HOÀNG THẢO - Truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Truyện ngắn của tác giả Trần Thu Hằng, sáng tác tại Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đồng Nai, Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 3-2018.

Qua chốt kiểm lâm cuối cùng, đại tá xuống xe, người ở đâu xuất hiện khá đông tháp tùng ông đi vào cánh rừng sát biên giới. Hoàng Thảo chợt cảm thấy nghi ngại vì nàng thấy điều gì đó bất thường. 10 giờ sáng mà cả cánh rừng im lặng, cả vài chục người bước đi trên đường mòn dường như cũng không gây tiếng động. Nàng cùng với cái ba lô trên lưng và máy ảnh trước cổ lặng lẽ đi theo đoàn người. Đại tá đi chênh chếch phía trước nàng. Nàng thấy ông đại tá không hề giống như báo chí ca ngợi, cũng không giống lời thiên hạ đồn đại. Qua vài lần tiếp xúc nàng nhận xét con người này thích hợp làm chính trị gia hơn. Tướng mạo nho nhã, nói chuyện chậm rãi điềm đạm, nhất là đôi mắt đẹp và vầng trán rộng rất tĩnh tại; nàng công nhận ông ta đẹp trai quá mức cần thiết, nhưng lại có vẻ kiêu ngạo ngấm ngầm như là không có ai dưới đôi mắt ấy. Thỉnh thoảng Hoàng Thảo còn có cảm giác ông chạm tay vào túi quần như để tìm cây súng...

Nhưng dường như đó chỉ là cảm giác của riêng nàng thôi. Thực tế thì ông vui vẻ tiến lại gần nàng, trên tay cầm một giò long tu đang nở hoa rực rỡ. “Hoàng Thảo, tên cô giống hệt loài hoa lan rừng ở quê tôi. Rừng phương Nam cũng có loài hoa này, cô có thích nó không?”

Thái độ của ông khiến Hoàng Thảo ngỡ ngàng như đang đeo thiết bị thực tế ảo. Ông tỏ ra hoạt bát đến không ngờ, tay, chân, đôi mắt đều nhanh nhn, linh hoạt khác hẳn vẻ im lìm trên xe trong suốt chặng đường va qua... Vừa muốn trao cho nàng giò hoa thơm nức, đẹp tuyệt, ông vừa hào hứng nói một cách không đầu không cuối:

-Quê tôi có nhiều hoa lan rừng lắm. Thuở nhỏ tôi rất thích vào rừng tìm phong lan chơi tết. Tôi quen với một nhà sinh vật học nên mới biết đến cái tên Hoàng Thảo đấy...

Không biết ông tâm sự với nàng hay với mọi người xung quanh. Trong một phần nghìn giây nàng nhận ra rằng mình rất có lý khi không nhìn thẳng vào cử chỉ ga lăng của vị đại tá công an, mà nhìn xuyên ra phía sau. Nhưng nàng hoàn toàn không lý giải được vì sao nàng lại vươn tay ra cầm lấy giò hoa lan, rồi ôm chầm lấy ông, lấy hết sức xoay người ông lại để hứng trọn mấy viên đạn đang xả tới...

***

Không biết bao nhiêu ngày đã trôi qua, Hoàng Thảo nằm im lìm ở nơi nàng không hề biết, không có hy vọng của sự sống, cũng không ai biết để tìm nàng. Sau khoảnh khắc nàng ngã xuống, hàng chục tên tội phạm bị bắt, bao nhiêu kẻ “nhúng chàm” cũng bị đưa ra ánh sáng, kéo theo cả một vụ buôn bán ma tuý xuyên quốc gia... Nàng được đưa về bệnh viện của Bộ Công an, được chăm sóc đặc biệt, nhưng gia đình chồng con thì không biết nàng ở đâu, chắc là họ tưởng rằng nàng mất tích. Buổi sớm nàng đi theo đoàn công tác, vợ chồng nàng còn gây nhau và hai người đã từ biệt nhau bằng những câu nói: “Mày muốn đi thì đi luôn đi!...”; “Anh tưởng tôi đi chơi à?!” Khi Hoàng Thảo nhận biết được, nàng lập tức yêu cầu được rời đi: “Tôi không thể ở đây, không muốn dính dáng gì đến ông ấy...” Nàng cương quyết rời khỏi giường bệnh để rồi bước đi không vững, đổ gục ngay cửa phòng bệnh.

