BÀI VIẾT MỚI

Chuyện tình bên bờ sông Kiến - Truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường - Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình

Truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường - Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 10/2020.

Chuyện tình bên bờ sông Kiến

Chiều hôm ấy, bên bờ sông Kiến giang anh đón em về...

    Có một đoạn ca từ như vậy trong bài hát về con sông này, nhưng chuyện đó kể sau. Bây giờ phải vào cuộc với nhân vật từ một góc khác...

    Tôi ngồi khá lâu với lão trên chiếc ghế đá dưới gốc cây hoa sữa cổ thụ bên bờ sông. Hữu ý mà như tình cờ, là tôi đọc được trên mạng một cái stt của hoạ sĩ tài danh ở đất Hà thành lại giới thiệu rất nồng nàn về con sông ở Bắc miền Trung: rằng, sông nhỏ mà đẹp nhất ông từng thấy, sông có nhiều bến nhất. Rằng, hai bờ là quê hương của những nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất trong lịch sử cận đại và hiện đại: Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh định vị hình hài đất nước tới tận mũi Cà mau vào cuối thế kỷ mười bảy, đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và cả ngài tổng thống lầm đường họ Ngô giữa thế kỷ hai mươi. Và nữa, con sông lưu dấu của một mối tình si, bốn mươi lăm năm, một người đàn ông không chịu nguôi ngoai về bóng dáng một người tình năm xưa bên bến sông...

   Tôi tìm về , may mắn gặp được lão đây là chủ nhân của “mối tình si”ấy. Và, không cần gợi ý đến lần hai, lão dẫn luôn ra bậc bến, ngồi trên chiếc ghế đá này trong một đêm trăng ngời ngợi sáng tỏa bóng vàng xuống mặt nước...

  ...

  Bảy mươi, cổ nhân nói răng hè? Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ, là bảy mươi tuổi làm gì mình thích cũng không sợ sai. Tôi chưa tới bảy mươi nhưng cũng không còn muốn để kỷ niệm chất chứa trong lòng nữa rồi, phải chia sẻ với cậu, để, một ngày đẹp trời có mây trắng nắng trong “gió gọi tôi về” thì đi cho thanh thản.

