Lễ hội dân tộc Cao Lan - Nghiên cứu văn nghệ dân gian của Đặng Đình Thuận – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ
- Written by Minh Phương
Nghiên cứu văn nghệ dân gian của Đặng Đình Thuận – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2018.
Hàng năm cứ vào ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 2 âm lịch theo như ngọc phả của đình đã ghi rõ thì dân làng Ngọc Tân lại tổ chức lễ hội làng. Thường thì cứ vào năm chẵn của năm dương lịch thì làng lại mở hội to, mời tất cả con cháu ở xa về dự.
Mặc dù với kiến trúc không to lớn, đồ sộ như các di tích đình làng ở một số địa phương khác, lại toạ lạc trên diện tích khuôn viên không rộng. Nhưng vị trí và ý nghĩa của đình làng Ngọc Tân rất quan trọng đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây. Bởi không chỉ có hội làng được mở ra để tưởng nhớ ngày sinh của ba vị thành hoàng là: Cao San án sát đại vương; Cao Đào án sát đại vương và Cao Đạo án sát đại vương vào các ngày mùng 1 và mùng 2 / 2 âm lịch, mà trong năm còn có ngày 11/ 12 âm lịch là ngày tiệc của làng. Tuy không mở hội, nhưng làng vẫn tổ chức tế lễ ở trong đình để tưởng nhớ ngày hoá của các ngài. Ngoài ra, còn có rất nhiều các ngày lễ khác theo tục lệ của dân làng như cúng sóc vọng ( mùng 1, ngày rằm), các ngày cúng tế theo lễ thức nông nghiệp trồng lúa nước như: Cúng giao thừa và năm mới cùng với lễ dựng nêu và lễ hạ nêu vào các ngày 30 tết và ngày mùng 7 tháng giêng. Các ngày tết 3/3; 5/5 và rằm tháng 7 xá tội vong nhân v...v.
Ngày mùng 1/2 âm lịch, cụ từ cùng với các cụ cao tuổi trong làng ra đình từ rất sớm để bao sái đồ thờ tự và tu sắm lễ vật, quét dọn vệ sinh sạch sẽ trong, ngoài đình và chuẩn bị cúng lễ Tam vị Thành hoàng vào sáng mùng 1/2 âm lịch (ngày sóc). Lễ vật cũng được chuẩn bị và được bày đặt rất chu đáo: Lễ chay gồm có một mâm ngũ quả, xôi nếp và chè đường; lễ mặn gồm có gà trống mổ sạch luộc cả con kèm theo để nguyên cả nội tạng và một mâm xôi nếp cùng rượu trắng. Hình thức chủ yếu là ông từ thắp hương và thay mặt cho dân làng cung thỉnh với Tam vị Thành hoàng để tưởng nhớ đến ngày sinh của các vị, xin phép các vị cho làng được mở lễ hội theo lệ hàng năm; sau đó, ông Từ làm thủ tục xin âm, dương để được phép tổ chức lễ hội trong ngày mùng 2/2 âm lịch. Sau lễ cúng tam vị Thành hoàng, ông từ và một số người trong làng (gọi là các giáp viên) thụ lộc ở đình để chuẩn bị cho buổi chiều làm lễ tiếp.
Nghi thức tế lễ buổi chiều mùng 1 được làm to hơn thể hiện qua việc mổ một con lợn khoảng từ 40 đến 50 kg. Lễ vật chủ yếu được chế biến thành hai món: Thịt lợn nướng; thịt lợn luộc được xếp lên các mâm đưa vào đình cúng tế. Còn để lại nửa con, đến khi làm lễ xong sẽ chia nhỏ, đều cho các giáp viên vắng mặt trong buổi lễ và thụ lộc hôm ấy.
Lễ thức cúng Tam vị Thành hoàng và các Thần linh thổ công bản thổ của làng được tiến hành như sau: Làng cử ra ba ông( trong đó có ông từ), là những người cao tuổi, đức độ, vợ chồng song toàn, không có tang gia, có đủ cả con trai, con gái và có hiểu biết về mọi mặt để đảm nhiệm công việc tế lễ,tổ chức các hoạt động của hội làng. Trang phục của ban tế đình Ngọc Tân chủ yếu là áo dài đen( bằng vải dân tộc dệt nhuộm chàm đen), quần vải trắng, đầu đội khăn xếp. Giữa chủ tế và phụ tế không có sự khác nhau về trang phục. Chỉ phân biệt được chủ tế với phụ tế qua vị trí đứng ở giữa, cao hơn hai bồi tế. Hình thức tế ở đình Ngọc Tân cũng đơn giản, không cầu kỳ, không kéo dài. Tuy vậy, nội dung và hình thức tế lễ cũng khá đầy đủ và được tiến hành rất nghiêm trang, tôn nghiêm với đầy đủ lễ mặn, lễ chay được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận.
