TRẠI SÁNG TÁC YÊN BÁI TẠI NHA TRANG - Bút ký của Hiền Lương – Hội văn học nghệ thuật Yên Bái

Bút ký của Hiền Lương – Hội văn học nghệ thuật Yên Bái – Sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 5/2020

TRẠI SÁNG TÁC YÊN BÁI TẠI NHA TRANG

Ngay sau ngày nới lỏng giãn cách xã hội, phòng chống đại dịch covid- 19, đoàn văn nghệ sỹ Yên Bái dự Trại sáng tác VHNT Yên Bái tại Nhà sáng tác Nha Trang, đã khẩn trương lên đường. Tham gia Trại lần này có 15 tác giả, gồm 8 tác giả chuyên ngành văn học, văn hóa dân gian, 4 tác giả nhiếp ảnh, 2 tác giả mĩ thuật, 1 tác giả âm nhạc.

Ngày 4/5 tới Nha Trang, 5/5 tổ chức khai mạc Trại. Từ 6/5 các tác giả đã khẩn trương bắt tay vào hoàn thiện các bản thảo và thực tế sáng tác. Qua 15 ngày dự Trại, các văn nghệ sỹ đã hoàn thành 7 tập bản thảo văn học, văn hóa dân gian, trong đó có 4 tập văn xuối, 2 tập thơ, 1 tập sưu tầm văn học dân gian; 4 bộ ảnh nghệ thuật, gồm 21 ảnh; 8 tranh chất liệu màu nước trên giấy gió và tranh Acrylic; 2 ca khúc, 1 bản nhạc dành cho tấu sáo.