   Tôi quen nàng, tình cờ như tối nay gặp cậu vậy. Mủa thu năm 1973, hiệp định Pa ri ký kết đã hơn nửa năm. Từ quân y viện, khi vết thương vừa lên da non, tôi xin về thăm nhà vài ngày gặp đúng dịp ở quê mở hội đua thuyền mừng tết độc lập. Có lẽ trên đất nước này cũng hiếm có nơi đâu gọi ngày quốc khánh là “tết độc lập” và “ăn tết” bằng lễ hội đua thuyền hoành tráng và độc đáo như ở đây. Cung đường bơi cả mười mấy ki lô mét, năm xưa, bơi đến ba vòng sáu tao, là dài bao nhiêu? Tôi, không giống những trai làng phóng xe đạp theo đò bơi của làng mình hò hét cổ vũ mà chỉ ngồi trên bãi cỏ ven sông trong tâm trạng hân hoan chiêm ngắm mấy chục thuyền bơi lần lượt lướt qua. Rồi không gian lại yên tĩnh chờ đón vòng đua trở lên. Đầu tháng chín, tiết thu, nắng vàng mật ong gió hây hẩy. Có tiếng kẹt xe khe khẽ sau lưng. Tôi quay lại, một thiếu nữ đang cúi người lúng túng gỡ cái vòng xích bị mắc trong ổ líp xe đạp. Tác phong lính rèn dũa đã ba năm, tôi bật dậy, xoay người. Ba năm kéo cần lái xe Tăng “cách năm cây số còn hăng mùi dầu” sá gì cái xích xe đạp nhỏ bé. Cậu ơi, khi cái vòng xích quay ro ro quanh ổ líp thì da mặt tôi mơ hồ có một làn tóc vuốt qua...thơm mùi, mùi gì cậu biết không? Nói thì cậu cho tôi chém gió ngoa ngôn, nhưng thực thà mà nói là không thể định hương ngay được. Không hẳn lá chanh hay lá sả, hương nhu hay bạc hà, mà là hương đồng nội cậu ạ. Cái mùi hương đã hấp dẫn tôi từ hồi còn bé dại lan ra từ Mẹ hay các chị gái sau mỗi lần gội đầu. Và nữa, thoảng như một làn gió nhẹ là lời cảm ơn vọng vào tai như không có thật. Rồi đó, nàng đạp xe đi. Tôi đứng như trời trồng: Trái tim chiến binh tuổi hai mươi lập tức bị cầm tù. Chết bỏ mẹ thằng tây! Lính trận như tôi mà tim bị “cầm tù” thì chịu chi nổi. May, có con em họ giúp sức, nghe tôi miêu tả vóc dáng, nước da nâu, mái tóc bồng bềnh tự nhiên là...nó định danh được ngay là nàng, bạn nó. Còn chờ gì nữa, ngay tối ấy, tôi bắt nó làm hướng đạo vượt sông sang thăm nhà. Con sông nhỏ, trẻ con hai bờ tắm sông thường lấy đất ném nhau. Ngày Đại tướng về thăm quê, đâu như cuối thập niên sáu mươi, bảy tám tuổi chúng tôi đã dám vượt sông ào ạt chạy theo xe của ông với tấm lòng ngưỡng mộ vô bờ bến... Nàng, mười bảy tuổi đã là một cô xã viên dệt chiếu cói có hạng trong vùng. Nhiều buổi, thằng lính là tôi ngồi mê mẩn nhìn nàng xe tra, luồn dây, dệt chiếu. Bàn tay như được đào tạo qua trường dành cho diễn viên múa. Làn tóc lượn sóng tự nhiên xõa nghiêng bên má che nửa khuôn mặt thanh tân... Cứ hồi tưởng lại những dòng ký ức này là tôi buồn lắm. Tạo hóa đã đặt vào lòng bàn tay tôi một viên ngọc quý mà tôi không biết đường nắm lại, để viên ngọc lăn đi, cậu ơi...!

   Tôi nhìn sang, cứ ngỡ như lão sắp khóc...

   ...Trung thu năm 1973, ấy trăng sáng lắm, hai bờ sông về đêm đường làng ngõ xóm như được dát vàng. Chắc cậu còn nhớ, từ tháng tư năm bảy hai, sau khi ta mở chiến dịch Quảng Trị, không lực Mỹ ném bom miền Bắc trở lại, trận “Điện biên phủ trên không” ở Hà Nội, rồi hiệp định Pa ri ký kết, người dân tuyến lửa quê tôi mới dường như chắc chắn hết cảnh bom đạn. Sinh hoạt xã hội trong thôn xóm được nới ra ít nhiều. Đêm, trong không gian làng quê không chỉ có tiếng sáo trúc dìu dặt mà đã nghe bập bùng ghi ta. Thì chính tôi mang cây đàn từ Hà nội về trước ngày nhập ngũ. Tôi cùng đứa em họ sang bến nước nhà nàng, cùng với một nhóm bạn tập hát một ca khúc truyền lại từ đầu những năm sáu mươi, trước chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Bài hát này, mãi về sau tôi mới biết người làm thơ vườn ở quê đã phổ lời vào bản nhạc của ca khúc bên Nga. Lời của nó bắt đầu bằng câu hát vừa nhắc trên đây, rất hợp với trạng thái tình cảm của chúng tôi lúc đó. Để tôi thử hát lại cậu nghe. Thời trẻ tôi có giọng lắm nhé, đừng tưởng.

   Nói là làm, lão dặng hắng mấy cái cố bắt vào đúng nhịp:
       Chiều hôm ấy... bên bờ sông Kiến giang anh đón em về
       Trăng vời nước... ngày nào hai ta cùng nhau thề...bên sông vắng
       Dù xa nhau sông cạn đá mòn
       Tình duyên ta mãi mãi vẫn còn...
  Bất ngờ, lão dừng lại hỏi:
   -  Thế nào, đã nhận ra nhạc của ca khúc nào chưa? Cậu từng học Nga mấy năm lẽ nào không thấy giai điệu này quen.! Để rồi lát nữa tôi hát tiếp. Bây giờ kể cậu nghe phần hai câu chuyện nhé.

