THẦY TÔI - Truyện ngắn Nguyễn Tấn Hỷ - Hội văn học nghệ thuật KonTum
Tác giả: Nguyễn Tấn Hỷ - Hội văn học nghệ thuật KonTum – sáng tác tại Trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực Tây Nguyên, Nhà sáng tác Đà Lạt tháng 10-2018.
THẦY TÔI
Quần quật cả ngày ngoài ao rau muống sau nhà, chiều về mẹ tôi chuốt từng cọng rồi bó ti mỉ thành từng bó để sáng lại gánh ra chợ chòm hỏm kiếm từng ngàn bạc lẻ. Rau muống nhà tôi có xanh thật nhưng cọng thì gầy guộc không bắt mắt như những ao muống trong vùng. Ngày ba còn sống, ao muống nhà cùng mây anh em tôi cũng tươi tốt không khác gì cùng chị cùng em.
Thằng Hùng con trai thứ trong nhà là đứa siêng năng, có sức khỏe trời cho nên ngoài giờ học nó cáng đáng mọi công việc nặng nhọc trong nhà. Bà con lối xóm ai cùng khen thằng Hùng là đứa con hiếu thảo thương mẹ thương em. Buổi trưa giữa trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại đạp chiếc xe cà tàng chở bao phân NPK từ thị trấn Châu Ổ về đến sân, xô ngã cả xe, nó càm nhàm: - Mẹ thấy chưa, cả vùng rau làng mình, nhà nào ao muống cũng xanh tốt, cọng nao cọng nấy cũng mập ú ù, mướt mát chỉ nhìn thôi cũng đã thèm. Chuyện dễ như cơm bữa. Nghe người ta nói chỉ cần dùng nhớt xe cũ ở các tiệm sửa xe thải ra gom về pha nước rửa chén cùng thuốc trừ sâu đổ tràn ra ao vài ngày sau là thu hoạch ngon ơ. Có tốn bao nhiêu tiền đâu mà vẫn bán chạy như tôm tươi. Ngược lại nhà mình tốn tiền phân, công mày mò suốt ngày này qua ngày khác mà cũng chẳng bằng ai.
Mẹ thở dài, nhìn con khổ cực thấy thương nhưng những lời của con như chạm vảo đạo đức làm người của mẹ. Mẹ nhìn về phía xa xăm rồi bình thản nhỏ nhẹ: Mình đã trồng rau mình không dám ăn lại đem bán cho người khác ăn có nên không, thất đức lắm con à. Đừng vì đồng tiền mà làm những việc hại người thì trời Phật nào chứng giám. Thằng Hùng như thức tỉnh khi nhìn vào mắt mẹ với tấm thân gầy guộc cháy sám, chạnh lòng thương mẹ.
Rau muống nhà mẹ tuy gầy guộc, không xanh mướt ú tròn, căng mọng nhưng ngược lại được cái dòn, ngon nên hằng ngày không đủ bán. Ngoài bán lẻ ở chợ chòm hỏm cho người mua, rau nhà mẹ được vài quán lẩu vịt bao tiêu sản phẩm ngon, sạch, rẻ. Thật tình anh em chúng tôi chưa bao giờ được ăn món lẩu vịt nấu chao mà chỉ nghe nói qua của dân nhậu cũng đã thèm dãi miếng. Mẹ cười: Được rồi lứa muống sau bán rồi mẹ sẽ mua một con vịt làm cả nhà cùng ăn các con nhé. Hùng quên hẳn cái nắng ban trưa toát mồ hôi lúc chở bao phân NPK.
Ba tôi, bị tai nạn giao thông chết cách đây mười năm, vì đang đi trên đường trông thấy một cháu gái trạc tuổi mười lăm mười sáu đang băng qua đường, gặp phải chiếc xe tải lao đến không cách nào thoát chết. Thế là ba tôi lao sầm ra đẩy đứa bé vào lề và lấy mạng sống của mình thay cho đứa bé tuổi đang ăn đang học. Cái chết thê thảm của ba như một vị cứu tinh đầy lòng nhân ái nên khi đám tang ba cả làng đưa tiễn và thương tiếc.
Mẹ con tôi mất đi một người chồng, một người cha giàu lòng nhân ái, là một lao động chính trong gia đình. Sự hụt hẫng nhưng cũng đầy tự hào khi được tiếng thơm để lại cả một vùng bà con láng giềng khi nhắc lại cái chết đầy đau thương và cảm kích. Phải chăng nếu không có ngày định mệnh ấy xảy ra thì gia đình tôi cũng không đến nỗi lâm vào cảnh bần hàn túng thiếu và anh em tôi mỗi ngày nhìn dáng mẹ tảo tần trên đồng cạn dưới đồng sâu!
