Nghị luận văn học của Nguyễn Ánh Tuyết – Hội văn học nghệ thuật Thái Bình, viết tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 3-2019.
THƠ CA KIẾN TẠO NIỀM TIN VÀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
Một tiêu chí để tranh luận là : Thơ ca kiến tạo niềm tin và đạo đức xã hội. Chúng tôi có phân vân đôi chút về cụm từ : Thơ ca kiến tạo niềm tin và đạo đức xã hội. Nói thế thành ra có vẻ phức tạp khó hiểu. Giống như kiểu nói cách điệu ngoa ngôn trong các phép tu từ văn học. Hiểu một cách dản dị và đúng nhất: Đó là bản chất, giá trị, chức năng to lớn của Thơ nói riêng và Văn học nói chung. Chẳng thế câu: Văn học là nhân học đã trở thành một chân lý của nhân loại từ bao đời.
Thơ là một bộ phận của Văn học. Là tinh hoa của tinh hoa. Thơ là biểu tượng cho cái Đẹp tinh thần của con người. Đặc trưng lớn nhất của thơ là chất trữ tình.
Chức năng lớn nhất của thơ là động viên con người hướng tới cái đẹp. Đó chẳng phải những giá trị đạo đức mà con người phấn đấu sao.
Bản chất của thơ là trữ tình. Có thể thấy rất rõ trong thơ có thứ trữ tình nhiệt huyết, trữ tình lửa thôi thức động viên con người chiến đấu dũng cảm hi sinh thân mình vì lẽ phải, vì công lý, vì tổ quốc, vì nhân dân: Từ ngàn xưa, thơ đã tham gia đánh giặc. Thơ là vũ khí sắc bén để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thể hiện hùng hồn niềm tự hào dân tộc, ý thức tự lập tự cường : Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư( Thơ Thần -Lý Thường Kiệt) …
Những tư tưởng ấy còn thể hiện trong những áng thơ hào hùng của Nguyễn Trãi, sự hào sảng của Trương Hán Siêu trong bài phú sông Bạch Đằng và nhiều tác phẩm trong kho tàng thơ ca Việt Nam từ cổ chí kim.
Có sức mạnh nào, giá trị nào lớn hơn sức mạnh của thơ qua những câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Hay nhà thơ cách mạng Sóng Hồng đã nghĩ về sức mạnh và vai trò lớn lao của thơ “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền). Sự thật thơ đã làm được những điều như thế và hơn thế. Thơ đã mạnh mẽ hơn thế rất nhiều.
Sức mạnh của thơ lớn lao vô cùng, nó động viên thôi thúc con người hành động vì lý tưởng cao quí : Hi sinh chiến đấu vì độc lập cho dân tộc, hoà bình cho nhân dân. Cho nên trữ tình trong thơ đã trở nên nóng bỏng, tác động, động viên mạnh mẽ mọi người yêu nước, Thơ đầy tính nhiệt huyết. “ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Trong tù ngục, những chiến sỹ cách mạng vẫn làm thơ thể hiện tình yêu nước, ý chí kiên cường một lòng một dạ với tổ quốc với nhân dân, họ chịu bao cực hình tra tấn khắc nghiệt vẫn không khuất phục quân thù. Những câu thơ đầy ý chí của các nhà thơ, những câu thơ của chính người tù viết ra đã cho họ một sức mạnh tinh thần để vượt qua tất cả. Nếu tập hợp những bài thơ viết trong tù ngục sẽ có những bài thơ, tập thơ rất đáng đọc,nó giúp cho người ta tin tưởng vào cuộc đời và làm người. Có thể thấy điều đó qua những tập thơ của Phan Bội Châu, thơ ca cách mạng của các nhà cách mạng tiền bối như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Đức Cảnh, các tập Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh, Từ ấy – Tố Hữu và biết bao nhà thơ chiến sỹ khác. Bao thế hệ con người Việt Nam đã lấy đó là những cuốn sách gối đầu giường, đã tìm thấy từ những câu thơ lửa ấy một niềm tin mãnh liệt, một lý tưởng sống cao cả, sẵn sàng hi sinh cá nhân mình cho dân tộc, cho nhân dân, vì một lẽ nhân văn lớn lao .
