Chùm truyện ngắn của tác giả Lê Thuỳ Giang - Hội văn học nghệ thuật Lai Châu

Chùm truyện ngắn của tác giả Lê Thuỳ Giang - Sáng tác tại Trại Văn học nghệ thuật         Lai Châu 2018, Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 8-2018.

LỜI THIÊNG

          Pa Va Sủ là một vùng đất đai trù phú, nằm cao và tách biệt với thế giới bên ngoài bởi màn sương quanh năm bao phủ. Phải đi bộ cả hai ngày từ đường xe đi mới tới được Pa Va Sủ. Nếu đất Ma Quai, đất Huổi Loóng bên cạnh khô cằn sỏi đá, đồi núi trọc, nóng bức thì Pa Va Sủ được bao bọc, bảo vệ bởi rừng cây gỗ đã đến tuổi trưởng thành, xanh mướt. Dưới chân của vùng đất ấy là dòng suối uốn lượn bên bãi cỏ. Cảnh núi rừng sơn thuỷ hữu tình.

Mọi người ở Pa Va Sủ đều rất hiền hoà, chẳng bao giờ đánh cãi chửi mắng nhau. Cuộc sống no đủ: trồng cây, cây lên cao tốt, ngô đầy sân, lợn đầy chuồng. Trâu bò con nào con nấy béo tốt, kéo cày cả ngày không biết mệt.

Khí hậu ở đây lúc nào cũng trong lành, mát mẻ. Chắc vì thế mà con gái ở Pa Va Sủ đẹp lạ lùng: da trắng, hiền như những con nai. Mùa nào trồng cây đấy. Mùa mưa thì ở nhà xe tơ dệt vải, đi hái nấm trong rừng… Những người phụ nữ đảm đang vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Vì vậy, mà con gái ở đây nổi tiếng khắp vùng. Dao Mẩy là cô gái nổi tiếng nhất Pa Va Sủ. Tuổi vừa bằng 15 mùa hoa mận trắng. Miệng cười xinh tươi, bừng sáng như cánh hoa đào, mong manh mà quyến rũ. Công việc đồi nương vẫn không làm đôi bàn tay thôi mềm mại, khéo léo. Nàng thêu thùa, dệt vải đẹp nhất bản. Những tấm thổ cẩm như hoa. Cô gái như đoá hoa rực rỡ giữa núi rừng.

