MẮC KẸT - Truyện ngắn của Lê Hoài Lương – Hội văn học nghệ thuật Bình Định

Truyện ngắn của Lê Hoài Lương – Hội văn học nghệ thuật Bình Định - sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải tháng 9/2020.

MẮC KẸT

1.

     Tôi là thợ sửa khóa nổi tiếng. Thời công nghệ số, tiếng chưa chắc đã lành, cũng có cơ hội “đồn xa”. Nghề dạy nghề đã đành, thông tin mạng hỗ trợ rất nhiều. Các loại khóa tôi đều sửa được. Khóa US, khóa Việt Tiệp, khóa Viro thời xa lắc đến vô vàn các loại khóa mới hiện nay: Hafele, Yale, Abus, Titalium, KINBar…, các loại khóa mã số UNICOR, HILUX… Các kiểu khóa xe máy, ô tô đủ chủng loại từ đồng nát nhôm nhựa đến đại gia, khóa két sắt cá nhân, két sắt ngân hàng, khóa xe quân sự, xe tăng, xe thiết giáp tôi đều chinh phục. Chỉ chưa sửa khóa máy bay vì chưa ai kêu.

     Nghề khóa tôi học từ cha vợ. Nếu tôi và Tâm không yêu nhau và quyết tâm làm vợ chồng, chắc chắn tôi không có nghề sửa khóa.

*

     Ba tôi thoát ly tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Ông nội tôi tập kết. Dù ông tôi gốc chánh tổng, học chữ Nho, nhà khá giả, nhưng thấy Việt Minh tốt đẹp mọi bề, với khát vọng độc lập tự do, cơm no áo ấm dân tộc nên ông nồng nhiệt dâng hiến cho cách mạng. Sau này ở ngoài bắc ông có bà nội hai trẻ hơn mười mấy tuổi, còn bà nội tôi một đời nuôi con, lo phần hương khói nhà chồng. Lý tưởng của ông nội, ba tôi nối tiếp, đơn giản người ta móc nối con gia đình cách mạng, ba tham gia hoạt động nội thành từ thời trung học, sau bị lộ, đường dây đưa lên núi năm đệ tứ. Thời này, chữ nghĩa ba tôi tạng hiếm trên núi nên được phân công về Ban Tuyên huấn, rồi vào Đội Võ trang tuyên truyền, viết truyền đơn, viết những bài vần vè thơ phú đơn giản để tuyên truyền địch vận, tuyên truyền đồng bào yêu nước, yêu cách mạng, vân vân. Cũng vào sinh ra tử mấy bận nhưng may, sau Bảy lăm chỉ vài vết thương xoàng. Nhờ chữ nghĩa và văn vẻ thời chiến, ba tôi được điều về ngành văn hóa thời bình. Vừa làm vừa học thôi, hàm thụ, tại chức, đào tạo cán bộ. Gì chớ học vấn ba tôi những ngày đầu hòa bình trong các cơ quan ban ngành tỉnh cũng không nhiều. Và với nỗ lực học hỏi của mình, ba tôi là một cán bộ ngành thực sự có năng lực, uy tín, mới ngoài bốn mươi ông đã là giám đốc sở. Trẻ nhất tỉnh lúc bấy giờ. Mấy nhiệm kỳ giám đốc, cho tới thời điểm tôi kể câu chuyện tôi và Tâm.

   Nhà có hai anh em, anh Đức tôi học hành ngon lành, đỗ đại học rồi có việc làm một cơ quan nhà nước. Tôi ham chơi, học hành lạch ạch. Trầy trật mãi mới xong phổ thông, rồi vào trường Trung cấp Kỹ thuật cơ điện, cái trường của chế độ trước để lại, chủ yếu đào tạo các nghề điện, cơ khí. Thời thành phố tôi đình đám buôn lậu hàng tàu, những tivi cũ được dân tàu biển đi Nhật mua về bán sô, dân góp tiền chạy thuyền máy ra mua từng lô hàng cả trăm cái. Về căn bản hàng cũ của Nhật thải ra đều còn xài tốt, những cái lênh đênh trên biển lâu ngày ẩm IC, sửa chữa tí là xong. Rồi mày mò chuyển tivi đen trắng sang tivi màu… Tôi vốn ưa thích mấy việc này nên nắm nghề nhanh, việc cứ ro ro, làm không xuể. Ngon ăn lắm, mỗi ngày có khi kiếm cả chỉ vàng. Má tôi hết ca cẩm. Ba tôi hài lòng, kệ nó, làm ăn đàng hoàng, lương thiện, sống được là tốt.