Lễ mặn( xôi, gà, rượu). Mỗi một năm, làng giao cho 6 hộ gia đình trong làng luân phiên nhau nuôi gà, đồ xôi để mang ra đình làm lễ cúng Thành hoàng làng. Các hộ được giao làm cỗ, phải chú ý nuôi gà làm sao cho thật đẹp, gà phải béo, lông mượt, màu sắc sặc sỡ, chỉ cho ăn ngũ cốc, kiêng cho ăn tạp trong những ngày chuẩn bị mổ để làm lễ. Mỗi con gà nặng ít nhất từ 1,2 đến 1,5 kg. Gạo nếp để đồ xôi làm lễ cũng vậy, phải được sàng sẩy thật sạch sẽ, gạo trắng, hạt đều, không có thóc, sạn với số lượng 4 kg thành xôi. Sáu gia đình làm cỗ vào chiều ngày mùng 1 / 2 âm lịch tại gia đình. Khi có ba hồi trống do ông thủ từ dóng lên từ cửa đình làng thì các hộ bắt đầu tiến hành làm lễ như mổ gà, đồ xôi... Thường là từ giờ Thân ( 3 giờ) trở đi. Sau khoảng một giờ đồng hồ, ông từ lại dóng lên ba hồi trống để báo cho các gia đình biết thời gian làm cỗ đã hết. Các gia đình phải chuẩn bị mang cỗ ra đình cho ông từ và ban tế chuẩn bị cúng tế. Các gia đình nhận được hiệu lệnh trống khẩn trương hoàn chỉnh lễ vật, lần lượt gánh lễ ra đình. Ông từ đình và mọi người có mặt ở đình nêu những nhận xét về hình thức, chất lượng của các lễ vật rồi sơ bộ đánh giá xem cỗ của nhà nào đẹp nhất, trông hấp dẫn nhất, đảm bảo số lượng đã quy định. Sáu cỗ lễ do sáu gia đình mang đến đều được ông từ và ban tế xếp lên bàn thờ của thượng đình. Ai mang lễ vật đến trước thì được xếp trong cùng, lễ vật đến sau thì xếp ở ngoài.
Nhóm mổ lợn cũng nhanh tay, khẩn trương hoàn thành việc sắm lễ. Chiếc thủ lợn được làm sạch sẽ, luộc chín và được dâng lên đặt ở chính giữa thượng đình. Các món khác như thịt luộc, thịt nướng, cỗ nội tâm cũng được bày lên bàn thờ để ông từ làm lễ cúng.
Lễ vật đã được chuẩn bị xong, chu tất. Đến đúng 6 giờ chiều (giờ chính Dậu). Ông từ và hai ông phụ từ, ăn mặc chỉnh tề trong bộ áo the, khăn xếp, quần trắng tiến hành trải chiếu xuống nền đình để hành lễ. Trước khi cúng tế, ông từ tiến hành ra rượu, lên đèn, lên hương,đặt trầu cau lên ban thờ chính, đốt nến và kiểm tra thật cẩn thận lần cuối. Xong xuôi đâu đấy, ông từ và ban tế vào vị trí. Bên ngoài cửa đình, các cụ cho đánh một hồi trống dài để báo cho dân làng biết giờ cúng tế Tam vị Thành hoàng làng bắt đầu. Sau khi hồi trống chấm dứt, ông từ và ban tế bắt đầu phủ phục lễ bái ba lần để nghinh báo Tam vị thành hoàng và các bậc thần linh. Sau mỗi một nội dung khấn vái của thủ từ, các phụ từ làm nhiệm vụ bồi tế lại tiếp tửu (ra rượu). Mỗi lần như thế, ông từ lại phải phủ phục trước thượng đình ba lần để thay đổi nội dung khấn. Sau ba lần cúng, ông từ và ban tế kết thúc phần cúng lễ buổi chiều ngày 1 / 2 âm lịch với một hồi trống dài để báo hiệu cho toàn thể dân làng biết nghi thức tế lễ đã xong, mọi người trong làng chuẩn bị ra đình mà thụ lộc. Ai bận việc không ra được thì những người trong ban tổ chức có trách nhiệm để phần cho và ra mang về nhà hưởng lộc. Từ lúc này trở đi, không khí trong đình náo nhiệt hẳn lên do mỗi nguời một việc để sắp cỗ, bố trí chỗ ngồi... Ông từ và ban tế ngồi ở mâm trong cùng, sát với thượng cung. Sau đó đến các giáp viên ngồi lần lượt theo lứa tuổi từ trong ra ngoài, từ tuổi cao xuống thấp. Các mâm hai bên là chỗ ngồi của các giáp viên trẻ.