  ...Lần ấy, tôi trễ phép mấy ngày. Nhưng hề chi, lính cựu, máu công thần, lại đang ở đoàn an dưỡng để trở về đơn vị chiến đấu, đố ai dám phê bình phê chén. Thắng lợi lớn là tôi đã cầm được tay nàng. Cậu biết không, nàng run như một con chim zẽ. Tôi thì, đến lúc ấy chưa từng tỏ tình với ai, nhưng hai năm ở trường đại học nhồi nhét bao nhiêu chuyện tình tiểu thuyết thi ca, việc nói những lời “có cánh” với nàng là chuyện nhỏ. Nói chung là một chuyến nghỉ phép thắng lợi. Sau đó là những tháng ngày huấn luyện để trở lại chiến trường. Ngày ấy, tuổi trẻ sao hay thế! Thư đi từ lại toàn những lời nồng nàn thắm thiết. Đến đầu bảy lăm, khi tình đã nồng, những lời thề thốt đợi chờ trong thư đã như đinh đóng cột thì đơn vị được lệnh đi chiến dịch cuối cùng. Sau tháng tư bảy lăm, trong khi toàn dân hân hoan với ngày thống nhất non sông thì tôi một lần nữa mê man trong quân y viện, lại lên bàn mổ. Dù sao vẫn may mắn hơn khối thằng là không bị rán thành tóp mỡ trong xe hay thành khóí bay lên trời. Sọ bị thủng mấy chỗ nhưng chân tay còn nguyên. Tôi trở về trường học tiếp những năm cuối. Hè bảy sáu tưởng là thời gian hạnh phúc nhất đời tôi, ai ngờ...

                                                                   *

   Trong đời làm báo làm văn, tôi từng tiếp xúc với nhiều số phận, nhiều cảnh đời, có thành đạt sung mãn có bất hạnh phũ phàng. Nhưng cái vẻ buồn ảo não man mác như lão già ven sông Kiến giang này khi kể về mối tình xưa của mình thì đúng là mới gặp lần đầu. Trăng trung tuần tháng tám vẫn rời rợi mặt nước. Bến bên kia sông, bỗng có một người phụ nữ nách xuống một chậu thau đầy quần áo. Đôi mắt lão chăm chắm nhìn ra xa như mờ đi...