Nhà văn Hoàng Thế Sinh, hoàn thành “Mưa hoa” gồm 15 bài ký, với nhiều mảng đề tài, về nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Đặc biệt có nhiều bài ký được được khởi thảo tại các Nhà sáng tác: “Trăng nghiêng núi Chúa” viết tại nhà sáng tác Vũng Tàu, “Apsara, mộng du hồn Chăm”, viết tại Nhà sáng tác Đà Nẵng và “Đà Lạt nhớ”, viết tại Nhà sáng tác Đà Lạt. Tập ký cho thấy chi tiết, hình ảnh đắt giá cùng sự thăng hoa của cảm xúc, giàu chất văn vẫn là thế mạnh của ký Thế Sinh, nó dẫn dắt bạn đọc đi qua nhiều vùng miền và nhiều trạng thái cảm xúc. Nhà văn Nguyễn Hiền Lương, hoàn thành 3 chương đầu của tiểu thuyết “Lính Yên Ninh”: Vì miền Nam ruột thịt- Ninh Thuận yêu thương, Những ngày luyện quân, Xẻ dọc Trường Sơn. Đây là tiểu thuyết đề tài chiến tranh cách mạng, viết về những người lính của các Tiểu đoàn Yên Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, được tác giả ấp ủ từ lâu. Tác giả Dương Hiền Nga hoàn thành 6 truyện ngắn và truyện thiếu nhi: Đối thoại lúc bình minh, Tiếng trống trường, Sự thật ở bên kia dốc, Bến không bình yên, Truyện ngắn đầu tay, Hoa mướp cuối mùa. Hiền Nga vẫn giữ lối viết nhẹ nhàng tinh tế nhưng sâu lắng. Một số truyện có nhiều sức gợi, tạo cảm giác man mác như Tiếng trống trường, Truyện ngắn đầu tay… Tác giả Nguyễn Thúy Hợp, hoàn thành tập truyện ngắn “Hoa cỏ may 2”, gồm 14 truyện ngắn. Một số truyện có thủ pháp xây dựng nhân vật tốt, miêu tả ngoại hình và nội tâm sinh động, tên truyện mang tính ẩn dụ như các truyện: Bông lau trắng, Hương chanh, Tình yêu của núi, Chuyện ở làng ven, Đại đội trưởng của cha tôi…Nhìn chung, Thúy Hợp có lối viết dung dị, hồn nhiên, chân chất, mộc mạc, như một thứ duyên thầm. Tập truyện cũng cho thấy một quá trình lao động nghệ thuật đầy tâm huyết, vượt lên mọi thử thách của tác giả. Tác giả Hoàng Tương Lai, hoàn thành 6 truyện ký: Người đánh cờ cùng tướng phỉ Vàng Pao, Chuyện tình ông phó cối, Khắc khoải tiếng Cuốc ven sông, Điều làm nên kì tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Đèo Quân nhớ Bác, Mùa xuân xông đất doanh nghiệp trẻ. Trong đó truyện ký “Người đánh cờ cùng tướng phỉ Vàng Pao” viết về trung tá Trương Mực, Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công 821, người con của đất ngọc Lục Yên. Trong những ngày chiến đấu ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, ông được giao nhiệm vụ luồn sâu vào hàng ngũ địch với cái tên Lào: Vàng Sử, từng nhiều lần đánh cờ tướng cùng tướng phỉ Vàng Pao tại căn cứ Long Chẹng, thủ phủ của Vàng Pao. Truyện ngắn “Khắc khoải tiếng Cuốc ven sông” được tác giả Hoàng Tương Lai viết trong những ngày ở Nhà sáng tác cũng là một truyện ngắn hay về cuộc chiến đấu của những người lính Yên Bái tại vùng ven Sài Gòn trước 1975. Tác giả thơ Nguyễn Thế Quynh hoàn thành tập thơ “Thả thơ” gồm: 40 bài thơ, đề tài phong phú, đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong tập có nhiều bài thơ mới viết ở Nha Trang còn nóng hổi cảm xúc: “Sóng từ lòng biển sóng lên/ Bập bềnh thuyền thúng ngủ yên xóm chài/ Cô Tiên xõa mái tóc dài/ Hòn Chồng ngơ ngẩn nhớ ai mà buồn”… (Trước biển Nha Trang), “Long Sơn Phật đứng Phật nằm/ Tiếng chuông từ cõi xăm vọng về/ Khéo tu nương cõi bồ đề/ Vụng tu biển khổ, sông mê bạc tiền” (Chuông chùa Long Sơn). Tập thơ cho thấy Thế Quynh vẫn trung thành với lối viết thơ truyền thống, luôn nhạy cảm với mọi va động của cuộc sống hàng ngày. Một tiếng chuông chùa, một tiếng đàn đá, một tiếng rao đêm của người bán hàng rong, hay một tiếng ve kêu trên căng đồn Nghĩa Lộ cũng làm tâm hồn anh rung động, cất lên tiếng thơ. Anh viết để giải tỏa cảm xúc, đúng như hai câu thơ đề từ của tập thơ: “Câu thơ mang thả lên trời/ Để nơi trần thế được vơi nỗi niềm”. Tác giả thơ Vũ Thị Mai Oanh, hoàn thành tập thơ “Ngày mai là thứ 7”, gồm 54 bài thơ. Sau “Lời yêu không bỏ trong túi áo”, “Ngày mai là thứ 7” cho thấy một cá tính thơ Mai Oanh đã định hình: mạnh mẽ trong cảm xúc, hiện đại trong thể hiện. Đó là điều rất đáng quý của thơ ca Yên Bái. Trong tập, chùm bài thơ viết về miền núi, dân tộc, gia đình của chị vẫn có sức lay động hơn là những bài thơ thế sự. Bởi đó là những câu thơ viết bằng trái tim chân tình, giàu nữ tính, : “Ngủ đi nhé! Em bé Mường Than/ Em bé Mường Thanh, Mường Lò, Mường Tấc/ Ngủ khỏe cho ngày mai đồng tốt/ Ngủ ngoan cho ngày mai suối tươi/ Giấc mơ sẽ dậy cùng mặt trời/ Từ những cánh đồng đã thức đêm cùng mẹ”… (Ú…U); “Tuổi đã xếp ngày xếp tháng trên tay/ Mẹ vẫn không ngừng chắt chiu cả những mùa tê tái/ Ở ngoài đường gió mùa đông vẫn không ngừng thổi/ Chỉ khu vườn nhà minh mãi mãi xuân sang…” (Vườn nhà); “Anh ơi! Có cái cầm được không lấy được/ Là cái duyên con gái Cao Lan/ Em gặp anh bên cánh đồng làng/ Anh có đi hồ cho em theo với/ Em thấy anh mang giỏ đeo đi vội/ Không dám cất lời hỏi trước mất duyên…” (Khúc Sình ca cho anh). Tác giả Đặng Phương Lan hoàn thành tập sưu tầm thơ ca dân gian giao duyên của người Dao đỏ Văn Chấn, Yên Bái gồm 212 bài trong sách cổ viết bằng chữ Nôm Dao. Tác giả đã phiên âm sang tiếng Dao và dịch sang tiếng Việt. Công trình sưu tầm sẽ có giá trị hơn nếu được nghiên cứu làm rõ những những vẻ đẹp văn hóa- nhân văn của người Dao đỏ qua những khúc tình ca này.

