HÀNH TRÌNH GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG ĐỎ - Hồi ký của Tạ Thị Ngọc Hiền - Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng

Là một trong 11 văn nghệ sỹ thuộc Hội VHNT Tỉnh Lâm Đồng tham dự trại sáng tác Tam Đảo tháng 9 năm 2020, nữ văn nghệ sỹ Tạ thị Ngọc Hiền để lại một ấn tượng khá thú vị. Được biết, không chỉ viết văn, làm thơ, chị còn sáng tác nhạc. Ở lứa tuổi hoàng hôn 65 của chị, không có nhiều người thành thạo công nghệ thông tin, nắm bắt xu thế truyền thông đưa các tác phẩm của mình trên mạng xã hội như chị. Tạ Thị Ngọc Hiền trao đổi đầy hào hứng và dạt dào cảm xúc với các văn nghệ sỹ cùng đoàn cũng như với lãnh đạo Trung tâm Sáng tác VHNT và lãnh đạo Nhà Sáng Tác Tam Đảo trong Lễ Bế Mạc hội trại. Chị đọc thơ rồi say sưa hát với giọng hát khá trẻ, hiếm thấy ở lứa tuổi U 70 một số tác phẩm của mình đã được phổ biến trên kênh riêng của mình tại nền tảng Youtube. Bồi hồi xúc động, chị kể lại cảm xúc khi được tham gia dự trại lần này. Được ra Bắc, được quay trở lại mãnh đất đã nuôi dưỡng chị, cùng đồng đội Trường số 8, những “hạt giống đỏ” của miền Nam được đem gieo trên đất Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Có người đã trở thành anh hùng trong chiến đấu, cũng có người về lại miền Nam tiếp tục rèn luyện, học tập trở thành anh hùng lao động. Khi là học trò tại Trường số 8 được thầy cô đánh giá là một học sinh giỏi văn, hát hay. Trở lại miền Nam, chị không ngừng phấn đấu trở thành nhân tố tích cực trong lĩnh vực sáng tác VHNT của Tỉnh Lâm Đồng. Tại trại sáng tác Tam Đảo chị đã trình bày kết quả sáng tác của mình rất thành công với 3 thể loại nói trên. Theo tôi, Tạ thị Ngọc Hiền thực sự là người “chiến sỹ” đầy nội lực trên Mặt trận Văn hóa. Xin trân trong giới thiệu Hồi ký Hành trình gieo hạt giống đỏ của Nữ tác giả Tạ Thị Ngọc Hiền trong chùm tác phẩm được sáng tác tại Trại sáng tác Tam Đảo tháng 9 năm 2020.

HÀNH TRÌNH GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG ĐỎ

Đã có hơn 48 năm tôi mới về lại Lập Thạch. Trường xưa giờ không còn nữa. Nỗi buồn len vào đâu đó trong góc nhỏ lòng tôi. Thầy Quyến nói- Sau khi học sinh ào cả về miền Nam, những mái nhà tranh, vách đất đương nhiên là không ai ở nữa. Thời gian gió lùa, tất cả trở thành hoang sơ. Chỉ còn sự tồn tại của những cây mít, cây trám…

           Ngày 5/9/2020, Tôi có dịp trở về thăm Lập Thạch-Vĩnh Phú sau 48 năm dài xa cách. Niềm mong ước gặp lại thầy cô trường Miền Nam số 8 xưa tưởng chỉ là mơ. Song, điều may mắn, thầy Hà văn Quyến-chủ nhiệm 7B vẫn còn mạnh khỏe. Với tôi, thầy như “hiện vật gốc” của Trường 8. Là chứng nhân cho thế hệ chúng tôi đã từng học tập trên miền Bắc thân yêu. Tôi và thầy Quyến bách bộ vào buổi sáng sớm trên chặng đường khá dài với đôi chân chăm đi bộ mỗi sáng của người thầy tuổi 82. Tôi và thầy cùng hồi ức…
           Năm 1972 và trước đó, nhiều đoàn người từ miền nam ra Bắc học, tôi cũng hành quân vượt Trường Sơn hơn 90 ngày gian khó và hiểm nguy đầy kỷ niệm. Chưa tung tăng được bao lâu thì ngày 6/4/1972, còi báo động réo vang thành phố Hà Nội. Chúng tôi bất ngờ với những “hầm trú ẩn” trên đường phố Hà Nội đã sẵn sàng bật nắp.
