BÀI VIẾT MỚI

DỐI TRỜI,DỐI THẦN, DỐI NGƯỜI...- Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam – Hội Nhà văn Việt Nam

Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam – Hội Nhà văn Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải tháng 7/2020.

Dối giời, dối thần, dối người…

Cụ Trưởng họ Triệu Kim Vương quyết định hôm nay phải gặp bằng được Triệu Vạn Tả. Sở dĩ phải nói quyết định vì việc này cụ trăn trở cả tuần rồi, trong họ Tả thuộc hàng cháu cụ song nó đang giữ chức Trưởng bản, hơn thế những năm vừa qua nó làm được bao nhiêu việc cho dân cho bản, tiếc là lần này theo gió theo bão nó định làm cái việc tày trời là chặt “Ông Nghiến” đem xuống núi làm nhà văn hóa cho bản và góp gỗ làm bàn ghế cho trụ sở ủy ban xã. Trong tâm người Nậm Tốc, từ khi bổ nhát cuốc đầu tiên đánh dấu việc làm nhà lập bản ở đất này tới nay thì “Ông Nghiến” là nơi trú ngụ của Thần Rừng. “Ông” coi giữ rừng núi, ruộng nương. “Ông” che chở, nuôi dưỡng Mỏ Nước Thiêng. “Ông” phù hộ độ trì cho dân bản sinh cành sinh nhánh. “Ông” bị ngả xuống Thần Rừng không nơi trú ngụ sẽ bỏ đi, rừng Nậm Tốc mất mái nhà thiêng sẽ làm mồi cho Thần Lửa, làm mồi cho những kẻ tham lam, Mỏ Nước Thiêng mất đi nguồn sữa, dân bản mất đi chiếc mũ đội đầu… Phải ngăn việc động đến giời động đến thần này lại, nhưng ngăn bằng cách nào khi việc thằng Tả định làm là vì bản, vì xã, hơn thế nữa nó lại được tay xã, tay huyện với xuống tận nơi rồi. Nhưng không ngăn không được, người già trong họ, trong bản một ý, người trẻ trong bản một lòng, mọi người họp nhau đồng lòng giao việc cản Trưởng thôn cản xã cản huyện cho cụ. Là Trưởng dòng họ lập nên cái bản này, là người cao niên, một thầy cúng cao tay nói có người nghe đe có người sợ cụ đành nhận, nhận nhưng lòng dạ rối bời, sợ lời mình nói ra thành nước đổ lá ráy, lúc đó cương lên thì chính quyền coi là chống đối, làm trái lời quan lông tai cháy trụi không biết chừng.
Cụ Vương nghĩ ngược nghĩ xuôi nghĩ ngang nghĩ dọc, ra vấp cửa thấp vào bập cửa cao cả tuần rồi mà vẫn chưa tìm ra lối mở cửa thì được biết bọn thằng Tả đang rục rịch sẽ lên núi hạ “Ông Nghiến”, không còn đường lui nữa nên hôm nay ông đành quyết định hạ mình đến gặp thằng Tả, việc không xuôi cụ sẽ lên gặp ông Xã, ông Huyện, cần thiết cụ sẽ lên tận Trung Ương nữa, thế nào cụ cũng bày được cái lòng của họ tộc, của dân bản ra cho họ biết rồi muốn ra sao thì ra.
* * *
Tả đang hì hụi mài dao bên lu nước thì thấy cụ Vương rẽ vào cổng, anh thoáng giật mình, nghi ngại, biết cụ Trưởng họ đến gặp anh vì việc gì rồi:
- Dạ mời cụ vào nhà ạ!
Cụ Vương không nói không rằng mặt ngẩng cao, chân nện từng bước qua cửa chính đầu hồi vào nhà.
Tả vội vã vào nhà, giụt gộc củi sâu vào bếp rồi lấy cái ống thổi ghé mồm lấy hết sức thổi, ngọn lửa bùng lên, anh lấy ghế trịnh trọng mời cụ Trưởng ngồi, xăng xái vào buồng định lấy chai rượu ra song bị cụ gọi giật lại:
- Anh ngồi đây tôi có chuyện muốn nói.
Tả sẽ sàng ngồi xuống cái ghế con cạnh bếp.