Diêu Phà nhà ở bên vùng Ma Quai khô cằn, sỏi đá. Mồ côi cha rồi mồ côi mẹ nên cậu được bác họ đưa sang Pa Va Sủ từ khi 16 tuổi. Đến Pa Va Sủ, tính cách bất cần, ngang tàng của con ngựa hoang Diêu Phà được ẩn giấu, nhất là khi quen biết Mẩy trong những lần đi rừng cùng. Diêu Phà là chàng trai vạm vỡ, có tài bắn cung, đánh cá giỏi nhất bản. Phà còn giỏi cả cưỡi ngựa, con ngựa nào đi với Phà cũng phải ngoan ngoãn nghe theo. Không những thế, chàng còn là người thổi kèn lá hay nhất trong các ngày hội. Phà có lòng với Mẩy nhưng nghĩ thân phận mình, chẳng dám ngỏ lời. A Siểu – anh họ Phà biết lòng em họ cũng bảo: “Mẩy đẹp người, đẹp nết thế, bao người giàu có muốn lấy về làm vợ. Mày không có bố mẹ, nhà cửa, Mẩy không ưng đâu”. Nhưng Phà vẫn nhất định phải nói với Mẩy về cái tình trong lòng mình. Giữ lâu thế, sao ngực này chịu được. Phà theo Mẩy đi rừng: “Mẩy à, đường trơn gánh nặng này ngã mất, để tôi giúp”, “Anh Phà tốt quá! Giúp em nhiều, mọi người lại bảo em không chăm”. Phà chưa kịp nói ý định của mình thì Mẩy đã tự kể trong niềm vui hãnh diện:
- Anh Phà này, mấy ngày nữa em sẽ lên phố học đấy! Bác Pao làm ở xã báo với em rồi, các thầy cô giáo đang đợi em trên đó rồi. Bố mẹ bảo con gái học làm gì, ở nhà lấy chồng đi thôi. Các bạn lấy chồng rồi đấy. Nhưng em không muốn lấy chồng sớm đâu.
- Em xinh vậy mà, sẽ lấy chồng sớm thôi – Phà níu kéo.
- Không! Em không muốn giống như mẹ, các bác và các chị của em đâu. Cực nhọc, thiệt thòi lắm. Mẹ có bao giờ được nghỉ tay, mặc đẹp, không biết chỗ nào ngoài bản này. Sống làm ma họ Tẩn, chết làm ma họ Tẩn, quanh quẩn hết chuồng lợn, chuồng bò, ruộng nương. Bố có lúc uống rượu say cũng còn mắng mẹ nữa.
- Ừ. – Phà đáp miễn cưỡng, nhưng trong lòng tự nghĩ thấy Mẩy còn ít tuổi mà nói cũng có lí của nó. Vì tình riêng, muốn gàn việc Mẩy đi học mà Phàn thêm – Nhưng em sẽ sống khác với các bác, các mẹ chứ. Cuộc sống giờ khác rồi, trai bản mình giờ cũng không như trước nữa.
- Cũng khác nhưng chưa khác nhiều. Anh xem chị Lứ đấy. Chị ngày trước xinh đẹp là thế. Mà giờ mới 20 tuổi đã già hơn cả cô giáo 30 tuổi hôm trước tới nhà em rồi. Chị không biết cái chữ, nên đi chợ một mình cũng không được. Em nhất định sẽ đi học để làm cô giáo.
- Vậy… Mẩy học xong có về bản không? – Giọng Phà buồn thiu khi thấy Mẩy quả quyết. Mẩy nói vậy, xã nói vậy, thầy cô thì chờ rồi, thế nào Mẩy cũng đi.
- Em sẽ về chứ. Em sẽ về làm cô giáo ở bản mình nhé. Anh Phà có con nhỏ mang tới lớp, em sẽ dạy học cho.
- Không! Anh chờ Mẩy về mà. Bao giờ Mẩy lấy chồng, anh mới lấy vợ.
Buổi tối, bên bếp củi, thấy Phà buồn, chẳng nói câu nào. Anh Siểu hỏi vài câu rồi còn như đổ gáo nước trên núi đá vào lòng Phà:
- Mẩy đi học thì lấy cán bộ chứ chẳng lấy người dân bản mình đâu. Mà tao thấy, con gái thời nay chỉ thích chồng giàu thôi, thích lên phố, thích đi ngựa sắt, thích ở nhà xây, chứ có nhiều trâu, nhiều ngựa ở bản cũng chẳng thích đâu.
- Thế làm thế nào mà có nhiều tiền mà lên phố, xây nhà, mua xe anh Siểu?
- Thông minh như mày còn hỏi tao.
- Trồng cây á phiện nhanh giàu như bố con nhà thắng Láo Lở thì giờ cũng bị nhà nước bắt đi rồi. Trồng ngô, lúa thì bản mình may mắn chẳng mất mùa bao giờ, đủ cho người ăn, lợn ăn, trâu bò ăn chứ sao mà giàu được. Chưa kể có năm lạnh quá, trâu bò lại lăn ra chết thế là chẳng còn gì để cày bừa nữa… Hay em lại theo Mẩy lên phố đi học làm nghề gì thôi.
- Đợi mày học xong có nghề kiếm tiền thì con Mẩy đã là vợ thằng khác rồi. À, có tin này tao mới biết. – Siểu ghé sát Phàn, con mắt tinh ranh - Giờ chỉ có đi đào vàng ở sâu trong núi kia theo bọn thằng Páo may ra mới giàu.
- Thế nhà nước có cấm không?
- Trong sâu này, đã có ai biết mà cấm. Con cháu nhà ông Pao còn làm đầy kia kìa. Nể tình tao là bạn với mấy thằng đấy mới được vào làm đấy. Mày có thích thì đi làm theo tao.

