian từ 2014 đến năm 2019. Tuyển tập dày 230 trang, đã giới thiệu  tác phẩm văn học nghệ thuật của 13 tác giả. Gồm các nhà thơ, nhà văn: Vi Tân Hợi, Sầm Văn Bình, Phạm Mai Chiên, Vi Văn Chôông, Sầm Nga Di, Lang Quốc Khánh, Quán Vi Miên, Đinh Thanh Quang, Hoàng Cẩm Thạch, Phạm Minh Thư, Kha Thị Thường, Lương Viết Thoại và nhạc sỹ Lê Hoàng. 

        Đọc xong tuyển tập, người đọc sẽ phần nào hiểu được một cách sâu sắc, toàn diện về những đóng góp của các văn nghệ sỹ thuộc Chi hội Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại các huyện miền núi Nghệ An đối với nền văn học tỉnh nhà nói chung và Văn học viết về các dân tộc thiểu số Nghệ An nói riêng.

       Đây là một tuyển tập văn học đạt chất lượng cao về nội dung tư tưởng và về giá trị nghệ thuật. Mặc dù tuyển tập chỉ chọn những tác phẩm được anh chị em Hội viên các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghệ An viết trong khoảng thời gian ngắn từ năm 2014 đến 2019 nhưng nội dung được phản ánh trong tuyển tập khá phong phú: Có thể kể tới những nội dung, chủ đề chủ yếu sau đây:

        Chủ đề nổi bật dễ thấy đầu tiên trong các tác phẩm từ văn xuôi đến thơ ca âm nhạc trong tuyển tập là đã đề cao và khẳng định những giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An do cha ông để lại và khẳng định những nỗ lực của người miền núi hôm nay trong việc tiếp thu phát huy truyền thống tốt đẹp đó:

       Các tác phẩm của Sầm Văn Bình trong đó có “Xuống mường hạ giới” và “ Lai xắng chụ” là  những tác phẩm đã làm sống lại những giá trị tinh túy nhất  trong kho tàng văn hóa của người miền núi Nghệ An. Sầm Văn Bình khẳng định: “Xuống Mường hạ giới” là truyền thuyết sống của đồng bào Thái Nghệ An. Theo ông, mặc dù ông là người Thái Nghệ An, tới mãi gần chục năm trở lại đây ông  mới biết được truyền thuyết “Xuống mường hạ giới,” và huyền thoại “Khủn tưởng - Khủn tinh” là sử thi của đồng bào Thái vùng Tây bắc Nghệ An. Bản “Xuống Mường hạ giới” do Lô Vĩnh (Quỳ Hợp) là người đầu tiên tìm thấy. Nói tác phẩm này là của miền tây Nghệ An là vì “Xuống mường hạ giới” có độ dài 645 câu, viết  theo thể văn vần truyền thống của người Thái Nghệ An. Sử thi ngoài chuyện nhắc đến sự hình thành trời đất còn nhắc đến lịch sử có diễn tả quá trình thiên di đi tìm các mường, các vùng đất mới của Tạo Lò trong đó có vùng đất miền Tây Nghệ An. Còn “Lai Xăng Chụ” (Tiễn dặn người yêu) là lời hẹn ước của lứa đôi yêu nhau nhưng gặp điều trắc trở phải điêu linh trong gần suốt cuộc đời; Là truyện thơ khuyết danh của dân tộc Thái dài 1851 câu được phát hiện đầu tiên năm 1957 tại Nghệ An. Là tác phẩm duy nhất của văn học của Người Thái Việt Nam và cũng là  tác phẩm duy nhất trực tiếp thể hiện và ca ngợi những con người quần chúng bình dị. Được ví như là truyện Kiều của người Thái. Với đồng bào Thái Nghệ An, từ bao đời nay “Lai xắng chụ” vừa là lời hát ca ngợi tình yêu, vừa là lời tự răn đối  với người Thái ở mọi lứa tuổi và chừng nào đồng bào Thái còn giữ niềm ước mơ đói với những điều cao đẹp trong cuộc sống thì trong sinh hoạt hàng ngày của họ ta vẩn mãi nghe thấy những lời nhắn nhủ “Đừng quên, chớ quên” của “Lai xắng chụ”.

