ĐƯỜNG ĐẾN ĐẢO VÂN - Truyện ngắn của Nguyễn Khánh Hội - Hội Nhà văn Việt Nam Ban Văn học Công nhân
- Written by Minh Phương
Truyện ngắn của Nguyễn Khánh Hội - Hội Nhà văn Việt Nam Ban Văn học Công nhân – sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải tháng 7/2020
ĐƯỜNG ĐẾN ĐẢO VÂN
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Hà Nội, Kim Lan có quyết định về khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) dạy học. Về đến khu thì lại có quyết định ra huyện đảo. Đến huyện, Kim Lan được phòng Giáo Dục quyết định cho ra Đảo Vân. Còn lại một số các bạn của Kim Lan được điều lên các huyện miền núi. Có người có điều kiện chạy chọt thì được dạy ở thị trấn, thị xã, còn lại một số chuyển nghề hoặc bỏ việc nhất quyết không đi ra biên giới miền núi hải đảo.
Kim Lan quay về nhà báo cho bố mẹ biết. Mẹ của Kim Lan buồn lắm, lo cho con “Thân gái dặm trường”. Bố bảo: “Tùy ý con, vì con hiểu con hiểu công việc của con hơn ai hết, bố lúc nào cũng ủng hộ quyết định của con”. Vậy là Kim Lan quyết định ra Đảo Vân dạy học. Quê Kim Lan ở một xã nông thôn thuộc thị xã Bắc Ninh. Con đường từ Bắc Ninh ra Đảo Vân phải mất ba ngày. Nếu nhỡ một chuyến đò thì mất thêm ba ngày nữa, vì ba ngày mới có một chuyến đò ra đảo. Đường đi phải qua mấy chặng xe, qua bao cầu phà và một chuyến đò nữa mới tới huyện đảo, từ huyện đảo tới Đảo Vân phải đi một chuyến đò dài gần ba mươi cây số.
Chỉ còn đêm nay nữa là Kim Lan phải chia xa bố mẹ, xa bạn bè, xa quê hương yêu dấu. Nơi có con sông Cầu “Nước chảy lơ thơ…”, nơi miền quan họ ngọt ngào tha thiết với đủ các làn điệu làm say đắm lòng người. Kim Lan quyết định chọn con đường ra Đảo Vân dạy học là trách nhiệm của một đoàn viên, được nhà trường truyền dạy kiến thức sư phạm. Vì thế Kim Lan không thể bỏ nghề được. Hình ảnh các em học sinh vùng biên giới hải đảo thất học càng thôi thúc Kim Lan.
Ngủ lại huyện đảo một đêm, sáng sớm Kim Lan ra bến, tìm đò ra đảo. Đúng bảy giờ đò đón khách, gần hai mươi con người phải chui vào một cái khoang thuyền chật hẹp.Gió ngược, thuyền phải chạy vát vòng đi vòng lại. Được một lúc nước ở đáy thuyền mùi nước xông lên nồng nồng, Kim Lan thấy khó chịu, đánh bạo xin ra ngoài ngồi gần ông lái đò ngắm cảnh hóng gió. Trước cảnh non nước hữu tình của Vịnh Bái Tử Long huyền thoại, Kim Lan cũng vơi đi nỗi nhớ nhà. Mãi đến ba giờ chiều đò mới cập bến Đảo Vân. Theo mọi người đi bộ qua một bãi cát dài chừng năm trăm mét mới vào đến bờ, vì hôm nay nước cạn về chiều, thuyền không vào cập bờ được. Vào làng, trước mắt Kim Lan xung quanh là rừng rậm, cây cối mọc um tùm, đường đi là một cái lối mòn nho nhỏ, phải qua mấy cái cầu tre, khoảng cách nhà nọ đến nhà kia vài trăm mét. Dân cư thưa thớt, từng đàn chim chào mào, chim ngói, thấy người bay táo tác kêu ríu rít.