Sau khi thụ lộc xong, mọi giáp viên tập trung vào việc dựng cây còn trước cửa đình để chuẩn bị cho hội ném còn vào ngày mùng 2 / 2.
Trong đêm hôm đó, mọi người mang chăn chiếu ra ngủ ở đình để sáng mai kịp dậy cho đúng giờ. Không khí ở đình đêm hôm ấy thật vui vẻ, đầm ấm. Mọi người tiếp tục chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để mổ lợn đen vào 3 giờ sáng. Khoảng vào giờ Tý ( 11 giờ đêm), gia đình được phân công nuôi lợn lễ, khiêng lợn đến đặt ở giữa sân đình, trước cửa đình, để đầu lợn quay vào chính giữa đình và giao lễ cho ông từ trước sự chứng kiến của mọi người. Ông từ tiến hành kiểm tra kỹ từ chân lên đầu xem con lợn đã đen tuyền chưa, khi thấy đủ tiêu chuẩn rồi thì bắc cân lên cân, lợn phải nặng từ 40 đến 50 kg, hình thức phải đẹp, lông mượt, béo cân đối, đầy đặn....
Đến giờ Dần( 3 giờ sáng), mọi người chuẩn bị sẵn sàng, chờ ông từ làm lễ xin phép Thành hoàng và các bậc thần linh xong rồi mới được mổ. Ông từ cùng với hai phụ từ đứng nghiêm trang trước thượng điện để hành lễ. Lần thứ nhất, ông từ cúng khấn xin phép tam vị thành hoàng làng và các thần linh cho phéo dân làng Ngọc Tân đựơc mổ lợn đen để làm lễ cúng tế và được mở hội làng vào sáng ngày 2 / 2 âm lịch. Sau khi khấn vái xong, ông từ xin quẻ âm dương. Nếu linh ứng nhất âm, nhất dương là được. Nếu không được thì phải xin lại. Nếu đến lần thứ ba mà vẫn không được thì phải đi tìm con lợn đen tuyền khác, chứ nhất định họ không mổ con lợn đó nữa vì không được các vị thành hoàng, thần linh chấp thuận. Lần thứ hai, ông từ khấn vái xin phép được chọn người chọc tiết và mổ lợn. Thủ tục cũng xin âm dương như lần một, nếu một lần không được thì phải làm lần thứ hai, nếu lần thứ hai không được lại làm tiếp lần thứ ba, nếu vẫn không được thì ông từ phải xin phép cho đổi người khác.
Sau khi các thủ tục trên kết thúc, một số giáp viên khoẻ, cùng thanh niên đã được làng chọn cử giữ chặt con lợn để cho ông đã được phép chọc tiết lợn rồi mọi người tiến hành mổ lợn. Theo quy định của làng, sau khi lợn đã được mổ ra, làng lấy 20 kg móc hàm nhưng dứt khoát phải có cả phần cổ( còn gọi là khoanh bí). Phần nậm lợn và phần nội tâm phải trả cho đình để làm lễ. Phần còn lại, người nuôi lợn được mang về gia đình để cúng lễ gia tiên và được sử dụng coi như đó là lộc của làng ban cho.
Lễ vật được chuẩn bị xong, gồm có thịt lợn nướng, thịt lợn luộc( bao giờ cũng chỉ có hai món, không bao giờ có món khác) được sắp xếp lên ban thờ của thượng cung; Ngoài ra còn có các lễ chay như : Xôi, chè, oản, hoa quả( ngày nay còn có cả bánh kẹo nữa), kèm theo hương nhang, đèn nến, hoa tươi, tửu, nước.... Cho đến giờ Thìn(7 giờ trở đi), ông từ và hai ông phụ từ bắt đầu tiến hành cúng lễ xin phép các vị thành hoàng và các vị thần linh để làng được mở lễ hội truyền thống theo tục lệ hàng năm.
