Nhà sáng tác văn học, nghệ thuật: Không phải là nơi nghỉ dưỡng

Các Nhà sáng tác trong nhiều năm qua đã hoàn thành vai trò hỗ trợ các văn nghệ sĩ thai nghén ra các tác phẩm.

Tuy nhiên, làm sao để hiệu quả của hoạt động ở Trại sáng tác được rõ rệt hơn nữa, đó là băn khoăn không chỉ của những người quản lý Nhà sáng tác mà còn của lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Với mong muốn làm sao để phục vụ các văn nghệ sĩ một cách tốt nhất, đưa Nhà sáng tác trở thành một ngôi nhà “nuôi dưỡng” các văn nghệ sĩ một cách tốt nhất, hỗ trợ để họ sáng tạo ra các tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, đất nước. Mới đây, những người quản lý Nhà sáng tác đã tổ chức Hội thảo Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của văn nghệ sỹ tại các Nhà sáng tác. Tới đây, đề án “Công bố các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật đã được sáng tác tại các Nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức trong giai đoạn 2011 – 2016” cũng được tổ chức để những tác phẩm ra đời ở các Nhà sáng tác đến được với công chúng.

Tạo môi trường tốt nhất cho nghệ sĩ sáng tạo

Hàng năm Bộ VHTTDL giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60 đến 80 Trại Sáng tác cho các loại hình nghệ thuật tại 6 Nhà Sáng tác, quy tụ từ 1.000 đến 1.200 Văn nghệ sỹ có nhu cầu sáng tác trên toàn quốc.

Sau mỗi Trại sáng tác đã có hàng chục tác phẩm văn học nghệ thuật được thai nghén và ra đời, có nhiều tác phẩm mang giá trị lớn về nội dung nghệ thuật đã được xuất bản phổ biến, được giải thưởng của các Hội chuyên ngành góp phần phục vụ bạn đọc cả nước, kế thừa và bồi dưỡng tâm hồn nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Tính riêng, trong hai năm 2015-2016, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức thành công 131 Trại sáng tác, đón 2.010 lượt văn nghệ sỹ, thực hiện 27.137 ngày sáng tác. Từ đây đã có gần 6.000 tác phẩm các loại hình văn học nghệ thuật được thai nghén và ra đời (trong đó có 2.727 tác phẩm thơ; 614 tiểu thuyết, ký, truyện ngắn; 410 tác phẩm sân khấu, phóng sự kịch bản múa, văn nghệ dân gian; 548 tác phẩm mỹ thuật; 999 tác phẩm nhiếp ảnh; 395 tác phẩm âm nhạc; 27 tác phẩm nghiên cứu phân tích; 17 tác phẩm kiến trúc. Có thể nói, từ trại sáng tác, một kho tàng đồ sộ các tác phẩm văn học nghệ thuật đã được ra đời.

Với vai trò phối hợp với các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành TƯ và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật địa phương tổ chức… các Nhà sáng tác trong nhiều năm nay còn đang đóng nhiều vai. NSƯT Mạnh Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật chia sẻ: “Vai trò của Nhà sáng  tác không chỉ là tạo không gian riêng cho các văn nghệ sĩ đến sáng tác mà còn đảm đương nhiều việc không tên. Các nhân viên còn chăm lo bữa ăn, giấc ngủ của từng văn nghệ sỹ khi tham gia Trại sáng tác”.

Bên cạnh đó, vẫn có những văn nghệ sĩ chưa chấp hành nội quy, quy chế của Nhà Sáng tác, một số văn nghệ sỹ dự Trại quá tự do, thiếu tôn trọng cán bộ, viên chức của Trại. Tất cả những việc như vậy đã gây ra không ít khó khăn cho các Nhà Sáng tác trong việc tổ chức, gây ảnh hưởng chung cho hoạt động hỗ trợ sáng tác đối với văn nghệ sỹ dự Trại sáng tác. Trong khi việc lựa chọn các nghệ sĩ đến Trại sáng tác lại không thuộc thẩm quyền của Nhà sáng tác. Điều này, được nhà báo, nhà viết kịch Lê Quý Hiền- Hội Nhà báo sân khấu ví von: Một người vay tiền, một người tiêu tiền và một người khác trả tiền.

nhasangtackhongphainghiduong

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thì chia sẻ: “Nhà sáng tác là nơi nuôi dưỡng, là người chở đò, hàng ngày đêm âm thầm lo sức khỏe cho văn nghệ sỹ yên tâm sáng tác. Trách nhiệm của văn nghệ sỹ đến đây là ươm mầm để ra những tác phẩm tốt nhất phục vụ nhân dân”.