Đến trụ sở Ủy ban Đảo Vân, Kim Lan trình giấy tờ cho ông Chủ tịch, xem xong ông tươi cười nói: “Cô giáo ra đây dạy học dân làng Đảo Vân này mừng lắm! Con em ở đây thất học nhiều đời rồi, dân Đảo Vân nghèo lắm nghèo cả con chữ nữa”. Kim Lan được ông bố trí nghỉ nhờ một gia đình hiền lành tử tế. Ông chủ nhà tên là Hoan, bộ đội đánh pháp phục viên.Vợ ông tên Hạnh, vợ chồng ông có ba người con. Hùng con trai đầu đang tại ngũ, Dũng thứ hai ở nhà với ông đi biển đánh cá, cô gái út đã lấy chồng. Nhà ông Hoan làm bằng gỗ lợp cỏ tranh, nhà ba gian, gian giữa thờ các cụ, phía ngoài có bộ bàn ghế tự đóng để uống nước và tiếp khách.Còn gian bên đều có buồng, gọi là buồng thôi chứ nó được ngăn ra bằng phên nứa có cửa hẳn hoi.Buồng bên trái vợ chồng ông Hoan ở, phía ngoài kê một giường để tiếp khách.Buồng bên phải của Dũng, phía ngoài cũng kê một giường phản. Một nhà ngang, một gian ăn cơm và để đồ đạc, gian cuối làm bếp. Ông Hoan bố trí cho cô giáo Kim Lan ngủ ở buồng Dũng, ông tìm ván đóng tạm cho Kim Lan một cái bàn để soạn giáo án và trang điểm, buồng có chốt trong khóa ngoài an toàn. Từ ngày có cô giáo Kim Lan đến ở, Dũng ít về nhà, thi thoảng mới về nhà ăn cơm rồi lại ra thuyền ngủ.
Chỉ trong một tháng mà Ủy ban Đảo Vân đã tổ chức mọi người dân dựng được một ngôi trường ba gian bằng gỗ lợp tranh nứa, có đủ bàn ghế, bảng đen và một quả trống nữa. Dựng xong trường, ủy ban tổ chức các ban ngành đoàn thể đi xuống từng nhà dân vận động cho con em đi học, cả cô giáo Kim Lan cùng tham gia. Chỉ trong một tuần đã có 45 học sinh tuổi từ 11 đến 15 tuổi đăng ký đi học.
Ngày khai giảng, ông Chủ tịch đảo lên phát biểu: “Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc học hành của con em vùng biên giới hải đảo, cho giáo viên về đây mở lớp dạy học. Các cháu phải cố gắng học chăm, học cho giỏi sau này xây dựng đảo, không còn cảnh đói nghèo như bây giờ nữa”. Ông động viên cô giáo Kim Lan: “Ở đảo tuy buồn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng làng Đảo Vân này sẽ một lòng chung sức giúp đỡ cô giáo với một tình cảm trách nhiệm cao nhất. Mong cô giáo hãy hết lòng yêu quý đảo, yêu nghề.Dân làng đảo sẽ mãi mãi ghi nhận công sức của cô giáo người đầu tiên đến Đảo Vân dạy học”. Sau cùng cô giáo Kim Lan lên có lời cám ơn ban lãnh đạo Đảo Vân và hứa sẽ làm tốt trách nhiệm của một người giáo viên. Buổi khai giảng đã kết thúc, đại biểu về hết. Kim Lan kiểm tra con số học sinh, tất cả không thiếu một ai. Giờ đầu tiên Kim Lan dạy các em học hát một bài đồng ca, sau đó căn dặn học sinh chuẩn bị sách bút, dụng cụ học tập theo thời khóa biểu của cô đề ra.
Mới có sáu tháng mà học sinh đã đọc thông viết thạo, bởi cô giáo Kim Lan rất tận tình kiên trì chỉ bảo. Em nào chữ xấu cô đến từng bàn hướng dẫn viết từng nét chữ, nắn nót cho từng học sinh. Cô giáo Kim Lan khổ nhất là giờ tập đọc, dạy các em phát âm cho đúng. Vì cả vùng đảo này đều phát âm theo tiếng địa phương, dấu hỏi thì đọc dấu ngã, L thì đọc N, Tr thì vất chữ R đi…vv. Cô đã làm hết sức mình vì học sinh thân yêu. Tuy thời gian ngắn nhưng cô giáo đã chịu khó tìm hiểu phong tục tập quán ở làng Đảo Vân về văn hóa ứng xử, giao tiếp, đến từng bữa cơm. Người đảo ra đường gặp nhau dù già hay trẻ đều phải chào hỏi nhau vui vẻ, đồ ăn kiếm được cho nhau là chính, ít khi bán. Gia đình nào gặp khó khăn thì được giúp đỡ, khi buồn khi vui quấn túm lấy nhau chia ngọt sẻ bùi.Khi dọn cơm phải đủ mỗi người một cái đĩa để gỡ cá, con gái bao giờ cũng ngồi gần nồi để xới cơm cho cả nhà.Vì vậy cô mau chóng hòa đồng với mọi người, dân làng Đảo Vân ai cũng khen cô giáo đẹp người đẹp nết, tận tình với học sinh, lại hát hay nữa. Có lần đi sinh hoạt đoàn thanh niên, Kim Lan hát bài quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền”, làm cho bao chàng trai đảo nghe mà lịm cả người, đề nghị hát lại mấy lần. Có bạn còn tếu với Dũng “Cố mà giữ cô giáo nhé, đừng để cô giáo chán đảo về đất liền thì tổn thất lắm đấy”.Dũng liếc mắt nhìn, cô giáo Kim Lan bối rối thèn thẹn vờ quay đi.
