Một mùa giải thưởng chất lượng

VIỆT PHONG - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 vinh danh 7 tác phẩm ở 4 hạng mục khác nhau. Nhìn tên tuổi các tác giả nhận giải có thể yên lòng về chất lượng các tác phẩm bởi tất cả đều là những cây bút tên tuổi.

Song, nếu nhìn nhận toàn diện có thể đặt ra một câu hỏi: Phải chăng giải thưởng của hội chưa thực sự mạnh dạn tôn vinh những tác phẩm có nhiều đổi mới trong năm qua?

Ở hạng mục văn xuôi, hai tác giả có tác phẩm được trao giải là hai cây bút “gạo cội” của văn học Việt Nam mấy chục năm qua: Chu Lai và Lê Minh Khuê. Hai người chọn đề tài, lối viết khác nhau nhưng về cơ bản cả hai đã định hình được phong cách, chỉ cần đọc vài trang là nhận ra ngay. Với tiểu thuyết “Mưa đỏ” (NXB Quân đội nhân dân), nhà văn Chu Lai một lần nữa chứng tỏ đề tài văn học về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không cũ, vấn đề chỉ là cách viết của nhà văn có thu hút người đọc hay không. Chu Lai đã biết cách làm “mềm hóa” chất liệu là trận chiến ác liệt ở cổ thành Quảng Trị năm 1972. Nhân vật chính là người lính tên Cường là một người trí thức-nghệ sĩ, được phân tích tâm lý khá kỹ, làm nổi lên tính cách nghệ sĩ, hào hoa; qua đó, để người đọc hiểu được tâm thức của một thế hệ “tài hoa ra trận” năm xưa. Vì vậy, tiểu thuyết này đã không đi theo lối mòn là một tiểu thuyết minh họa với những đoạn văn lê thê mô tả chiến trận ác liệt mà đã bắt đầu ngẫm ngợi về thân phận con người trong bối cảnh bất thường-đó là chiến tranh. Điều ai đó có thể chưa hài lòng ở “Mưa đỏ” chính là nghệ thuật viết chưa nhiều đổi mới. “Mưa đỏ” vẫn giữ được cách kết cấu đơn giản, sáng sủa và giọng văn hào sảng, dùng từ ngữ mạnh đã trở thành thương hiệu của nhà văn Chu Lai.

Tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua” (NXB Trẻ) được vinh danh, đã là lần thứ ba nữ văn sĩ Lê Minh Khuê giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Vẫn trong dung lượng có hạn của truyện ngắn, Lê Minh Khuê đã khéo lựa chọn và đưa vào tác phẩm của mình những lát cắt sắc lẹm, tinh tế về cuộc sống hiện đại. Những câu chuyện diễn ra ở các thời điểm khác nhau, với đủ loại người trong những hoàn cảnh đan xen có khi rất bình dị nhưng lắm lúc rất độc đáo, đã tạo nên một không gian truyện đa sắc, đa chiều. Truyện ngắn của Lê Minh Khuê hấp dẫn độc giả bằng hơi thở đương đại được phản ảnh qua ngòi bút giọng kể thản nhiên; và ẩn sau sự sắc lạnh của một ngòi bút điêu luyện là tính nhân văn sâu sắc.

Cũng như văn xuôi, hạng mục thơ vinh danh hai nhà thơ có tên tuổi là Y Phương và Nguyễn Việt Chiến. Tập thơ song ngữ “Vũ khúc Tày” (NXB Đại học Thái Nguyên) của nhà thơ Y Phương thêm một lần khẳng định vị trí của tác giả là nhà thơ đặc sắc hàng đầu của thơ ca Việt Nam đương đại, chứ không chỉ bó hẹp trong các giọng điệu nhà thơ dân tộc thiểu số. Thơ Y Phương súc tích, ý tại ngôn ngoại, tứ thơ nhiều khi mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ với tư duy phi lô-gích của các dân tộc thiểu số phù hợp với đặc trưng thơ ca là mơ hồ mờ đục: “Sóng cứ đi mãi đi mãi là sao/ Không đứng lại làm núi/ Ngày xưa/ Núi chính là sóng/ Ngày xưa/ Người cũng chính là sóng/ Bây giờ/ Người vẫn chính là sóng/ Một chút nhầm nhỡ thôi/ Đã sóng ngầm một đời” (“Sóng”).

Tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” (NXB Phụ nữ) của Nguyễn Việt Chiến lại có cảm hứng thế sự, tập trung chủ đề về biển, đảo và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tập thơ có thể xem là được bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, cảm hứng công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ với đất nước vốn quen thuộc trong văn chương Việt Nam. Nguyễn Việt Chiến đã tránh được giọng ca hô hào, khẩu hiệu rất dễ mắc phải nếu làm thơ thế sự, thay vào đó xây dựng thành công khá nhiều hình tượng thơ ca cổ vũ lòng yêu nước: “Tổ quốc là tiếng mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người/ Tổ quốc là mây trắng/ Trên ngút ngàn Trường Sơn/ Bao người con ngã xuống/ Cho quê hương mãi còn...” (“Tổ quốc là tiếng mẹ”).