Nhưng về đến bệnh viện huyện, tìm mọi cách liên lạc, mấy ngày sau chồng nàng vẫn không tới. Tất nhiên là anh ta cũng không đưa con tới thăm nàng.

Nửa đêm, đau đớn, đói khát, Hoàng Thảo khóc vật vã trong phòng cấp cứu thì ông đại tá đến thăm. Mặc thường phục nhìn ông già nua, nhạt nhoà hơn mọi khi rất nhiều. Nhìn thấy ông ngồi gần giường bệnh, nàng quay ngoắt đi, nhưng ông lặng lẽ, kiên nhẫn ngồi đó. Rạng sáng, ông đứng dậy, nói nhỏ với nàng:

-Tôi biết cô đau, không ngủ được, nhưng không muốn nói chuyện với tôi. Tôi biết ơn cô, tôi nợ cô một mạng sống. Nhưng thật tình tôi không biết, vì sao cô lại đỡ đạn cho tôi...

Hoàng Thảo nhìn lên, những mảng tường trống rỗng và im lặng như khoảng rừng hôm ấy. Ông đại tá tiến đến sát giường bệnh, cô cảm thấy hơi thở của ông chạm vào những sợi tóc nhiều ngày không tắm gội, bết dính trên đầu cô.

-Có phải vì... như người ta nói... vì cô có tình cảm với tôi...

Hoàng Thảo cười héo hắt, một mình. Chắc là họ đã mở xem laptop, máy ảnh, thẻ nhớ của cô, thấy hình ảnh và thông tin của ông do cô lưu lại. Có một thể loại hư cấu, ngôn tình giữa nhà báo và thủ trưởng cơ quan điều tra sao? Sao ông ta lại dễ tin như vậy nhỉ?

-Xin lỗi ông, không.

-Ừ, tôi cũng hy vọng thế - ông lập tức nói nhanh. Nhưng cô là người tốt, đặc biệt tốt. Vì vậy, tôi đang xúc tiến làm hồ sơ khen thưởng cho cô... trước khi tôi rời khỏi nơi đây...

Hoàng Thảo quay ngoắt lại, không thèm đếm xỉa đến phép lịch sự nữa. Cô nói thều thào vì bị băng kín, nhưng đầy sự gay gắt, bực bội:

-Ông nghĩ tôi cần được khen thưởng ư? Ông nhầm rồi. Cũng chẳng phải vì tôi là người tốt, càng không phải tôi yêu ông. Vì sao tôi lao vào đỡ đạn cho ông ư? Vì tôi chán cuộc sống luôn tỉnh táo cân đong đo đếm, nơi đó con người luôn chọn cho mình những gì có lợi nhất, bất chấp sinh tồn của người khác. Tôi chán những cuộc chiến không lời nhưng đầy hiểm nguy của cuộc đời, mà tôi đã sa chân, rồi không thể nào quay lại được...

Ông đại tá chợt bật cười thật nhẹ, thậm chí ông còn giơ tay vuốt tóc cho nàng và nói:

-Tôi hiểu rồi mà cô bé. Tôi sẽ đưa con cô tới đây thăm cô, được không?

Trong một giây, nàng khựng lại trước nụ cười hiền và ánh mắt dịu dàng như một người cha ấy, rồi lại tiếp tục nói cứng:

-Đương nhiên là ông nên làm như vậy, nhưng phải đảm bảo an toàn cho chúng. Tôi sẽ không cảm kích đâu...

-Tôi hiểu mà. Chúc cô mau khoẻ...