Đêm nào mẹ cũng chẳng có giấc ngủ yên. Trằn trọc thao thức vì nhớ chồng và nghĩ ngợi cho miếng ăn của gia đình. Mẹ gầy đi trông thấy. Hết thắp nhang và nhìn di ảnh ba trên bàn thờ rồi lần mò đến chỗ các con nằm để theo dõi từng giấc ngủ cùa đàn con. Lại nghĩ đến bản thân mình, ngày về nhà chồng đã gắn bó với mảnh đất này cùng bao kỷ niệm vui buồn. Tuy là chưa bao giờ thoát cảnh nghèo nhưng trong lỏng mẹ rất hạnh phúc, thỏa nguyện với mái ấm gia đình. Không gian xanh sạch đẹp với lũy tre làng rợp mát quanh năm, vói bờ ao con cá đồng thơm ngậy sau mẻ lưới của ba. Thời chiến tranh, ngày nào cũng nghe bom đạn nổ bên tai, cái chết kề bên, sự sống còn trong gang tấc nhưng môi trường sinh thái không bị nhiễm độc. Bây giờ con tép con tôm cũng không còn. Những bước chân ngược xuôi của mẹ trên cánh đồng bao đời nay để lại cũng chỉ còn trong hoài niệm.
Làng không còn lũy tre xanh, đường sá đã bê tông hóa. Không ít nhà lầu xe hơi xuất hiện. Văn minh đô thị ngày càng đẩy lùi cái chân chất, hiền hòa của một vùng nông thôn cùng chung tiếng gà gáy, cùng chia bùi sẻ ngọt, tối lửa tắt đèn có nhau. Sự phát triển mang tính phù du cũng không nói lên điều gì khi đạo đức ngả sang màu xám. Nền văn minh không chân dẫn đến xuất hiện nhiều hạng người quên đi cái thuần phong mỹ tục mà hàng năm ông cha ta vun đắp. Mẹ cảm thấy đau lòng không biết dạy con mình như thế nào khi đứng giữa sự xô bồ của một xã hội văn minh hiện đại, chạy theo đồng tiền bất chấp tình người và đạo đức truyền thống. Nhiều đem mẹ không thể nào chợp mắt với những tiêng thở dài não nuột!
Thằng Hùng cả tuần nay bị cảm, sốt li bì không tài nào ngồi dậy nổi. Mẹ chạy đằng đông đằng tây lo cơm thuốc nhưng vẫn không giảm cơn cho nó. Chỉ còn một cách chữa trị theo dân gian may ra. Mẹ vơ vội cái rổ ra vườn hái nào là lá chanh, lá sả, hương nhu, lá gừng, tía tô...về mẹ bắt nồi nấu nồi xông cho Hùng. Với nồi nước sôi sùng sục, khói ngun ngút mẹ bưng chạy lên không may vấp cái ngạch cửa. nồi nước xông đổ tràn trên đôi chân mẹ. Thế là mẹ phải đi cấp cứu tại khoa bỏng bệnh viện tỉnh. Phần đau thể xác, phần đau tinh thần mẹ suy sụp hẳn. Thần tử rập rình. Tiền không có, lúa cạn bồ. Nguy kịch gia đình đến tận cùng.
Ba tôi ngày còn sống, chơi rất thân với một thầy giáo làng tên là Trung - Nguyễn Thành Trung - như một cặp đôi hoàn hảo cả về đạo dức lẫn hành vi. Thầy Trung ngoài giờ đứng lớp, đêm về thường tìm đến ba tôi để cùng uống với nhau bát nước chè xanh hàn huyên bao chuyện làng chuyện nghĩa. Tâm đẳc hơn cả anh em ruột thịt. Không may sau ngày ba tôi mất, một năm sau thầy lâm bạo bệnh, bán thân bất toại, ăn nằm một chỗ nên không còn tới nhà tôi được nữa. Nghe bà con hàng xóm nói chuyện, thầy cho người đến gọi tôi đến nhà thầy. Tuy nằm một chỗ nhưng thầy luôn nghe ngóng đến gia cảnh mẹ con tôi. Thầy hỏi thăm đủ việc. Nào bịnh tình của thằng Hùng, vết bỏng của mẹ tôi và chuyện học hành của con Duyên con gái út. Thậm chí thầy còn hình dung cái nhà lá xập xịch của tôi chắc là chịu cảnh màn trời chiếu đất. Thầy rơm rớm nước mắt rồi thở dài. Im lặng một lúc, thầy chỉ tay về phía tủ thờ: “Con lại bưng cái tráp đen lại cho thầy”. Thầy mở nắp tráp lấy ra một dây chuyền, kỷ vật duy nhất duyên cưới của cô còn lại. Nắm tay tôi, thầy trao cho tôi chiếc dây chuyền ba chỉ rồi nói: “Con cầm lấy đem đến tiệm vàng bán lo tiền viện phí cho mẹ và em. Phần còn lại con giữ lấy để thầy tính chuyện”.
Mấy ngày sau, có ba người đàn ông đến. nhìn trước nhìn sau rồi nói: “Chúng tôi lả người thân của thầy Trung. Thầy nhờ chúng tôi đến đây để tính toán sửa lại cái nhà của mẹ con cháu”. Thế là ngày mẹ tôi xuất viện cũng là ngày cái nhà của mẹ con tôi được sửa sang tươm tất. Thương lắm tấm lòng người thầy của tôi.
- Published in Tác phẩm mới
- 0