Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016

Năm 2016, số tác phẩm được đề cử cho Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt nam là 174 tác phẩm, trong đó thơ có 66 tác phẩm của 62 tác giả, văn có 78 tác phẩm của 77 tác giả, lý luận phê bình có 19 tác phẩm của 18 tác giả và văn học dịch có 11 tác phẩm.

     Năm 2016, số tác phẩm được đề cử cho Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt nam là 174 tác phẩm, trong đó thơ có 66 tác phẩm của 62 tác giả, văn có 78 tác phẩm của 77 tác giả, lý luận phê bình có 19 tác phẩm của 18 tác giả và văn học dịch có 11 tác phẩm. Từ giữa tháng 10 năm 2016, bốn Hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn đã tiếng hành công việc đọc và thảo luận về các tác phẩm dự giải. Mỗi Hội đồng đều tiến hành từ ba đến bốn cuộc họp và thảo luận một cách dân chủ, công khai về các tác phẩm dự giải. Theo quy định của Ban Chấp Hành từ nhiều nhiệm kỳ nay và được các ủy viên Hội đồng ủng hộ, các Hội đồng chuyên môn đều thành lập Ban thường trực Hội đồng gồm các thành viên sống và làm việc tại Hà Nội. Nhiệm vụ Ban thường trực Hội đồng là đọc, thảo luận và bỏ phiếu bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín cho vòng loại để chọn lựa những tác phẩm có chất lượng. Sau đó các tác phẩm đã qua vòng loại được tất cả các thành viên hội đồng đọc, thảo luận và bỏ phiếu kín chọn tác phẩm giới thiệu cho Hội đồng chung khảo.

baocaogiaithuongvhnt2016
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc bảo cáo về giải thưởng năm 2016
 
     Kết quả cuối cùng có 14 tác phẩm của bốn Hội đồng Hội đồng chung khảo  bao gồm 5 tác phẩm thơ của các tác giả Trần Quang Quý, Y Phương, Nguyễn Việt Chiến, Trần Nhuận Minh và Lê Quang Sinh, 5 tác phẩm văn xuôi của các tác giả Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Chu Lai, Chu Minh Huệ và Lại Văn Long, 2 tác phẩm lý luận phê bình của tác giả Khuất Bình Nguyên và Trần Huyền Sâm, 2 tác phẩm văn học dịch của Nguyễn Chí Hoan và Tạ Minh Châu. Tiểu thuyết Tấm Ván Thiên của nhà văn Ma Văn Kháng được Hội đồng chung khảo chọn là tác phẩm đại diện của Hội Nhà văn 2016 giới thiệu cho Giải thưởng của Ủy ban liên hiệp các hội VHNT VN. Vì vậy, tác phẩm Tấm Ván Thiên của nhà văn Ma Văn Kháng không tham dự Giải thưởng của Hội Nhà văn VN 2016.

     Bốn Hội đồng chuyên môn đã tiến hành các bước chọn lựa tác phẩm vào chung khảo một cách kỹ lưỡng, công khai và đúng với qui chế xét Giải thưởng của Hội Nhà văn. Ban chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn 2016 có 11 thành viên bao gồm 7 ủy viên Ban Chấp hành và 4 đại diện Hội đồng. Sau khi nghe báo cáo của các đại diện Hội đồng về từng tác phẩm đủ phiếu vào chung khảo, Hội đồng chung khảo đã tiến hành ba cuộc họp sau đó và bỏ phiếu kín xét Giải thưởng. Kết quả các tác phẩm đủ số phiếu để giành Giải thưởng Hội Nhà văn 2016 như sau: 

THƠ : Vũ Khúc Tày, tập thơ song ngữ của tác giả Y Phương

Tổ Quốc Nhìn Từ Biển, tập thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến  

VĂN : Làn Gió Chảy Qua, tập truyện ngắn của tác giả Lê Minh Khuê

Mưa Đỏ, tiểu thuyết của tác giả Chu Lai  

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH : Giọt Nước Trong Lá Sen, tập chân dung văn học và đàm luận văn chương của tác giả Khuất Bình Nguyên

Nữ Quyền Luận Ở Pháp và Tiểu Thuyết Nữ Việt Nam Đương Đại, tác giả Trần Huyền Sâm  

VĂN HỌC DỊCH : Lâu Đài Sói, tác giả Hilary Mantel, Giải Manbooker 2009, dịch giả Nguyễn Chí Hoan

     Vẫn bằng cách nhìn, cách cảm và cách nghĩ của một người lớn lên trong nền văn hóa Tày, nhưng với những trải nhiệm sâu sắc và với một hiện thực đời sống đa dạng và đầy biến động, nhà thơ Y Phương đã viết lên những câu thơ hiện đại, tính triết lý cao nhưng lại chứa đựng những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mình trong Vũ Khúc Tày.