Ở hạng mục lý luận phê bình, dường như Hội đồng chung khảo khi bỏ phiếu đã muốn cân bằng giữa hai dòng lý luận phê bình hàn lâm của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và lối viết phê bình, cảm luận của những nhà sáng tác. Chuyên luận “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại (NXB Phụ nữ) của TS Trần Huyền Sâm (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế) là công trình nghiên cứu giới thiệu chuyên sâu, có hệ thống về nữ quyền luận (Feminism) tới độc giả Việt Nam. Nữ quyền luận với tư cách là phương pháp phê bình văn học hình thành và phát triển hơn 40 năm qua có mục đích xác định một thứ mỹ học riêng của nữ giới để xây dựng những tiêu chí riêng trong việc cảm thụ và đánh giá các hiện tượng văn học. Cũng như các nhà nghiên cứu văn học phương Tây thế hệ trước nghiên cứu lý thuyết nước ngoài để rồi quay về nghiên cứu văn học Việt Nam, TS Trần Huyền Sâm sau khi nghiên cứu về nữ quyền luận ngay lập tức ứng dụng để nghiên cứu tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Tác giả dành hơn phân nửa cuốn sách bàn đến hàng loạt tác phẩm của các nữ tác giả Việt Nam được dư luận chú ý trong những năm qua như: Đoàn Minh Phượng, Y Ban, Lý Lan, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Trần Thu Trang… TS Trần Huyền Sâm đã chứng mình tinh thần nữ quyền của nữ văn sĩ Việt Nam đã tiến rất xa chỉ trong thời gian ngắn; đồng thời bản sắc của phụ nữ Việt Nam đã được phản ánh đa dạng và giàu chất nghệ thuật hơn bao giờ hết.

Cũng có học vị tiến sĩ nhưng lại là... luật học, nhà thơ Khuất Bình Nguyên khiến văn giới ngạc nhiên khi giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập chân dung văn học-đàm luận văn chương “Giọt nước trong lá sen” (NXB Hội Nhà văn). Song, nếu nhìn lại lịch sử văn học, chuyện cây bút thành công trong sáng tác cũng như phê bình không phải là hiếm. Và chẳng có người sáng tác nào mà lại không đọc văn chương của người khác, nghiền ngẫm, tìm ra lối đi cho riêng mình. Chính quá trình đọc, nghiền ngẫm đó, người sáng tác trở thành một nhà phê bình khi buộc phải có những nhận xét về tác phẩm của người khác. Nhà thơ Khuất Bình Nguyên khi viết thành sách những suy ngẫm của mình, tất nhiên không dùng các thuật ngữ của khoa học văn học nhưng chính những nhận xét đầy xúc cảm lại khá xác đáng, thú vị. Chẳng hạn, nói về thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Khuất Bình Nguyên cho rằng: “Nguyễn Bính còn giữ lại cho chúng ta cái phông văn hóa rộng rãi đầy bản sắc của làng quê Việt nửa đầu thế kỷ 20. Những cảnh những người bây giờ đã mai một huống hồ gì là cho đến ngày sau”. Nhận xét này không chỉ nói đúng và trúng về thơ Nguyễn Bính-một nhà thơ chuyên viết về tình quê chứ không tả cảnh quê như các nhà thơ cùng thời: Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... Cũng vì thế, thời gian có trôi chảy, cảnh quê có khác nhưng tình cảm, tâm tư của người quê không đổi và như vậy thơ Nguyễn Bính sẽ có sức sống vượt thời gian.

Hạng mục dễ chọn lựa nhất chắc chắn là dịch thuật bởi có quá nhiều sách văn học dịch chất lượng được tổ chức dịch thuật kỹ lưỡng xuất bản trong năm qua. Việc lựa chọn “Lâu đài sói” (NXB Văn học) của nữ văn sĩ người Anh Hi-la-ri Man-teo, do Nguyễn Chí Hoan dịch, để vinh danh là lựa chọn có chủ đích. Tác phẩm này không chỉ là tác phẩm lớn, giành giải thưởng uy tín Booker năm 2009 mà còn là tác phẩm về đề tài lịch sử xuất sắc. Hội đồng chung khảo hy vọng, tác phẩm này sẽ gợi cảm hứng để nhà văn Việt Nam tiếp cận và xử lý những vấn đề lịch sử trong tiểu thuyết đương đại về đề tài lịch sử.

Trong một năm, văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm xuất bản, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn ra những tác phẩm chất lượng. Điều mà người đọc mong muốn là Hội Nhà văn Việt Nam cần mạnh dạn trao giải cho 1-2 tác phẩm mới của những nhà văn trẻ; hoặc cũng có thể học theo các giải thưởng văn chương nước ngoài là lập ra một hạng mục riêng cho các tác giả trẻ. Điều đó sẽ nâng tầm giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và góp phần cổ vũ những người viết trẻ-thế hệ sẽ đưa văn học Việt Nam phát triển cả về lượng lẫn chất.

( Nguồn: vanvn.net )

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này