Hội Nhà văn Việt Nam: 60 năm xây dựng và trưởng thành

Sáng 04/04/2017, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957-2017)

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Khả Phiêu – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

hoinhavan60nam 1
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Gia Linh

Cách đây 60 năm, ngày 4/4/1957 tại CLB Đoàn kết Hà Nội đã diễn ra Đại hội lần thứ I Hội Nhà văn Việt Nam và chính thức thành lập Hội. 60 năm qua với tư cách một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, Hội Nhà văn Việt Nam phát huy truyền thống Hội Văn nghệ kháng chiến đã đồng hành cùng nhân dân, với  Đảng góp phần thiết thực vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. 

Tại Lễ kỷ niệm, nhà văn Hữu Thỉnh –Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa IX đọc báo cáo tổng kết 60 năm xây dựng và phát triển Hội.

Điểm lại chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, khi Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập với 278 hội viên (trong đó gồm 25 thành viên sáng lập), nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định trong suốt thời gian qua, các nhà văn Việt Nam luôn là người đồng hành chung thủy cùng dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến, sang thời kỳ đổi mới. Ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn dấn thân hết mình vào sự nghiệp Cách mạng, thực sự giữ vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tiếp năng lượng tinh thần cho nhân dân và cho những người lính ngoài mặt trận. Trong sự nghiệp ấy, các nhà văn đã xông pha vào những nơi gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến cũng như của đời sống, nhiều người đã ngã xuống như một anh hùng… Sự hy sinh to lớn ấy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi và thành quả Cách mạng của nhân dân. Và đó cũng là lý tưởng xã hội của nhà văn.

hoinhavan60nam 2
Đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương vai trò của các nhà văn Việt Nam. Ảnh: Gia Linh

60 năm cũng là quá trình Hội Nhà văn Việt Nam tập hợp được đông đảo các nhà văn có khát vọng, có tài năng tâm huyết cùng sánh bước dưới mái nhà chung ấm áp của mình. Nhiều lớp nhà văn mới đã xuất hiện, đem tài năng và tâm sức của mình sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam là phải luôn mở rộng cánh cửa để tập hợp, đoàn kết các tài năng văn học ấy, từ đó tạo điều kiện để khuyến khích các nhà văn sáng tạo và cống hiến.

"Thông qua văn học, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại, cũng nhờ có giao lưu mà chúng ta cũng học được từ thế giới rất nhiều những tinh hoa tốt đẹp để làm giàu hơn cho nền văn học Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, có thể nói nền văn học Việt Nam là một nền văn học luôn vận động và phát triển"- nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.

Chào mừng mốc phát triển 60 năm của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương vai trò của các nhà văn Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời kỳ vọng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trở thành Hội chính trị xã hội nghề nghiệp vững mạnh trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn các nhà văn Việt Nam cần có bản lĩnh, có thái độ bình tĩnh, cảnh giác trước những biểu hiện, xu hướng lệch lạc, tiêu cực trong văn học nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải không ngừng bám sát thực tiễn, sống cùng đất nước mình, nhân dân mình, gắn bó máu thịt với sự nghiệp đổi mới, dám đổi mới tạo ra những tác phẩm có giá trị vê tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng, thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, đồng hành với sự phát triển của đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Nhà thơ Giang Nam (người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm nay gần 90 tuổi), nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường, thuộc thế hệ nhà văn sáng tác sau năm 1975) đã thay mặt các thế hệ nhà văn Việt Nam phát biểu ý kiến, bày tỏ tình cảm đối với Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như đóng góp các ý kiến để Hội hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần mạnh mẽ hơn nữa vào công cuộc dựng xây và phát triển đất nước.

Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội, Trưởng ban Sáng tác đọc quyết định truy tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (đợt I) cho 22 nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB và dịch giả văn học đã qua đời. Đây là những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho nền văn học, để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam 60 năm qua nhưng vì những lí do khác nhau, chưa được trao tặng những giải thưởng văn học xứng đáng với tác phẩm. 

Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam nhằm rút ra những bài học từ quá khứ, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của văn học Việt Nam và của Hội./.

Gia Linh

( Nguồn : http://www.bvhttdl.gov.vn )

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này