Một ngày của Trưởng bản - Truyện ký của Lang Quốc Khánh- Hội văn học nghệ thuật Nghệ An

Một ngày của Trưởng bản

                                                                        Truyện ký của Lang Quốc Khánh

Thảm họa da cam do Đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng nó chưa dừng việc gây thêm những đau thương, mất mát cho nhiều gia đình. Những con người ta gọi là “Nạn nhân chất độc da cam”, nhất là nạn nhân thế hệ thứ hai, giữa đời thường, họ là những người bệnh tật, bẳn gắt, tật nguyền, dị dạng, mất trí; là gánh nặng trong gia đình, là những trở ngại của giềng xóm. Nhưng nếu mỗi chúng ta hiểu hoàn cảnh, sẻ chia, cảm thông, thì họ là những con người đáng thương, cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, bởi người thân của họ là người có công với nước.

Đang ngủ, mới hơn ba giờ sáng đã có người gọi cửa, ông Khâm ơi mở cổng cho tui với. Mơ màng tỉnh dậy như một phản xạ quen thuộc, ông Khâm hẵng giọng, bà Hoa có việc chi đó.

Làm Trưởng bản hai nhiệm kỳ và nay là nhiệm kỳ thứ ba, ông đã quen giọng nói từng người của mấy trăm nhân khẩu trong bản, chỉ cần nghe tiếng là ông có thể nhận ra giọng của ai rồi.

Ông bật dậy, tù tì ra mở cổng, chân bước không được vững nhưng phản xạ cứ đưa ông ra cổng. Một tay dụi mắt, một tay bật tách cái khóa, hé ra để bà Hoa lách người vào. Vừa ngồi xuống chiếc bàn bên mái hiên bà Hoa đã bật khóc òa lên, ông Khâm ơi, thằng Mũ nó đánh tôi, nó chửi tôi, còn ném áo váy và đuổi tôi ra ngoài đường từ đêm qua. Thằng Mũ nó hỗn, tôi muốn chém cho nó một nhát.

Ông Khâm ngồi xuống bàn, chưa kịp rửa mặt. Cái bàn tiếp dân, cũng là chỗ làm việc của Trưởng bản đặt tại nhà, dưới cái chái được lợp bằng tôn chống nóng. Trước đó vài năm, cái mái che này lợp tôn mỏng, mùa đông thì buốt giá, mùa hè thì chỉ cần nắng lóe lên là nóng như ngồi trong chảo rang.

Ông rót nước mời bà Hoa vừa giãi bày, tối qua đến nhà ông Hùng dự đám vui, “ùn đỏng”, chuẩn bị cưới vợ cho thằng Lả, tôi quá chén một chút nên hơi mệt vì ai cũng đến chúc. Mấy người còn bảo, ta không ép trưởng bản uống rượu mô vì trưởng bản còn phải lo nhiều việc cho dân, sợ trưởng bản ốm cái thì dở nhưng trưởng bản mà không trọng ta thì đừng uống nha. Nói vậy chứ trưởng bản Mường Pòn này luôn tôn trọng tất cả nên hễ ai rót, ai mời là cứ phải trăm phần trăm.

Nghe câu chuyện, dù đang mếu, bà Hoa cũng phải bật cười và cảm thông cho trưởng bản Khâm.

Thằng Mũ là con riêng chồng bà Hoa, hồi lấy ông Chom, ông ấy đã một đời vợ, thằng Mũ còn nhỏ nên bà Hoa thương như con đẻ, bà chăm bẵm nó từ tấm bé, nuôi nấng nó đến khi nó xây dựng gia đình thì ở chung với ông bà. Thế nhưng, cuộc sống gia đình ngày càng túng bấn, Mũ không có việc làm ổn định, thường khi đi uống rượu về là chửi vợ con, chửi cả bà Hoa và ông Chom. Đến khi bà Hoa nhắc nhở thì nó ném áo váy của bà ra đường và đuổi bà đi, nó bảo bà không phải là người đẻ ra nó, nhà của bà ở dưới bản Kẻ Ninh chứ không phải bản Mường Pòn, tại bà đến ở với bố nó.