        Cùng với việc khẳng định nền nền văn hóa có từ lâu đời của các dân tộc thiểu số miền tây Nghệ An, các tác phẩm trong tuyển tập còn làm hiện dậy những phong tục tập quán và những nét sinh hoạt gắn bó mật thiết với rừng xanh với đại ngàn của họ. Nét riêng đó đã được thể hiện rõ trong các tác phẩm văn xuôi của Vi Văn Chuôông. Vi Văn Chôông là tác giả trẻ nhất của Chi hội văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghệ An. Trong truyện ngắn “Khánh bạc leng keng” ngoài việc cho người đọc chứng kiến thủ tục trao khánh bạc một kỷ vật thiêng liêng giữa những người đang yêu với nhau, tác giả còn cho người đọc chứng kiến những cảnh tượng sinh động và những cuộc đôi co sống còn giữa con người và thú dữ trong hoạt động săn bắn thú rừng của đồng bào các dân tộc: “Những loài sống ở rừng là kẻ dấu mặt tài tình. Ta phải biết quan sát và thật hiểu rừng thì mới nhận ra được chúng .... Rừng vẩn bình yên chở che những điều bí mật. Rồi con Hổ bất thần xuất hiện. Cảm tưởng như là nó vừa ở dưới lòng đất chui lên. Sau này mới biết nó là Hổ cái. Nó tiến đến bên xác con trâu ngó nghiêng hồi lâu rồi thản nhiên dứt thịt ăn ngon lành. Nó không hay biết thần chết đã chực sẵn chờ nó đến”.

        Hoặc đoạn tác giả kể lại cuộc đối thoại giữa cô gái và chàng trai mình yêu trước khi chàng lên đường: “Nàng bảo hay anh đừng lên rừng đi săn nữa nhé. Chỉ một tuần trăng thôi mà. Rồi lại về thôi. Con ma rừng không vật nổi anh đâu. Tôi nói mắt tôi hướng về con đập nước cuối dòng. Vừa qua cơn mưa, nước thượng nguồn đổ về tràn qua đập ào ào suốt ngày đêm. Nàng lấy tay bịt miệng tôi. Anh không được nói gở. Mong sao các ngài không nói gì mà xá tội cho anh. Tôi chỉ cười và nhấc gùi nước lên vai cho nàng rồi cùng đi về làng. Năm nay lúa chín sớm. Từ ngày lễ cơm mới tôi đã phải về ở nhà nàng. Ra tết khi đủ tiền cưới nàng mới thực sự thuộc về tôi. Mẹ tôi cũng đang đợi ngày mình có con dâu. Tôi nhắc lại, chiều nay anh lên rừng với lão Coóng đấy.. Nhưng tối qua em mơ nhiều quá à. Ngừng một lúc lâu nàng tiếp lời: Em mơ hai đứa mình biến thành một thứ tiếng vang nghe đến chói tai như cái khánh bạc vậy. Rồi cả hai đứa bay lên. Em kêu mãi vẩn không dừng lại được. Tôi đáp lại đã ngủ nhiều thì mơ nhiều chứ sao...Phát đạn hất tung con vật ra xa. Nó ngã vắt người lên khối đá. Vì thế nó không ngã lăn xuống dốc như ý muốn của tôi. Tôi rút con dao rừng thận trọng đi lên chỗ con vượn. Bây giờ tôi đã nhìn rõ nó hơn. Con Vượn cao gần mét rưỡi. Một tay như vẩn nắm chặt một vật gì đó. Máu từ trên ức nó trào ra như xối. Một lúc sau nó gượng đứng dậy uể oải nhìn tôi. Hòn đá vẩn cầm chắc trên tay. Cuối cùng nó cũng vung tay lên chuẩn bị rút tất cả nỗi căm phẫn xuống đầu kẻ vừa bắn mình. Bàn tay nó rung rung...Bên tai tôi chợt vang lên một thứ âm thanh kỳ quái. Tiếng va của kim loại. Và tôi điếng người như thể vừa có luồng điện từ bàn tay con Vượn truyền dọc sống lưng tôi. Tiếng kêu của chiếc khánh bạc. Con Vượn vẩn bình thản nhìn tôi. Chiếc vòng bạc nằm gọn trong tay nó lắc lắc. Leng ...keng ...leng keng..”.