Công việc dạy học giờ đã tạm ổn, tối nay Kim Lan mới có thời gian rảnh viết thư về cho bố mẹ. Buồng bên ông bà Hoan đã vặn đèn nhỏ đi ngủ, không gian yên tĩnh chỉ còn nghe rõ tiếng sóng biển từ xa dội về ầm ào không ngớt. Kim Lan nhớ nhà vô cùng, một chút buồn man mác thoáng qua. Đã lâu rồi Dũng không về nhà ngủ.Hôm nay đi chơi với bạn được các bạn chúc cho say mềm, với lý do là nhà có “người đẹp” đến ở. Mãi khuya mới về đến nhà, không kịp mắc màn Dũng nằm lăn ra ngủ luôn không biết gì cả. Trong buồng Kim Lan đang ngồi viết, thấy động Kim Lan từ từ hé cửa ra xem. Bất ngờ cô nhìn thấy Dũng nằm nghiêng người ngủ say ở giường ngoài từ bao giờ. Kim Lan nhẹ nhàng rón rén từng cử chỉ đi lấy màn mắc cho Dũng để muỗi khỏi đốt, rồi dằn màn chung quanh cẩn thận. Qua ánh sáng trong buồng hắt ra, Kim Lan nhìn rõ dáng vóc của Dũng, nhất là bờ vai cơ bắp cuồn cuộn của người con trai biển. Dũng vẫn ngáy đều đều. Nhìn khuôn mặt hiền hậu dễ thương thoáng qua một chút Kim Lan vào buồng chốt cửa lại. Đêm đã về khuya tiếng sóng biển cứ vọng về làm Kim Lan xôn xao không ngủ được. Hình ảnh Dũng cứ chập chờn ẩn hiện. Mãi tới gần sáng Kim Lan mới chìm vào giấc ngủ bao giờ không biết nữa. Sáng ngủ dậy Dũng nói với mẹ: “Tối qua con đi chơi với bạn, chúng nó chúc rượu say quá con về nhà không kịp mắc màn, tỉnh dậy không biết bố hay mẹ mắc màn cho con rồi”. Trong buồng, Kim Lan cũng đã thức dậy, nghe Dũng nói vậy, cô không nói gì thêm. Vậy là bà Hạnh biết ai đã mắc màn cho con trai, nhưng bà vẫn nhận với Dũng là mẹ mắc cho con đấy. Trong thâm tâm bà từ lúc Kim Lan về nhà ở được mấy tháng, hiểu biết được tính nết của cô, bà đã ước ao giá như cô chịu làm con dâu bà thì tốt biết mấy. Kim Lan mở cửa buồng ra ngoài, nhìn thấy Dũng, cô ngường ngượng rồi vờ hỏi: “Anh Dũng về nhà từ bao giờ vậy?”.Dũng trả lời: “Anh về đêm qua”.“Tối qua em ngủ sớm không biết anh về”. Sáng nay ngồi ăn cơm, Dũng nhút nhát không dám mở lời trước, thèn thẹn không dám ăn nhiều. Mọi người ăn xong, Kim Lan bê nồi cơm xuống trước, Dũng vội vàng bê mâm bát theo sau rồi ngồi rửa bát luôn. Thấy vậy, Kim Lan nói: “Việc ấy không phải của con trai, anh Dũng để em rửa cho”. Dũng nhỏ nhẹ: “Ở Đảo Vân này không phân biệt việc nào là của con gái con trai cả, cứ thấy việc làm được là làm thôi!”.Nghe Dũng nói vậy, cô ngồi xuống rửa bát cùng Dũng, chuyện trò cởi mở hơn.
Ngày tháng vèo trôi, Kim Lan đã quen dần với cuộc sống ở đảo. Ngoài giờ lên lớp soạn bài, cô cùng bà Hạnh trồng rau, cấy lúa. Ngày chủ nhật, côtheo bà Hạnh ra biển bắt ốc, cạo hến, đánh hà và còn tập đào sá sùng nữa. Biết tin Kim Lan sắp được về quê ăn tết, dân làng đảo chuẩn bị quà cho cô nào là cá khô, tôm khô, mực ống, sá sùng, mắm cầu gai…v.v.