Cụ Vương lặng lẽ với cái điếu ục dựng cạnh bếp vê thuốc nhét vào nõ, châm lửa rồi chậm rãi nhả khói.
 Một điếu.
Hai điếu.
Ba điếu…, Tả sốt ruột chờ đợi, cứ đà này cụ Trưởng đùa với cái điếu nửa canh giờ nữa chưa chắc anh đã được nghe những lời giáo huấn quý báu, ý nghĩ phản kháng bắt đầu cựa quậy trong đầu anh.
Cụ Vương đã vê mồi thuốc thứ sáu, không kìm được Tả buột mồm, những lời nói bật ra như mũi tên khỏi nỏ:
- Cháu biết cụ đến đây dạy cháu việc gì rồi, không được đâu cụ ạ, huyện đã cho phép, xã đã quyết rồi…
- Anh thôi ngay đi, chuối trồng không vun vun chuối rừng, anh có biết “Ông Nghiến” ấy quan trọng với bản Nậm Tốc thế nào không?...
Tả giật mình, ấp úng:
-          Dạ cháu biết…
- Biết biết biết… biết mà anh vẫn vác sào chọc giời, “Ông Nghiến” là vị thần canh giữ cho bản bao nhiêu năm nay vậy mà chỉ vì công danh, vì hiếu thắng mà anh mượn oai hùm chặt hạ “Ông” thì anh… anh…
Cụ Vương chưa kịp luận hết tội không tội có cho Tả thì con ngựa thoát yên thoát cương trong người anh đã lồng lên:
- Cụ không được nói cháu vì danh vì lợi, cháu đã làm cái gì cho riêng cháu, Nhà nước bỏ ra bao nhiêu công sức để làm đường, làm điện, làm mương nước, làm nhà mẫu giáo cho bản, có mỗi cái việc chặt cây nghiến để làm nhà văn hóa thôi mà bản cố tình chống đối, người chết thì hết chứ cây chết mầm lại mọc chứ có làm sao...
Cụ Vương ngớ người, mặt đanh lại, hai hàm răng nghiền nhau ken két, ông không ngờ cái thằng kéo rào ngược dòng này lại hỗn hào cãi cụ đến vậy. Điên… Điên thật rồi, cứt lộn lên đầu thật rồi, tao không thèm nói với mày nữa, tao sẽ họp Họ, bảo Họ khai trừ mày, khi không còn làm người họ Triệu thì mày còn leo trèo được nữa hay không?...
Cụ Vương vùng dậy săm săm ra cửa. Tả đứng sững như trời trồng, anh biết việc anh định làm sóng gió sẽ nổi lên nhưng không biết nó lại căng thẳng thế này.
*  *  *
Rời khỏi nhà thằng Tả cụ Vương định về nhà song đôi chân lại đưa cụ lên chỗ “Ông Nghiến”, tảng đá dưới chân “Ông” lại đón cụ như đón tri ân tri kỷ. Cụ thả mình xuống tảng đá, ngọn gió từ lòng thung ùa lên nong rỗng từng lỗ chân lông làm dịu đi những bức bối trong lòng. Cụ mở lòng thả mắt xuôi xuống chân núi, dưới đó những mái nhà nép dưới chân rừng đã có những sợi khói dùng dằng nửa bay nửa không; dưới đó tiếng mõ trâu, chuông ngựa thi nhau lóc cóc làm rộn rã cả lòng thung; dưới đó những vườn mận tam hoa đang mùa nuôi quả; dưới đó trên con đường bê tông dẫn tới cửa từng nhà những chiếc xe máy màu xanh màu đỏ hớn hở chở chủ về nhà; dưới đó…, cái thằng Tả này, giá mày đừng làm cái việc động đến nơi ở của thần linh thì tiếng tốt của mày nuôi cấy trong lòng dân bản mùa nối mùa, vậy mà…
Học xong lớp trung cấp nông nghiệp dưới tỉnh Triệu Vạn Tả không chạy chọt xin vào cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nào dưới huyện mà quyết định về quê núi. Họ Triệu bám chằng bám rễ làm nên bản Nậm Tốc này đã ba mươi tư năm. Ba mươi tư năm nắng mưa nóng lạnh tối sáng người bên kia dãy núi vào Nậm Tốc chung cành chung gốc với người họ Triệu cũng nhiều, người họ Triệu sang bên kia dãy núi sinh cành sinh nhánh không ít nhưng chưa có đứa nào có nhiều chữ Chính phủ cho lại trở về Nậm Tốc chịu cái cảnh ngày ngày mặt nhòm đất đít nhòm trời cả, Tả là con thứ ba, bố mẹ Tả giầu có thì không biết chứ lo lót được chỗ dung thân trên huyện cho Tả không đến nỗi khó, vậy mà nó quyết định bỏ bay nhảy về với núi với rừng.