Chẳng mấy chốc khu đất cách bản mấy con dao quăng đã được đám trai bản dựng lều, đến đó đào đào, đãi đãi. Có mấy thằng đi trước đã lên phố bán được khối tiền. Nên cả lũ trai non cũng mong tới thay đổi cuộc đời, mà cưới được người con gái mà mình đem lòng yêu mến. Phà cũng vậy. Phà nhanh chóng nhập hội.

Ở trại khai thác vàng tự phát, các vụ đánh chiếm diễn ra hàng ngày. Phà là người đến sau, nhưng với sự tài giỏi, ngang tàng, Phà nhanh chóng trở thành trưởng nhóm. Phà còn biết cả giao dịch với chủ hàng vàng bạc giỏi, nên luôn bán được giá cao hơn những kẻ còn lại. Đến A Siểu cũng không làm được, nên chấp nhận dưới chướng thằng em họ.

Diêu Phà như là có duyên với công việc này. Khi vùng đất này khai thác không còn vàng nữa, cả đội lại phải chuyển sang vùng đất khác. Chỉ bằng cách quan sát những cánh vàng bé tí trong đám đất khô và sự cảm nhận mà Phà dám khẳng định nơi nào có vàng, nơi nào không để anh em cùng làm. Và lần nào Phà cũng nói đúng. Uy tín của Phà càng vang dội. Ai cũng nể Phà ra mặt. Bản tính hoang dã của Phà trở lại: Phà vừa là con hổ dũng mãnh, con báo khoẻ mạnh không ai có thể uy hiếp, cản trở. Chỉ có trước Mẩy là Phàn lại như một con mèo con hiền lành.

Có lần lên phố bán vàng, Phà đã vào thăm Mẩy ở trường Cao đẳng Sư phạm. Phà thấy cả mấy cán bộ cũng tới đây thăm Mẩy, nhưng cái ghen chỉ giấu ở trong lòng. Phà giờ nhiều tiền lắm, ăn mặc cũng khác đi, còn có xe máy đẹp đi nữa. Phà đưa Mẩy đi ăn cơm quán, mua tặng Mẩy cài vòng bạc đẹp. Mẩy vui lắm. Phà nhất định sẽ giàu để cưới Mẩy về. Mẩy lo lắng:
- Anh làm gì ra nhiều tiền thế? Không được vi phạm nhà nước đâu nhé, như bố con nhà Láo Lở thì buồn lắm, em nghe tin chết người đấy.
Phà bảo: “Mẩy yên tâm, anh không làm việc đó đâu. Anh phải sống để lấy Mẩy chứ”. Sau những cuộc gặp, Phà càng có ước ao giàu có để cưới được cô gái xinh nhất bản – cô gái đã động viên anh, đã là người bạn đầu tiên từ khi anh mồ côi cả cha lẫn mẹ sang ở Pa Va Sủ.

Khi những khu đất gần đã hết vàng, thì cả nhóm càng tiến sâu vào trong núi. Đến một khoảng đất mới, Phà thấy có dấu hiệu của rất nhiều kim loại vàng, mà có lần học cấp hai, đã thấy cô giáo dạy địa lý có nói đến vùng đất này. Nhưng trên vùng đấy ấy lại có một cây gạo rất to, đến cả mấy người ôm không xuể. Để đào vàng thì phải chặt cây đi. Bây giờ là cuối xuân, nên dù thân cây cổ thụ có vẻ xù xì, khô quắt ấy vẫn trổ những bông hoa đỏ ngạo nghễ ở rất cao trên kia. Phà có nhớ về một truyền thuyết: cây gạo là một loại cây thần, nối đất với trời. Cho nên, trâu không dám ăn, người không dám phá. Quả thật, dù ở những vùng đồi núi trọc, cây cối bị khai phá hết thì những cây gạo vẫn mọc lên sừng sững, không ai dám động vào. Nhưng giờ để lấy được vàng ở đây thì phải phá cây thôi. Mẩy của anh còn đang có cả bao người nhòm ngó nữa kìa. Vậy thì nhất định phải giàu nhanh thôi. Cái cây cũng chỉ là cái cây. Nó đứng giữa rừng này, vùng này thiếu đi một cái cây thì cũng có sao đâu.

