BÀI VIẾT MỚI

Chùm truyện ngắn của Cao Xuân Sơn - Hội Nhà văn Việt Nam

Chùm truyện ngắn của tác giả Cao Xuân Sơn - sáng tác tại Trại sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 3-2018.

BÁNH CHƯNG GẤC

Bà nội bảo trong các thứ bánh Tết cổ truyền, bà mê nhất bánh chưng gấc, tiếc là ngoài chợ giờ không thấy bán.

Anh em bé Trân nhìn bố, dò hỏi. Bố nói:
- Đúng đấy, bánh chưng gấc ngon tuyệt. Muốn ăn, nhà mình phải tự gói thôi. Hơi vất vả, nhưng có các con giúp, mẹ sẽ vui hơn.
Hai anh em thích lắm.

Hôm sau, mẹ đi chợ sắm Tết, không quên mua thêm mấy trái gấc chín.

Sáng 30, hai anh em phụ mẹ rửa lá dong rồi xem mẹ gói bánh. Nếp được mẹ ngâm từ sớm, đề ráo, trộn đều với “thịt” gấc. Nhân bánh là đậu, thịt như bánh chưng thường

Bếp lửa nhóm ở góc sân. Nồi bánh ùng ục sôi, hai anh em lăng xăng lui tới hít hà. Con Lu sốt ruột bám theo. Thỉnh thoảng, khói tạt vào mẳt cay xè nhưng nghĩ đến lúc được nếm bánh, hai đứa lại nhìn nhau, nhoẻn cười.

10 giờ đêm, bánh chín. Bố cung kính dâng một cặp lên bàn thờ gia tiên. Mẹ bóc một chiếc ra đĩa sứ trắng, đặt giữa mâm cỗ cúng giao thừa, mâm cỗ thoắt biến thành bông hoa nhụy đỏ như son.

Mùi xôi gấc ngầy ngậy quyện với mùi thơm bánh chưng quen thuộc tạo nên hương vị thật đặc biệt khiến bà nội rưng rưng xúc động. Chẳng cần nếm thử, bà cũng biết Tết này ngon nhất vẫn là món bánh chưng gấc bởi nó được gói bằng biết bao yêu thương của con cháu dành cho mình.

BẾP PHÓ CỦA MẸ

Tết năm ngoái, Trân với con Lu mon men xuống bếp, mẹ không cho, sợ vướng chân. Năm nay, nể bà nội, mẹ cho Trân làm “bếp phó”.

Nhưng làm “bếp phó” không dễ. Suốt chiều, Trân chỉ biết chờ mẹ sai vặt, còn mẹ thì nhễ nhại mồ hôi giữa ngổn ngang xoong chảo.

Sực nhớ điều gì, Trân hỏi:
- Cà rốt với củ cải trắng làm dưa góp đâu mẹ? Để con tỉa hoa cho, bà nội dạy con rồi.
- Vậy hả? Trong tủ lạnh đó. cẩn thận, con dao nhỏ mẹ mới liếc, bén lắm!
Bà nội cười, âu yếm nhìn Trân rồi đem củ cải, cà rốt ra xắt khoanh. Trân lấy dao nhỏ, tỉa thành những bông hoa trắng, hoa đỏ, trông thật ngon mắt. Mẹ xuýt xoa:
- Ôi, mẹ có “bếp phó” thật rồi!

Bố với anh Hai nghe vậy cũng xuống bếp đứng xem rồi tấm tắc khen. Trân vui lắm, mặc cho mồ hôi lấm tấm trên trán.

Lần đầu tiên Trân hiểu ra: để có những bữa cơm ngon, lâu nay, mẹ đã phải vất vả thế nào.

Bỗng dưng, Trân thấy thương mẹ, thật nhiều...

CUỐN LỊCH XUÂN

Bố mẹ đi chợ hết. Anh Hai lau bàn thờ rồi đi tắm cho con Lu. Bé Trân đem khăn mới trải lên chiếc bàn phòng khách.