                                                                              ***            

Tất cả là do sự lựa chọn của nàng. Nàng đã do dự khi bước lên, ngồi ghế sau trong xe của ông đại tá. Không phải vì trước đó nàng đã được cảnh báo rằng đây không phải là nơi dành cho phụ nữ, dù nàng là một nhà báo kỳ cựu. Nàng chưa từng e ngại trước những lời cảnh báo tương tự như thế. Nhưng đi theo xe công tác của một ông đại tá công an có vẻ không phù hợp với chuẩn mực của riêng nàng. Nhất là ông ta đang làm những nhiệm vụ cuối cùng trước khi rời bỏ đất này, lên Tổng cục để chờ lên tướng. Cũng không phải nàng đã nghe nhiều điều tiếng về ông, cả những lời ngợi ca lẫn chê bai, oán trách. Nàng cảm thấy khó chịu khi ngồi gò bó trong chiếc xe riêng của ông ta, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, nếu không muốn rong ruổi hơn một trăm cây số trên chiếc xe máy với căn bệnh gai cột sống, lại thêm rất nhiu phiền toái khi phải đi qua cửa khẩu và c chốt kiểm lâm. Dù sao nàng đã quyết đi thì một chút khó xử đó đâu có đáng gì, tất cả vì vấn đề mà nàng theo đuổi, vì bài phóng sự mà nàng chuẩn bị viết.

Một buổi chiều tối, ông đến cùng hai đứa con của Hoàng Thảo như đã hứa. Nhìn thấy mẹ nằm trên giường bệnh, hai đứa nhỏ ùa vào ôm chầm lấy mẹ, rồi sau đó khóc nức nở. Hoàng Thảo chồm dậy ôm lấy chúng, bất chấp vết thương. Lần lượt nhìn vào mắt các con, gặng hỏi cha chúng đâu, nàng quay ra lớn tiếng với ông:

-Tại sao ông để cho chúng nó sợ đến vậy? Ai cho ông dùng bạo lực với chồng con tôi?

Ông đại tá vẫn đứng gần cửa, sắc mặt không đổi. Ông nói nhỏ với một người áo trắng vừa bước vào, và lập tức họ đưa hai đứa con của nàng ra ngoài, làm chúng lại kêu khóc váng lên.

-Ông... tại sao ông lại...?

Ông bước đến gần giữ nàng khỏi vùng ra khỏi giường, và nói nhỏ vào tai nàng:

-Tôi xin lỗi, nhưng cô xúc động quá sẽ không tốt chút nào, cần phải kiềm chế. Cô nên giữ gìn sức khoẻ và quên những chuyện không vui đi. Tôi không làm gì con cô cả, còn chồng cô, anh ấy phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân mình.

Điều này thì nàng hiểu, không cần giải thích gì thêm vì nàng quá hiểu tâm tính chồng mình. Nhưng như con chim mẹ bị trọng thương, nàng chới với kêu lên:

-Nếu con tôi gặp chuyện gì, tôi sẽ không để yên cho ông đâu. Ông nên nhớ, tôi đỡ đạn cho ông không phải vì tôi là một bà thánh, nhưng càng không phải để người khác đối xử với mình một cách tuỳ tiện.

Đại tá ôm chặt lấy Hoàng Thảo, ông trừng mắt nhìn nàng, để lộ đôi mắt hằn đầy vết đỏ:

-Sao phải thế hả Hoàng Thảo? Cô có biết như thế là cố chấp không? Ở đời sao không chọn lấy tình yêu, niềm vui, sự an ủi, mà cứ phải đâm đầu vào đá tảng làm gì...