Tả về bản năm trước thì năm sau nó rước mận tam hoa về trồng. Mận tam hoa thì người Nậm Tốc không lạ, cách đây dăm năm trong một lần ông giám đốc trại rau quả huyện đi họp ở Hoành Bồ - Quảng Ninh, được giới thiệu một loại cây mận cho quả ăn giòn và ngọt, ông đã xin một số cây mang về và  tỉ mẩn ghép mắt với loại mận chua của vùng cao Bắc Hà. Mận chua ăn rất chua song bù lại nó mọc nhanh, sai quả, sống lâu, chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt. Ông giám đốc không ngờ loại cây mận ngon của Quảng Ninh ghép với cây mận  của rừng núi Bắc Hà đã cho một loại mận tuyệt vời, trồng chỉ ba năm là cho thu hoạch, sai hoa, sai quả, quả to, mọng, vỏ dai, nhiều thịt, ăn ngọt như chuối, ròn tan như mận hậu. Loại mận đặc biệt này lập tức được chiết ghép, được huyện cho mấy xã vùng thấp trồng và nhanh chóng trở thành cây làm giầu cho đồng bào. Nhưng đấy là là dưới huyện còn ở những xã vùng cao thì chưa thấy ai trồng, thằng Tả xuống huyện nói thế nào đó mà được phòng Nông nghiệp cho hẳn năm trăm cành mận chiết về chia cho mỗi nhà hai mươi cành, nói là để xóa đói giảm nghèo. Nhận được những cành mận giống cả bản ai cũng mừng, cũng nghĩ chỉ ba bốn năm sau cây đẻ ra trứng vàng sẽ cho hoa cho quả bội thu như những cây bố cây mẹ. Nhưng ai nấy đều vỡ mộng, loại cây dễ trồng, dễ sống này chiều hôm trước vừa cắm xuống những quả đồi phía sau hoặc thửa ruộng phía trước mỗi nhà thì sáng hôm sau không bị trâu dày, ngựa xéo thì cũng bị lợn ủi tung rễ. Nậm Tốc cấy trồng một vụ, sau mùa thu hoạch lúa ngô là trâu ngựa được cắt dây buộc mũi thả vào rừng rồi mặc cho chúng vẫy vùng, tối về chuồng cũng được không về cũng chẳng sao, sau những ngày kéo cày kéo bừa kéo gỗ đến rạc người được sổng chuồng tự do quần thảo trên rừng dưới ruộng chúng sợ gì mà phải kiêng nể những vạt đồi được đào hố trồng loại cây lạ hoặc với chúng.