“Chặt nó đi anh em!”. Những thằng em non trẻ bằng một nửa tuổi của Phàn không biết nên không sợ. Chúng nó ra sức chặt, ra sức đào đất, ra sức đãi đất cát lấy vàng. Mà quả nhiên vàng nhiều thật. Tin ấy đến tai trưởng bản. Lão lắc đầu lo lắng:
- Chết thôi! Cây thiêng đấy! Vi phạm đến trời rồi. Trời sẽ phạt mất thôi.
Chẳng biết lời thiêng đến đâu mà sau đó, chưa đến một mùa, sang hạ, một cơn lũ quét kinh hoàng đã đi qua Pa Va Sủ vốn rất bình yên này. Trưởng bản móm mém, râu dài, quấn cái khăn lên đầu gọi Diêu Phà tới ngồi bên bếp lửa.
- Phà à! Trời phạt ta rồi đấy! Con phải thay đổi ngay thôi. Tạ lỗi với trời với đất quê mình đi. Theo phong tục dân mình, không ai chặt cây thiêng đi cả. Cây để giữ đất, giữ nước. Cho nên, qua bao đời nó mới cao to như thế. Nó là đường lên trời, là sự thuỷ chung của người con gái với người con trai trong truyền thuyết đấy con ạ!

A Phàn vốn không còn tin những truyền thuyết, thần thoại nhưng tự dưng trong dự cảm lại lo lắng, khi trưởng bản lại nói tới cây gạo là loài cây gắn với chuyện tình của đôi trai gái. Giờ chặt mất rồi, liệu Mẩy có còn đợi anh không? Rồi kéo theo đó là lũ quét tan hoang bao mái nhà, có cả nhà của Mẩy nữa. May mà chưa ai thiệt mạng. Rồi là lũ trai trẻ làm thêm trong bãi vàng tự phát, vì có mấy đồng bạc mà lên phố chơi bời, lêu lổng, có khi hỏng mất người thôi. Đất bản thì nham nhở vì đào bới. Những dòng suối, dòng sông bao quanh không còn đẹp nữa nữa vì đãi vàng, đãi cát… Phà phải dừng lại thôi.

Phà chạy ngay sang nhà Mẩy để giúp dựng lại nhà sau đợt lũ. Mà gặp ngay một chàng trai biên phòng khác. Người này Phà đã từng gặp trên phố trong một lần lên thăm Mẩy. Mẩy chẳng thèm tiếp chuyện, Mẩy bảo Phà về đi. Đông người nên Phà không kịp nói thêm câu nào riêng với Mẩy, cứ lặng lẽ làm cùng mọi người cho đến khi ngôi nhà gỗ thành hình. Đến tối muộn, Phà vẫn chưa về, Phà đợi nói với Mẩy vài câu. Mẩy dường như hiểu ý mà nói với Phàn:
- Khi nào bản làng như xưa thì em sẽ như xưa.

Phàn biết làm thế nào để lấy lại những vùng đất đã bị xáo trộn lên, những đứa em trong bản bị lạc mất đường về. Nhà nước giờ cũng cấm khai thác khoáng sản rồi. Đó sẽ là dự án lớn có quản lí đàng hoàng, chứ người dân không được tự ý làm. Nghe cán bộ xã nói vậy, Phà đã hiểu rồi.

Phà giờ không còn cha mẹ, chỉ còn Mẩy là người bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn từ khi Phà sang Pa Va Sủ. Lời Mẩy cứ vang lên trong đầu Phà hàng đêm. Muốn lấy được Mẩy làm vợ, Phà nhất định phải giúp bản làng lại như xưa.

Sau bao đêm suy nghĩ thì Phà quyết định góp phần lớn số tiền kiếm được từ khai thác vàng trong thời gian qua qua với dân bản để sửa sang nhà cửa. Nhà nước cũng hỗ trợ rồi, nhưng có thêm giúp đỡ của Phà thì mọi người còn mua lại con giống, cây giống. Cả bản ai cũng biết ơn Phà lắm, bảo là ông trời sẽ có mắt thôi. Mẩy dù im lặng nhưng trong đôi mắt ánh lên đầy niềm hi vọng.