            Chúng tôi được đi sơ tán tại Thái Thụy - Thái Bình “quê hương năm tấn”. Sau 12 ngày đêm từ 12/12 đến 24/12/1972, giặc Mỹ tháo chạy, hối hả rút quân. Các đoàn sơ tán trở về trường. Ngày 30/12/1972, người đi đón chúng tôi trong đó có thầy Hà Văn Quyến, khi đó thầy 34 tuổi.
           Tấm bảng “TRƯỜNG MIỀN NAM SỐ 8 TỈNH VĨNH PHÚ” hiện ra giữa hai trụ xây. Là ấn tượng đầu tiên về ngôi trường trong tuổi niên thiếu tôi năm 72 ấy và người đàn ông phong độ, khuôn mặt phúc hậu từ nhà Ban giám hiệu cất trên chốc đồi, bước từng bước xuống bậc cấp, chào đón chúng tôi. Thầy Quyến giới thiệu- Đó là “bác ba Huỳnh Văn Vàng” - Hiệu trưởng Trường MN số 8
          Trên khoảng sân rộng, có cột cờ và lá cờ bay phất phới, chúng tôi được nghe “bác ba Vàng” phát biểu với giọng miền nam thật gần gũi:
         - Các cháu đã hoàn thành xuất sắc chặng vượt Trường Sơn muôn vàn gian khổ! Các cháu cũng vừa hoàn thành tốt việc xơ tán. Bây giờ, chúng ta chưa thể tập trung mà tiếp tục sơ tán mõng quân số vào nhà dân. Nhân dân Vĩnh Phú sẽ bảo vệ, che chở, đùm bọc các cháu vì các cháu là “Hạt giống đỏ” của đất nước!
          Một đoàn người bước ra cột cờ. Hiệu trưởng nói tiếp:
         - Và đây! Một số giáo viên từ miền nam ra, một các giáo viên của Tĩnh Vĩnh Phú, là những người sẽ đem những “hạt giống đỏ” gieo trên đất Bắc. Chúng ta hãy xác định, không bom đạn nào ngăn được quyết tâm “dạy tốt và học tốt” của thầy trò ta!
           Tôi không bao giờ quên những gương mặt các thầy cô đó là Hiệu phó Đỗ Đức Lập, Lê Ngọc Lập, Thầy Vịnh, thầy Quyến, thầy Vinh, thầy Hoạt, thầy Nông, thầy Phúc, thầy Nhuệ, Thầy Tùng, cô Kim Anh, Cô Lãm, cô Tư Ngà…và nhiều thầy cô nữa. Trang vở đầu tiên của tôi được mở ra là ý nghĩa của ba từ “Hạt giống đỏ” một niềm tự hào vô biên cho việc học tập sắp tới.
         Chúng tôi được khảo sát học lực để phân lớp. Nhà trường sẽ soạn giáo án sao cho “2 năm phải xong 3 lớp”, kết thúc cùng kỳ thi của Bộ giáo dục - là một thử thách đối với học sinh trường miền nam số 8.
          Tại Làng Núc Hạ, Đồng Bã, Đồng Thanh, Làng Hà, mỗi hộ dân sẽ nhận 1 hoặc 2 học sinh miền nam vào nhà. Lớp 5 được phân về làng Núc Hạ, tôi được ở chung trong nhà bầm Liên vì bầm chỉ có đứa con gái nhỏ, con trai của bầm đã đi Nam. Sáng sớm bầm và con gái mang cơm ra đồng ăn trưa. Buổi chiều, tôi bê cơm nhà bếp về ăn cùng mẹ. Phần cơm nhà bếp trường là 1 chén cơm và độn thêm một bánh bột mì. Mẹ Liên ăn phần cơm ấy và bới cho tôi cơm nóng trên bếp. Buổi sáng, trước khi ra đồng, mẹ luôn phần tôi một củ sắn hoặc khoai lang lùi tro thơm phức, mẹ bảo - Ăn đi! Mà lên lớp!