   Tôi gặp Tâm từ lần sửa cái tivi màu bị xịt hồi cô còn học 12. Chỗ tôi thuê làm nghề trước hẻm nhà cô. Ngày ngày Tâm đi bộ tới trường ngang qua, chẳng biết sao những lúc ấy tôi phải ngước lên nhìn cô, cười chào. Rồi hẹn nhau đi coi phim rạp, đi uống nước mía.

     Chúng tôi yêu nhau như lẽ tự nhiên. Tâm đẹp, cốt cách sang quý, dù áo quần cô mặc tạng vải rẻ tiền nhưng bao giờ cũng chỉn chu, tinh tươm. Tâm vào đại học cũng trên địa bàn thành phố, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Khi cô ra trường, xin việc mãi không được, ở nhà phụ mẹ bán nồi xôi sáng. Chúng tôi quyết định báo gia đình, chuyện cưới. Hai nhà đều biết loáng thoáng chúng tôi yêu nhau mấy năm nay. Nhưng…
     - Sao con không nói với ba? Gia đình mình truyền thống cách mạng, giờ ba làm sui với sĩ quan ngụy à? Ba đương chức, khóa tới cơ cấu lên phó chủ tịch tỉnh… Thôi thôi, con còn trẻ, con gái thiếu gì, con nhà xích lô ba gác cũng được chứ con Tâm thì không!
     - Ba thấy thằng Thiện tâm tính cũng được. Nhưng cứ tưởng nó con nhà lao động chớ ai dè con quan chức. Đủ rồi! Sáu năm trong trại cải tạo với ba là đủ rồi! Ba không thể!... Mà con ngó ngôi nhà rách trong hẻm của mình coi, ngó ba còng lưng ngoài chợ sửa khóa, má con với cái nồi xôi bán cho dân lao động cực nhọc… Không! Người ta nhà cao cửa rộng, ô tô đưa đón. Ba không thể!

     Dù đã dự lường, tôi và Tâm vẫn thấy hụt hẫng. Nhưng cứ kiên trì gặp nhau. Chúng tôi thừa cái hiếu thắng của tuổi trẻ để tin rằng chuyện người lớn, chuyện chính trị, thắng thua của một thời chẳng dính dáng gì tới tình yêu chúng tôi. Sinh ra lúc đất nước đã hòa bình, thống nhất, sao chúng tôi phải chịu trách nhiệm về một thời bắn giết nhau? Càng khó khăn, chúng tôi càng yêu nhau, càng quyết tâm vượt qua. Nhiều lần ràn rụa nước mắt trong vòng tay nhau, chúng tôi nghĩ tới mối tình Romeo Juliet hóa giải hận thù. Chúng tôi thấy tình yêu của mình đẹp nhất trần gian. Dù vẫn gờn gợn về một tương lai nhiều bất trắc, nhưng quyết không lìa nhau, đời này kiếp này; sẽ làm những công việc cực nhọc nhất để kiếm sống và chắc chắn sẽ mãi hạnh phúc cùng những đứa con đẹp như thiên thần của mình…- chúng tôi nhiều lần nói về những điều thật lãng mạn như vậy.

     Khi tỉnh kiên quyết triệt đường dây buôn lậu hàng tàu, nó ló ngay ở cảng khác, tỉnh khác. Thành phố chúng tôi lơ ngơ mất mấy năm: nguồn tiền các nơi đổ về đứt phựt, đứt theo cái nghề hái ra tiền của tôi. Là lúc Tâm có bầu.