Đúng vậy, cái thời bà Hoa, nhiều người bản lấy nhau hầu như không ai đăng ký kết hôn như lớp trẻ bây giờ. Thấy thích nhau, hợp nhau, thì đón nhau về làm đám cưới. Về mặt đạo lý, thằng Mũ đuổi bà Hoa ra khỏi nhà thì không thể chấp nhận được. Ông Khâm phân tích. Mai tôi sẽ sang gặp nó để quát cho nó một trận, bà cứ về đi, yên tâm về đi, tôi sẽ gặp nó.

Bà Hoa vừa ra khỏi cổng, ông Khâm ngồi phệt xuống bên nhà tắm, móc họng cho rượu lúc tối ra. Mặt ông nóng phừng phừng, đầu óc lảo đảo, chân lặc lè bước. Cái thân hình cao lớn thời thanh niên trai tráng trở nên nặng nề khi bệnh gút đã đến giai đoạn nguy cấp. Có đợt, bệnh gút làm ông nằm lì một chỗ gần tháng trời, ông đành phải uống thuốc giảm đau. Nhưng theo bác sĩ khuyên bảo, uống nhiều thuốc giảm đau có thể hại đến dạ dày, nên ông cầm chừng, mỗi đợt thấy chân có thể lết đi được thì ông dừng thuốc. Chắc vì không có bài thuốc nào chữa dứt điểm nên bệnh gút hành ông theo đợt, triền miên như thế, nhưng ông vẫn cứ lặc lè đi khắp bản mỗi khi có sự vụ. Hồi trẻ, ông được khen là chàng Khủn Chưởng đẹp nhất bản, với làn da trắng, cao ráo, khuôn ngực vàm vỡ. Chàng từng gánh hai sọt lúa nặng một tạ từ ruộng Sảm Hả về nhập kho trên đầu bản mà chân đi phăm phăm không biết mệt. Nhưng từ khi bước sang tuổi xế chiều, lại thêm bệnh nên sức khỏe ông giảm rõ rệt. Là bộ đội phục viên, ông được dân bản tin yêu, tôn vinh bầu làm trưởng bản ba nhiệm kỳ liên tiếp cho đến nay.

Mũ là con riêng của ông Chom. Ngày ông Chom ở chiến trường miền Nam về thì bà Chom đẻ thằng Mũ, thương ông Chom là bộ đội phục viên lại là thương binh, bà Chom hầu như cáng đáng hết mọi việc trong nhà, kể cả việc vào rừng tìm gỗ về sửa nhà. Một hôm bà Chom đi kéo gỗ, trong lúc chặt dây song để hạ cây gỗ mắc trên đó, không ngờ khi dây đứt, cả thân cây gỗ lao thẳng vào người bà. Đến tối mịt không thấy bà Chom về, ông Chom báo với anh em họ hàng nhờ người đốt đuốc đi tìm. Mãi tới hôm sau mới phát hiện thi thể bà Chom.

Ông Chom đau đớn, vò võ, một mình một thân chăm nuôi thằng Mũ đến khi nó gần mười tuổi. Một hôm ông đi khám, phát hiện mình bị nhiễm chất độc Da cam/dioxin. Lúc ấy bà Hoa xuất hiện trong đời ông. Bà Hoa là một người phụ nữ lỡ thì. Ở bản Mường Pòn, phụ nữ trên hai mươi tám tuổi đều được coi là lỡ thì, bà Hoa ở trong số đó.

Đón bà Hoa về chung nhà, ông Chom bà Hoa không làm giấy đăng kí kết hôn và cũng không làm đám cưới. Ông Chom chỉ làm mâm cơm, mời những người bạn lính phục viên và họ hàng thân thích đến chung vui, trình với ma nhà, tổ tiên việc hai người chung sống làm vợ chồng. Bà Hoa siêng năng việc đồng áng, lại luôn dành tình thương yêu cho thằng Mũ. Có bàn tay người mẹ kế, thằng Mũ ngày càng lớn phổng như thổi, ngực nó vươn phía trước như muốn xé vạt áo.