Mận tam hoa chưa bén rễ được trên đất Nậm Tốc song nó vẫn bám rễ trong đầu thằng Tả, nó tìm đến cụ Vương. Bên bếp lửa ủ bốn mùa không đứt đoạn nó rỉ rả như nước rỏ từ trần hang. Nó bảo dưới huyện mỗi cây mận năm tuổi cho cả tạ quả một vụ, mỗi cân quả bỏ rẻ cũng ngang bằng ba cân ngô, nhà có ba chục cây mận mỗi năm thu về ngang bằng hơn trăm thồ ngô, có mà trồng thuốc phiện cũng không lãi bằng. Nó bảo các loại mận như trái tráng ly, tả hoàng ly, mận hậu cho hoa cho quả trên đất Nậm Tốc thì cây mận tam hoa cũng có thể bám đất, ăn nắng, uống sương để làm giầu cho Nậm Tốc. Nó bảo phải cấm gia súc thả rông, mà việc cấm này chỉ có cụ mới bảo được dân bản, bởi cụ là Trưởng họ, là người có uy tín nhất bản, mỗi lời của cụ đều là dao chém đá chứ không phải dao chém nước…. Nó nói nhiều, nhiều lắm, ban đầu lời nó như rượu rót vào sừng trâu không đáy, sau thì như gió thổi từ lòng thung, lòng cụ từ gỗ đá đến mềm dần, cuối cùng cụ nghe nó, mang lời nó rải khắp trong họ ngoài bản. Ban đầu có người nghe có người không, nhưng cụ có cách thuyết phục của mình, chẳng gì cụ cũng là Trưởng họ, hơn thế cụ còn là người đã được cấp sắc mười hai đèn, cao nhất bản. Cấp sắc là một quyết định chứng nhận cho người đàn ông Dao đỏ lúc sống được mọi người trọng vọng, lúc chết linh hồn được thế giới thiên đường đón nhận. Cấp sắc có ba bậc, mỗi bậc là sự phong hàm, bổ nhiệm chức vụ, số đèn càng cao thì địa vị đời thực cũng như trong tâm linh, tín ngưỡng càng lớn. Với việc được làm lễ cấp sắc phong hàm cao nhất và được phép chỉ huy một trăm hai mươi binh quân, những năm qua cụ không hô mây gọi gió nhưng đã làm lễ cho bao đứa trẻ chào đời, bao người ốm đau lấy cụ làm chỗ nương tựa, bao linh hồn lên thiên đàng trú ngụ nhờ những bài cúng của cụ, lời cụ là lời vàng lời ngọc, nói ra là nước chảy xuôi dòng, hơn nữa việc cấm thả rông gia súc hàng năm đã được dân bản bắt buộc thực hiện qua mùa trồng cấy gặt hái rồi, cấm tiếp mùa nữa mà được lợi thì lòng nào chẳng thuận.
Cuối cùng nhờ lời cụ dân bản đã thuận việc cấm thả rông gia súc, cây mận tam hoa đã bám rễ, lớn lên trên đất Nậm Tốc. Trong lúc chờ cây cho hoa cho quả thằng Tả đã kịp vận động dân bản đưa mía lên đồi, đào giếng lấy nước sạch, giữa lúc cả xã cả huyện khơi dòng xây dựng nông thôn mới thì nó được bầu làm trưởng bản. Than đang hồng được gió ngọn lửa ríu rít bùng lên, đôi chân đưa cái đầu quả tim Tả ra xã, lên huyện rồi tíu tít đưa tin vui, bản vẽ, xi măng, sắt thép từ xã, từ huyện về bản, tiếp đó với sự tiếp sức của dân bản những con đường bê tông chạy tới tận sân từng nhà, mương phai dẫn nước, nhà mẫu giáo được xây dựng kiên cố, hai lề con đường vào bản hoa nở bốn mùa…, toàn những việc từ ngày lập bản tới nay chưa ai dám nghĩ tới, đáng tiếc cả bản đang hân hoan đón nhận và hưởng thụ luồng gió đổi mới thì đùng một cái thằng Tả xin bản chặt “Ông Nghiến” để làm nhà văn hóa và góp gỗ với ủy ban xã. Cả bản từ bàng hoàng đến ngỡ ngàng, tức giận, đến bàn nhau chống lệnh bản, lệnh xã.
Cụ Vương lặng lẽ thở dài.
Cách đây ba mươi tư năm, nghe lời cán bộ huyện cụ Vương dẫn mười mấy nhà họ Triệu bỏ du canh du cư tìm nơi lập bản định canh định cư. Khi anh em họ Triệu đến nơi này, thấy giữa vùng rừng núi rộng lớn mọc toàn vầu nứa  bỗng trồi lên một cây nghiến cỡ mười mấy người ôm không hết. Cảm mến cây nghiến đơn độc hiên ngang thánh thức giời đất cụ cho phát cây con mở đường lên thăm. Trên đường lên núi mọi người bắt gặp tại cái giữa cái khe nhỏ một mỏ nước dồi dào hình thành từ hai tia nước một nóng một lạnh phụt lên từ lòng một tảng đá hình đầu sư tử. Đang mệt đang khát mọi người hứng khởi vục mặt vào mỏ nước, kỳ lạ thay một luồng sinh trùm lên khiến ai nấy hồn vía ngất ngây, da dẻ giãn căng, tiếng cười trẻ trung rổn rảng. Biết mỏ nước là sữa của thần núi thần rừng, “Ông Nghiến” trên đầu là nơi thần núi thần rừng trú ngụ, mọi người rưng rưng, quyết định lấy chân núi này làm chỗ dừng chân.  Ba tư năm đi qua “Ông Nghiến” xum xuê tỏa bóng, Mỏ Nước Thiêng ngày đêm phun trào dưỡng khí, bản Nậm Tốc từ mười hai nóc nhà cộng thêm, trừ đi giờ đã có hai mươi lăm nóc, vậy mà giờ đây…, không được, bằng mọi cách phải chặn tay chúng lại, cụ Vương ngước lên ngọn “Ông Nghiến”, tán lá xanh thẫm trên đầu cụ vô tư đón những giọt nắng cuối chiều lấp lánh khiến lòng cụ phấn chấn, cụ đứng dậy sải những bước chắc nịch xuống núi.