     Tôi đến nhà thưa ba má Tâm tác thành cho chúng tôi trong sự cam chịu và ánh mắt rưng rưng xin lỗi của Tâm. Ba Tâm im lặng thở dài. Tôi thưa ba má tôi. Ba tôi giờ vẫn là giám đốc sở, cái rò rỉ phó chủ tịch tỉnh chỉ là một kiểu bắn tin có ý, còn ông trung thực, một đời theo cách mạng, không mua chác chức quyền. Má tôi nói vô mấy lời tụi nó lỡ thương nhau vậy rồi, anh nghĩ thử…. Ba tôi vẫn im lặng.

     Chúng tôi đăng ký kết hôn rồi thuê nhà sống với nhau. Ngày Tâm sinh con trai, những đồng tiền dành dụm của tôi cạn kiệt dần. Hàng ngày má Tâm tới giúp mọi thứ. Tôi chạy xe ôm bằng chiếc xe máy cũ, thường đón khách trước cổng chợ, nơi ba Tâm ngồi sửa khóa. Một hôm ông bảo có muốn học nghề thì ông truyền cho, làm thêm lúc chờ khách. Tôi có khiếu mấy thứ điện tử, cơ khí nên học nhanh đến mức ông ngạc nhiên. Ông chỉ nhẹ nhàng nhắc, cái nghề này giỏi cũng sống được, cốt yếu phải trung thực, không tham lam. Cái chìa khóa, tiền công vài ngàn nhưng mở mọi kho tàng, chỉ giúp người chứ không làm cho bọn đạo chích…

     Thỉnh thoảng ông và má vợ tới thăm cháu ngoại, cho Tâm ít tiền, hộp sữa. Má tôi cũng lại chơi, thăm cháu nội, nấu sẵn mang tới món cá bống kho tiêu bà đẻ ăn chặt dạ hoặc tô canh giò heo hầm đu đủ xanh cho mẹ có sữa. Má chăm đẻ theo kinh nghiệm những bà già xưa.

     Má tôi nông dân rặt. Sau bảy lăm, vốn văn hóa vọc vạch chắp nối mấy chữ, lấy chồng sinh con là không muốn bổ túc bổ tung chi cho mệt, làm công nhân xí nghiệp khai thác cát, ti tan, chủ yếu bưng bê khuân vác. Khi ba tôi lên giám đốc sở, ông bảo bà nghỉ hưu sớm về chăm con. Chắc ông sĩ diện. Lãnh đạo ngành văn hóa, vừa xây dựng cái mới vừa tiếp tục phục hồi, phát huy truyền thống địa phương, võ và văn, bảo tồn tháp Chàm, hát bội, ca kịch bài chòi, tiếp khách văn hóa Sài Gòn, Hà Nội… Lại thêm hai đoàn nghệ thuật truyền thống lớn của đất nước, ở đó có nhiều em nghệ sĩ trẻ mặt hoa da phấn, còn vợ mình tạng nông dân làm nghề vai u thịt bắp, ăn nói quê mùa, cục mịch cũng xấu hổ. Thà vợ giám đốc chỉ là người phụ nữ của gia đình chăm lo chồng con… Ba tôi có cái lý của ông.

     Cũng dân thoát ly, yêu nhau đồng chí, rồi vợ quan chức nhưng má mãi là một nông dân chất phác. Bà có xuất thương binh, lương hưu non, hai xuất liệt sĩ của cha và anh trai. Lúc tôi được vài tuổi, bà ngoại mất. Sau này bà ngoại được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các khoản lương và phụ cấp chính sách cũng đủ cho má tôi tiêu pha, cùng lo toan mọi thứ. Ừ, thì nghỉ nhà nước.

     Bà có sao nói vậy, nghĩ gì nói nấy, hôm nào tới thăm mẹ con Tâm về cũng trầm trồ với ba tôi, chu cha, thằng cháu nhìn ghét lắm, khéo đúc sao mà… Nó còn giống ông nội hơn giống thằng cha nó…

     Khi thằng cu Bi biết đi lững chững, ba tôi nói má đón vợ chồng tôi về. Rồi tết đó nhờ chúng tôi báo trước để ba má tôi tới thăm nhà Tâm. Hai người đàn ông lúc đầu còn ngường ngượng, giữ kẽ. Nhưng khi thằng cháu bi bô gọi ông nội, ông ngoại, mọi khoảng cách đã hết. Hai người uống mấy ly rượu xuân, thăm hỏi xã giao chung chung nhưng cách nói chân tình, thân thiện. Trời à, hình như hai ông đã đi qua cái mắc kẹt mơ hồ lâu nay.