Nhưng đến khi nó hai mươi tuổi, tính nết nó thay đổi hoàn toàn, nó hay bẳn gắt, khùng điên, đặc biệt hay quên. Có lần nó chạy khắp bản gặp ai nó cũng gây sự, hét vang cả bản. Sau này người bản gọi nó là “Mũ điên”.

Bà Hoa lo lắng cho thằng Mũ nên đi nhờ thầy mo bói xem nó bị con ma chi ám. Mo phán phải làm lễ cúng, bà Hoa cũng về sắm đủ đồ lễ cúng cầu sức khỏe cho thằng Mũ nhưng vẫn không khỏi. Rồi có người trong bản hiến kế, chỉ có cách cưới cho nó cô vợ thì nó sẽ yên. Phải thú nhận, thằng Mũ đẹp trai nhất bản, chỉ có điều tính khí trở nên ngày càng thất thường. Khi bà Hoa tìm con dâu thì gái bản bên đã theo nó về. Mũ lấy được vợ, cùng ở trong nhà với ông Chom bà Hoa, thế nhưng như đã nói, mỗi khi lên cơn, nó chửi bới tất cả mọi người, đặc biệt nó đuổi bà Hoa ra khỏi nhà vì bà Hoa không phải mẹ đẻ của nó.

Ông Khâm cho biết, năm ngoái, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện đưa thằng Mũ đi khám và có kết luận nó ảnh hưởng di chứng từ bố nó. Chất độc da cam có thể có di chứng đến thế hệ thứ hai, thứ ba và thằng Mũ đã bị nhiễm. Càng ngày bệnh thằng Mũ càng nặng hơn. Hiểu hoàn cảnh nó, ông Khâm thấy thương nhiều hơn phải tránh nó. Ông nghĩ nếu cố chấp, cả bản này ghét thằng Mũ thì nó còn bấu víu vào ai, nên ông vận động người bản biết dành cho nó tình thương đặc biệt.

Tương tự, chuyện ở miền xuôi, gia đình ông Ngô Văn Bình, 70 tuổi, ở khối 5 Phường Đội Cung, thành phố Vinh, từng chiến đấu tại chiến trường B3 Tây Nguyên, tỷ lệ thương tật 63%, là thương binh hạng hai vừa là nạn nhân chất độc da cam. Ông mất một cánh tay, kèm chấn thương sọ não. Về quê lấy vợ sinh con nhưng cả ba người con (một trai, hai gái) của ông đều bị di chứng tâm thần do hậu quả chất độc da cam từ người bố. Người con trai cả của ông tốt nghiệp đại học về, chưa kịp xin việc thì sinh bệnh tâm thần. Hàng ngày nó nằm lì trên giường, có lúc còn đuổi đánh hàng xóm, làm vợ chồng ông Bình rất khổ tâm.

Còn ông Nguyễn Văn Diện, 72 tuổi quê xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, là thương binh nặng với thương tật 97%, đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ông Diện có con gái 35 tuổi, do bị nhiễm chất độc da cam nên nằm một chỗ, bố mẹ phải vụ mọi sinh hoạt cho con gái...

Thế đó, những nạn nhân thế hệ thứ hai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thường bị dị tật bẩm sinh, liệt chân tay và không làm chủ được hành vi. Nhiều người đến tuổi trưởng thành mới phát bệnh. Theo ông Đinh Viết Hồng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An, địa phương này còn hơn 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó, hơn 5000 nạn nhân gián tiếp. Các địa phương nhiều nạn nhân nhất là huyện Thanh Chương, có 1.700 người, huyện Diễn Châu 1.400 người. Riêng huyện Diễn Châu còn trên 40 hộ có từ ba đến năm nạn nhân, gia đình của họ như một bệnh viện thu nhỏ thiếu người chăm sóc.