Kiệt sức, không vùng vẫy được nữa, Hoàng Thảo vừa nói vừa thở dốc:

-Đúng vậy, lẽ ra tôi không nên quan tâm đến một ông thiếu tướng tương lai như ông. Ông sống ở mảnh đất này hơn 40 năm để rồi chuẩn bị giã từ binh nghiệp thì ông bỏ đi, mưu cầu thăng quan tiến chức. Ông không bao giờ quay về quê hương, nhưng lại gieo vào đầu người con gái nghèo xa quê với cái gánh nặng mưu sinh như tôi rằng ông rất yêu quê cha đất tổ. Ông không sinh con với người vợ danh gia vọng tộc đã cho ông danh lợi, mà lại có con ngoài giá thú với một người đàn bà khác... Mọi thứ đối với ông đều dễ dàng vì đó là logic của ông, chứ không phải của tôi... Chưa hết, ông còn coi tôi như một đứa trẻ nít, hứa sẽ khen thưởng cho tôi. Ông nghĩ đó là niềm vui hay sự an ủi dành cho người anh hùng bất đắc dĩ vậy?

Ông đại tá giang hai tay lên, đầu lắc lắc ra dấu bất lực. Rồi sau đó ông cười nhẹ:

-Thế là cũng có quan tâm rồi. Hoàng Thảo ạ, tôi và cô là người cùng quê đấy. Nghỉ hưu rồi có lẽ tôi sẽ về quê sinh sống. Cầu mong cho cuộc sống sẽ được đôi phần như ý, có dịp cô về quê tôi sẽ đưa cô vào rừng tìm hoa hoàng thảo...

Nàng im lặng. Nàng biết rằng chỉ cần im lặng để đáp trả những lời hứa, những gì người khác cho là quan trọng, cũng như dùng im lặng để vĩnh viễn xa rời ai đó...

***

Ngay đêm đó, nàng ôm hai đứa con đi. Nàng không muốn ai để ý tới nàng và thêu dệt những thứ ly kỳ về nàng, nhất là gán ghép nàng với ông đại tá lạnh lùng và kiêu hãnh đó. Sự có mặt của nàng ở đây đã đủ gây náo động cho cả bệnh viện rồi; đã xuất hiện một số người lạ mặt, không biết là bọn giang hồ, công an mật, hay đồng nghiệp của nàng? Và đây cũng là phép thử đủ để hiểu chồng nàng, những người thân đã trở thành người lạ. Chưa kể những nguy hiểm có thể xảy đến cho bọn trẻ vì hành động nghĩa hiệp điên rồ của mẹ nó. Có chết nàng cũng phải ra đi, đoạn tuyệt tất cả.

Trước khi chiếc xe chạy ra khỏi cổng bệnh viện, Hoàng Thảo ngước mắt nhìn lên một ô cửa sáng đèn trên lầu cao. Tự hỏi: Nếu không vì chuyến đi công tác trong rừng hôm ấy, thì liệu hôm nay nàng có phải ra đi không? Rồi nàng cụp mắt nhìn xuống hai đứa con rúc trong vòng tay mình, tự trả lời rằng: Cũng vẫn là hành động này thôi, có chăng là nó mang tính chất đời thường hơn. Vậy ai là người buộc nàng phải ra đi với cõi lòng trống rỗng và hai bàn tay trắng? Nàng hít một hơi thở dài từ hơi ấm măng sữa của hai đứa con: Không có ai, và tất cả...

Xe chạy như bay trong đêm. Điện thoại reo lên. Là số điện thoại ông đại tá. Nàng cắt máy. Điện thoại vẫn réo to, đều đặn khiến bọn trẻ tròn mắt nhìn mẹ với vẻ sợ sệt. Nàng trầm tĩnh, mở máy nói nhỏ nhưng rõ ràng: “Là tôi tự ý đi khỏi bệnh viện, ông đừng lo cho tôi. Đó cũng là cách đúng để ông giúp tôi rồi đó!” Nói xong, nàng hạ cửa xe xuống để vứt chiếc sim ra ngoài. Trong lúc nàng âm thầm úp mặt vào hai bàn tay để khóc, thì đứa con gái lớn bảy tuổi lặng lẽ rướn người lên buộc lại tóc cho mẹ. Nó còn nói: “Mẹ ơi, đừng buồn nữa. Tụi con hứa sẽ ngoan mà...”