Tham gia Trại sáng tác lần này các nghệ sỹ nhiếp ảnh có những chuyến đi thực tế sáng tác tại các địa danh nổi tiếng của Nha Trang, Ninh Thuận. Đồi cát Nam Cương thuộc thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước có diện tích trên 700 ha, in đậm bao vết tích của nền văn hóa Chăm, được coi là sa mạc vàng của miền nắng Phan Rang. Vẻ đẹp của Nam Cương là những triền cát mênh mông ẩn sau những làng Chăm cổ kính. Khác với đồi cát Mũi Né, Phan Thiết, hay đồi cát Quảng Bình, nét đẹp của Nam Cương là sự thay đổi “diện mạo” từng giờ. Chỉ cần một cơn gió biển tạp vào thì cả triền cát lại uyển chuyển uốn lượn tạo nên vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ lạ thương. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồng Lam, Hội Liên hiệp VHNT Ninh Thuận, người dẫn đường cho biết, những ngày biển lộng, đồi cát trải dài mênh mông như dải lụa mơ màng trong nắng gió. Đẹp nhất là thời khắc bình minh, khi những tia nắng màu lam đầu tiên lan dần trên trảng cát làm nổi rõ lên những mảng mầu sáng, tối rồi dần dần ửng sang màu cam nhạt. Có trảng thì thẳng tăm tắp, có trảng lại vút lên cao, có trảng sóng sánh như những đường cong mềm mại của người thiếu nữ. Leo lên ngọn đồi cát, phóng tầm mắt ra phía Đông, tôi thấy biển Đông Hải bao la một xanh lơ, nhìn sang phía Tây thấy dãy núi Chà Bang trùng điệp đã đi vào huyền thoại của người Chăm. Nhìn xuống chân đồi cát, thấy cảnh làng mạc, cánh đồng, vườn nho và những thiếu nữ Chăm đội thúng, đội lu mềm mại đi trên triền cát, những chú bé đang lùa đàn cừu lững thững về chuồng trong bóng chiều bảng lảng. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp bình yên, giản dị, nhưng rất độc đáo của Nam Cương, các nghệ sỹ nhiếp ảnh mải mê sáng tác tới khi tắt nắng mới chịu đóng máy. Hôm sau lại thức tử 4h sáng ra Đầm Nại, Ninh Hải đón bình minh. Anh Hồng Lam cũng cho biết, Đầm Nại là 1 trong 12 đầm phá nổi tiếng Việt Nam, mang tính điển hình của đầm phá nhiệt đới ven biển. Với diện tích tự nhiên 1.200 ha, có 320 loài thủy sản sinh sống, Đầm Nại không chỉ là thắng cảnh đặc sắc được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất Ninh Thuận mà còn nuôi sống trên 4.000 hộ dân với khoảng 30 ngàn người thuộc các xã Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải, Hộ Hải, Tân Hải. Nghề khai thác hải sản tự nhiên từ lòng đầm đem lại thu nhập bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho người dân. Chỉ với chiếc thuyền thoi, nhẹ nhàng lướt trên mặt đầm thả câu, buông lưới, đặt lờ, mỗi đêm ngư dân đã có thu nhập vài ba trăm ngàn đồng. Bình minh lên cũng là lúc các thuyền tới tấp cập bến. Cảnh rũ lưới, đón hàng, bán mua rộn rịp cả một góc đầm là những hình ảnh có thể sáng tác được nhiều tác phẩm ảnh đẹp.

Tại Nha Trang, ngoài Hòn Chồng, Hang Heo, Tháp bà Pônagar, những điểm sáng tác quen thuộc, các tác giả ảnh còn lên đỉnh núi núi Cô Tiên, núi Sạn, những nơi được xem là cửa sổ nhìn thấy toàn cảnh thành phố Nha Trang để sáng tác nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật khi thành phố lên đèn bằng kỹ thuật phơi sáng. NSNA Vũ Chiến, hoàn thành 6 tác phẩm ảnh: Bình minh trên vịnh Nha Trang, Hướng biển, Đường về, Ngược dòng sông Cái- Nha Trang, Một nét Chăm pa, Phố biển lên đèn. NSNA Tuấn Nghĩa, hoàn thành 5 tác phẩm: Bóng chiều trên đồi cát Nam Cương, Đường về, Hoa gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, Nét đẹp Chăm pa, Một góc thành phố biển Nha Trang. NSNA Lê Bác Đạt, hoàn thành 5 tác phẩm: Qua đồi cát Nam Cương, Dấu chân Nam Cương, Bình minh Đầm Nại, Bình minh Hang Heo, Nàng và biển. Tác giả Nguyễn Đức Tuệ hoàn thành 5 tác phẩm: Vượt cát, Băng qua cồn cát, Mênh mông cồn cát Nam Cương, Ninh Thuận, Sức sống mãnh liệt của gốm Bàu Trúc, Bình minh trên Đầm Nại.