* * *
Tả và mấy đoàn viên thanh niên thân tín hăm hở dọn dẹp quanh gốc “Ông Nghiến” để chuẩn bị hóa “Ông” từ kiếp này sang kiếp khác, việc lớn này anh đã bí mật cho đến phút chót song lúc đám cây con xung quanh gốc “Ông” vừa phát quang thì người già người trẻ của hai mươi nhăm nóc nhà của bản Nậm Tốc ào ào kéo lên vây quanh. Mọi người không nói không rằng xúm vào cào, nạo đám lớp lá mục ra khỏi gốc “Ông” khiến cho Tả và đám đoàn viên ngớ người, mừng lo lẫn lộn. Bất chợt mấy người dọn dẹp ở bạnh gốc phía Nam kêu lên:
- Ối dô, có cái gì rồi các bác ơi!
- Có một tượng đá hình đầu người các ông các bà ơi!
Mọi người xúm lại, ồ lên, trước mắt họ bên trên lớp mùn mục lưu cữu nhô lên một tảng đá nhỏ hình đầu người khắc đủ tóc, tai, mắt, mũi, miệng.
Một cụ già dùng cuốc cào thận trọng gạt lớp mùn dày, bức tượng đá bán thân hiện dần. Cụ già vừa lật nghiêng bức tượng thì bất chợt một luồng gió mát lạnh đến rợn người từ phía Tây ào tới, chỉ một lát sau cả bầu trời vần vũ trong biển mây đen, từ trong ruột biển mây phát ra tiếng sấm rền như xay đá, những lưỡi thần sét loằng ngoằng bổ xuống rừng xuống núi. Mọi người ngơ ngác, sợ hãi chúi vội vào gốc “Ông Nghiến” phó thác thân mình cho “Ông”...
Trận cuồng nộ lôi đình của ông giời không bổ xuống núi rừng và những người dân Nậm Tốc, biển mây đen chỉ dọa đùa một lúc rồi lướt về phía rừng núi trập trùng phía Đông. Mọi người hoàn hồn, ai nấy đều ngước nhìn “Ông Nghiến”, xuýt xoa cảm ơn sự che chở của “Ông”, một cuộc bàn bạc chớp nhoáng rồi một thanh niên được phóng xuống chân núi tìm cụ Vương.
*  *  *
Cụ Vương lên núi. Việc đầu tiên của cụ là bảo mọi người dọn dẹp sạch sẽ quanh chỗ “Cụ Tượng Đá” ngồi. Một người nhanh tay rải chiếc chiếu hoa trước mặt “Cụ Tượng Đá”, cụ Vương giở chiếc túi vải lanh cũ kỹ lấy ra bộ đồ cúng đặt xuống cái chiếu rồi ngồi xếp chân bằng bằng, sau hồi chiêng ngân nga trong vắt vuốt tai người tai thần bài cúng bắt đầu.
Bài cúng kể về con đường thiên di đau khổ, trên con đường ấy tổ tiên người Dao ở đất Việt đã đi từ chỗ chết đến chỗ sống, con đường đi từ đồng bằng, qua đồng bằng, qua rừng sâu núi thẳm, đất chết sau lưng, đất sống trước mặt, đất chết chặt phăng đường trở lại, đất sống mịt mù, khúc khuỷu, bẫy giăng, lớp lớp người ấy sống không bằng chết, chết không bằng sống, gập ghềnh này nuốt chửng gập ghềnh kia, đường vô định dưới chân người vô định, đom đóm lập lòe dẫn lối tới ngàn sau.