Trong khi đợi Mẩy học xong, Phà cũng quyết định đi học trung cấp Trồng trọt. Khi anh học xong trung cấp hai năm thì Mẩy cũng học xong ba năm Cao đẳng. Phà được thầy cô dạy rồi, Phà cũng tự đọc thêm rất nhiều sách nữa, Phà còn đi sang bản Mồ Sì San – vốn trồng được nhiều thảo quả để học hỏi kinh nghiệm. Phà thấy rồi, đất vùng mình vừa cao, vừa mát mẻ, vừa có rừng thưa che phủ ở phía trên tạo thực bì tốt, hợp với cây thảo quả lăm lắm. Với phần vốn còn lại, Phà sẽ cùng với mấy người anh em đầu tư cho những cánh đồng thảo quả tại vùng đất này. Và anh cũng còn dự định làm sẵn một căn nhà nhỏ, có vườn cây, có chiếc bàn để Mẩy làm cô giáo…

Phà đang mỉm cười với những ý tưởng thì Mẩy đến. Phà mở cửa… Mùa xuân ngoài kia đang đến rất gần.

**********

ME RỪNG

Chát…
            Dao Mẩy, nhà ở cách có một hàng cây. Ngày nhỏ, có cái gì cũng rủ Dao Mẩy chơi cùng, có cái kẹo ngon cũng để dành cho Dao Mẩy. Lớn lên, đi học cùng nhau. Dao Mẩy học ít hơn một lớp. Bố mẹ Dao Mẩy vẫn nói: “A Phàn à! Nhớ giúp Dao Mẩy qua những đường khó và suối sâu đấy”. Đó càng là cái cớ để quan tâm tới Dao Mẩy hơn. Dao Mẩy như một đứa em gái bé nhỏ và đáng yêu.
Ở đầu bản có nhiều me rừng, thi thoảng A Phàn lại trèo hái cho Dao Mẩy. Dao Mẩy cười tít mắt. Me tròn có vị chua chát pha lẫn ngọt. Hai anh em mang me rừng trong túi nhấm nháp suốt dọc đường đi học. Khi trời nắng, những trái me xinh xắn ấy giúp làm vơi cơn khát.

Dao Mẩy càng lớn càng xinh, ngoan và hiền. Đến ông bà của A Phàn cũng nhận thấy thế. Nhưng càng ngày Dao Mẩy càng trở nên xa cách. Hai nhà cách nhau có một cái hàng rào trồng sắn, thế mà như thể cách nhau cả mấy quả núi, ngọn đồi. Dao Mẩy không nói lí do tại sao, chỉ biết Dao Mẩy không thích đi học cùng, cũng không cần A Phàn trèo cây hái me tròn hộ nữa. Hay là Dao Mẩy chê mình lười học, vì hôm trước bị thầy chủ nhiệm nhắc nhở không đi học đều. Cũng tại nhà neo người, không ai giúp Ếm gặt lúa vụ mùa nên mình mới phải nghỉ học. Đã vậy, A Phàn sẽ cố gắng đi học đều đặn, chăm ngoan theo lời thầy cô vì dù sao vụ mùa cũng qua rồi. Với lại, nếu A Phàn không đi học thì sẽ có A Goong giúp Dao Mẩy lội qua con suối sâu đang vào mùa mưa. A Phàn không thích ai thay thế mình làm việc đó cả.

Thế nhưng rồi, có hôm chính mắt A Phàn đã nhìn thấy Dao Mẩy đi học với A Goong. A Phàn cứ lẽo đẽo đi sau, cũng không cố gắng để đi cùng. A Phàn thấy Dao Mẩy sao mà vui vẻ. Cứ nói nói cười cười như hoa, chứ không lặng im như khi đi với A Phàn. A Phàn quả thật không hiểu nổi. Dạo này A Goong thường qua gọi Dao Mẩy đi học. Ở lớp, cô giáo lại còn cho hai người ấy học cùng nhóm với nhau. Nghe nói cái thằng A Goong ấy học giỏi lắm. Bỗng dưng A Phàn thấy cái bụng nặng nề, học giỏi quá thì có gì mà hay. Cái thằng A Goong ấy là con út trong nhà, nó chỉ biết học chứ có biết gặt lúa, đào khoai, đào sắn, có biết trèo cây giỏi như A Phàn đâu. Nó làm gì biết hái me tròn cho Dao Mẩy như A Phàn từng làm. Trời nắng thế thì nó cũng đâu biết Dao Mẩy có khát hay không.