Kim Lan về đến quê. Bà con họ hàng bè bạn kéo đến hỏi thăm rối rít. Nào là ở đảo có buồn không?Dân ở đấy có quý người không?Ra tết tìm mọi cách nhờ cậy người ta xin chuyển về quê hoặc đất liền mà dạy cho đỡ khổ, đi lại vất vả lắm. Cô cám ơn mọi người đã quan tâm rồi kể cho mọi người nghe: “Ở Đảo Vân tuy đi lại có trở ngại một chút, nhưng ở đấy hay lắm. Người dân ngoài đảo hiền hòa mến khách, đồ ăn ít phải mua mà làm ra, kiếm được lại toàn là hải sản quý, không khí trong lành mát mẻ.Quang cảnh thì sơn thủy hữu tình, không lâu nữa Đảo Vân sẽ là nơi du lịch lý tưởng tuyệt vời đấy. Mới ở được mấy tháng mà Kim Lan đã tăng được 4 - 5 kg rồi”. Nói xong Kim Lan biếu mỗi người một ít quà biển. Nghe cô kể, mọi người cũng mừng. Bố Kim Lan nghe vậy cũng thấy vui, còn bảo: “Khi nào có điều kiện sẽ ra thăm đảo, thăm con gái”. Còn mẹ cô thì từ lúc con gái về bà trầm ngâm ít nói hơn mọi ngày. Bà mừng khi con về, lại lo cho con đi. Chiều ấy chỉ có hai mẹ con ở nhà, mẹ Kim Lan nói với con gái: “Anh Thành cùng học cấp ba với anh cả con đấy, bây giờ công tác ở Hà Nội làm chức gì cũng kha khá, về quê đi toàn bằng xe con. Anh ấy lúc nào về cũng sang nhà mình chơi, luôn hỏi thăm con đấy. Anh ấy bảo nếu con đồng ý yêu anh ấy, anh ấy sẽ xin được cho con về quê dạy học, hoặc chuyển sang một ngành khác ở Hà Nội. Mẹ thấy được vậy thì tốt quá, ối người mơ không được đấy, con thấy thế nào? Im lặng một lúc, Kim Lan từ tốn nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con không về được đâu mẹ ạ! Con ở đấy quen rồi”. Bà mắng yêu con gái “Cha bố cô! Ở đấy mà chết già à!”. Kim Lan tươi cười: “Mẹ yên tâm đi, ở Đảo Vân đầy con trai, người nào cũng hiền lành chăm chỉ lao động. Tướng mạo cao ráo khỏe mạnh, đẹp trai như diễn viên ấy mẹ ạ!”. “Nhưng mẹ chỉ có mình con là gái, con ở xa thế sau này mẹ già lấy ai chăm sóc”. “Mẹ lo gì nữa, đã có hai nàng dâu hiếu thảo rồi còn gì”. Bà thuyết phục con gái không được đành nhờ cái uy của chồng xem sao. Bà nói với chồng về chuyện Thành và con gái. Nghe xong ông gạt phắt đi: “Cứ để tùy nó, cho nó quyết định, bà đừng can thiệp vào chuyện riêng tư của nó, nhất là chuyện tình cảm”. Mẹ Kim Lan thất vọng về chồng con, buồn ra mặt.
Chỉ còn mấy ngày nữa là Kim Lan hết phép. Biết tin cô về, Thành sang chơi. Mẹ Kim Lan đon đả mời Thành vào nhà và gọi con gái ra tiếp. Bà bảo Thành: “Anh Thành ngồi đây chơi với em, cô sang đây có chút việc”, thật tình thì bà cố tình tạo điều kiện cho Thành tiếp xúc con gái bà xem sao. Chuyện trò xã giao được một lúc, Thành đặt vấn đề thẳng với Kim Lan như hôm xưa Thành đã nói với mẹ cô. Thành dứt lời, Kim Lan nói ngay: “Em cảm ơn anh đã quan tâm đến em, nhưng em ở đảo quen rồi và có ý định ở đó trọn đời”. Thành xen vào: “Em đừng nghĩ tiêu cực như thế, nhiều người muốn thoát cảnh ở đảo về đất liền mà em lại cố tình bám đảo”. “Anh Thành ạ!Mỗi người có một hoài bão riêng. Ai cũng bỏ đảo về thì con em ở đảo sẽ thất học hết. Em không đành bỏ đảo, bỏ học sinh được.Anh thông cảm cho em”. Thấy không chinh phục được Kim Lan, Thành bèn cáo lỗi ra về. Mẹ Kim Lan về nhà, thấy con gái vui hớn hở, vừa dọn nhà vừa hát, bà mừng rỡ hỏi con gái: “Hai đứa bàn nhau đến đâu rồi?”, “Đến chỗ mà con gái bám đảo đến cùng, anh Thành không đồng tình bỏ về rồi mẹ ạ!”.Bà không nói gì thêm, mặt buồn rười rượi đi vào buồng nằm. Ngày mai Kim Lan trở về Đảo Vân, ông bố chuẩn bị cho con gái một yến gạo nếp ngon, năm lít rượu nhà nấu để đem ra biếu gia đình ông chủ nhà nơi con gái ông ở nhờ.