Xong hai anh em tìm chỗ treo hai cuốn lịch Xuân giống hệt nhau mà ai đó tặng.
- Em có cách! - Bé Trân reo lên - Một cuốn treo phòng khách, cuốn kia mình “biến” thành lịch Xuân nhà mình...
Hai anh em thì thào gì đó rồi ngoéo tay nhau thật chặt. Bà nội ở sau lưng từ baogiờ:
- Bà biết rồi nhá! Cho bà tham gia với nào!
Cả hai khẽ gật đầu.

Những bức ảnh gia đình được bày ra cùng giấy màu, băng keo... Hai anh em hì hục cắt dán. Nền hoa lan giờ được thay bằng hình ông bà, bố mẹ, hai anh em. Cả hình con Lu lúc còn bé.

Lật từng tờ cho bà nội “duyệt” xong, hai anh em mang cuốn lịch Xuân độc nhất vô nhị ấy treo giữa phòng ăn.

Hơi ấm yêu thương mơ hồ lan tỏa khắp nhà.

Bố mẹ về, lặng ngắm cuốn lịch của hai anh em, vui đến nghẹn ngào.

CÀNH ĐÀO RỰC RỠ

Xa quê xứ Bắc đã lâu nên năm nào cũng vậy, dù nhà sẵn mai vàng, bố vẫn không quên sắm cành đào đón Tết.

Trưa ba mươi, bố mang về cành đào hấp hé nụ. Trân mở cửa đón bố. Anh Hai mang chiếc bình gốm ra phòng khách để bà nội cho nước vào. Hơ lửa xong, bố nhúng phần gốc đào vào ca nước nóng mẹ pha sẵn rồi đem cắm vào bình. Bố bảo làm vậy đào sẽ tươi lâu.

Trân hỏi:
- Liệu giao thừa, nó có kịp nở hoa không bố?
Bố nói:
- Mình khéo chăm, may ra kịp. Chắc nó còn choáng vì cái nắng phương Nam.
Mẹ kéo rèm cửa che bớt gió lùa. Anh Hai xoay quạt máy sang hướng khác. Bà nội bỏ vào bình mấy viên vitamin B1. Bé Trân cầm bình xịt nước giả làm mưa phùn tưới cho đào, miệng thì thầm:
- Cả nhà yêu bố lắm, bố yêu hoa đào lắm, nở đi, nở đi đào...!
Chẳng biết có nghe thấy gì không, nhưng chiều tối, những chiếc nụ xinh xinh bỗng cựa mình, rồi hoa nối tiếp hoa rực rỡ.

Có lẽ cảm dộng trước tấm lòng mọi người trong nhà dành cho nhau, cành đào dã hối hả chuyển nhựa lên từng chiếc nụ xinh để những cánh hoa đông loạt bung nở sớm hơn, như một phép mầu.

CỔ TÍCH VỀ MÁI ẤM

Ngày xửa ngày xưa...

Ở làng nọ, có hai vợ chồng nghèo sống trong một căn nhà nhỏ mái tranh vách đất. Họ sinh được hai con, một trai một gái. Cả hai ngoan ngoãn, có hiếu với cha mẹ, biết bảo ban nhau. Ngày ngày, vợ chồng vác cuốc ra đồng làm lụng. Hai đứa trẻ ở nhà chăm đàn gà, cây bầu cây bí. Tối đến, bếp lửa nhóm lên, cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười.

Cuộc sống bình dị mà hạnh phúc cứ thế trôi đi...

Trong vùng bỗng xuất hiện gã khổng lồ chột mắt với bộ mặt và hàm răng gớm ghiếc. Tên gã là Bất Hạnh. Gã có một sở thích kỳ quái: ăn và phá bất cứ ngôi nhà nào gã gặp trên đường, bất kể là nhà ai, to hay nhỏ, giàu hay nghèo. Nhiều thôn xóm đã vì hắn mà tiêu điều. Có những ngôi nhà xây bằng đá tảng, mái dát vàng nhưng chỉ một đêm đã nát vụn dưới gót chân gã.

