Ra trận của Nguyễn Hiền Lương -Hội văn học nghệ thuật Yên Bái (trích)
- Written by Minh Phương
Trích tác phẩm Ra trận của Nguyễn Hiền Lương -Hội văn học nghệ thuật Yên Bái – sáng tác tại Nhà sáng tác Cần Thơ 2023.
Lời đầu sách
Từ tháng 1 năm 1967 đến tháng 6 năm 1968, tỉnh Yên Bái thành lập 4 tiểu đoàn bộ binh với gần 3 nghìn con em các dân tộc trong tỉnh, chi viện cho chiến trường miền Nam. Các tiểu đoàn đều mang phiên hiệu Tiểu đoàn Yên Ninh; ghép giữa chữ “Yên” của Yên Bái với chữ “Ninh” của tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa.
Tiểu đoàn Yên Ninh I, thành lập tháng 7 năm 1967, với 600 cán bộ, chiến sỹ. Tháng 12 năm 1967, lên đường Nam tiến. Lúc đầu, tiểu đoàn được biên chế vào Trung đoàn 174 Tây Nguyên. Sau đó, được điều động về Sư đoàn 5, Quân khu 7, chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ. Cán bộ, chiến sỹ Yên Ninh I đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như Lam Sơn I và II, năm 1971, Nguyễn Huệ, năm 1972, và cuộc chiến đấu giữ đất, giữ dân bảo vệ Hiệp định Pa-ri, năm 1973.
Tiểu đoàn Yên Ninh II, thành lập tháng 2 năm 1968 đúng lúc Chiến dịch Mậu Thân diễn ra khốc liệt. Tiểu đoàn có 717 cán bộ, chiến sỹ. Ngày 7 tháng 5 năm 1968, làm lễ xuất quân, lên đường Nam tiến tại xã Hán Đà, Yên Bình. Tiểu đoàn đã hành quân bộ trên chặng đường gần 2 nghìn km, với thời gian 5 tháng 11 ngày, tới Long An. Từ đây, Tiểu đoàn được bổ sung cho 6 đơn vị thuộc Phân khu Bắc Sài Gòn - Gia Định, gồm Tiểu đoàn 6A Bình Tân, Tiểu đoàn 267- Đoàn 5, Tiểu đoàn 269- Đoàn 10; Tiểu đoàn 308; Tiểu đoàn 12 đặc công; Tiểu đoàn 2642. Các chiến sỹ Yên Ninh II, đánh trận đánh đầu tiên trong đội hình của Tiểu đoàn 267, tập kích tiểu đoàn dù địch ở bãi Tràm Trà Cao, Phước Chỉ, Đức Huệ, Long An. Sau đó tham gia nhiều trận đánh lớn tại Long An, tại nước bạn Campuchia và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tiểu đoàn Yên Ninh III, thành lập tháng 4 năm 1968, quân số gần 700 cán bộ, chiến sỹ. Ngày 17 tháng 12 năm 1968, lên đường Nam tiến. Sau Tết Nguyên Đán năm 1969, Đại đội 2 được bổ sung cho Binh trạm 107, Quân khu Trị Thiên. Số còn lại tiếp tục hành quân về A Lưới, bổ sung cho các đơn vị thuộc Quân khu Trị Thiên. Các chiến sỹ Yên Ninh III đã tham gia các chiến dịch lớn, gồm Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1971, chiến dịch giải phóng thành phố Huế và nhiều nơi khác trong chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân, 1975.
Tiểu đoàn Yên Ninh IV, thành lập tháng 6 năm 1968, quân số ban đầu 650 cán bô, chiến sỹ, sau bổ sung thêm 70 chiến sỹ. Ngày 29 tháng 1 năm 1969, tiểu đoàn lên đường Nam tiến. Ngày 27 tháng 5 năm 1969, tiểu đoàn hành quân đến Tây Ninh. Tại đây, 50 chiến sỹ được cử đi học báo vụ, số còn lại được bổ sung cho Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 miền Đông Nam bộ. Cán bộ, chiến sỹ Yên Ninh IV, chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ, tham gia những chiến dịch lớn như tiêu diệt căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy, đánh địch trên núi Bà Đen, Tây Ninh, thị xã Đồng Xoài - Phước Long, năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh, năm 1975. Sau năm 1975, nhiều cán bộ, chiến sỹ trong Yên Ninh IV tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt, bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1979.