  ...Cũng một đêm trăng, cậu ạ. Tôi từ Hà Nội về nghỉ hè, đến nhà thì đã muộn. Ăn cơm tối xong thì lăn ra ngủ vì đi đường khá mệt. Ngày ấy đi từ Hà Nội về Quảng Bình khó khăn và mệt mỏi như đi lên trời. Tôi chìm vào giấc ngủ, mang theo ý nghĩ sáng mai sẽ sang thăm nàng, lại thấy nàng bên khung dệt, làn tóc bồng bềnh che nghiêng nửa khuôn mặt, đôi cánh tay như múa. Gần sáng, có một cái gì động cựa chộn rộn dưới sông làm tôi tỉnh giấc. Nghe mơ hồ như có tiếng máy ca nô. Ngày ấy, người dân quê tôi di chuyển bằng thuyền vẫn chèo tay. Chỉ nhà nước phục vụ sự kiện lớn mới dùng ca nô. Thư trước, nàng có nói phong thanh như tỉnh nhà Bình Trị Thiên đang kêu gọi thanh niên lên đường xây dựng công trình thủy lợi ở phía Nam, nhưng nàng ngoài diện vì đang là thành viên Hợp tác xã Chiếu cói. Nhưng, biết đâu...?! Tôi mặc nguyên quần đùi áo lót  xuống bờ sông. Đúng là bờ bên kia có chiếc ca nô chở một tốp người sắp rời bến. Na! tôi bật lên một tiếng kêu đanh giọng. Vậy mà, cậu thấy đấy, từ chỗ chúng ta đang ngồi, cảm giác như phải kêu một tiếng tương đối lớn bờ bên kia mới nghe.Tôi không nhớ mình bật ra tiếng kêu âm vực thế nào mà lẫn trong tiếng ca nô một cô gái trên thuyền vẫn nghe thấy được. Cô nói vọng sang giọng lảnh lói:
  - Anh Cường phải không? Về khi mô rứa? Chị Na đi chuyến trước rồi.
  -  Đi mô?
  -  Anh không biết à? Đi thủy lợi Nam Thạch Hãn.
  -  Đi lâu chưa?
  - Khoảng mười lăm phút...
Tai tôi ù đi. Trong khoảng khắc giật mình, không hiểu sao tôi vẫn đủ tỉnh táo để ước lượng tốc độ ca nô, tốc độ phi thân của tôi và khoảng cách từ đây đến bờ phá Hạc Hải. Tôi co giò phóng về phía hạ nguồn, tranh chấp từng giây, lòng thầm cảm ơn những đợt rèn luyện chạy Việt dã trong quân ngũ. Dọc bờ sông, trăng vẫn rời rợi soi đường cho những bước chạy thần tốc của tôi. Xóm làng vẫn thiêm thiếp ngủ. Thỉnh thoảng, có những con chó của nhà ven đường giật mình choàng tỉnh sủa lên một tiếng rồi đuổi theo tôi như truy kích một thằng trộm đêm. Nhưng, loài chó nhà đáng mến kia làm sao đua được tốc độ với một kẻ điên đã mấy năm không gặp người yêu. Trước mặt đã là phá Hạc Hải. Trên lộ trình xuôi xuống cửa Nhật Lệ ở Đồng Hới, dòng Kiến Giang bồng phình ra thành vùng nước lợ bốn nghìn mẫu tây hoang hóa mọc đầy cây lác. Thế kỷ mười sáu, tiến sĩ Dương Văn An, người của chính làng bên kia sông đi làm quan ở Thăng Long mang về nghề dệt chiếu lác cho dân bản địa mưu sống. Nhưng, lúc ấy, tôi làm sao nghĩ nhiều đến vậy. Chiếc ca nô đang tiến ra mặt phá, còn tôi thì buộc lòng phải đứng lại. Bất ngờ, như thể có một luồng hơi mạnh chất chứa gần nghìn ngày dồn nén, tôi ngoác mồm hét to lên giữa thinh không vằng vặc ánh trăng:
   -  Na...ơ...i...!
  Mặt phá hoang sơ thì đương nhiên không có tiếng vọng lại. Chỉ có ngọn gió mơn man se lạnh thổi chan hòa vào mặt, vào tóc, ve vuốt an ủi, làm khô dòng nước mắt tuyệt vọng của tôi và ánh trăng nhạt nhòa đồng cảm.
    - Mấy mươi năm rồi à?
   - Cậu trừ đi, năm bảy sáu, bốn mươi ba năm.
   - Có gặp lại không?
   - Không.
   - Sao thế?
  -  Sao trên trời, vì nàng lấy chồng phương Nam xa xôi...
...

  Đúng ra là có gặp một lần, nhưng không giáp mặt. Tức là hai năm sau, tôi tốt nghiệp ra trường, lang thang xin việc ở Hà Nội, hết tiền bèn về quê tính chuyện “tá túc” Ba Mẹ một thời gian. Vấn đề là trong hai năm đó tôi mất liên lạc, không biết nàng đang làm công trình thủy lợi nào, và, điều này mới quan trọng, không xu dính túi để có thể đi tìm. Tôi đã nói, là hành trình Hà Nội- Quảng Bình gian khổ như đi lên trời mà!

