Trại sáng tác - “bà đỡ” cho các tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao

Trong quá trình sáng tác, văn nghệ sĩ luôn cần không gian tĩnh lặng, “khoảng trống” thời gian, tạm quên đi lo toan thường nhật của đời sống để suy tư, hoàn thiện các tác phẩm.

Để thiết thực hỗ trợ văn nghệ sĩ, hệ thống các nhà sáng tác gắn liền với hoạt động trại sáng tác tiếp tục được kiện toàn, phát triển để luôn giữ vai trò là “bà đỡ” cho các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) đỉnh cao.

Chính sách quan tâm, đầu tư để thúc đẩy VHNT phát triển

Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT (sau đây gọi là trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), có chức năng tổ chức hỗ trợ hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ nhằm khuyến khích các tài năng sáng tạo, góp phần hình thành những tác phẩm VHNT có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Trước đây, trung tâm có tên gọi là Ban quản lý các trại sáng tác và an dưỡng, sau đó là Khu sáng tác, được thành lập từ năm 1979. Hiện nay, trung tâm có 7 tổ chức nhà sáng tác trực thuộc. Nhà sáng tác hoạt động lâu đời nhất là Nhà sáng tác Đại Lải, thành lập từ năm 1979. Nhà sáng tác trẻ nhất là Nhà sáng tác Cần Thơ, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021.

Trước khi trung tâm ra đời, một số cơ quan, đơn vị có tổ chức trại sáng tác riêng. Nhưng hiện nay, trung tâm là đơn vị duy nhất có chức năng, nhiệm vụ tổ chức hoạt động hỗ trợ sáng tác đối với các văn nghệ sĩ thuộc Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các hội VHNT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, văn nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật chuyên ngành, các nhà hát, đơn vị điện ảnh thuộc Bộ VHTTDL và các văn nghệ sĩ trong khối lực lượng vũ trang đến sáng tác.

Mô hình trại sáng tác có nguồn gốc từ các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, hiện nay chỉ còn Việt Nam áp dụng. Việc duy trì, phát triển hệ thống nhà sáng tác gắn với trại sáng tác thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho văn nghệ sĩ. Bởi lẽ Đảng và Nhà nước luôn coi VHNT là lĩnh vực quan trọng, là nhu cầu thiết yếu của xã hội, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong quá trình hoạt động, trung tâm và các nhà sáng tác đã có rất nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển VHNT nước nhà. Hằng năm, trung tâm tổ chức bình quân từ 60-70 trại sáng tác và hơn 20 lượt văn nghệ sĩ đi sáng tác theo chiều sâu, phục vụ hàng nghìn lượt văn nghệ sĩ đến sáng tác, giúp cho ra đời hàng vạn tác phẩm VHNT thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2021, các nhà sáng tác đã tổ chức được 428 trại sáng tác, thực hiện hỗ trợ cho 6.450 lượt văn nghệ sĩ đến sáng tác, cho ra đời hơn 21.000 tác phẩm VHNT thuộc 10 chuyên ngành (văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, VHNT các dân tộc thiểu số và kiến trúc). Trong số những tác phẩm này, có nhiều tác phẩm đã được đầu tư sản xuất để phổ biến rộng rãi đến đông đảo công chúng. Bình quân khoảng 30% số tác phẩm được sáng tác tại các nhà sáng tác đã được xuất bản, khoảng 10% số tác phẩm được trao giải thưởng ở nhiều quy mô khác nhau; nhiều tác phẩm có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. 

Những tác phẩm ra đời tại các nhà sáng tác chứa đựng giá trị tinh thần yêu nước, nhân văn và tinh thần dân tộc; có tác dụng thiết thực xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Hầu hết các tác phẩm dự trại viết đều chọn lọc và có hội đồng nghệ thuật chuyên ngành tư vấn nên có nội dung tốt, chứa đựng giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ.

Coi trọng nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT

Với khẩu hiệu chung của ngành văn hóa là “Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến”, năm 2022, trung tâm sẽ nỗ lực tổ chức thành công 63 trại sáng tác tổng hợp và 20 văn nghệ sĩ đi sáng tác theo chiều sâu; đồng thời chuẩn bị cho chương trình công bố tác phẩm xuất sắc sáng tác tại các nhà sáng tác trong thời gian từ năm 2018 đến 2021, dự kiến tổ chức năm 2023.