Kim Lan về quê có nửa tháng mà cả nhà ông Hoan ai cũng mong, cũng nhớ. Có lần Dũng hỏi mẹ: “Bao giờ Kim Lan ra đảo hả mẹ”. Linh cảm của bà Hạnh mách bảo chắc thằng Dũng nhà mình ưng cô giáo rồi đây. Bà nói với con trai: “Thích cô giáo rồi phải không? Nếu thích thì từ nay hãy quan tâm chăm sóc cô giáo đi.Bố mẹ cũng ưng cái nết của nó rồi đấy”.
Được tin Kim Lan về đảo, Dũng vội ra bến đò đón. Gặp nhau Dũng chẳng biết nói gì, mặt đỏ bừng lên rồi nói khẽ vừa đủ cho cô nghe được: “Đưa hết đồ đây anh đem về cho”. Trên đường về, cô cảm thấy xốn xang trong lòng, Kim Lan đi sau cứ ngắm hoài Dũng tay xách nách mang, rồi tủm tỉm cười thầm một mình. Về đến nhà, Kim Lan đon đả chào ông bà Hoan: “Bố mẹ cháu gửi biếu bác bá chút quà quê”. Ông Hoan nói: “Quý hóa quá. Hôm nào viết thư về cho bác bá gửi nhời hỏi thăm và cám ơn ông bà trong ấy nhé”.Cơm chiều xong, Dũng ra thuyền ngủ. Đêm ấy Dũng trằn trọc cả đêm suy nghĩ, liệu Kim Lan có yêu mình không? Mà trình độ của mình chỉ học hết lớp bốn bổ túc văn hóa , hiểu biết có hạn, nhà thì nghèo. Còn Kim Lan thì học cao hiểu rộng lại có nghề danh giá. Biết đâu một vài năm nữa Kim Lan được chuyển về đất liền thì khó cho mình quá…Biết bao ý nghĩ vẩn vơ. Bản tính của Dũng thì nhút nhát không dám mở lời trước. Nghe mẹ, Dũng vào rừng lấy tre, nứa, làm cho Kim Lan một cái nhà tắm riêng kín đáo, cắm cọc chăng dây phơi, rồi đan một tấm phên bằng nứa làm trần trong buồng Kim Lan cho đỡ bụi rơi xuống. Thấy những cử chỉ, việc làm của Dũng, Kim Lan xao lòng, thầm yêu trộm nhớ từ lúc nào không biết nữa. Chỉ thấy lâu lâu Dũng không về nhà là cô lại nhớ nhớ, thương thương, ngơ ngẩn đợi mong. Giờ đây không chỉ Dũng quan tâm mà ông bà Hoan cũng quan tâm chăm sóc Kim Lan hơn. Có lần bà Hạnh ốm, Kim Lan chăm sóc bà như chính mẹ mình vậy. Ngoài những giờ lên lớp, về nhà cô cùng bà Hạnh làm hết việc này đến việc khác, đi đâu cũng có nhau. Dân làng cũng đã xì xào bàn tán: Chắc bà Hạnh muốn Kim Lan làm con dâu đây! Có người lại nói đời nào cô giáo Kim Lan lại chịu lấy thằng Dũng và ở lại cái Đảo Vân này…
Thời gian trôi nhanh quá. Đã hơn hai năm cô giáo Kim Lan đã gắn bó với cái làng Đảo Vân trong tình yêu thương đùm bọc của mọi người dân trên đảo. Sự yêu quí của học sinh dành cho cô giáo Kim Lan thật trân trọng. Và cô giáo Kim Lan cũng đã để lại những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp cho các em học sinh, cho mọi người dân trên đảo. Ai cũng sợ cô giáo Kim Lan chuyển đi nơi khác dạy học, thì thiệt thòi lớn cho Đảo Vân này.