   Cuối năm bảy tám, mới xin được việc ở Huế, tôi về quê mấy ngày, chưa có lương nên vẫn ăn bám Ba Mẹ. Chiều tối, tôi lang thang xuống bến chẳng có dự định gì. Bất ngờ, linh cảm thấy bóng người ngồi rửa bát bên kia sông hình như quen quen. Cũng cái cách ngồi như người phụ nữ lúc nãy ấy cậu ạ, một dáng ngồi đồng quê ở bến sông gần giống nhau. Từ sáng, gặp con em họ, nghe hắn nói chị Na đã có người yêu, đâu như kỹ sư thủy lợi phụ trách công trình gì đấy cũng khá và sắp cưới. Ngày ấy chưa có khách sạn khách đá gì đâu. Cưới nhau thì căng tấm bạt giữa sân. Bàn ghế mượn hàng xóm. Bát đũa ly chén thì đã dự trữ sẵn trong rương, dở ra khi có việc. Trong chập choạng tối, dù đã hai năm xa cách, tôi vẫn mường tượng ra bóng người đang rửa ly chén  bên kia chắc là chuẩn bị cho tiệc cưới ngày mai. Tiệc gì đâu, cũng chỉ bánh kẹo thuốc lá. Sang thì kẹo Hải Châu mua từ Hà Nội, thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên bao bạc. Khó thì kẹo cứng, thuốc lá cuộn, chè đâm. Phông màn thì vẽ hai con chim bồ câu chụm mỏ vào nhau, hai chữ cái là phụ âm đầu của hai cái tên cô dâu chú rể và câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Mịa, sắp lên giường thì chỉ có cái nhiệm vụ là “chiến” chứ làm gì...

   Cậu biết không? Không bao giờ nàng ngờ rằng tôi đang ở bên này sông. Và tôi trở lên nhà xách xuống cây đàn ghi ta, ngồi đúng vào chỗ tôi và cậu đang ngồi đây, hồi ây còn là vệ cỏ. Bên kia, nàng sắp ly chén vào rổ chuẩn bị trở lên. Tôi không kịp nghĩ gì nhiều, nên, cái hành vi có thể nói là độc ác đến bất chợt. Đúng lúc nàng nách rổ ly chén bước lên bậc bến thứ nhất thì tôi bấm một hợp âm. Tiếng đàn ghi ta vọng sang nhanh hơn cả khoảng khắc chân nàng đặt xuống bậc bến thứ hai. Tôi thề là trong bóng đêm không đặc lắm vẫn nhìn thấy bóng người con gái dường như chao đi. Và tôi hăng hái tiếp tục gảy khúc nhạc mà cách đó năm năm đã cùng nàng và nhóm bạn hát trong những đêm trăng ngời ngợi ở chính bến sông kia.
  Chiều hôm ấy, bên bờ sông kiến giang anh đón em về
  Trăng vời nước, ngày nào hai ta cùng nhau thề, bên sông vắng...
  - Này, cậu học đến năm năm bên Nga mà không nghe thấy giai diệu này là của ca khúc nào à?
  - Khúc khúc cái gì? Bác kể tiếp đi nào, sau đó rồi sao?
 Người đàn ông cao tuổi bỗng im lặng. Linh tính cho tôi biết có vấn đề của người già. Đúng là ông im lặng lâu hơn bình thường, rồi như phải lấy lại hơi, giọng ông nghèn nghẹn:
 - Thực tình, hơn bốn mươi năm qua, tôi không thể tự lý giải được vì sao lại làm vậy. Thật là hèn hạ. Ngay đêm trước ngày cưới của người ta mình lại xách đàn quậy phá. Cậu biết không, khi bản đàn tôi dạo đến câu: “ Mà giờ đây không còn duyên dáng/ Ôi tan đi khi bóng trăng tàn” thì nghe bên kia đánh xoảng một tiếng, giòn tan, như hàng chục cái ly đồng loạt bị vỡ. Trong bóng tối, lóe lên nhưng tia sáng xanh xanh yếu ớt của mảnh thủy tinh văng tung tóe. Nàng vẫn đứng yên trên bậc bến trong khi từ trên nhà có nhiều người chạy xuống hốt hoảng. Người ta soi đèn Hoa kỳ để tìm mảnh vỡ thủy tinh, người ta xuýt xoa hỏi han, trách cứ sao lại để cô dâu tự đi rửa ly chén, không một chút hoài nghi việc nàng trượt chân ngã. Vậy nhưng, lẫn trong tiếng ồn ào lộn xộn đó vẫn nghe vẳng tiếng một thiếu nữ ra vẻ nghi hoặc: “ khi hồi nghe có ai đánh đàn bên kia”. Mẹ ơi, chỉ nghe thế, tôi đã vội kẹp cây đàn vào sát người lanh lẹ chuồn lên nhà như một thằng ăn trộm...