Để “đo lường” hiệu quả hoạt động của trung tâm, quan trọng nhất là phải đánh giá, nhìn nhận giá trị của tác phẩm VHNT ra đời từ các trại sáng tác. Cho nên, trung tâm và các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức trại sáng tác tiếp tục chú trọng công tác tuyển chọn văn nghệ sĩ trở thành trại viên. Đặc biệt là lựa chọn những tác giả có đề cương tốt, triển vọng để đầu tư sáng tác chiều sâu nhằm mục đích sớm có tác phẩm chất lượng. Điều này có thể khiến một số văn nghệ sĩ chưa được, ít được làm trại viên hoặc được tuyển chọn để đầu tư sáng tác chiều sâu cảm thấy chưa hài lòng, cho rằng thiếu sự công bằng. Nhưng nếu đi vào bản chất, mục đích tham gia trại sáng tác là để sáng tạo chứ không phải là nơi để vui chơi, nghỉ dưỡng, vì thế trung tâm luôn xác định phải đặt chất lượng tác phẩm ra đời từ trại sáng tác lên hàng đầu. Do vậy phải tăng cường đầu tư chiều sâu; tuyển chọn kỹ lưỡng, đặt niềm tin vào những văn nghệ sĩ dồi dào sức sáng tạo, có khả năng bứt phá trong nghệ thuật. Công việc tuyển chọn “đầu vào” phụ thuộc vào các đơn vị phối hợp với trung tâm tổ chức trại sáng tác. Rất hy vọng các đơn vị tiếp tục duy trì sự công tâm trong lựa chọn văn nghệ sĩ trở thành trại viên dựa trên chất lượng đề cương, bản thảo; tránh việc lựa chọn trại viên mang nặng cảm tính, theo kiểu hình thức, phong trào, đông mà không tinh.

Bên cạnh chuẩn bị tiện nghi về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tạo tại các nhà sáng tác, trung tâm sẽ cố gắng sắp xếp các trại sáng tác khoa học, hợp lý, phù hợp với các chuyên ngành, đối tượng trại viên. Thông thường, mỗi trại sáng tác hiện nay kéo dài 15 ngày, khoảng thời gian đó phù hợp để hoàn thành các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, kịch bản văn học, ca khúc, bài thơ, truyện ngắn. Với những tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết, trường ca, lý luận phê bình, khảo cứu,... trung tâm sẽ cố gắng tổ chức để một tác giả được đi nhiều trại sáng tác, sớm hoàn thiện tác phẩm.

Từ thực tế qua nhiều năm hoạt động, trung tâm nhận thấy việc giao lưu, học hỏi giữa các văn nghệ sĩ là rất cần thiết. Nhiều văn nghệ sĩ đã được rèn luyện, trưởng thành thông qua hoạt động chuyên môn tại các nhà sáng tác. Tại đây, nhiều văn nghệ sĩ trẻ tuổi nghề được khuyến khích, truyền nghề, truyền cảm hứng sáng tạo bởi các văn nghệ sĩ bậc thầy, giàu kinh nghiệm và đồng nghiệp thuộc các thế hệ lứa tuổi ở nhiều vùng, miền khác nhau. Các nhà sáng tác chính là môi trường phù hợp, mang đến cơ hội thuận lợi để tầng lớp văn nghệ sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau thổi bùng “ngọn lửa” sáng tạo, làm đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm... Do đó, việc đẩy mạnh các hoạt động bên lề trại sáng tác như hội thảo, tọa đàm, đi thực tế... sẽ tiếp tục được trung tâm tổ chức bài bản, hiệu quả hơn.

Sự hài lòng của văn nghệ sĩ về điều kiện sinh hoạt trong thời gian ở trại sáng tác là niềm vui của trung tâm. Điều tự hào hơn là nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã nói lời cảm ơn bởi trung tâm chính là “bà đỡ” để họ có thể cho ra đời những “đứa con tinh thần” được công chúng rộng rãi biết đến.

TRẦN NGỌC KHỞI, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguồn: www.qdnd.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này