Chiều nay Kim Lan xin phép ông bà Hoan xuống thuyền Dũng chơi. Mấy hôm nay, Dũng không về nhà, gió to không đi biển được, cùng anh em tranh thủ vá lưới. Từ xa, Dũng đã nhìn thấy Kim Lan đi về thuyền mình. Dũng vội vàng vào khoang thuyền lấy quần dài vận vào, rồi bảo các bạn cùng vá lưới nhanh chóng thu gọn lưới vào có khách đấy. Dũng lao cầu cho Kim Lan lên thuyền. Mấy bạn Dũng ý tứ chào Kim Lan rồi ra về để Dũng có cơ hội tâm sự. Ngồi chơi được một lúc, Kim Lan nói: “Anh Dũng dạy em vá lưới đi, biết vá rồi, lúc nào em rảnh em xuống vá hộ anh”. Dũng bảo: “ Em học làm gì. Nay mai về đất liền rồi lấy lưới đâu mà vá”. Kim Lan đáp lại: “Vậy em muốn ở lại đây mãi anh Dũng có đồng ý không?”. Dũng nghe nói vậy mừng quá, lúng túng nghĩ mãi mới tìm được câu trả lời: “ Việc ấy anh chưa dám nghĩ tới mà chỉ có mơ ước thôi! Nếu được vậy, cả đời anh chẳng còn mơ ước gì thêm”.Dũng nói những lời mộc mạc chân thành của người trai đảo. Những ấn tượng tốt đẹp ấy càng làm cho Kim Lan yêu mến Dũng. Chiều muộn Dũng bảo: “Ta về đi kẻo bố mẹ anh mong”. Trước mắt Kim Lan là biển rộng bao la, từng con sóng to đua nhau lao vào bờ dữ dội. Có những tảng đá cao đến 15-20m, sóng vỗ trùm lên trắng xóa trông xa như núi tuyết vậy. Bất ngờ Kim Lan hỏi Dũng: “Nếu anh đi biển xa mà gặp sóng gió to thế này thì sao hả anh ?”Dũng trả lời: “Lúc ấy chỉ biết phó thác đời mình cho trời biển thôi! Ở làng Đảo Vân này đời nào cũng có nhưng con thuyền ra đi không về được. Kim Lan thở dài nhìn Dũng rồi quay ra nhìn mặt biển xa xăm nơi có những con sóng xám xịt đang lồng lên, lao vào bờ gào thét tung tóe.
Cơm tối xong, Dũng xuống thuyền. Đêm ấy Kim Lan không tài nào ngủ được. Bao nhiêu suy nghĩ lo âu cứ chao đảo dằn vặt, cô suy ngẫm về số phận cuộc đời của mỗi con người, hình như nó được gắn kết ngầm với nhau mà người đời gọi là duyên số.Thật lòng, cô không thể bỏ cái Đảo Vân này được nữa rồi.Vì tình yêu nghề nghiệp, với đàn em nhỏ thiếu chữ, vì sự thân tình của mọi người dân đảo đối với mình.Và một tình cảm đặc biệt của Dũng dành cho cô, khiến cô không thể chối từ.Cô cũng yêu thương Dũng da diết.
Hè này, Kim Lan rủ Dũng về quê chơi cũng là ướm thử xem bố mẹ có đồng ý không? Trên đường về nhà Kim Lan, Dũng ngơ ngác nhìn những cảnh lạ đi qua các miền quê. Dũng thích nhất là những con sông ngoằn ngoèo chạy dài tít tắp bên cạnh những bãi ngô, vườn chuối ruộng lúa, vườn khoai.Có cả những cánh buồm nâu uốn lượn trên sông. Hai bên bờ người tung chài, người cất vó trông thật lạ mắt. Về đến nhà, Kim Lan giới thiệu với bố mẹ:“ Đây là anh Dũng con bác Hoan chủ nhà ở ngoài Đảo Vân mà con vẫn kể cho bố mẹ nghe đấy.” Dũng nói: “Cháu chào hai bác ạ! Bố mẹ cháu có gửi biếu hai bác chút quà biển và gói chè Vân chính tay bố mẹ cháu làm ra”. Bố Kim Lan vui vẻ nhận quà: “ Cảm ơn ông bà ngoài đấy đã chăm sóc em lại còn cho quà”.