Bài cúng kể về ngày tổ tiên người Dao bước qua lằn ranh cỏ cây, lằn ranh sống chết, “trời hết rồi!” ném trả bên kia biên giới, “đất mở rồi!” hân hoan trên dòng trôi, mọi người ngước nhìn trời xin chốt lại những tháng ngày phiêu bạt, dẫu bên này bờ sống vẫn mong manh, xin được như cây tự sống và tự chết, được tri ân mảnh đất giống neo giời, dòng sữa chắt ra từ ruột núi, râm ran trong máu kẻ không nhà.
Bài cúng kể về những ngày tổ tiên người Dao nguyện lấy đất Việt làm nơi cư ngụ muôn đời, người du cư cùng người bản địa, đèn đổ thêm dầu bếp thêm củi, hạt cát cộng nhau nên bãi bờ, lòng bàn tay cũng da, lưng bàn tay cũng thịt, ta đắp đổi người, người đắp đổi ta, lời ngọt như mía lùi, lòng ngọt như nước mạch, những cặp mắt rưng rưng màu biên ải, những lòng thành như gió, gió lay lay.
Bài cúng kể về ngày họ Triệu được giời đất thần linh cho ngụ trên đất Nậm Tốc, núi dựa vào người người dựa núi, tử sinh sinh tử muôn vòng quay, thầy cúng cho trứng đậu đầu đũa, quả trứng chắc như cu li bám cây….
Bài cúng dài lê thê như không có lời cuối song vẫn thông tai thông mắt mọi người, ai nấy lặng lẽ nhắm mắt cúi đầu nổi chìm mê đắm với những đau khổ, hạnh phúc của tổ tiên, của chính mình đã trải…
 Cụ Vương - người làm cầu nối giữa dân bản với thần linh, người chuyên dùng pháp thuật trừ tà, diệt ma, cầu phúc, cứu khổ cứu nạn, giải oan giải hạn dừng lời, cặp Cháo xin âm dương làm bằng gốc vầu già trong tay cụ tung lên, mọi người hồi hộp chờ đón sự thuận lòng của giời của thần song cả hai mảnh Cháo rơi xuống úp sấp như hai cái thuyền độc mộc úp song song trên bến nước. Cụ Vương lặng người rồi tiếp tục cất tiếng khẩn cầu, hai mảnh Cháo trong tay cụ lại tung lên, hai con thuyền độc một thu nhỏ lại úp song song trên chiếu. Lần thứ ba, lần thứ tư vẫn vậy. Cụ Vương lắc đầu, hắng giọng:
- Thưa những người họ Triệu, thưa dân bản! Khi bổ nhát cuốc đầu tiên đánh dấu lãnh địa của mình tại đất này người họ Triệu đã thề với giời đất, thần linh dẫu có mưa dồn lũ đuổi thì người này, nhà này, họ này vẫn lấy sự che chở của Thần Núi, Thần Rừng, Mỏ Nước Thiêng làm nguồn sống, nguồn an ủi. Ba mươi tư năm qua nhờ Thần Núi, Thần Rừng, Mỏ Nước Thiêng chở che, tiếp sức mà bản Nậm Tốc như rìu nối cán, nhà nhà nẩy cành sinh nhánh, trẻ nhỏ lớn nhanh học giỏi, phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, đan ông trai tráng khỏe mạnh, can đảm, người già thông thái, dẻo dai. Hôm nay anh Tả làm cái việc ngả mái nhà che chở Thần Núi, Thần Rừng xuống để làm nhà văn hóa cho bản, điều đó tốt thôi, song việc Thần Đá nổi lên dưới gốc “Ông Nghiến”, rồi việc ông Giời nổi cơn giông bão, việc Thần Núi, Thần Rừng không chấp nhận lời khẩn cầu của tôi chứng tỏ giời đất thánh thần không cho chúng ta hạ “Ông Nghiến” xuống.