Một đêm kia, Bất Hạnh đến. Mưa gió, sấm chớp dữ dội. Sáng ra, mọi người mở cửa, dụi mắt. Không ai tin Bất Hạnh lại khủng khiếp đến thế. Hàng chục ngôi nhà, cái thì đổ nát, cái thì biến mất như chưa từng có mặt trên đời. Những ngôi nhà khác nhìn qua ngỡ vẫn lành lặn nhưng xem kỹ mới thấy tường nứt, cột xiêu... Lạ thay, ngôi nhà tranh vách đất của đôi vợ chồng nghèo vẫn nhà bình an vô sự. Chẳng những thế, nó còn có vẻ cứng cáp, vững chãi hơn trước.

Bất Hạnh đi rồi, dân làng kéo đến hỏi xem điều gì đã khiến ngôi nhà kia đứng vững suốt đêm qua? Vợ chồng gia chủ lúng túng nhìn nhau rồi mở cửa mời khách vào nhà để họ tận mắt xem xét mọi thứ. Chẳng ai phát hiện ra điều gì. Có người ngờ rằng gia chủ giấu giếm bảo bối ở đâu đó. Lại có người tin nhà này tốt phúc, được Bụt ban cho phép lạ.

Ai đó bỗng ngửa mặt kêu trời:
- Sao Trời chỉ thương vợ chồng họ mà nỡ xui Bất Hạnh đến phá sập nhà tôi?
Nhiều tiếng than thở khác nối theo:
- Sao bất công vậy Trời? Tôi có trêu ghẹo gì Bất Hạnh đâu, sao Trời để gã kéo đến làm nhà tôi tốc mái?
- Trời không cho bảo bối, Bất Hạnh quay lại, chúng tôi biết lấy gì chống đỡ đây?
Chợt trên cao có tiếng cười khanh khách.
Bụt hiện ra, bảo:
- Các con không biết đó thôi! Xưa nay, Trời có thiên vị ai bao giờ? Bảo bối chống lại Bất Hạnh nằm trong tay tất cả mọi người. Ta cho các con biết một bí mật: dù chỉ là mái tranh vách đất nhưng từ lúc ra đời, mỗi ngôi nhà đã mang sẵn trong nó một trái tim vô hình. Trái tim ấy biến ngôi nhà thành Mái Ấm che chở một gia đình, khác với những ngôi nhà hoang lạnh lẽo. Trái tim được những đứa con thờ phụng, được người cha nâng niu, còn người mẹ âm thầm cất giữ. Ngày lại ngày, nó được nuôi dưỡng bằng chính hơi ấm của trái tim những người đang sống trong nhà, bằng tình yêu thương họ dành cho nhau và cho Mái Ấm của họ. Đến lượt mình, trái tim kỳ diệu lại không ngừng tỏa hơi nóng ra xung quanh, biến cả những vách đất, mái tranh thành vật liệu vĩnh cửu, không Bất Hạnh nào có thể tàn phá.
Dứt lời, Bụt biến mất.

Ai nấy bừng tỉnh.

Câu chuyện theo gió lan khắp thế gian. Từ đó, trong mỗi gia đình, mọi người yêu thương nhau hơn. Ai cũng muốn góp sức sưởi ấm trái tim trong ngôi nhà riêng, mong một ngày nó sẽ biến ngôi nhà của họ thành Mái Ấm dứng vững trước Bất Hạnh.

Không biết ai là người đầu tiên vẽ Mái Ấm với biểu tượng là một trái tim dưới mái nhà, chỉ biết sau đó, nhà nhà rủ nhau làm theo. Người ta vẽ rồi dán biểu tượng đó trước cửa như để nói với mọi người về sự gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong nhà mình.

Gã chột Bất Hạnh, mỗi khi nhìn thấy biểu tượng đó cũng sợ hãi bỏ đi.

Và ngày nay, như các bạn thấy, biểu tượng đó xuất hiện ở khắp nơi.

Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 3-2018

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này