Qua mấy ngày tiếp xúc với Dũng, bố Kim Lan nhận xét: “ Đúng là trai đảo có khác, hiền lành chân thật dễ mến”. Còn mẹ Kim Lan ít nói, những bà linh cảm được việc con gái bà đưa Dũng trở về đây là có chuyện rồi. Tối đến hai mẹ con ngủ với nhau nói chuyện tỉ tê mãi tới khuya. Mới đầu bà không đồng ý, vì con đường ra Đảo Vân quá xa xôi cách trở. Bà thương con gái, rồi cuối cùng thì bà cũng chiều theo ý con. Sáng nay, Kim Lan đưa Dũng đi thăm họ hàng, bạn bè và ngầm giới thiệu mình đã có bạn trai. Đến nhà một người bạn thân tên Liên. Với tính tinh nghịch từ nhỏ, nói thẳng với Kim Lan “ Ôi! Người yêu mày điển trai quá nhỉ, cứ như là diễn viên điện ảnh ấy.Ở Đảo Vân còn anh nào đẹp trai thế này giới thiệu cho tao một anh.Hai đứa mình lấy chồng ở đảo cho có bạn được không?” Kim Lan đáp: “ Tưởng gì chứ mày muốn thì chuẩn bị, mấy ngày nữa theo tao. Nhưng phải bỏ cái tính tinh nghịch ấy đi không thì con trai đảo bản chất hiền lành, nhút nhát thấy mày như vậy họ sợ chết khiếp đi đấy.” Liên vội vàng nói: “Xong ngay, và sẵn sàng bỏ cả quê nữa”. Hai đứa ôm nhau cười khúc khích. Dũng thấy vậy, bẽn lẽn cười theo. Ở nhà, mẹ cô đưa chuyện con gái ra bàn với chồng, bà vừa nói xong, ông vỗ đùi đánh đét một cái rồi bảo: “Tôi đồng ý luôn”. Bà trách ông: “Người gì mà dễ tính thế không biết”. Ông nói: “Con gái mình lớn tuổi rồi, tôi tin nó sáng suốt chọn bạn đời của nó, với lại bà nhìn thằng Dũng xem, nó hiền lành như cục đất ấy, lấy được người chồng như vậy đáng vàng mười đấy”. Mấy ngày về quê Kim Lan, để lại trong Dũng nhiều ấn tượng tốt đẹp về một miền quê đồng bằng trù phú, về những con người hiền lành chân chất như người làng đảo vậy.
Năm học mới, Đảo Vân lại có thêm mấy lớp nữa, Kim Lan có quyết định làm hiệu trưởng cấp một Đảo Vân. Công việc của Kim Lan bận rộn thêm. Ngoài việc dạy học còn phải làm công tác quản lý. Cơ sở vật chất thiếu thốn, cô đều phải một taylo cả. Chiều nay, Dũng về nhà sớm hơn mọi ngày. Ăn chiều xong, Dũng rủ Kim Lan ra bờ biển chơi. Đến một ghềnh đá cao to, nối đuôi nhau uốn lượn, có nhiều tảng đá như ngọn tháp.Tạo hóa đã tô vẽ nhào nặn lên những hình dáng thật kỳ thú đồ sộ nguy nga, hoành tráng trông như một lâu đài. Hai người leo lên một tảng đá cao ngồi ngắm cảnh hóng gió. Dưới chân đá sóng cứ thi nhau vỗ về dào dạt, bên cạnh những con cò biển đang cần mẫn tìm mồi. Dũng kéo Kim Lan ngồi xuống cạnh mình, cùng nhìn ra biển, một màu xanh mênh mông. Chẳng hiểu vì sao những con sóng khi sắp vào bờ lại nở ra bạt ngàn hoa sóng vội vàng xô bờ ôm hôn bờ cát, bờ đá mải mê tình tứ nối tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác như vậy. Mặt trời khuất dần. Dũng kéo Kim Lan ngồi sát mình hơn, hai bàn tay Dũng ôm lấy hai bàn tay Kim Lan im lặng. Người đảo có câu: “ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói”. Bất ngờ, Kim Lan vội kéo tay về rồi thốt lên: “Ôi cái gì kia anh?”. Trước mặt Kim Lan từ phía chân trời, ánh lên một quầng vàng sóng sánh hắt lên nhịp nhàng theo từng con sóng, những ánh vàng được dát đều trên một khoảng mặt biển rộng mênh mông, rồi cứ từ từ, từ từ nhô dần lên. Cả một khuôn vàng tròn vành vạnh như cái mâm khổng lồ, gối đầu trên sóng nhấp nhô. Phía trên những dải mây ngũ sắc đang lơ lửng như kéo dần mặt trăng lên cao lung linh rực rỡ .“Ôi đẹp quá anh ơi! Lần đầu tiên trong đời em mới nhìn thấy trăng từ mặt biển chui lên đấy, tuyệt vời quá anh ạ!”. Cô định đứng dậy reo lên thì vòng tay Dũng đã ôm chặt cô từ lúc nào. Cô bối rối: “Đừng mà anh”. Dũng kéo Kim Lan đứng dậy. Hai người lại dắt tay nhau đi dọc theo bờ cát sát mép nước. Trăng lúc này đã lên cao, tỏa ánh vàng lấp lánh trải đầy cả một biển trăng, gió thu man mát. Kim Lan đi sát vào Dũng. Bất chợt Kim Lan dừng lại ôm chặt lấy Dũng, đầu nghiêng xuống bờ vai cuồn cuộn cơ bắp, chắc nịch của Dũng. Dũng lặng im cảm nhận như mình đang đứng ở cõi thần tiên vậy.