Cụ Vương ngừng lời, mọi người nhìn nhau, một cụ già lên tiếng:
- Ba mươi tư năm qua cả họ Triệu, cả bản Nậm Tốc ngưỡng vọng “Ông Nghiến”, ngưỡng vọng Mỏ Nước Thiêng, nhờ “Ông”, nhờ Mỏ Nước Thiêng chở che mà đơm hoa kết trái, giờ hạ “Ông” xuống liệu hai tia sữa của Mỏ nước có còn không? Rừng mất cây thiêng liệu có trốn được dao được búa của lòng tham không?...
Một người khác cũng lên tiếng:
- Không có rừng không có nước thì chết người chứ không có Nhà văn hóa không chết người đâu.
Một người khác:
- Muốn không phải cảnh đi mãi thành ma thì phải giữ lấy Thần Rừng, phải giữ lấy Mỏ Nước Thiêng thôi!...
Thấy cả bản đang nhao nhao ủng hộ việc giữ cây, Tả nhoai lên, giang hai tay ra cầu khẩn:
- Không được đâu các cụ các ông các bà ơi!
- Huyện đã ủng hộ, xã đã quyết rồi các cụ các ông các bà ơi!...
Cụ Vương giơ tay ra hiệu mọi người im lặng rồi hỏi Tả:
- Nếu không hạ “Ông Nghiến” mà vẫn làm được Nhà văn hóa có được không?...
Tả hoang mang, lúng túng, lắp bắp:
- Dạ… dạ… được cụ ạ!
- Vậy thì thế này…
 Cụ Vương ngẩng lên nhìn mọi người một lượt rồi cất giọng sang sảng:
 – Thưa các cụ các ông các bà, việc làm Nhà văn hóa cho bản thì phải làm rồi, các bản khác làm được thì bản mình cũng làm được, nhưng tôi tính thế này, đất đai để làm Nhà văn hóa thì đã được anh Tả hiến rồi, xã ủng hộ hai mươi triệu tiền xi măng rồi, còn lại mỗi nhà nên bỏ ra ba cây gỗ ở vườn rừng, một tạ thóc trong bồ, một con lợn, ba con gà trong chuồng, san đất dựng nhà ta bỏ công sức tự làm được không?...
Ánh mắt người già người trẻ hết đánh sang nhau lại lảng nhau.
 Giọng cụ Vương vẫn sang sảng:
- Tôi biết việc này là việc khó của mỗi nhà, nhưng xét đến ngọn đến nguồn nếu không có chính sách trồng rừng của Nhà nước thì làm gì nhà nào cũng có vườn rừng với gỗ to gỗ nhỏ; không có mương nước tưới tiêu, giống mới năng xuất cao thì làm gì nhà nào cũng thóc đầy bồ ngô đầy sàn gà lợn đầy chuồng; anh Tả không quyết đưa cây mận tam hoa về thì biết đến bao giờ ta mới thoát nghèo. Là người từng lấy sữa từ Mỏ Nước Thiêng cúng đón sáu mươi hai đứa trẻ trong bản chào đời, tắm rửa tiễn hai mươi sáu người trong bản về cõi thiêng liêng tôi mong mọi người mọi nhà hãy bớt chút lộc giời, lộc ông Nhà nước làm cái việc làm Nhà văn hóa cho chính mình đi.
Mọi người nhìn nhau rồi ồ lên những tiếng đồng thuận, cụ Vương ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi cất tiếng cầu khẩn, cặp Cháo trong tay cụ lại tung lên, lần này thì lòng Giời, lòng Thần và lòng người gặp nhau.
*   *   *
Tối đó sau bữa rượu hể hả khi còn lại hai người, Triệu Vạn Dùn – cháu trai cụ Vương hiện đang dạy học ở trường Trung học cơ sở xã hỏi ông nội:
-  Cụ làm cái việc dối thần dối bản thế mà không sợ thần phạt, họ mạc chửi cho sao?
Cụ Vương giật mình:
- Cháu bảo sao?...
- Thì cái việc cụ mang vật Tổ trong gian thờ thiêng lên chôn chỗ gốc “Ông Nghiến” rồi nói dối là Thần Rừng hiện lên ấy.
Cụ Vương run run nhìn thằng cháu nội rồi thở dài:
- Ông đã xin phép tổ tiên rồi, dối thần dối người mà giữ được “Ông Nghiến”, giữ được Mỏ Nước Thiêng, làm được Nhà văn hóa cho bản thì thần thánh, dân bản cũng tha tội cho ông thôi.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này