Lâu lắm Dao Mẩy không còn nhờ A Phàn hái me. Lâu lắm Dao Mẩy cũng không còn cười tít mắt với Phàn. Quả me trên cành giờ không còn xanh như ngọc. Vị của nó không ngọt mà trở nên chát hơn bao giờ hết.

Đắng…
            Học xong cấp ba, Dao Mẩy đỗ cao đẳng rồi đi học xa. Bóng dáng Dao Mẩy khuất sau nhiều rặng núi. Thi thoảng Dao Mẩy mới về nhà. Mỗi lần về, thấy Dao Mẩy một khác: ít mặc váy áo truyền thống hơn, ăn nói cũng bạo dạn hơn, có nhiều cái thấy Dao Mẩy không còn bé nhỏ và đáng yêu như ngày xưa nữa nhưng mà… Mẩy xinh thật đấy. Con trai bản đến nhà Dao Mẩy chơi thật nhiều. Đêm còn nghe thấy cả tiếng sáo gọi bạn ở ngoài ngõ nữa. Nhưng Dao Mẩy cũng không đi chơi cùng ai. Điều này A Phàn biết chắc, vì A Phàn ở sát bên cạnh mà. A Phàn không như những thằng con trai khác trong bản: khi Dao Mẩy không ở nhà thì A Phàn thường sang chơi, giúp đỡ bố mẹ Dao Mẩy; nhưng khi Dao Mẩy về thì A Phàn lại không xuất hiện nữa. Nhưng hàng tối, A Phàn vẫn để ý xem ai thổi sáo gọi Dao Mẩy đi chơi, xem Dao Mẩy có trốn bố mẹ đi không. Và tự dưng khi Dao Mẩy về thì cái bụng của A Phàn không yên. Phàn thấy khó ngủ, có cái gì như lửa đốt trong bụng. Nhưng A Phàn không biết làm thế nào để nói cho Dao Mẩy hiểu và có lẽ sẽ chẳng bao giờ A Phàn nói ra cả. Nhà A Phàn quá nghèo. A Phàn lại chẳng học hành đến nơi đến chốn…
 
Lần nào về Dao Mẩy cũng sang nhà chơi. Bây giờ Dao Mẩy không còn im lặng như ngày xưa nữa. Mẩy sang hỏi thăm sức khoẻ của bố và Ếm. Mấy mùa ngô nay, bố và Ếm của A Phàn không khoẻ. Bố đã mấy lần phải lên bệnh viện huyện. Đã vậy, Ếm cũng vì lo lắng, và phải lo toan nhiều việc trong nhà nên có người còn bảo Ếm chỉ như con ngựa già nữa thôi. Thế nên A Phàn đành phải bỏ học. Dao Mẩy cứ bảo A Phàn đừng bỏ học. Dao Mẩy nói rất nhiều. Nhưng giờ A Phàn lại là người không nói nữa. Biết nói thế nào cho vừa bây giờ. A Phàn muốn đi học để mở mang cái dạ. Nhưng giờ nhà A Phàn như vậy, biết lấy ai lo việc ruộng nương. Câu chuyện kết thúc ở đó. Rồi Dao Mẩy lại lên tỉnh học. Cuộc sống ở nhà lại trở lên buồn tẻ như thường ngày. Mặt trời ló ra rồi lại đi về núi. Ngày ngày A Phàn vẫn những công việc ấy: nương rẫy, lợn gà…
 
Rồi A Phàn có giấy gọi nhập ngũ. A Phàn lên đường mà trong lòng còn bao lo nghĩ. Nhưng anh vẫn nghe lời bố Ếm để làm một chiến sĩ thực sự và “vì tổ quốc” như cán bộ Hùng đã động viên. Những ngày tháng ở lính là những chuỗi ngày vui và đáng nhớ dù phải tập luyện rất vất vả. Ngoài giờ tập, anh em được cán bộ hướng dẫn tăng gia sản xuất, văn nghệ, thể thao… Lần nào về thăm nhà, A Phàn cũng được khen là rắn rỏi, khoẻ mạnh và nhanh nhẹn hơn. Bố mẹ rất yên tâm và hài lòng về A Phàn. Về giúp bố mẹ được vài hôm, rồi A Phàn lại trở về đơn vị cũ. Nhưng có điều khiến A Phàn suy nghĩ nhiều nhất là lần về vừa rồi về nhà gặp lại Dao Mẩy.