Biển mở ra thênh thang cùng với những tia nắng bình minh đầu tiên, khiến Hoàng Thảo giật mình tỉnh giấc. Sao không giống một cuộc trốn chạy, khi nàng khóc rồi lả người đi cùng hai đứa con thơ bé? Hoang mang, tuyệt vọng, dù đã cố trấn tĩnh, cố gắng tin vào mình lần cuối... Cũng không giống nơi chốn mà nàng chuẩn bị đến để sống cuộc đời còn lại. Nàng hạ cánh cửa xe đón lấy làn gió mặn mòi vị biển ban mai, nhìn theo bãi cát trắng và những hàng cây dương xanh thắm cứ như chạy chơi cút bắt với nàng. Vậy là, lại phải tiếp tục đương đầu nghịch cảnh? Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, Hoàng Thảo gọi hỏi người tài xế:

-Tại sao lại là hướng này? Có phải ông tiếp tay cho tội phạm, để trả thù tôi?

Người lái xe lạnh lùng im lặng, thậm chí không nhìn nàng qua kính chiếu hậu. Hoàng Thảo hốt hoảng ôm hai đứa con, sờ mũi xem chúng còn thở không. Chợt nàng trông thấy lá thư.

“Hoàng Thảo thân mến! Tôi mạo muội viết thư này xin lỗi cô, đã đường đột quyết định thay cô vài chuyện. Tôi biết cô vì hai đứa con sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, cả công việc lẫn những vinh quang có thể gặt hái trong đời. Nhưng cô cũng là người cao thượng, can đảm, nên đã nhận thay tôi những viên đạn chết người. Vì vậy, cô hãy yên tâm đưa hai con ra thành phố biển này, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ và cho hai cháu những ngày vui chơi thoải mái. Nhưng xin hãy can đảm tiếp tục sống, tiếp tục làm việc như trước đây, đừng trốn chạy vì sẽ không có bình yên tuyệt đối và cũng không có điểm dừng nào đâu. Cuộc chiến trước bọn xấu, bọn tội phạm cũng sẽ vẫn tiếp tục, và cô yên tâm vẫn còn những người bạn của tôi và của cô sẽ ủng hộ cho cô. Cô sẽ không phải làm người anh hùng bất đắc dĩ đâu. Sau cùng, xin hãy độ lượng với chồng như đã đối với tha nhân. Tôi nghĩ một ngày nào đó chồng cô sẽ hiểu ra tất cả”

***

Bốn tháng sau, người lái xe hôm trước đến tìm nàng. Ông ta cho nàng biết đại tá đang hấp hối vì căn bệnh ung thư đã phát tác giai đoạn cuối, và hỏi nàng có muốn đến thăm đại tá hay không.

Hoàng Thảo như chết sững trước dáng người bất động, gương mặt lầm lì của người lái xe. Tất nhiên là nàng muốn đi, mà ngay cả không muốn thì nàng cũng nên đi. Thậm chí không phải vì ông ta lâm trọng bệnh cũng nên đi để hiểu thêm về con người và sự việc. Nhưng vẫn còn sót lại thói quen hoài nghi, hay vì cuộc đời vô thường, bất tín, Hoàng Thảo lại hỏi:

-Ông ấy sao lại để đến giai đoạn cuối mà không cho ai biết? Hay là ông ấy muốn lên tướng bằng bất cứ giá nào?

Người lái xe im lặng nhìn Hoàng Thảo một lúc lâu, không tỏ ra cảm xúc gì và nàng cũng thi gan nhìn thẳng lại ông.

-Không cô ạ, đó chỉ là tin đồn thôi. Ông ấy xin nghỉ hưu sớm và về quê mấy tháng nay. Ông ấy muốn về sống với mẹ những ngày cuối đời. Nên nếu cô tin tôi, thì hãy cùng tôi về quê thăm ông ấy.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này