Buổi lễ cúng tế xin phép mở hội làng diễn ra qua ba tuần tiếp tửu. Ông từ phủ phục trước thượng cung, các ông hầu tế phải tiếp rượu, tiếp hương... để ông từ dâng lên ban thờ sau mỗi lần cung thỉnh. Kết thúc ba lần cúng tế, ông từ đánh ba hồi trống dài( trống đặt ở hiên đình) để thông báo cho mọi người ra dự hội làng đã khai hội với các trò chơi dân gian truyền thống của làng Ngọc Tân như: Ném còn, kéo co, bắn nỏ…để không khí ngày hội thêm náo nhiệt, hấp dẫn.
* Ném còn: Mọi người tập trung rất đông trước sân đình, xung quanh cây còn đã được dựng lên từ chiều mùng một, tham gia trò chơi này chủ yếu là các nam, nữ thanh niên. Dân làng tụ tập rất đông để hò reo, cổ vũ cho những người chơi. Tiếng trống liên tục được nổi lên thôi thúc, rục rã mọi người. Khi ông từ cầm 12 quả còn vừa được cúng lễ ở trong đình ra( con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm) tung cao vào giữa đám đông thanh niên đang đứng tập trung ở trước sân đình. Họ tranh lấy quả còn và nhanh chóng dãn về hai phía của cây còn để chọn khoảng cách thích hợp ném còn đảm bảo trúng đích, quả còn có đủ lực bay qua tờ giấy (mặt nguyệt) và rơi xuống đất. Cuộc chơi rất náo nhiệt, các quả còn lao lên vun vút từ hai phía, mọi người xô đẩy tranh nhau quả còn mỗi khi còn rơi gần đến mặt đất. Bên ngoài sân, mọi người hò reo cổ vũ cho những người ném cố gắng ném thủng vòng tròn mặt nguyệt. Người ném trúng đích vinh dự được nhận phần thưởng của làng do ông từ trao cho tận tay người đã thắng cuộc. Giải thưởng cho nguời thắng cuộc trị giá bằng tiền mặt được trích từ quỹ của đình, tuy giá trị không lớn (chỉ 10 đến 20 nghìn đồng), nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần. Người trúng thưởng sẽ được giữ quả còn mang về đặt lên ban thờ gia tiên để cầu may cho cả gia đình.
* Kéo co: Sân chơi kéo co vẫn là nơi vừa diễn ra ném còn. Họ lấy cột cây còn làm tâm điểm giữa hai bên. Dụng cụ để chơi là một chiếc dây thừng to bằng ngón chân cái, bện bằng dây đay đã được chuẩn bị sẵn, Ở giữa sợi dây buộc một giải vải đỏ làm điểm chuẩn và đặt ngay cột còn. Chủ trò tay cầm một ngọn cờ đuôi nheo màu đỏ, miệng ngậm còi chạy dọc theo dây để bố trí quân chơi cho đều nhau. Sau khi thấy số quân đã cân đối, chủ trò giơ cao cờ, miệng thổi một hồi còi dài đồng thời tay phất cờ thật mạnh ra hiệu cuộc chơi bắt đầu. Hai bên bắt đầu trần lực ra để kéo dây cố giành phần thắng về mình. Tiếng hò reo vang dậy không ngớt của những người cổ vũ, một không khí náo nhiệt bao trùm khắp sân hội. Sau một thời gian đua sức hợp lực, rồi một bên kém hơn cũng phải thua cuộc, họ bị kéo dạt về phía đối phương, không thể nào chống lại nổi sức mạnh của bên chiến thắng. Bên thua đành bỏ dây, người thì ngã xuống đất, người thì ngã chồng lên nhau, nhưng miệng thì vẫn reo hò, cười nói ầm ĩ và chấp nhận cuộc thua.
Cứ như vậy, chủ trò tổ chức lấy ba lượt kéo và tính điểm. Bên nào thua hai lần hoặc cả ba lần thua là bên thua cuộc. Ngược lại, bên nào thắng hai lần hoặc cả ba lần thắng thì là bên thắng cuộc. Bên thắng sẽ được nhận phần thưởng của ban tổ chức đó là những túi bánh kẹo, hoa quả đã được thắp hương, cúng tế trong đình mang ra thụ lộc, khao quân, ban thưởng.