          Cuối năm 73, chúng tôi rời nhà dân trở về trường. Hình như không một lời cảm ơn mẹ.
          Khối cấp 2 ở “khu vườn mít”. Khối cấp 3 “ khu vườn Trám”. Những cây mít, cây trám trồng từ dạo sơ tán đến nay đã cao cao, hứa hẹn bóng mát phủ khắp khu vực vào mùa nắng tới. Thầy Hà văn Quyến được nhà trường phân công phụ trách khối 7.
          Khu vực ở của chúng tôi có một giòng nước chảy từ trên núi Tam Đảo xỏa xối xuống cái hồ. Miệng hồ há rộng, đá nhe nhọn lỗm chỗm như những chiếc răng nanh nên học sinh gọi là “Hàm rồng”. Giòng nước được khơi nguồn vào con mương đào dẫn từ Hàm rồng về, trong veo. Là “ranh giới” chia đôi dãy nhà nam và nữ. Sáng sớm, sau hồi kẻng, chúng tôi xếp hàng thể dục đối mặt nhau. Chiều chiều học sinh ra con mương tắm, giặt. Ngày chủ nhật, hàm rồng là hồ bơi lý tưởng của bọn con trai.
           Thầy Hà Văn Quyến từng đi bộ đội. Năm 62 xuất ngũ, chuyển ngành, thầy đi học sư phạm. Trước khi về trường số 8, thầy Quyến đã được bồi dưỡng qua chuyên môn dạy Hoc sinh miền nam do Cục 1 tổ chức.
           Học sinh lớp 7, ngưỡng tuổi như buổi “dậy thì”, dở con nít dở người lớn, tâm lý, thể chất luôn biến đổi. Thầy Quyến được phân công quản lý khối 7 không phải ngẫu nhiên mà có “quyết sách” của nhà trường. Thầy Quyến, không chỉ chịu trách nhiệm môn toán, mà là một thử thách vô cùng khó chưa từng có trong chuyên môn sư phạm. Việc dạy HSMN, thầy nói:
           - Phải vận dụng cách dạy cho từng em, nếu không muốn nói là “đối tượng” đặc biệt. Ý nghĩa của “Hạt giống Đỏ” nêu bật phạm trù chính trị chứ không chỉ là Xã hội học!
           Học sinh miền nam khác học sinh miền Bắc ở chỗ, một số các em là con, em của cán bộ đang công tác, chiến đấu ở miền Nam mà kẻ địch luôn rình rập truy tìm, các em phải ra Bắc học tập. Một số em đã vô chiến khu, đang công tác hoặc chiến đấu, lập thành tích cao được đưa ra Bắc học tập. Một số là “dũng sĩ diệt Mỹ” trong chiến đấu bị thương như trường hợp em Ngô văn Hồng - Đảng ủy viên của trường 8. Em Hồng từng tham gia “Tổ du kích anh hùng” thuộc xã Mỹ Lợi, huyện Cái bè, Tĩnh Mỹ Tho. Việc học của em Hồng vô cùng gian nan. Những mảnh đạn còn nằm trên da đầu, khuất sâu vào ngóc ngách của bộ não khiến Hồng lúc bình tâm, lúc điên loạn. Một số trường hợp nhiễm chất bột trắng khi vượt Trường Sơn khiến các em vui, buồn bất thường. Tuổi nhỏ, sớm xa vòng tay cha mẹ nên thầy cô luôn là chỗ dựa tinh thần cho các em khi tâm trạng thất thường.