Truyện Kiều của Nguyễn Du viết bằng lối thơ lục bát truyền thống dân giã, bình dị mà hơn hai trăm năm nay đã đề cập đến những vấn đề lớn của dân tộc, đất nước, của mọi kiếp người và là kết tinh những tư tưởng tình cảm lớn của nhân loại“ Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước đọng lời ngàn thu” – Tố Hữu( Kính gửi cụ Nguyễn Du). Còn có sức mạnh niềm tin nào lớn, còn có đạo đức nào cao cả hơn thứ đạo đức dành cho con người, đạo đức của lẽ sống làm người“ Làm con trước phải đền ơn sinh thành/ Quyết tình nàng mới hạ tình/ Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” Đạo đức của tình yêu chân chính “ Rắp mong treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua/ Dấn mình vào áng can qua/ Vào sinh ra tử hoạ là thấy nhau” Cũng chính vì coi trọng tình yêu mà nàng Kiều khi phải dằn lòng trao duyên cho Thuý Vân để bán mình chuộc cha đã có một hành động tưởng như bất thường. Chỉ khi hiểu ra mới thấy kính nể sự sâu sắc của Thuý Kiều, qua đó ta thấy được tình yêu đối với Kim Trọng được Thuý Kiều trân trọng đến nhường nào “ Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Đạo đức của sự thấu hiểu cảm thông với người phụ nữ và một cách nhìn hết sức nhân văn tiến bộ, vượt qua những định kiến xã hội khắt khe “ Như nàng lấy hiếu làm trinh/ bụi nào cho đục được mình ấy vay”. Đạo đức của lòng thương người, đồng cảm với số phận những người chịu nhiều thiệt thòi bất hạnh trong xã hội phong kiến “Đau đớn thay phận đàn bà”. Đạo đức của sự đề cao tình nghĩa của con người : “Nàng rằng nghĩa trọng nghìn non/ Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ chăng? Gấm trăm cuốn bạc ngàn cân/ Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”. Đạo đức của lòng tự trọng“ Người yêu ta xấu với người/Yêu nhau lại chẳng bằng mười phụ nhau” Phẩm chất tự trọng đã khiến nàng Kiều chấp nhận một nỗi cay đắng của số phận: Nàng sẽ là người đàn bà không chồng không con suốt đời khi nàng từ chối một cơ hội được hạnh phúc. Nàng đã đau đớn hi sinh cơ hội hạnh phúc cuối cùng ấy“ Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” để không phải hổ thẹn với người. Hỏi có tác phẩm thi ca nào đạt đến sự vĩ đại của đạo đức và niềm tin mà Nguyễn Du đề cập đến trong truyện Kiều.
Cho nên, nếu mất niềm tin vào một điều tốt đẹp nào đó hãy tìm đến thơ, nếu muốn học bài học về đạo đức hãy tìm đọc một bài thơ. Đời người, ít nhất hãy đọc truyện Kiều một lần để hiểu đời và làm người.
Con người từ khi sinh ra cho đến lúc trở về cát bụi, luôn được tắm trong những câu thơ, bài thơ (lời mẹ ru, lời cô dạy, những câu hát, cả đến những câu ca đưa linh). Sức mạnh của niềm tin, và đạo đức từ những câu ca ấy thấm dần để đứa trẻ lớn lên thành người, làm người. Chết đi rồi, linh hồn còn được tiễn đưa bằng những bài thơ đầy chất nhân văn để nhẹ nhàng siêu thoát.Thiếu đi những dòng sữa tinh thần vô giá ấy, con người thiếu hụt nhiều nguồn năng lượng cần thiết, sẽ còi cọc về tâm hồn, nguy hại thay bởi vì tâm hồn còi cọc méo mó sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ phiền toái cho xã hội.
Cho nên, người ta yêu thích thơ ca, tôn thờ thơ ca và kính nể nhà thơ. Ở Việt Nam, đất nước mà người dân đã quen với hai việc hệ trọng cao cả: Làm thơ và đánh giặc, nhiều năm nay đã có cả một ngày hội tôn vinh thơ ca đó là Ngày thơ Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam nơi tôn vinh những người có tài làm thơ làm văn, chốn tôn nghiêm ấy cũng được mọi người ngưỡng mộ, thèm muốn được đặt chân vào ngôi đền thiêng đó. Cũng chả có nơi đâu có câu lạc bộ thơ Việt Nam với hàng chục ngàn người tham gia. Câu lạc bộ thơ phủ sóng tới cấp xóm. Người làm thơ, được gọi là nhà thơ đếm không xuể. Thế nên nhiều người phát hoảng sinh ra trách móc cái ông Bành Thông, rồi những lời than vãn “ Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ” Có người còn gọi đám nhà thơ tự phát ấy là “ Giặc”. Có gì đâu, tín hiệu đáng mừng mà. Tôi dám khẳng định rằng, khi làm thơ, con người sẽ rất tử tế. Khi nhiều có người yêu thơ, làm thơ thì xã hội sẽ ổn định, tốt đẹp lên. Đó là đại phúc cho dân tộc đất nước. Mấy ai làm thơ xong lại còn nghĩ đến những chuyện xấu xa. Phải biết xấu hổ, phải xứng đáng với “ nàng” chứ. Say thơ là sự cao quí nhất trong tất cả các loại say. Hãy để nhân loại thưởng thức sự tuyệt vời của “Nàng” để có niềm tin, đạo đức tuyệt vời nhất trong tất cả các loại tuyệt vời.