Ông Khâm dắt cái xe máy Dreem màu đỏ, cà tàng từ thời bố ông để lại, ra ngõ lên tìm thằng Mũ, ông còn cẩn thận vắt lên yên xe một bì gạo, nói để cho thằng Mũ. Mỗi khi trong bản ai có chuyện gì, là ông tót lên xe máy cho đỡ đau chân, xong việc ông lại cưỡi xe máy về, hàng ngày như thế đi mấy chục tráo. Lương tháng của trưởng bản không đủ cho ông mua xăng, nhiều khi con gái lấy chồng ra ở riêng vẫn phải chu cấp xăng cho ông đi lại. Ông bảo, thằng Mũ nó lên cơn đây là lần thứ ba, mọi lần khác nó không hề đuổi bà Hoa ra khỏi nhà, nhưng lần này thì căng quá. Bà Hoa là người có công nuôi nó từ tấm bé đến trưởng thành, giờ mà bỏ đi thì thương bà ấy lắm vì giờ bà ấy đã già. Ông cũng nghĩ ngược lại, thằng Mũ mà bình thường như bao người khác trong bản thì chắc hoàn cảnh bà Hoa không đến nỗi phải khổ tâm như thế. Thảm họa của loại chất độc đang âm thầm xói mòn hạnh phúc gia đình bà Hoa mà nếu chúng ta không thông hiểu thì sẽ thấy thằng Mũ với hành động vô nhân tâm như vậy. Ông Khâm nghĩ.

Trở về nhà định tìm kiếm vài giờ thư giãn, nhưng khi vừa đặt lưng, nhắm nghiền cho đỡ mỏi mắt, lại có người chạy đến gọi, ông Công ở bản Hủa Na vừa mất, xin mời trưởng bản vào làm lễ. Ông lại bật dậy, xỏ chân vào ống quần, chỉ kịp khoác lên mình cái áo trùm cùng cái vòng len vào cổ. Ông thường trùm cái vòng len để giữ ấm cho cổ, vì nếu không có nó, gió lạnh làm ông ho có khi kéo dài cả tháng trời. Riêng bệnh ho, ông đã đi khám nhiều bệnh viện, kể cả Bệnh viện lao phổi Nghệ An cũng chỉ kết luận viêm họng dị ứng cấp. Ông bảo có cái vòng len trùm cổ giống như cái khăn nhưng nó không bị rơi những khi đi xe máy, nó rất tiện lợi và nhờ nó ông giảm được bệnh ho trong những ngày đông giá rét.

Ông cưỡi xe vòng lên bản, đi qua cánh đồng vựa lúa của bản Pòn rồi rẽ sang Bản Hủa Na. Đường trong bản chằng chịt, có đoạn vắt ngược lên đồi, có đoạn chạy ra bờ suối, lẩn khuất dưới những tản cây yên tĩnh nhưng đường đã rải bê tông. Mường Pòn đã được huyện Quỳ Châu công nhận là bản Nông thôn mới từ năm 2017. Bản mới được sáp nhập với bản Hủa Na lấy tên chính là Kẻ Bọn ba năm nay, trước đây là hai bản riêng biệt, có hai trưởng bản, nhưng từ khi sáp nhập thì Mường Pòn rộng thêm, dân số cũng gấp đôi và việc của trưởng bản lại cũng nhân lên.

Ông Công là bạn lính nên được tin ông ấy mất, ông Khâm phản xạ bản năng bật dậy, lao đi không cần ai dục. Ông đến cổng nhà ông Công gọi mọi người ra phân việc, ai nấy răm rắp làm theo lời trưởng bản. Người nhà ông Công lúc đó vác ra cái ghế để ông ngồi. Ai cũng biết ông bị bệnh gút nặng nên cấm ông không được đến gần thi thể người chết, ông phải ngồi ngoài cổng. Thỉnh thoảng ông đứng tựa vào bờ rào, nhìn vào ngôi nhà quen thuộc, nơi có người đồng đội đang nằm đó, nước mắt ông chảy ròng mặc dù ông không khóc. Ông nhớ thời hai đứa chỉ mới mười bảy, đã khai man thêm tuổi rồi bỏ cát vào túi quần, xuống Huyện đội xung phong đi lính. Đủ tuổi, đủ cân, cả hai được triệu tập xuống bản Huồi Túng cách nhà hai chục cây số để chờ phân bổ quân cho các đơn vị. Người nhà lúc đó muốn đi thăm cũng rất khó được gặp vì các đơn vị quân đội nhận quân cần phải được bảo mật. Từ ngày đi khám cho đến khi chính thức vào đội ngũ chỉ diễn ra một tuần và biền biệt, hai người không hẹn ngày về.