2.

     Tâm sinh thêm thằng Bo. Mấy tháng sau cô xin được việc làm ở một công ty tư nhân, đúng nghề kế toán đã học. Ba tôi nghỉ hưu. Tôi nghỉ xe ôm, mở tiệm sửa khóa tại nhà, lấy tên chúng tôi ghép lại: Thiện Tâm. Lúc đầu lai rai khách. Rồi việc quảng bá trên mạng giúp tôi thường xách túi đồ nghề sửa lưu động. Thương hiệu Thiện Tâm vang xa. Thằng Bi vào lớp một. Ngày ngày ông nội đưa đón cháu. Tôi ít khi ở nhà. Đêm hôm gà gáy gì, ai gọi là đi. Có lúc đi xa các huyện trong tỉnh. Rồi ngoài tỉnh. Có khi sang cả Lào, Cam pu chia. Chỉ cần hỏi rõ loại khóa gì, thỏa thuận tiền mọi thứ nhanh chóng, ô kê là đi.

     Công việc của Tâm cũng khá. Bản tính đàng hoàng, trung thực lại có trách nhiệm với công việc nên mấy năm sau cô làm kế toán trưởng công ty. Chúng tôi phụ tiền hàng tháng cho má chuyện ăn uống, sinh hoạt; ngoài chi phí cho hai thằng nhóc, phần tích lũy riêng của vợ chồng tôi từng năm cứ khá dần lên. Đã từng đi qua cuộc cơ hàn, tủi nhục, giờ tạm gọi đủ đầy, sáng láng bước ra đường, thằng Bi thằng Bo lanh lợi, học hành cũng có giấy khen, tôi nghĩ cuộc sống mình vậy là may mắn hơn bao người.

     Nhưng…

     Gần đây thấy má tôi lằng lặng, ít gần gũi thằng Bo mỗi khi tôi đón nó nhà trẻ về. Một lần sau chuyến đi sửa khóa mấy ngày về, bắt gặp vẻ buồn buồn của má, gặng hỏi, má tôi rơm rớm nước mắt, giọng hờn lẩy:
     - Con Tâm, cái gì má làm nó cũng không vừa ý!
     - Má, nhưng sao chứ, con không nghe Tâm nói gì?
     - Thằng Bo chơi phía trước chảy mũi nước, má lấy tay bắt mũi, nó vừa về thấy vậy la hoảng lên, “Úi nội! tay nội đang dơ. Sao không lấy khăn?”
     - Chậc, tưởng gì. Để con nói Tâm tế nhị hơn. Tính Tâm nó sạch sẽ quen rồi. Với lại má chịu khó chút, con thấy Tâm để nhiều khăn cháu mỗi phòng mà.
     - Tao quen rồi! Sớ lỡ… chứ có phải… À, tao dơ dáy chớ gì? Anh em mầy cũng lớn lên từ bà mẹ không “sạch sẽ” này đấy!
     - Má! Tôi kêu lên oan ức- con không có ý đó…
     Tôi biết mình lỡ lời. Tự dưng thấy mỏi mệt khủng khiếp. Niềm vui về nhà với gia đình bỗng hụt hẫng.
     Từng có lần Tâm than:
     -Ông bà nội chiều cháu quá, em nghiêm, gắt một chút với thằng Bi là nóng mặt, can thiệp ngay, có khi buồn buồn cả ngày. Hèn nào vợ chồng anh Đức, chị Ngân cưới nhau xong là ra ở riêng… Em không thấy cái tam đại, tứ đại đồng đường gì đó hay ho chút nào!
     Tôi ậm ừ, để từ từ tính.