        Đọc các đoạn trích trên  người đọc cảm thấy cái chết và tiếng leng keng của chiếc vòng bạc trong tay con Vượn vang lên trước khi nó tắt thở được miêu tả trong tác phẩm là một hình ảnh đầy ám ảnh đối với người đọc, buộc người đọc không thể không liên tưởng đến nhiều điều kinh khủng đã xẩy ra. Kể cả việc cái chết đó không phải là cái chết của một con thú rừng mà là cái chết của một con người. Con người đó có thể là cha đẻ của chàng trai đã mất hút biền biệt trong nhiều năm qua chưa tìm thấy. Có thể là cái chết của một con gấu cái trước lúc chết không chịu buông tha vật kỷ niệm giống như con người. Nhưng có là cái chết của người hay thú thì chúng ta cũng nhận ra đựơc cái thông điệp đặc biệt mà nhà văn gửi gấm trong đó. 

        Ở một phương diện khác, các tác phẩm “Bà mo”, “ Ông Toòng” của Quán Vi Miên ngoài việc đã đề cập tương đối đầy đủ các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số của miền Tây Nghệ An; Truyện của Quán Vi Miên còn chỉ ra những thủ tục lạc hậu của các dân tộc miền núi cần được xóa bỏ. Tác phẩm văn chương và sự nghiệp giáo dục mà Quan Vi Miên theo đuổi trong cả cuộc đời cũng đều nhằm mục đích đó. 

      Cùng với việc loại bỏ các tập tục mang tính mê tín dị đoạn, các tác phẩm trong tuyển tập “Người miền núi” còn khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của cha ông hiện đang được các thế hệ nối tiếp tiếp thu và phát huy.  

        Trong các truyện ngắn “Vượt dốc”, “Những bông hoa trên đỉnh núi”, nhà văn Đinh Thanh Quang đã ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người miền núi trong cả tiến trình lịch sử và trong công cuộc chống Pháp trước đây đó là các phẩm chất, thủy chung, đoàn kết, yêu nước .. các truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy đang được các thế hệ nối tiếp tiếp thu và tô đẹp thêm. Chúng ta đã được bắt gặp hình ảnh Hìa một thiếu nữ xinh đẹp vượt qua sự lừa lọc xảo trá của gã lái buôn có tên là Tùng để cưới thầy giáo Min, một thầy giáo hiền lành bị Tùng vu oan cho là kẻ trộm ngựa của gia đình Hìa trong “Bông hoa trên núi” và hình ảnh Cường một cán bộ điều tra khảo sát đã vượt dốc tình huyền thoại đi khảo sát địa hình để cho đơn vị giao thông mở con đường gần nhất giúp nông dân vận chuyển nông sản ra trung tâm của huyện được dễ dàng có cơ may được gặp và yêu cô giáo Lan trong truyện ngắn “Vượt dốc”. Theo lưu truyền đỉnh dốc đó có một ngọn núi cao soi mình bên một cái hồ nên thơ xinh đẹp, đấu tích và biểu tượng của một tình yêu đẹp không lấy được nhau đã biến thành núi soi bên hồ để thể hiện tình yêu trong trắng cao thượng của đôi thanh niên nam nữ không lấy được nhau vì cô gái bị gia đình ép gã cho một gã quan Mường nên cô gái phải bỏ trốn. Người được cô yêu là một chàng trai khác nhà nghèo. Sau khi cô gái chạy trốn cuộc hôn nhân bị ép buộc, chàng trai nhà nghèo mà cô gái yêu đó đã phải đi qua muôn đèo muôn dốc đề kiềm tìm người yêu của mình. Cuối cùng họ đã gặp nhau ở cái dốc cao nhất trong muôn trùng dãy núi. Hai người đã hóa thành ngọn núi và khu hồ đẹp nằm sát nhau, soi mình bên nhau và người đời đã gọi cái dốc đó là dốc tình;  ghi dấu một mối tình đẹp bi thương. Truyện ngắn “Vượt dốc” là những hình ảnh đẹp ngợi ca những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của người miền núi về lòng thủy chung về đức hy sinh. “Vượt dốc” như một chứng chỉ để nói lên rằng: Những phẩm chất tốt đẹp của cha ông đang được các thế hệ tiếp nói và gìn giữ tô đẹp thêm. Theo hướng đó nhà văn Lương Viết Thoại trong truyện ngắn “Con là ánh sáng” lại ngợi ca tình bạn, tình thầy trò và đạo lý tốt đẹp của người miền núí. Truyện ngắn “Chú bé con ong rừng” là một câu chuyện có bố cục rành mạch, rõ ràng ngắn gọn ngợi ca sự trung thực của con người miền Tây Nghệ An của nhà văn Lương Viết Toại. Cùng với việc khẳng định lại những giá trị văn hóa truyền thống và nổ lực kế tục phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