Dao Mẩy vẫn xinh và đáng yêu như ngày nào. Hai người lấy địa chỉ của nhau. Khi lên đơn vị, A Phàn vẫn thường viết thư cho Mẩy. Thi thoảng Mẩy cũng gửi thư cho Phàn. Hai người trao đổi, trò chuyện về cuộc sống riêng của mỗi người. Nhưng điều mà A Phàn muốn nói nhất thì đã không dám nói và có lẽ sẽ không bao giờ được nói ra khỏi miệng. Đó là A Phàn thích Mẩy. Vì một hôm, Dao Mẩy viết rằng rất buồn. A Phàn hỏi thăm về nỗi buồn ấy. Mẩy kể về một người con trai khác. Người mà Mẩy thầm yêu quý (là Hưng) mà anh ấy lại thân thiết với một cô gái khác. Trời như sụp đổ trước mắt A Phàn. Nhưng anh cố tỏ ra mạnh mẽ động viên Mẩy để cô vượt qua nỗi buồn và tiếp tục học tập cho tốt. Mẩy đã vui trở lại. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau thì Dao Mẩy đã kể rằng Hưng và Mẩy đã trở nên thân thiết với nhau. Bẵng đi một thời gian không thấy Dao Mẩy viết thư. A Phàn thì vẫn viết và gửi đều nhưng không có tin gì của Mẩy. Thật chẳng còn gì buồn hơn.

Hết thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, A Phàn trở lại quê nhà. Nghe nói Dao Mẩy học xong, công tác trên tỉnh và đã lấy chồng. Một người chồng giàu có. Cũng phải, Mẩy xinh đẹp và tài giỏi mà. Người như Mẩy thì có bao giờ nhìn đến người như A Phàn đâu. Nhưng chồng của Mẩy là người có cái tên khác chứ không phải Hưng – người mà Mẩy đã từng kể cho Phàn nghe.

Bố A Phàn kêu đau nhiều. Mọi người đều giục A Phàn lấy vợ để giúp đỡ bố mẹ. Thế rồi người ta mang về cho A Phàn một cô vợ. Cô ấy thường đi cùng Ếm lên nương. Lúc về thì lầm lì như con rùa. Có lẽ cũng vì A Phàn cũng lầm lì với cô ấy. Mãi rồi thì cô ấy cũng đi cùng A Phàn lên nương. Lúc đầu, hai người cứ lùi lũi đi về cùng nhau. Mãi sau rồi cũng nói chuyện với nhau. Nhưng không hiểu sao, A Phàn không thấy cô ấy đáng yêu và xinh đẹp như Dao Mẩy. A Phàn cũng chẳng bao giờ có ý định hái me tròn cho cô ấy, chỉ thấy thi thoảng cô ấy tự mang ở đâu về nhấm nháp. Những đứa trẻ ra đời. Rồi bố của A Phàn khuất núi sau một cơn đau kéo dài. Nhà như thiếu nóc. A Phàn trở thành trụ cột gia đình. Bỗng chợt trong anh, mọi kí ức về Dao Mẩy trở nên nhạt nhoà. Cuộc sống là chuỗi ngày mưu toan kiếm sống. Nỗi vất vả tràn lên đôi vai, đôi mắt. Lòng đắng như me trái mùa.           