     Nhưng dạo này Tâm cũng khang khác, ít chia sẻ. Chuyện giường chiếu vẫn đều đặn nhưng cô có vẻ chìu ý tôi hơn là tận hưởng. Đi ngủ thường nằm quay lưng, có lúc bảo mệt mỏi, sức ép công việc. Nhất là thời điểm cuối năm. Lễ lạt, tiếp khách, tổng kết công ty, một công ty đang ăn nên làm ra mà cô là kế toán trưởng.

     Tôi nằm nghĩ miên man, vừa thương Tâm vất vả, bao sức ép, vừa gợn nỗi chạnh lòng. Xe ga, váy áo hàng hiệu, làm tóc, làm móng, đồ trang sức, nước hoa sực nức… Có khi tiếp khách hai, ba đêm liền, chín, mười giờ mới về nhà, người có mùi rượu, bia. Tâm thường điện thoại về báo cho tôi biết để nhà không chờ cơm, nếu tôi sửa khóa xa thì điện cho má. Nói chung cô chưa có gì sai quấy. Nhưng cảm giác chúng tôi càng lúc càng có khoảng cách. Nó âm thầm len vào, không cụ thể việc gì cả nên càng khó gọi tên. Tôi nhớ thời gần hai năm nhà trọ, cái áo lạnh cho con cũng khéo sắp xếp mới mua được. Đêm đông lạnh, vợ chồng sưởi cho nhau bằng hơi ấm của mình. Sẻn so từng món quà nghèo đầy tự trọng khi bạn bè mời đầy tháng, sinh nhật con. Sĩ diện và ngẩng cao đầu, không sợ bất kỳ kẻ quyền thế, giàu có nào. Mà mọi thứ luôn tâm đầu ý hợp. Giờ tiền bạc thong thả, sao lẩn quất những âu lo, muộn phiền?

     Có khi đơn giản, kiểu xem một bộ phim cũng tranh luận không vui. “Điệp viên 007” chẳng hạn. Diễn viên đóng James Bond từ S. Conery đến R. More, T. Dalton, Pierce Brosnan, người hào hoa, người quyến rũ, phong trần, người thông thái điềm tĩnh, người lãng tử đến mức nam, nữ đều ngất ngây… Đến khi Daniel Craig với chất gai góc hững hờ, lại thông minh sắc bén, lối diễn chân thật, rất đời, đúng với nhân vật trong tiểu thuyết của Ian Fleming. Tâm thích những diễn viên thế hệ trước, nhất là Pierce hào hoa, lãng tử còn tôi thích Daniel Craig gần với đời sống, rất thật chứ không giống diễn trên màn ảnh. Cả biểu hiện rất người: lộ vẻ căng thẳng lúc nguy nan… Vậy là tôi với Tâm tranh luận, phim và đời. Chất đàn ông thế nào man hơn. Khác nhau về cảm nhận, sở thích là thường, nhưng khi Tâm cứ khăng khăng: “Đàn ông dù phim, dù đời phải ga lăng, hào hoa mới quyến rũ nữ giới chứ thiệt thà đơn giản quá cũng ớn”…

     Tôi im lặng ngay khi nghe cô nói câu đó. Những váy áo, giày, đồ trang sức, nước hoa của cô hiện lên. Dù hai con vẫn mới ba mươi, có nhan sắc và cốt cách sang quý, hẳn vây quanh cô bao kẻ săn đón, chiều nịnh. Còn tôi chỉ là một người thợ sửa khóa, nửa đêm gà gáy gì ai gọi cũng xách đồ nghề đi kiếm tiền. Xa mấy ngày cũng đi, mừng cầm vài trăm, vài triệu về cho gia đình. Thu nhập hàng tháng của tôi chưa được một nửa Tâm. Trong tôi, hay Tâm, hay cả hai đang có sự liên tưởng, so sánh nguy hiểm?