        Đặc biệt bút ký “Lương tuyển nhạc sỹ của bản mường của Lang Quốc Khánh” đã ngợi ca nhạc sỹ Lương Tuyển là người có công “Thổi hồn phong tục tập quán dân tộc mình vào ca từ những bài hát”, để “Các lễ hội ấy được bảo tồn gìn giữ là những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc Thái miền Tây Nghệ An ...” Cho nên “.. những câu hát của Lương Tuyển có cơ hội tồn tại và phát triển. Những bài hát của Lương Tuyển được ghi thành đĩa VCD đo Đài PTTH Nghệ An ấn hành gửi về các huyện miền núi được bà con trân trọng đón nhận như: Hội cầu mùa, Hị xẳng khản, Mùa xuân về xến bản, xến mường ..”. 

     Ngược lại việc bài trừ các phong tục mang tính mê tín dị đoan cũng đã đực thể hiện một cách mạnh mẽ trong các tác phẩm của La Quán Miên và của Kha Thị Thường. 

       Chủ đề thứ hai in khá đậm trong các tác phẩm của tuyển tập “ Người miền núi’ là chủ đề phản ánh nỗi đau sau chiến tranh của của chính mình và của dân tộc mình.

       Thông qua việc đến thăm một thương binh nặng do chính tác giả đảm nhận việc nuôi dưỡng, Vi Tân Hợi đã có bút ký “Mùa xuân người cầm súng” gây xúc động lớn cho người đọc. Qua lời kể của anh thương binh nặng bị bom Mỹ cướp đi cả hai chân.Người đọc như được trở lại với những trận chiến đấu ác liệt, gian khổ vào dịp giáp tết của một đơn vị tình nguyện Việt Nam trên đất Lào. Trận tiến công được chuẩn bị và diễn ra trong rừng Lào trong bối cảnh trước giờ xung trận anh em chiến sỹ tình nguyện Việt Nam tại Lào mở ra đi ô ra đã nhận được  bài hát phát trên Đài tiếng nói Việt Nam “Mùa xuân người cầm súng” do nghệ sỹ Thanh Hoa trình bày. Bài hát đã trở thành lời thôi thúc cỗ vũ tạo thêm sức mạnh cho người lính trước gì ra trận. Sau trận đánh đó một số đồng đội của anh đã hy sinh và bản thân anh bị thương nặng. Nay mỗi dịp xuân về khi nhà văn Vi Tân Hợi đến thăm người thương binh lấy lại rộn rực nhớ lại bài hát đó, nhớ tới nỗi đau thương mất mát của đồng đội và nhớ tới những ngày oanh liệt ở chiến trận nhất là những ngày sát tết âm lịch khi mà anh và đồng đội anh đang tràn ngập sức xuân của tuổi trẻ.

    Đó còn là những hình ảnh cảm động về tinh thần vượt qua mọi gian khó của đội quy tập liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại Lào  trong bút ký “ Lính thời bình ở Tây Trường Sơn” của Lang Quốc  Khánh.

       Tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn được giới thiệu trong “Người miền núi”  đã góp phần làm cho kho tàng các tác phẩm văn chương ở Nghệ An viết về đề tài chiến tranh cách mạng,viết về nỗi đau sau chiến tranh  đậm nét và sâu sắc hơn.          