Thế nhưng số phận đã ưu ái cho cả hai được trở về bản sau khi đất nước thống nhất. Ông Công trở về với thương tật thương binh hạng Ba nhưng luôn năng nổ tháo vát trong mọi phong trào, ông luôn đi đầu trong việc đảm bảo an ninh trật tự của bản. Từ khi có các cựu chiến binh về bản, người dân sống yên ấm hòa thuận, không có người nghiện. Đặc biệt hàng chục con em bản còn có điều kiện xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm tại các công ty ở miền Nam. Nhiều gia đình nhờ tiền con gửi về đã sửa hoặc làm mới được ngôi nhà. Bà con có điều kiện chung tay cùng chính quyền bản, rồi huyện hỗ trợ, làm được đường bê tông, tạo nên cảnh quan diện mạo nông thôn mới miền núi đầy ấn tượng. Nhiều du khách rất thích thú khi ghé check in ở mấy điểm du lịch cộng đồng khu vực thác Tạt Ngoi, thác Đủa, cầu sông Hiếu, suối huồi xén...

Thấy ông Khâm ngồi một mình, mấy già bản cũng mang điếu đến ngồi bên cạnh, có người khuyên ông nên về nhà nghỉ ngơi kẻo gặp hơi lạnh, bệnh gút nguy lắm, nhưng ông cứ ngồi đó như vô định.

Mường Pòn là ngôi bản thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Người bản không thể giải thích được chữ “Pòn” nghĩa là gì, nhưng ngày xưa ông tôi bảo “Pòn” có nghĩa là thả xuống, mường bản do trời thả xuống với ý nghĩa rất thiêng. Trời dựng bản lập mường cho người Thái đến định cư, sinh sống. Con cháu bao đời cũng không thể giải thích nổi cái tên “Mường Pòn” và người Thái đã thiên di đến mường bản tự bao giờ, chỉ biết là đã nhiều đời nối tiếp với nhiều dòng họ như họ Vi, Lữ, Lương, Sầm. Riêng họ Vi, sau cách mạng tháng Tám, cán bộ người Kinh lên làm lãnh đạo đã đổi tên gọi họ Vi thành họ Lang rồi cả tên gọi bản Mường Pòn cũng đổi thành bản “Kẻ Bọn”. Hơn nửa thế kỷ, Mường Pòn mang tên là Kẻ Bọn trong các văn bản hành chính, nhưng người bản không ai nhận như vậy, họ vẫn gọi nhau, hỏi nhau quê bản nào rồi trả lời là Bản Pòn (Mường Pòn). Do sự nhầm lẫn hoặc thiếu hiểu biết, nên nhiều địa danh vùng đất đã bị gọi lệch một cách tối nghĩa và mất đi nét văn hóa vùng quê. Theo văn bản hành chính thì nhiều địa danh huyện Quỳ Châu và nhiều nơi khác ở miền Tây Nghệ An đã bị đánh tráo nghĩa tên gọi địa danh. Cụ thể bản Phiềng Pận thành bản Kẻ Bấn, núi Pù Pai thành Mụ Bài... và Mường Pòn thành “Kẻ Bọn”.

Ông Khâm đi cà nhắc trên đôi chân sưng vù mắt cá, ghé hội quán bắc loa, ban đầu ông nói bằng một tràng tiếng Thái sau đó dịch lại bằng tiếng Kinh để mọi người trong bản đều hiểu. Tiếng loa rền khắp bản mời gọi toàn dân xuống đồng sau tiếng sấm tháng ba. Ông bảo lúc tối sấm về phía núi Pù Quai (Núi con trâu), báo hiệu mùa màng năm nay sẽ tốt tươi, bản mường no đủ. Ông giải thích, người Thái quan niệm tiếng sấm đầu năm báo hiệu bản mường chính thức bước vào năm mới.

