BÀI VIẾT MỚI

Kịch bản Múa của Hoàng Thị Mến và Đinh Xuân Thương - Hội văn học nghệ thuật Hoà Bình

XUỐNG CHỢ

Tác giả: Hoàng Thị Miến – Hội văn học nghệ thuật Hoà Bình; sáng tác tại Trại sáng tác kịch bản Múa, Nhà sáng tác Đà Lạt tháng 3-2019.

I. Nội dung tư tưởng

Không biết từ bao giờ, ở các bản làng người H’mông, tiếng đàn môi, tiếng khèn, tiếng sáo..đã gắn bó suốt thời trai trẻ và cuộc sống lao động của người dân H’mông.

Đàn môi đã được các cô gái thổi khéo léo theo điệu dân ca làm say đắm các chàng trai mở đầu cho các cuộc tình nồng đượm. Trong các ngày hội xuân, những đêm gọi bạn, những đêm chợ tình, chợ phiên ngày tết…với tiếng đàn môi của các cô gái da diết hoà quyện với tiếng khèn náo nức, những điệu múa khèn uyển chuyển của các chàng trai. Sự hoà quyện độc đáo đó đã khắc hoạ cuộc sống lao động với nét văn hoá chan chứa yêu thương, khát vọng tình yêu của những đôi trai gái dân tộc H’mông.

II. Bố cục tác phẩm

- Hình thức thể loại: Múa biểu hiện – phong cách dân gian

- Nhân vật: Thanh niên dân tộc H’mông – 5 nam – 10 nữ

- Đạo cụ: 10 chiếc ô và 5 chiếc khèn

- Chất liệu múa: Dân tộc H’mông Pà Cò tỉnh Hoà Bình

- Thời gian: 5’30”

- Bố cục: 3 đoạn

Đoạn I: “RƯỢU, NÚI”

Đèn sân khấu sáng lên xả hiện cảnh núi rừng, mây trắng lượn quanh những con đường nhỏ từ trên đỉnh núi đổ xuống tụ lại dưới thung lũng rực rỡ sắc màu nơi tràn ngập những âm thanh của núi rừng. Tiếng cười nói vui vẻ hoà với tiếng hát giao duyên, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi của các tốp trai gái H’mông hẹn tìm nhau đến phiên chợ tình làm quen, kết nghĩa bạn bè với bát rượu xoay vòng xen lẫn những tiếng cười, tiếng reo cổ vũ.

Đoạn II: “TÌNH YÊU”

Chợ dần tàn, sương chiều đã xuống, chàng trai H’mông bước đi chếnh choáng men say, đám bạn thân tản dần mờ mờ trong sương cũng là lúc tiếng đàn môi tỏ tình của cô gái H’mông cất lên với niềm khát vọng tìm người thương.

Đáp lại tiếng đàn môi là chiếc khèn thân thương và điệu múa khèn uyển chuyển tạo nên khúc nhạc giao duyên của người con trai với người con gái.

Cứ như vậy tiếng đàn môi và điệu múa khèn hoà quyện với nhau say đắm như ngọn núi lửa tình bùng cháy hoà vào vũ trụ bao la với một tình yêu trọn vẹn mà tạo hoá thiên nhiên ban tặng.

Đoạn III: “TRĂNG LÊN”

Trăng đã treo đầu núi tiếng đàn môi cứ dìu dặt xa dần cùng tiếng khèn khuất vào thung lũng xa, ánh sáng của những ngôi sao đêm mờ dần cũng là lúc câu hát tơ tình giao duyên kết đôi của các cô gái và chàng trai đã được chấp thuận với lời hẹn ước thành duyên khi hoa đào nở rộ.

*****

CHIẾC LÁ CUỐI THU

Tác giả: Đinh Xuân Thương - Hội văn học nghệ thuật Hoà Bình; sáng tác tại Trại sáng tác kịch bản Múa, Nhà sáng tác Đà Lạt tháng 3-2019

Thời lượng tác phẩm: 8’50”

Hình thức: Múa tập thể

Ngôn ngữ: Múa hiện đại

I. Nội dung

Đã qua đi với cái nắng gay gắt oi bức của mùa hạ, thu đến mang theo những cơn gió heo may dịu dàng man mát, bầu trời như trong xanh hơn, mặt nước cũng trở nên yên ả, con người như được hồi sinh, nhưng lại làm những chiếc lá lìa cành li biệt. Từng cánh, từng cánh rơi. Cũng nhờ gió mà những chiếc lá đến gần với nhau, đan chặt vào nhau như một manh áo ủ ấm cho mầm sống vươn lên.

II. Kịch bản chi tiết

Bố cục tác phẩm: 3 phần

PHẦN I: LÁ THU (5 phút)

Gió heo may nhè nhẹ đẩy những cánh lá đung đưa chao đảo, tiếng sột soạt của lá khô chạm vào nhau vô tình đã làm một cánh lá khô rời cành. Rồi hai cánh cũng bám theo. Gió như mạnh dần lên, chiếc lá cuối cùng cũng ly biệt, bay lơ lửng, lượn lờ trong không trung và gió đẩy từng lớp cứ quấn lên tung bay rồi xô dạt đi muôn ngả.

Hình thức múa tập thể (mỗi diễn viên tượng trưng cho một cánh lá) tạo hình động ở góc sân khấu, từng người ra solo.duo, động tác nhẹ nhàng. Tập thể tổ hợp động tác mạnh hơn, bay hơn.

PHẦN II: KHÁT VỌNG (2 phút)

Vô tình gió đã đẩy hai cánh lá đến gần với nhau, quấn chặt lấy nhau như không muốn xa rời, đưa đẩy nhau lên rợp rờn như đôi bướm.

Hình thức múa duo, với những tạo hình cao thấp và kỹ thuật bê, đỡ…

PHẦN III: MẦM SỐNG (1 phút 50)

Gió bỗng chốc mạnh lên xoay tròn những chiếc lá kia như quy tụ lại, rồi toả lớp bay lên, lớp xoăn tròn dưới mặt đất, rồi xô dạt vào nhau tạo thành một lớp khăng khít quấn chặt lấy nhau, như một manh áo ủ ấm cho mầm sống được vươn lên.

Hình thức múa tập thể. Tổ hợp động tác mạnh kết hợp với nhảy nhỏ, nhảy lớn và kỹ thuật bê đỡ tập thể…

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này