     Ga lăng, hào hoa chắc chắn không hề là tôi nhưng thế giới đầy quyến rũ ấy Tâm tiếp xúc nhiều. Tôi thừa lòng tự trọng để không ngăn cản chuyện Tâm đi học khiêu vũ hoặc gia nhập câu lạc bộ tennis, học lái ô tô, bởi đây là những thụ hưởng chính đáng nếu có điều kiện, nếu yêu thích. Cô thừa hưởng năng khiếu văn nghệ từ người cha sĩ quan chế độ cũ của mình nên hát hay, nhảy đẹp. Tôi đang tạo điều kiện cho Tâm rời xa mình chăng? Có thể. Con người vốn mong manh trước cám dỗ hơn họ tưởng. Nhưng nếu hành xử khác đi, là tôi tự giết chết tình yêu của mình khi trở thành kẻ mạt hạng nhăm nhăm ý tưởng sở hữu.

     Tâm thương con, chăm sóc con rất chu đáo. Có vẻ tình yêu trước đây dành cho tôi cô đã san sẻ phần nhiều sang con, dù tình cảm không phải là thứ có thể cân lượng, dù tình cảm không phải là ngân khoản cố định: nó có thể sinh lợi mênh mông và cũng có thể cạn kiệt chẳng biết tiêu pha lẽ gì hoặc ai đã đánh cắp.

     Ở giải tennis các doanh nghiệp cấp khu vực, trước đó cô hào hứng tập luyện, và đánh thắng một mạch, vào đến vòng bán kết, được đánh giá ứng viên vô địch. Tâm quyết định bỏ cuộc vì thằng Bo đau quai bị, nhập viện. Dù có ông bà nội và tôi, thỉnh thoảng ông bà ngoại cũng chạy lại bên cháu, mọi người động viên Tâm cứ thi đấu, cô vẫn kiên quyết dừng giải, dành mấy ngày cao điểm bên con, nhất nhất giúp con thực hiện những kiêng cữ cần thiết- cái bệnh có thể dẫn tới vô sinh sau này.

     Những ngày ở bên con, Tâm vẫn ăn mặc tinh tươm vốn sẵn, nhưng không hề trang điểm, trang sức. Lặng lẽ quan sát cô chăm sóc con, từ miếng ăn, giấc ngủ, ngồi trò chuyện hàng giờ cho con đỡ chán, dùng khăn thấm chút mồ hôi trên trán con…, tôi ngạc nhiên thấy cô đẹp lạ, vẻ đẹp tôi chưa từng cảm thấu rõ ràng như bây giờ. Có thể nhờ một tình thế nhất định, có thể từ những lo âu mơ hồ trong tôi, hoặc tôi đã thay đổi cách nhìn.
     -Bỏ giải em có tiếc không?
     -Tiếc chứ. Công ty cũng thăn thỉ em thi đấu. Nhưng đó chỉ là trò chơi. Giải trí thôi mà.
     -Cám ơn em. Dù sao, anh vẫn có thể chăm con chu toàn?
     -Em luôn tin điều đó.
     -Anh cũng thấy tiếc. Đáng lý anh đã có thể chúc mừng em…
     -Em không chắc lắm đâu, những điều chưa xảy ra… Cô dừng một chút như đang nghĩ ngợi điều gì- nhưng em luôn biết chắc rằng, mình là một người mẹ!
     Những ngày sau đi làm, Tâm trở lại là người phụ nữ sang trọng, quyến rũ như trước.

3.

     Thói quen đọc báo hàng ngày ba tôi vẫn luôn duy trì suốt từ hồi về hưu tới giờ. Càng lúc ông càng buồn bực, thậm chí cáu gắt vô cớ vì những tin tức đầy rẫy trên mặt báo. Hiện trạng tha hóa, biến chất cán bộ từ trung ương đến địa phương, từ dân chính đến công an, quân đội; đầy rẫy sai phạm kiểu lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ; sự đối kháng của người dân từ những chính sách về đất đai hoặc tình thế đất nước bị o ép, khó khăn nhiều mặt… Nhiều lúc ông quẳng tờ báo, lầu bầu: “báo với chí!” Chẳng biết ông thất vọng về cách báo đưa tin hay nội dung những bài báo.