      Chủ đề thứ ba được nhiều nhà văn nhà thơ trong tuyển tập hướng đến phản ánh là công cuộc xây dựng cuộc sống mới con người mới và sự đổi thay nhanh chóng về kinh tế xã hội của của các huyện miền núi Nghệ An. Một loạt bút ký của Vi Tân hợi đã thành công trong việc phản anh chủ đề này. Với “Mặt trời mọc trên cổng trời Mường Lống” Vi Tân Hợi muốn ngợi ca những đổi thay về kính tế xã hội nhất là việc người dân đã bỏ trồng cây thuốc phiện đưa vào Mường Lống những cây trồng vật nuôi khác góp phần làm cho đời sống của người dân nơi đây an yên hạnh phúc hơn, bản mường giàu đẹp hơn. Các bút ký và ghi chép còn lại của Vi Tân Hợi như: Tam Thái ngày cuối thu, Chả lâng mùa quả ngọt đều có nội dung ngợi ca sự đổi đời của các bản làng miền núi và khẳng định chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Chính phủ là một chủ trương đúng đắn hiện đã đem lại nhiều đổi thay cho các huyện miền núi Nghệ An trong đó có các bản làng của hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

         Cùng với Vi Tân Hợi, Nhà văn Minh Thư đã có ba bút ký phản ánh một cách trung thực những đổi thay của các xã của riêng huyện miền núi cao sát biên giới Kỳ Sơn. Đó là các bút ký: Tiếng hú giữa đại ngàn, Xứ sở đệ nhất Đinh hương, “Vàng” trên mù mây. Nghệ sỹ - Nhạc sỹ Lê Hoàng có bản nhạc “Điệu thương trên triền núi”; Nhà thơ Cẩm Thạch có các bài thơ: Đất trời Tương Dương, Non nước Quỳ Châu... Nhà thơ Mai Chiên có các bài thơ: Năm khúc nằm nghiêng chiều, Tóc xanh gối trên cỏ rối, Vùng cao và ... những bài thơ Phạm Mai Chiên sau khi đã chuyển về sống hẳn ở Vinh.

      Ngoài những chủ đề nổi bật đã nêu ở trên tuyển tập “Người miền núi” còn phản ánh rõ nét thêm về bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và hai nước Lào, Thái Lan. Bút ký Người về Sấm Nứa của Lang Quốc Khánh đã ghi lại chuyến viếng thăm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An tới tỉnh Hủa Phăn nhằm thắt chặt thêm tình hữu nghị đặc biệt của hai tỉnh. Bút ký Về bản Mảy của Lang Quốc Khánh ghi lại chuyến viếng thăm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An tới Thái Lan. Đặc biệt trong chuyến viếng thăm đó lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đến thăm bản Mảy nơi trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng. Chuyến đi nhằm tri ân những gia đình và nhân dân ở Bản Mảy, những chủ nhân và vùng đất đã chở che cho Hồ Chủ tịch trong những năm tháng ngặt nghèo nhất trong quảng đời hoạt động cách mạng của Người và xây dựng kế hoạch giữa hai tỉnh Nghệ An và Na Khon pa Nôm trong việc phát triển văn hóa, giáo dục và du lịch.

          Điều đáng mừng là các tác giả có tác phẩm thuộc các thể loại bút ký, truyện ngắn, thơ được đưa vào tuyển tập đều đã chọn những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Chúng ta bắt gặp các tác giả có sở trường và đã thành công trên văn đàn về thể bút ký như Lang Quốc Khánh, Vi Tân Hợi, Phạm Minh Thư. Có lối viết truyện ngắn có bố cục gọn gàng mạch lạc được dồn nén và lối diện đạt cùng ngôn ngữ giàu suy tưởng, chứa đựng ý nghĩa sâu xa như Kha Thị Thường, Vi Văn Chuôông, Lương Viết Thoại. Và có những bài thơ có thể nghiệm sự đổi mới phương diện biểu đạt như thơ của Phạm Mai Chiên.

       Có thể nói “Người miền núi” là một tuyển tập văn học có chất lượng góp phần làm giàu cho kho tàng văn học miền núi hiện đại nói riêng, văn học hiện đại Nghệ An và Việt Nam nói chung. Một tuyển tập cả văn xuôi và thơ đã hé lộ sự đổi mới trong phương pháp sáng tác.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này