* Thi bắn nỏ: Hội thi bắn nỏ được tổ chức trên một bãi đất rộng, cách đình làng không xa. Để đảm bao an toàn, hội thi đặt bia cách một tràn ruộng lúa khoảng 30 m, những xạ thủ đứng ở một phía cạnh sân kéo co. Hầu hết những người tham gia đều có nỏ riêng để quen với tay nỏ bắn cho trúng đích. Bia được đón chặt xuống đất bằng một cọc tre, bia có hình thù một nửa người giống như bia quân sự được dán vào tấm cót. Trên mặt bia có các vòng tròn tính điểm từ cao đến thấp theo chiều từ trong ra ngoài. Tổng số có 10 vòng tương đương với 10 điểm. Không như trò chơi dân gian ném còn, kéo co, trò chơi bắn nỏ không náo nhiệt bằng. Ở đây, không khí căng thẳng và thi đua hiện rõ trên những nét mặt các tay nỏ. Kết thúc cuộc chơi, ban tổ chức xem lại danh sách kết quả bắn của các tay nỏ để đánh giá kết quả, tìm ra người đoạt giải nhất, nhì, ba để làng trao phần thưởng và công bố thành tích của ba tay nỏ đoạt giải để mọi người dự hội biết. Phần thưởng là một số tiền nhỏ được trích ra từ quỹ của đình, kèm theo một chút hoa quả, kẹo bánh là lộc đã được thắp hương trong đình.
Ngoài ba trò chơi dân gian trên, làng Ngọc Tân còn có trò chơi đi cà kheo, nhưng rất tiếc đến nay trò chơi này đã bị mai một, không còn ai chơi nữa.
*Hát dân ca trong lễ hội làng Ngọc Tân: Trong lễ hội làng Ngọc Tân, sau các trò chơi dân gian là hình thức hát dân ca của dân tộc Cao Lan thông qua hình thức hát đối đáp giao duyên chủ yếu giữa nam và nữ mà dân tộc Cao Lan gọi là hát Sình ca ( hay Sịnh ca). Mọi người rất say mê hát Sình ca và cũng từ lâu đời, Sình ca đã trở thành môn nghệ thuật dân gian độc đáo của đồng bào Cao Lan ở Ngọc Tân. Nội dung hát Sình ca rất đa dạng và phong phú như: Sình ca ( Tình ca- nam nữ giao duyên); Vèo ca ( Mọi người hát có ý gọi mời nhau cùng tham gia hát cho vui ); Ú núng ca ( Hát để ru em hoặc ru con ngủ ); Sình kích ca ( Hát trong dịp tổ chức lễ hội); Sình lục tờu ( Hát trong khi tổ chức cúng lễ ); Hát Sình ca được tổ chức ở nhiều thời điểm khác nhau: Hát trong đám cưới; Hát Sình ca về ban ngày; Hát sình ca về ban đêm…Hát Sình ca về ban đêm được tổ chức chủ yếu ở trong nhà, mọi người ngồi hát đối đáp. Qua mỗi một đêm nội dung hát lại thay đổi khác nhau. Cứ như thế trong vòng 12 đêm liền. Hát Sình Ca về ban ngày ( vèo ca ) chủ yếu là của nam nữ thanh niên mới trưởng thành, đang tuổi tìm hiểu, yêu đương để tranh thủ có dịp làm quen với nhau hoặc đã quen nhau rồi, thì có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu và thổ lộ tình cảm của mình với người bạn tình đã “ thầm yêu, trộm nhớ ”. Hát Sình ca về ban ngày còn có các thể loại hát khác được hát trong dịp làng mở hội ( Tiếng dân tộc gọi là Sình kích đám tăng). Hình thức hát này gắn với nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng của người Cao Lan, nó còn kèm theo cả những điệu múa, nhảy mô phỏng các nghi thức cúng lễ mang tính chất cổ xưa, phản ánh tín ngưỡng nguyên thuỷ như: Hát mô tả lại cảnh di cư, khai phá rừng núi và lập làng, hát diễn tả lại những động tác lao động sản xuất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước kèm theo những lễ tục cầu mùa, cầu "mưa thuận, gió hoà”.v..v.
Có thể nói, lễ hội đồng bào dân tộc Cao Lan với các trò chơi dân gian vừa mang tính đặc sắc, vừa phản ánh truyền thống thượng võ độc đáo của hội làng Ngọc Tân nói riêng và hội làng ở Phú Thọ nói chung còn được bảo lưu đến ngày nay đã góp phần làm cho truyền thống văn hoá dân gian thêm phong phú, đậm đà màu sắc của dân tộc Cao Lan đã phản ánh sinh động tinh thần thượng võ, ý thức rèn luyện thân thể, luyện tập thể thao vừa để tăng thêm sự hấp dẫn cho trò diễn hội làng vừa để có sức khoẻ rẻo rai mà lao động sản xuất xây dựng làng xóm và chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho cộng đồng. Đó là ý nghĩa nhân văn sâu sắc bao trùm toàn bộ các hoạt động văn hoá của lễ hội dân gian làng Ngọc Tân.
Trại sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2018