Mảng mỹ thuât, âm nhạc, họa sỹ Nguyễn Đình Thi, hoàn thành 4 tác phẩm tranh màu nước trên giấy dó: Thiếu nữ Chăm, Chiều vùng cao, Hoa bàng nước, Cây thông biển và 2 tác phẩm tranh chất liệu Acrylic: Sắc hoa vùng cao, Hoa muống biển. Tác giả Phạm Việt Hưng, hoàn thành 2 tác phẩm tranh màu nước trên giấy dó: Nỗ lực, Dưới chân Tháp cổ và và nhiều phác thảo tranh. Tác giả âm nhạc Nguyễn Thiện Trung, hoàn thành 3 tác phẩm: Tình khúc, phổ thơ Mai Oanh, Mù Cang Chải yêu thương và Gọi bạn, nhạc dành cho tấu sáo.

Nhìn chung, các tác phẩm đều có nội dung tư tưởng tốt, chất lượng nghệ thuật từ khá trở lên, đủ điều kiện xuất bản, công bố trong thời gian tới. Ngoài sáng tác, các văn nghệ sỹ còn có những chuyến đi tìm hiểu thực tế, bổ sung vốn sống cho sáng tác, thăm và giao lưu với lãnh đạo Hội VHNT Khánh Hòa, Hội Liên hiệp VHNT Ninh Thuận và nhiều văn nghệ sỹ các tỉnh bạn. Thăm trang trại nho của bác Ba Mọi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, có diện tích 22ha. Trang trại trồng 13 loại nho, trong đó có 9 loại nho ăn quả và 4 loại nho dùng để làm rượu. Dẫn đi thăm vườn nho, bác Ba Mọi hướng dẫn cách nhận biết nho Ninh Thuận với các loại nho nhập khẩu khác, cách làm rượu nho và những lợi ích của rượu vang nho Ninh Thuận. Kết thúc chuyến thăm, bác hồ hởi mời các văn nghệ sỹ Yên Bái ăn nho tươi, uống si rô nho, rượu nho và hẹn ngày gặp lại. Đoàn cũng đến thăm làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Làng nghề đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ, được xem là làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á. Theo các nghệ nhân làng gốm, gốm Bàu Trúc có từ khi PôKlông Chang- quan cận thần của vua Chăm Pô Klong Giarai (1151 – 1205), đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về cánh đồng “Hamu Trok” sinh sống. Ông dạy cho dân lấy đất sét tại các bờ sông, suối để làm ra gốm, dạy cách trồng trọt, đánh bắt cá và buôn bán. Dân Bàu Trúc tự hào là con cháu của PôKlông Chang. Điều đáng quý là gốm Bàu Trúc còn lưu giữ được nhiều nét đặc sắc hiếm có trong nghệ thuật làm gốm của người Chăm xưa. Khác với kỹ thuật làm gốm của người Việt từ Bắc vào Nam, gốm Bàu Trúc của người Chăm tại Phan Rang, Ninh Thuận không dùng bàn xoay để tạo hình mà hoàn toàn dùng bàn tay khéo léo của người phụ nữ để nuông nấng lên những hình hài mượt mà, tinh xảo của sản phẩm. Nét độc đáo này thể hiện còn cho thấy sự tinh tế trong tâm hồn, sự kỹ lưỡng, chịu khó, cần mẫn trong từng thao tác của người người phụ nữ Chăm. Khi đến với Ninh Thuận, còn một điều khiến văn nghệ sỹ Yên Bái vô cùng xúc động, đó là tại thành phố Phan Rang có một con đường mang tên Yên Ninh và người dân Ninh Thuận nói chung, anh chị em văn nghệ sỹ Ninh Thuận nói riêng đều biết Yên Bái là tỉnh kết nghĩa, từng chia lửa với Ninh Thuận trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Ai cũng quý mến, cũng thân tình, hồ hởi với các văn nghệ sỹ Yên Bái như người trong nhà.

Với những kết quả sáng tác, tìm hiểu thực tế và sự an toàn trong trong toàn đợt sáng tác, có thể nói, Trại sáng tác VHNT Yên Bái tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 5/ 2020 đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. Hy vọng sẽ đem lại sự bội thu tác phẩm cho một mùa vụ mới của VHNT Yên Bái

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này