Đối với cộng đồng bà con dân tộc Thái miền Tây Nghệ An thì tiếng sấm đầu tiên trong năm, sau Tết Nguyên Đán, lúc đó mới thực sự bước sang năm mới. Lễ mừng tiếng sấm đầu tiên trong năm rất đơn giản, chỉ là một chai rượu trắng, năm chén rượu, năm miếng trầu têm và người già đại diện cho gia đình khấn lễ. Sau lễ khấn, trẻ nhỏ và các thiếu nữ Thái được mẹ luộc chín trứng gà, đem chà lên mặt, lăn qua lăn lại hai bên má vừa đọc câu đồng dao cầu mong cho da mặt mịn như trứng gà bóc, sức khỏe, xinh đẹp, an lành may mắn, siêng lao động.

Ngày này, mọi người xuống đồng, lên rẫy lao động sản xuất, cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau đó là vui rượu cần, đánh chiêng, nhày múa, hát đối đến tận khuya.

Chập tối, ông Khâm lại nhìn thấy bà Hoa đến nhà, cổng nhà ông không bao giờ khóa. Bản này từ trước đến nay chưa hề xảy ra vụ mất trộm xe máy hay đồ đạc trong nhà, hầu như mọi nhà không bao giờ khóa cổng vào ban ngày. Bà Hoa xách trên tay một cái túi thổ cẩm trong đó có một chai rượu và một gói bằng lá chuối. Lần này đến nhà trưởng bản, bà Hoa không còn vẻ mặt nhăn nhó, buồn chán như trước. Ông Khâm ơi, tôi có chút quà biếu ông nha, gia đình tôi cảm ơn ông rất nhiều. Bà Hoa thỏ thẻ như xấu hổ điều gì đó. Ông Khâm đỡ túi quà, bà vẽ chuyện, nhà bà còn thiếu thốn vậy sao lại biếu quà tôi. Ông Khâm vừa đỡ vừa gạt cái túi sang tay bà Hoa, nhưng bà Hoa khẩn khoản, xin ông nhận cho.

Ông Khâm đặt túi quà lên bàn và ngồi đối diện nghe bà Hoa giãi bày. Chuyện là từ lúc ông Khâm đến nhà tỉ tê phân tích, động viên cả nhà ông Chom bà Hoa, có cả vợ chồng thằng Mũ thì mọi người đã làm lành với nhau, thằng Mũ xin lỗi bà Hoa rằng nó cũng chẳng nhớ mình đuổi bà Hoa lúc nào và như thế nào. Lâu nay nó vẫn gọi bà Hoa là mẹ và bà Hoa luôn thương yêu nó. Mỗi lần trong nhà có chuyện cãi vã, thằng Mũ có hỗn xược đôi chút bà Hoa cũng bỏ qua cho thằng Mũ bằng tình yêu thương đứa con mình chăm bẵm từ bé. Hôm nay, bà Hoa biết rằng những người như Mũ cần phải được đối xử bằng tình thương và trách nhiệm. Theo ông Khâm, những va chạm ngày thường cần được tha thứ, nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề thấu đáo bằng tình nhân ái bao dung đối với những người là nạn nhân chất độc da cam.

Ông Khâm nhận túi quà rồi tiễn bà Hoa ra cổng, quay vào nhà, trời bắt đầu nhá nhem tối. Ông nhìn về phía cánh đồng trước bản, mây từ đỉnh núi Bù Xén bảng lảng. Ánh điện của mấy ngôi nhà phía bên kia cánh đồng bắt đầu lóe lên mờ ảo. Ông lẳng lặng quay vào nhà, mệt mỏi thả lưng xuống phản. Một ngày bận rộn, bề bộn vừa đi qua và ông bắt đầu tìm giấc ngủ.

Trại sáng tác Nha Trang, ngày 21/3/2023

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này