Ngọt…
        Việc của A Phàn lúc này là: làm thế nào để thoát khỏi cảnh nghèo. A Phàn liên hệ với cán bộ ở đơn vị ngày xưa. Rồi nhờ được chính phủ giúp vốn, A Phàn từ bàn tay trắng đã có nhà cửa khang trang, xe máy, con cái được học hành cẩn thận. Rừng thảo quả của gia đình anh bây giờ là mơ ước của nhiều người. Nhưng họ cũng biết rằng A Phàn đã phải bỏ bao công sức, khó khăn mới có được thành quả ấy. Trong vườn cây của A Phàn có vài cây me cũ, anh nhất quyết để lại không cho ai chặt đi. Điều đó chỉ có anh biết được tại sao.

Một ngày nọ, có việc làm ăn trên tỉnh, A Phàn vô tình gặp lại Mẩy. Mẩy vẫn đẹp như xưa, thậm chí còn đằm thắm, mặn mà hơn. Mẩy nói rằng cuộc sống của cô ổn định và hạnh phúc. Chồng là người đàn ông tốt bụng, con trai, con gái ngoan và học giỏi. Phàn mừng cho cô. Hai người huyên thuyên nói chuyện. Nói về cả ngày xưa. Mẩy nói rằng ngày xưa cô hay im lặng với Phàn vì cô quý mến Phàn, muốn Phàn chăm học hơn mà thôi. Cô cũng kể rằng mối tình đầu của cô là Hưng. Nhưng khi ra trường, hai người vì hoàn cảnh mà không thể đến được với nhau. Cô nói mối tình đầu thường thế: yêu nhau nhưng mấy khi đến được với nhau. Với lại có khi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở... A Phàn cười. Anh không bàn luận Dao Mẩy nói đúng hay sai. Anh đang bận nghĩ xem là có nên cho Dao Mẩy biết là cô ấy là mối tình đầu của anh hay không? Anh quyết định chưa nói và chỉ giữ điều đó cho riêng mình. Bất giác anh nói thêm: “Ừ, mối tình đầu thường thế. Đắng chát lúc đầu nhưng sẽ mãi ngọt về sau. Như trái me rừng vậy”. Dao Mẩy cười bảo Phàn sao mà lãng mạn. Phàn không tranh cãi lại. Mẩy đâu biết rằng, anh nói thật chứ không hề tô vẽ thêm. Có những đêm về mất ngủ, anh ước rằng: giá như Mẩy đã từng yêu anh thì cho dù anh có lấy vợ, Mẩy có lấy chồng và có thật nhiều con thì đến phiên chợ, họ vẫn có thể gặp nhau mà tâm sự cho hết đêm, uống rượu cho đến say mới về. Nhưng thật ra giữa anh với Mẩy đã có gì đâu. Mẩy giờ là cán bộ, ai còn thèm đến chợ phiên mà hẹn hò với anh nữa. Với lại Toàn (chồng Mẩy) đâu phải người dân mình, sao hiểu và thông cảm cho được cái việc gặp gỡ nơi chợ tình. Nghĩ đi, nghĩ lại, A Phàn thấy mình cũng cần phải sống cho Mẩy, cho cả vợ và con mình nữa. Phàn quyết định chỉ giữ những kí ức đẹp về Mẩy, về tuổi thơ của mình mà không làm mọi chuyện xáo trộn lên nữa. Khi lòng thanh thản, anh đi vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng. Mẩy từ giờ sẽ là cô bạn tốt nhất của anh.

Năm tháng vẫn dần qua. Có những chuyện qua đi không để lại một ấn tượng gì. Nhưng nếu đã gọi ai là “mối tình đầu” thì chắc chắn chẳng thể nào quên được người đó. Những rung cảm đầu tiên, những ngọt ngào và chua chát đầu tiên. Hình ảnh về Dao Mẩy ngày xưa chẳng khác nào cái vị do me tròn gợi lại. Có tất cả: chua chát, đắng cay… nhưng cái dư vị sau cùng để lại cho anh là vị ngọt hậu, nhẹ nhàng, càng thêm thời gian càng thêm ngọt (như me tròn cần thêm chút nước để ngọt hơn). Cuộc sống nhiều khi là thế. Có những thứ không phải có tiền là sẽ mua được. Vì vậy A Phàn sẽ còn giữ mãi những điều ngọt ngào ấy trong lòng. Me tròn – tuổi thơ của anh, tình yêu của anh.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này