     Thơ ca cho dù sinh ra trong bất cứ hình thức nào, trong bất cứ chủ nghĩa nào cũng không bao giờ rời xa những vấn đề thời sự và đặc biệt khi dân tộc đứng trước những thách thức. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã sống trong những vấn đề thời sự nóng bỏng ấy và đứng cùng nhân dân trước những thách thức ấy. Hơn thế, nhà thơ còn phải đứng trước một thách thức khác nữa. Đó là thi ca hóa những vấn đề thời sự đang diễn ra trên mảnh đất của tổ quốc mình. Và qua những bài thơ trong Tổ Quốc Nhìn Từ Biển, ông đã từng bước đi qua thách thức đó.

     Làn Gió Chảy Qua đã mang đến cho nhà văn viết truyện ngắn danh tiếng Lê Minh Khuê một bản lĩnh mới - bản lĩnh của sự sáng tạo. Bản lĩnh ấy đã đưa chị đến một cách kể chuyện giản dị, trầm tĩnh, sâu sắc và đầy triết lý. Khi một nhà văn thấu hiểu đời sống và nghệ thuật thì những tác phẩm của họ trở nên vô cùng giản dị, sáng tỏ nhưng lại mang một chiều kích lớn. Lê Minh Khuê là một nhà văn như vậy.

     Với Mưa Đỏ, nhà văn Chu lai đã dựng lên một cách sống động và ám ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ thông qua những ngày đêm khốc liệt ở thành Quảng Trị. Và từ một mảnh đất đầy máu chảy và ngập tràn cái chết, nhân cách và lịch sử của một dân tộc được dựng lên bằng nhân cách của những người lính bình dị chiến đấu cho lẽ làm người và cho hòa bình của dân tộc. Mưa Đỏ là một bản tráng ca về khát vọng hòa bình, sự hy sinh đến tận cùng cho nền hòa bình ấy và lòng nhân ái vô bờ của một dân tộc.

     Bằng một cảm nhận tinh tường và đầy tính khái quát, bằng cách lý giải khoa học đối với tác phẩm kết hợp với khả năng khám phá mới mẻ con người tác giả, nhà thơ Khuất Bình Nguyên đã dựng lên trong Giọt Nước Trong Lá Sen chân dung những nhà văn, nhà thơ, những tác phẩm, những khuynh hướng văn học trong một diện mạo và chiều sâu mới một cách quyến rũ.

     Không phải là lần đầu tiên vấn đề nữ quyền được đề cập trong các nghiên cứu văn học ở Việt Nam, nhưng tác giả Trần Huyền Sâm đã thực sự mang đến cho bạn đọc một cái nhìn bao quát, đa tầng, khoa học, hệ thống và một khám phá mới mẻ về vấn đề này và về thế giới đàn bà. Có thể nói, Nữ Quyền Luận Ở Pháp và Tiểu Thuyết Nữ Việt Nam Đương Đại của tác giả Trần Huyền Sâm là tác phẩm nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam mở ra một chiều kích rộng nhất, sâu nhất và đa dạng nhất về nữ quyền. Nó vừa cho chúng ta nhìn thấy lịch sử nữ quyền trên thề giới vừa cho chúng nhìn thấy một cách sâu sắc bản chất nữ quyền trong xã hội và văn hóa Việt.

     Và sau đó là thế giới những vẻ đẹp Lâu Đài Sói của nhà văn Hilary Mantel, Giải Manbooker 2009 là tác phẩm viết về lịch sử nước Anh ở thế kỷ 16. Đây là một tác phẩm đồ sộ, phức tạp về những vấn đề lịch sử, về cấu trúc tiểu thuyết, về diễn biến nhân vật và là một tác phẩm rất khó tiếp nhận trong văn bản tiếng Anh. Nhưng nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Hoan đã diễn trình một cách xuất sắc tác phẩm lớn này trong văn bản tiếng Việt. Ngoài việc thưởng thức nghệ thuật tiểu thuyết, nghệ thuật Việt hóa văn bản nghệ thuật này, tác phẩm gợi mở nhiều vấn đề mới mẻ và quan trọng cho nhà văn Việt Nam trong cách tiếp cận và xử lý những vấn đề lịch sử trong tiểu thuyết đương đại về đề tài lịch sử và nghệ thuật của thể loại văn xuôi này.

( Nguồn: www.nhavanhanoi.net )

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này