Hỗ trợ quảng bá tác phẩm

Với mong muốn những tác phẩm đã được ra đời tại các Nhà sáng tác được đến với rộng rãi công chúng hơn nữa, đề án “Công bố các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật đã được sáng tác tại các Nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức trong giai đoạn 2011 – 2016” sẽ được Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật phối hợp với các Hội văn học nghệ thuật tổ chức vào cuối năm nay.

Cụ thể, việc xây dựng đề án nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá đến công chúng những tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị đã sáng tác tại các Nhà Sáng tác trong giai đoạn 2011 - 2016 nhằm tạo cơ hội tiếp xúc, đối thoại, giao lưu giữa văn nghệ sĩ, góp phần tìm hiểu về nhu cầu và thị hiếu văn học nghệ thuật của công chúng. Vinh danh các văn nghệ sĩ có thành quả nghệ thuật nổi bật trong thời gian tham dự Trại, sáng tác các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật tại các Nhà Sáng tác giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo. Hỗ trợ các tác giả sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị và đưa những giá trị đó đến trực tiếp với công chúng góp phần tuyên truyền, giáo dục về nhân cách để nâng cao nhận thức về văn hóa, đời sống tinh thần cho xã hội. Tạo các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân nhằm góp phần nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần cho nhân dân…

Dự kiến vào tháng 12/2017 sẽ tổ chức một đêm Gala “Tôn vinh tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc” trình diễn 1 trích đoạn sân khấu, 1 phân đoạn múa và 2 ca khúc được sáng tác trong năm 2015 – 2016; xuất bản 2 tập sách tập hợp những tác phẩm của các văn nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật…

Nhà viết kịch Chu Thơm - vừa được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 - cho biết, ông có 3 tác phẩm được viết tại Nhà sáng tác Đại Lải và bày tỏ: “Tại sao mở nhiều trại sáng tác mà không nhiều tác phẩm được đi vào đời sống? Việc tổ chức giới thiệu các tác phẩm được sáng tác tại các Nhà sáng tác là vô cùng cần thiết, là cầu nối để các tác giả có tác phẩm tốt gặp gỡ các nơi có nhu cầu. Nhiều bạn trẻ viết hay nhưng không được đầu tư thì đây là cơ hội cho họ”.

Nhà viết kịch Chu Thơm cũng cho rằng, phải thay đổi cách suy nghĩ nếu Hội nghề nghiệp nào coi Nhà sáng tác là đi chơi, đi nghỉ dưỡng. “Đi trại sáng tác là rất khó khăn, phải đọc, phải sáng tạo, phải có sản phẩm. Đó là mục đích tốt đẹp mà Nhà nước hỗ trợ cho các Nhà sáng tác” - Nhà viết kịch Chu Thơm nhận xét.

Còn nhà viết kịch Lê Quý Hiền thì cho rằng, việc tạo ra tác phẩm tốt là cách "trả nợ" của văn nghệ sĩ đối với các Nhà sáng tác, với Nhà nước. Với Hội nghệ sĩ sân khấu, một trại sáng tác có 3 kịch bản được dựng là tốt lắm rồi. Việc đánh giá tác phẩm là Hội Nghệ sĩ sân khấu, xây dựng tác phẩm là các nhà hát, còn các Nhà sáng tác chỉ hỗ trợ chăm sóc để các nhà viết kịch sáng tạo ra tác phẩm. Việc hỗ trợ các văn nghệ sĩ giới thiệu các tác phẩm hay là cơ hội để để họ tỏa sáng".

( Nguồn: toquoc.vn )

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này