Cả 4 Tiểu đoàn Yên Ninh đều huấn luyện tại xã Tân Hương, Yên Bình, trong đó Yên Ninh I, II, III, đóng quân huấn tại thôn Loan Phượng, riêng Yên Ninh IV, đóng quân tại thôn Khuôn Giỏ. Những người con Yên Bái trong 4 Tiểu đoàn Yên Ninh đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh quả cảm, đóng góp sức lực, tuổi trẻ, máu xương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Đằng sau sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận là sự vượt lên bao nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi của 3000 gia đình, bố mẹ, vợ, con các anh ở hậu phương.
Việc thành lập các Tiểu đoàn Yên Ninh, những chặng đường hành quân gian khổ, những cuộc chiến đấu dũng cảm, những sự hy sinh của các chiến sỹ Yên Ninh chỉ mới được phản ánh qua một số bài báo. Chưa có tác phẩm văn học nào viết về đề tài này. Được sự động viên, cung cấp tư liệu của cán bộ, chiến sỹ các tiểu đoàn Yên Ninh, đặc biệt là Thượng tá Phạm Tiến, nguyên là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn Yên Ninh II, hiện là Trưởng Ban liên lạc các Tiểu đoàn Yên Ninh, đã cung cấp nhiều tư liệu quý, đọc góp ý bản thảo và động viên tôi trong quá trình hoàn thành tác phẩm. Để bảo đảm tính chính xác của tên các địa danh và tên các binh trạm trên đường Trường Sơn, tôi cũng đã tham khảo nhiều tài liệu. Trong đó có các cuốn: “131 di tích & địa danh Trường Sơn”- nhiều tác giả, Hội Truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Nam, NXB Thanh niên, 2021; “Hào khí Trường Sơn”, nhiều tác giả, Hội Truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, 2019; “Lần theo dấu tích lịch sử con đường Hồ Chí Minh trên đất Lào”, nhóm tác giả Bun- thạ - noong Xôm- xay - phổn, Si - phay Kẹo- bun- mi, Păn - nha Phăn- thạ - pha - nít; Bản dịch tiếng Việt của Xay- nhạ - sản Su - khăn - tạ- kha- ty, Nguyễn Thị Hiên, Phỉu- la- văn Luồng- văn- na, Khăm- sỉnh Su- kăn- nha, Nhà xuất bản Nhà văn Lào 2022.
Trên cơ sở nguồn tư liệu có được, cộng với thực tiễn đời lính của mình, tôi đã lựa chọn những con người, chi tiết, hành động, sự kiện có thực của 4 tiểu đoàn Yên Ninh, nhào nặn xây dựng thành các hình tượng nhân vật văn học. Tên các nhân vật, một số chi tiết hành động, diễn biến nội tâm của các nhân vật, diễn biến các sự kiện vừa dựa trên cơ sở hiện thực, vừa có sự hư cấu sáng tạo để các nhân vật vừa có tính riêng độc đáo, vừa có tính chung khái quát đảm bảo đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Vì vậy tác phẩm là một cuốn sách văn học chứ không phải là một tài liệu lịch sử về các tiểu đoàn Yên Ninh. Tuy nhiên, bạn đọc vẫn có thể thấy được những hình ảnh, chi tiết về quá trình nhập ngũ, huấn luyện, hành quân vào chiến trường cùng thế giới tinh thần của các chiến sỹ Yên Ninh nói riêng cũng như những lính nói chung đã từng xảy ra trong thực tiễn. Chúng tôi đang tập hợp tư liệu để viết tiếp Tập 2 “Chiến trưởng”, phản ánh một số cuộc chiến đấu tiêu biểu của cả 4 tiểu đoàn Yên Ninh trên các chiến trường và sự trở về quê hương Yên Bái.
Mặc dù có nhiều cố gắng và tâm huyết, song hiện thực thì phong phú, nguồn tư liệu lại hạn chế, cùng với khả năng có hạn của ngưởi viết nên khó có thể phản ánh hết mọi gian khổ, hy sinh, sự dũng cảm, ngoan cường của các cán bộ, chiến sỹ 4 Tiểu đoàn Yên Ninh trong một cuốn tiểu thuyết. Hy vọng tác phẩm sẽ phản ánh được phần nào tinh thần “Yên Ninh”, đồng thời là sự tri ân với những hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ các tiểu đoàn Yên Ninh nói riêng, những người lính nói chung đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại nhất trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.
Với tinh thần đó, xin được ra mắt tiểu thuyết “Ra trận”. Rất mong được bạn đọc, nhất là cán bộ, chiến sỹ các tiểu đoàn Yên Ninh đón nhận và góp ý để tôi tiếp tục hoàn thiện tác phẩm.