            Thầy Quyến đôi khi rướm nước mắt, ôm ghì học sinh khi lên cơn đau đầu vô thức. Thầy từng ngồi thầm thì to nhỏ với học sinh trong bóng tối khi chúng nhớ nhà không chịu học bài. Có số em buồn, tìm rượu để uống với nhau rồi sinh cắp vặt như đêm khuya, bê cả ổ gà đang ấp của dân. Cắt béng quày chuối đang bói của dân. Việc học sinh miền nam nhổ mì, đào khoai, đẵn mía, bắt gà của dân khiến kẻ xấu tung tin “học sinh bị bỏ đói” là nỗi lo lắng của Đảng ủy nhà trường,
          Thầy Quyến hầu như không về với gia đình của mình trong thời gian dài mà ở lại với học sinh. Bóng thầy với chiếc xe đạp cọc cạch, đi quanh khối lớp trong đêm mưa rét mướt như bóng một ông bố cần mẫn mà tôi không thề quên khi về lại miền Nam. Nhất là tới kỳ kiểm tra học kỳ, thầy hết ở lớp này phụ đạo rồi qua lớp khác không hề ngơi nghỉ. Từ mái tóc xuống chiếc quần tây xanh, lúc nào cũng trắng toát bụi phấn. Thầy không hề trách cứ nặng lời mà chúng tôi ân hận khi gây việc sai quấy. Thầy Quyến quyết kéo trò về phía mình, mặc dù có những phen thầy phải đối mặt với nguy hiểm khi trực tiếp ngăn chặn các em manh động. Thầy quyết tâm tìm mọi phương pháp để kiến trò thích học.
          Thiếu tình cảm gia đình, thèm nghe tiếng chó sủa, gà cục tác. Ngày hè, chúng tôi tìm đến nhà thầy ở Xuân Hòa. Có lần bọn con gái chúng tôi kéo một lũ lên xe ba gác chạy chợ đến nhà thầy. Tuổi 17 ngu ngơ, không ý tứ, đói bụng kêu nhắng. Cô Hưng vợ thầy vội vã lo cơm. Một đĩa rau luộc, một bát nước mắm kho, cay xẻ, thơm phức, chúng tôi đánh sạch béng nồi cơm vẫn còn thòm thèm. Khi bê bát đi rửa mới thấy 4 đứa con của thầy mỗi đứa một củ khoai, chúng tôi nhìn nhau điếng cả ruột.
            Thầy Quyến từng gắn bó với khối 7 bằng trách nhiệm người giáo viên của nhân dân mà còn là người cha, người anh trong giai đoạn chúng tôi bơ vơ, thiếu thốn mọi bề. Không chỉ thầy, tấm lòng của các thầy, cô đối với học sinh chúng tôi ai cũng nhớ. Mỗi năm HSMN trường 2 và trường 8 đều có cuộc gặp mặt tại TPHCM. Chúng tôi ngồi lại, cùng nhau nhắc về thầy cô với những kỷ niệm khó quên, về tấm lòng người dân Núc Hạ, Đồng Bã, Làng Hà đã cưu mang một thời. Chúng tôi luôn tự hào vì mình là HSMN của tỉnh Vĩnh Phú.
         Tôi vô cùng biết ơn Hội VHNT Lâm Đồng và Hội VHNT Vĩnh Phú đã cho tôi một “chuyến sáng tác” về Tam Đảo để tôi có dịp mở rộng tầm mắt về một Vĩnh Phú vươn lên không ngờ. Cho tôi có cơ hội trả nghĩa với T8, với các thầy cô. Cảm ơn Đảng và chính quyền Tỉnh Vĩnh Phú, đã dày công chăm sóc “Hạt giống Đỏ” chúng tôi từ những năm còn chiến tranh đến ngày thống nhất. Trước phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, trước Đền đài Thần linh hiễn hách Tam Đảo Vĩnh Phú, tôi xin nói lời biết ơn sâu sắc.
          Người viết hồi ký cũng cần nói thêm, để xứng đáng với quê hương Vĩnh Phú nói riêng, với nhân dân miền Bắc nói chung, chúng tôi, HSMN, sau hòa bình đã sống và làm việc, tiếp tục cống hiến cho tổ quốc với tâm thế từng là HSMN được dạy dỗ trên đất Bắc XHCN. Không ít bạn đã trở thành anh hùng lao động, cán bộ xuất sắc trên mọi mặt trận. 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này