Hội nghị sơ kết 5 năm tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”
- Written by Minh Phương
Sáng 25-12, tại Nhà sáng tác Đại Lải, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2015-2019.
Tham dự Hội nghị, về phía Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có Đại tá Đậu Xuân Luận – Giám đốc, Tổng biên tập; Đại tá Nguyễn Văn Sáu – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập.
Tham gia Hội nghị về phía Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật có các ông Huỳnh Văn Ngàn – Giám đốc; ông Trần Ngọc Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm và lãnh đạo các phòng ban chức năng của Trung tâm, các Nhà sáng tác.
Khách mời có nhà văn Tùng Điển – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Đại tá, GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; ông Phùng Văn Khai - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; lãnh đạo các đơn vị của Tổng cục chính trị, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam…và hơn 40 văn nghệ sỹ đã tham gia sáng tác tại các trại viết.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu đã có bài phát biểu tổng kết hoạt động trong 5 năm của các trại sáng tác. Qua 5 trại sáng tác thường niên và 3 trại sáng tác chiều sâu, các nhà văn, nhà thơ đã cho ra đời hơn 70 bản thảo đủ các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, trường ca, thơ tương đối hoàn chỉnh… Trong hơn 70 bản thảo đó, Nhà xuất bản QĐND đã từng bước lựa chọn, đưa vào biên tập, xuất bản và phát hành được 52 tác phẩm, trong đó có: 22 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn, 10 tập bút ký và tản văn, 4 tập lý luận phê bình, 2 tập trường ca. Số bản thảo còn lại, Nhà xuất bản QĐND vẫn đang cùng các nhà văn, nhà thơ tiếp tục hoàn thiện để đưa vào biên tập, xuất bản trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong số 52 tác phẩm được xuất bản với nhiều thể loại, có nhiều tác phẩm xuất sắc đã được trao các giải thưởng về văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương như: Tiểu thuyết Mưa đỏ (trại sáng tác chiều sâu, 2015) của nhà văn Chu Lai được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016; các tiểu thuyết Xóm Chợ (trại Tam Đảo, 2015) của nhà văn Nguyễn Hiền Lương, Chuyện tình Phia Bjooc (trại Tam Đảo, 2015) của nhà văn Bùi Thị Như Lan, Làng Ba Họ (trại Tam Đảo, 2015) của nhà văn Hoàng Giá; Cơm Bắc giặc Nam và Dòng đời và chiến trận (trại Nha Trang, 2017 và Đại Lải, 2018) của nhà văn Phùng Phương Quý… đã giành được các giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam và các giải thưởng về VHNT cấp tỉnh. Ngoài ra còn có các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, bút ký... cũng giành được các giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương như: Đời bão của nhà văn Đoàn Ngọc Minh, Những dấu chân qua của nhà văn Nguyễn Ngọc Yến, Trên đỉnh La Pán Tẩn của nhà văn Nông Quang Khiêm…
Bên cạnh những tác phẩm đã giành được các giải thưởng về Văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương, còn có nhiều tác phẩm đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc như: Bến Tầm Phu của nhà văn Hoàng Giá, Tiếng biển của nhà văn Nguyễn Văn Đệ, Đám cưới tháng Bảy của nhà văn Vũ Minh Nguyệt; Động thổ của nhà văn Lê Ngọc Minh, Lẽ sống và Đầm lầy kỳ lạ của nhà văn Chi Phan, Trang trại có ma của nhà văn Nguyễn Bảo, Bác Hồ và Người chiến sĩ của nhà thơ Lê Huy Quang, Lính chiến của nhà văn Đan Thành, Chim sẻ ri trên đồng nước của nhà văn Nguyễn Trọng Văn, Võ Đại tướng với Điện Biên của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, Nơi đất lở của nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nơi tôi gọi là Tổ quốc của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Nhà văn giải thưởng Nhà nước của nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, Văn học và chiến tranh của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú… cùng nhiều tác phẩm ấn tượng khác.
Có thể nói, những tác phẩm và những giải thưởng văn học kể trên đã nói lên phần nào những thành công trong công tác tổ chức trại sáng tác cũng như những công sức lao động nghệ thuật miệt mài mà vô cùng tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ - những người đã từng tham dự trại viết. Đó chính là công sức, là trí tuệ, là mồ hôi và thậm chí có cả nước mắt của các nhà văn, nhà thơ - những người đã sống hết mình vì nghệ thuật; Là những đóng góp bởi sự nhiệt tình, tận tâm, tận tuỵ vì các văn nghệ sĩ, vì văn học của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trại viết Nhà xuất bản QĐND, của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật và của cả những cán bộ, nhân viên các Nhà sáng tác trong suốt 5 năm qua.
Từ những tác phẩm đã được xuất bản nói trên, Nhà xuất bản QĐND đã lựa chọn được hơn 20 tác phẩm có chất lượng tốt cả về nội dung và nghệ thuật để gửi tham gia xét giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng giai đoạn 2015-2019 và giải thưởng văn học của Hội Nhà văn năm 2019.
Thay mặt cho Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các Nhà sáng tác, ông Huỳnh Văn Ngàn đã có bài phát biểu đánh giá về công tác tổ chức và rút kinh nghiệm cho những trại sáng tác đã được tổ chức tại các Nhà sáng tác trực thuộc Trung tâm. Số lượng tác phẩm được sáng tác tại các trại sáng tác đã chứng minh và khẳng định rằng, đây là việc đầu tư hết sức hiệu quả, giúp cho các văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ có điều kiện hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Đối với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm chất lượng cao. Ông cũng tin tưởng với sự chăm lo ân cần của cán bộ, viên chức từng Nhà sáng tác sẽ tiếp tục thôi thúc, nhắc nhở văn nghệ sĩ đến sáng tác thêm trách nhiệm với cuộc đời và con đường sáng tác văn học nghệ thuật đã dấn thân. Ông hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao ra đời từ các Nhà sáng tác và xin hứa luôn ủng hộ, đồng hành với Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân trong công cuộc sáng tác.
Qua Hội nghị này ông Huỳnh Văn Ngàn mong muốn trong thời gian tới các Hội văn học nghệ thuật Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật trên cả nước cũng tiến hành tổng kết đánh giá hiệu quả sáng tác, đúc rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các hoạt động sáng tác.
Tại Hội nghị, các nhà văn, nhà thơ, các chuyên gia đã cùng thảo luận nêu ra những vấn đề tồn tại và cùng đóng góp ý kiến giúp văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” phong phú và chất lượng hơn trong thời gian tới.