     Những cán bộ dưới quyền cũ thỉnh thoảng đến chơi hỏi ý kiến ông chuyện này chuyện kia, người thực lòng ông chân tình góp ý, kẻ vụ lợi ông một mực từ chối với cái lý mình đã về hưu, không lạm bàn. Gặp bạn bè cũ thời trên núi, ba tôi phấn chấn hẳn lên, chuyện vãn gì rồi cũng hàn huyên về thời gian lao, sống chết có nhau, nhắc tới những người bạn đã hy sinh, những người cùng thời sau Bảy lăm ai thăng tiến, thành đạt, ai tù tội… Ông lắng nghe bạn nói lời thất vọng, chán nản về những biến chất con người, xã hội bây giờ, nhưng im lặng, không bình luận gì.

     Ba tôi thuộc tạng người khó thể phủ nhận, phỉ báng con đường mình từng đi.

     Khi anh Đức về thưa ba chuyện nghỉ việc cơ quan, tập trung cho cửa hàng xe đạp điện với vợ, ông hơi chau mày một chút rồi hỏi:
     -Sao nghỉ? Con học hành đàng hoàng, đang trong cơ cấu sao lại bỏ?
     -Con nghĩ kỹ rồi ba. Con không hợp với kiểu công chức uể oải, tẻ nhạt một cách khuôn mẫu bây giờ. Hết một đời dựa dật đồng lương, chứng kiến những chướng tai gai mắt ở cơ quan, cạnh tranh đấu đá, hoặc ngoan hiền ẩn nhẫn chờ thời hoặc cầu cạnh lấy lòng cấp trên để tiến thân cho đến khi nghỉ hưu như ba chắc con không chịu nổi!
     Ba tôi ngạc nhiên nghe anh Đức nói thẳng tuột ý nghĩ của mình. Im lặng một lát, ông nhẹ nhàng:
     -Tùy con.

     Cũng đã lâu rồi, ông không nói câu “gia đình mình truyền thống cách mạng” như niềm tự hào, như gợi ý, nhắc nhở vợ con. Gần nhất là hồi vợ chồng tôi mới về, trong mâm cơm tất niên, nhân việc anh Đức than chuyện cơ quan giờ ai cũng nhăm nhăm kiếm tiền, tranh thủ những toan tính có lợi cho mình, những cuộc họp đều nói với nhau điều giả trá, thấy chán, ba nói câu ấy để động viên anh Đức thôi chứ không có ý gì khác. Tôi thấy mặt Tâm thoảng rung động. Cô ăn vội chút gì đó trong chén rồi xin phép đứng dậy trước.

     Má tôi tuy có lúc tự ái, hờn lẩy Tâm nhưng rồi cái hồn nhiên quấn quýt của thằng Bi, thằng Bo cũng khiến bà nội vui và bận rộn chiều cháu. Ông nội còn cưng chiều hơn, lúc nào cũng sẵn mấy bì bánh ngon cho cháu. Chủ nhật thường tổ chức cả nhà đi ăn sáng, cà phê, hôm sắp xếp được, nhà anh hai cũng về. Bi, Bo có hai chị gái con anh Đức cũng thương, chiều em, sướng lắm.

     Tâm có lúc cùng đi, cũng cố hòa nhập với không khí gia đình nhưng có gì không thật thoải mái. Khác hẳn với những lần chúng tôi đưa con về ngoại chơi. Ông bà ngoại cũng thương chìu cháu lâu lâu về mà, nhưng thấy quá một chút là Tâm can thiệp ngay, nhẹ nhàng và tự tin, dứt khoát. Ông bà ngoại cũng cứ vui, không khí gia đình ấm áp tình cảm.

     Nhà ngoại gần đây đã có cái ti vi màn hình let, một số tiện ích khác thay thế những đồ cũ mấy chục năm. Hai anh trai của Tâm, người Gia Lai, người Bình Dương giờ làm ăn khá, mỗi lần về là sắm sửa cho cha mẹ. Mỗi lần xẹt qua năm, ba phút, Tâm cũng thường ép dúi vào tay mẹ mấy trăm.