   Ngày hôm sau, bên kia sông có tiếng pháo nổ...

                                                                 *

  - Thế vậy, từ đó đến nay bác không gặp lại nàng à?
  - Gặp làm sao được! Họ cưới xong đưa nhau về quê chồng tận miền Nam. Tôi lấy tư cách gì mà đi gặp. Bà con không phải. bạn bè tình thân cũng không...
   ...Nghe nói nhóm bạn của ông còn nửa đùa nửa thật dọa rằng, tay chồng của nàng có võ lại rất nóng tính và hay ghen, vớ vẩn là lãnh đủ. Khổ thân, từ đó đến nay, cứ về quê là ông xuống bến ngồi, bắt mặt ngó sang. Thỉnh thoảng lại còn đưa lên mạng xã hội, khi thì, “ Lễ hội này em có về không?”. Khi thì “Bên kia sông có người giặt áo” với cả “Có phải người xưa về đó không? sao mặt sông đầy khói sóng hay mắt ta nhòa lệ” khiến cộng đồng mạng thỉnh thoảng lại có dịp cười vui. Riêng tôi thì nghe giai điệu bài hát “Chuyện tình bên bờ sông kiến Giang” mà ông chỉ hát vài đoạn đã nhận ra ngay là nhạc của ca khúc “Hoa anh đào” trong nền âm nhạc Nga. Nhưng quả thật, một tay làm thơ vườn nào đó đã phổ lời vào bản nhạc bằng những dòng thơ khá hay. “Con thuyền bé, giờ đây trôi đi rồi em nờ...còn đâu nữa/ Tình duyên ta nay đã lỡ làng/ Bờ sông kia nay đã phũ phàng/ Và còn đâu những chiều hôm vắng/ Hai đứa ta bên nhau tâm tình/ Hai đứa ta hôn nhau...em cười”. Đặt cái từ địa phương “em nờ” đúng chỗ, đắc địa là giỏi lắm. Rồi cái cảnh cô thôn nữ ngây ngô Hai đứa ta hôn nhau, em cười thật sinh động. Nên nhớ, những năm sáu mươi, bảy mươi thế kỷ trước nói chuyện hôn hít, các cô gái quê còn đỏ mặt đấm thùm thụp vào lưng nhau .

   Lại nữa, không hỏi, tôi cũng biết, nghề dệt chiếu cói ở quê “nàng” đã chết, vì không địch lại với công nghệ sản xuất chiếu nhựa. Thảng hoặc, chỉ còn vài người già nhớ nghề nghiệp tổ phụ, lâu lâu dệt vài tấm cho con cháu mang lễ cho nhà gái, tỷ như phải có buồng cau mớ trầu dẫn lễ mà cả hai họ không còn ai biết “cau sáu bổ ba”nữa....

    Chuyện tình từ nửa cuối thế kỷ trước, nay kể lại, nghe man man như cổ tích. Cả lời kể của nhân chứng cũng hư hư thực thực, chả biết thế nào. Nhưng con sông kiến Giang thì nay vẫn còn đó, nhỏ, đẹp đến mức người Hà Nội đến chiêm ngắm còn khen là đẹp nhất từng thấy. Còn tôi, cứ ám ảnh một câu nói được lặp lại nhiều lần của ông: Sao nàng bỏ đi lấy chồng mà suốt gẩn nửa thế kỷ qua, tôi luôn thấy mình có lỗi, hả cậu?!

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này