     Tôi thích những đồ vật cũ: cái đồng hồ tường, cái giỏ bình trà ba Tâm đan bằng dây điện từ hồi ở lính, cái máy đĩa Akai, cái tivi đen trắng Sony 9 inch, cái máy ảnh Canon, mấy quẹt Zippo, cái kính pilot… Có thứ đang hoạt động, có thứ đã hỏng hoặc quá lâu không sử dụng nhưng được kê, đặt ngay ngắn trên kệ, tủ. Sạch sẽ, tinh tươm. Một không gian khác với nhà tôi, khác với nhiều nhà thịnh phát bây giờ: có hồn, xưa cũ và đầy tự trọng.

     Ba vợ tôi đã ngoài bảy mươi, vẫn ngồi sửa khóa trước chợ. Má vẫn nồi xôi bán trước nhà. Mỗi lần qua nhà, tôi thường nói chuyện sửa khóa với cha vợ, những khó khăn các loại khóa mới, những tình huống, tiếp xúc, vui buồn mấy chuyến đi xa. Ông lắng nghe, điềm đạm chia sẻ những kinh nghiệm.

     Tôi biết mình dễ dàng thân thiết với ngôi nhà này hơn Tâm với nhà tôi. Tôi càng thương quý cô. Thời yêu nhau ban đầu, chúng tôi thừa lãng mạn và hiếu thắng, tự tin sẽ vượt qua mọi khó khăn. Giờ đối diện những vướng mắc không dễ gỡ. Lại thêm hai thằng con xinh như mộng, …

     Nhưng tách ra ở riêng theo ý Tâm, ba má tôi sẽ hụt hẫng lớn. Má tôi nông dân, đơn giản hơn, còn niềm vui duy nhất của ba tôi bây giờ là hai đứa cháu nội, ba sẽ rất xốc.

4.

     Chuông điện thoại hãm âm nho nhỏ, từ giấc ngủ tôi vọng ra. Tâm trở mình. Đồng hồ tường đã gần hai giờ sáng. Tôi nhoài người bắt máy.
     -Sửa khóa Thiện Tâm phải không ạ?
     -Dạ, Thiện Tâm nghe.
     -Anh ơi, em ở 12xx… Trần Hưng Đạo, anh giúp mở dùm khóa nhà, em làm mất khóa…
     -Chị để sáng mai được không, mới hai giờ…
     -Không được anh ơi, anh chịu khó giúp dùm, bao nhiêu tiền cũng được… Chồng em đi công tác sắp về… Em cứ nghĩ chiều mai ảnh mới… Anh giúp dùm! Cầu xin anh đấy!…
     Một ca quen thuộc. Chồng bất ngờ về sớm hơn dự định. Những người đàn bà thị thành thời nay của những gia đình giàu có, thành đạt, khi chồng đại gia hoặc quan chức miệt mài tìm em út, bồ nhí trẻ trung bên ngoài, vợ cũng tranh thủ sống, chuyện “chả”- “nem” khá cân bằng nhau. Người ngoài nhìn vào luôn thấy một mô hình gia đình hạnh phúc, sang quý đáng mơ ước.

     Cha vợ dạy tôi bài học về đạo đức người thợ sửa khóa: lương tâm và sự trung thực. Giúp người là chính. Tôi lại sẽ giúp người phụ nữ khách hàng này an toàn về đức hạnh với chồng cô ta thôi. Giúp cô ta chuyện lừa dối chồng, tôi có vi phạm đạo đức nghề sửa khóa không? Tôi không biết. Thôi đó là chuyện người, hơi sức đâu “lo bò chết hổng hòm”.

     Còn chuyện mình?

     Tôi nhìn Tâm. Khi cô trở người nằm nghiêng tự nhiên, chân co chân dũi, cái áo ngủ đã xếch lên tùy tiện và hờ hững quá đùi- một sự hớ hênh của đoan chính đầy cuốn hút.

     Tôi chỉ là thợ sửa khóa giỏi. Tất tần tật các loại khóa, từ xưa cũ đến hiện đại trục trặc, khô dầu lờn bi, mắc kẹt kiểu gì tôi đều sửa được…

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này