Bất chợt, từ trong sâu thẳm Kim Lan nhớ lại mấy câu thơ: “Hai đứa dắt tay nhau bóng đổ dài trên bờ biển/ Bàn chân in cát mềm sóng biển/ Tóc bay bay đầu sát bên đầu/ Em thấy trời nghiêng xuống biển/ Như đầu em nghiêng xuống vai anh”. Vậy là Kim Lan đã nghiêng đầu xuống vai Dũng thật rồi…Dũng ôm Kim Lan thì thầm: “Cuối năm nay anh bảo bố mẹ anh tổ chức đám cưới cho chúng mình nhé”. Cô tinh nghịch dập đầu vào vai Dũng mấy cái, rồi hai đứa lại dắt tay nhau đi tiếp dưới biển trời tràn ngập ánh trăng vàng. Đâu đây tiếng chim biển đi ăn đêm gọi nhau chiêu chiếu dưới rặng phi lao, gió reo vi vút như những khúc nhạc tình yêu. Về gần đến thuyền Dũng bảo Kim Lan ngồi xuống một gò cát trắng, Dũng đọc cho Kim Lan nghe mấy câu thơ của đảo: “Yêu nhau yêu vụng nhớ thầm/ Yêu liếc con mắt yêu cầm cổ tay/ Bẻ một cành lá cắm đây/ Nhớ nhau thì cứ lối này mà sang.” Cô nói với Dũng : “Vậy em bẻ một cành trâm cắm đây nhé, lúc nào anh không về nhà em ra đây tìm anh”. Hai người kể cho nhau nghe chuyện làng quê và bàn đến cả chuyện tương lai nữa.Trời về khuya se se lạnh, Dũng cởi chiếc áo ngoài khoác lên người cô.Trăng đã lặn từ bao giờ không biết nữa, trước mặt hai người ở phía biển xa, những đám mây đủ màu sắc đang dâng lên cao, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
***
Làm đám cưới xong vợ chồng Dũng vẫn ở với bố mẹ, cuộc sống của gia đình Dũng tuy vất vả khó khăn về kinh tế nhưng thật là hạnh phúc. Kim Lan đã sinh một đứa con trai khỏe mạnh giống bố như đúc. Ông bà Hoan quý cháu như cục vàng, thay nhau ẵm bế chăm sóc cho con dâu đi dạy học. Ông đặt tên cháu là Mạnh. Những lúc Dũng đi biển xa đánh cá, có lúc động trời cơn cớ vần vũ, bão giông, Kim Lan lo lắng cho chồng vô cùng. Khi không sao nhắm mắt được, Kim Lan haynhớ mấy câu ca dao đảo được mẹ chồng dạy, khe khẽ hát ru con: “À..à…ơi! Em thương anh lắm anh ơi!/ Đang ăn nghĩ đến là rời đũa ra/ Đêm năm canh em ngủ có ba/ Còn hai canh nữa em ra trông giời…À à ơi!...”. Ở cái làng Đảo Vân này đã biết bao người chồng không trở về sau những chuyến đi biển xa bị giông bão ập đến nhấn chìm.Cái nguy hiểm cứ rình rập, đe dọa tính mạng bao người dân làng chài nghèo trên biển. Vì cuộc sống mưu sinh đôi khi họ cũng phó mặc tính mạng cho sự rủi may chẳng biết đâu mà sợ mà tính nữa. Có lúc do kinh tế khó khăn, học sinh bỏ học nhiều, Kim Lan phải đến từng nhà vận động để các em được đến lớp.
Cu Mạnh đã tròn bốn tuổi, vợ chồng Dũng đưa con ra bờ biển chơi. Cu Mạnh tung tăng chạy nhảy nô đùa với sóng không biết chán, đuổi bắt dã tràng không biết mệt. Được đi chơi với vợ con, Dũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Từ ngày lấy vợ Dũng mạnh dạn hẳn lên, còn tếu táo trêu vợ nữa. Chiều hôm ấy Dũng ăn cơm xong trước, bế cu Mạnh ra ngoài đút cháo rồi cưng nựng con: “Chịu khó ăn nhiều vào cho chóng lớn đi biển với bố nhé, tối nay bố đi biển, sáng đem cá tươi về cho con ăn, ở nhà không được quấy mẹ để mẹ soạn bài mai còn lên lớp nhớ chưa?”. Mạnh ấp úng “Con nhớ rồi”. Dũng chào bố mẹ, liếc nhìn vợ tình tứ rồi xách đồ xuống thuyền.
Hôm nay trời oi nồng khó chịu, thuyền Dũng cùng hai thuyền nữa chạy trước khoảng nửa giờ còn lại các thuyền chạy sau.Cách đảo chừng hai mươi cây số chuẩn bị thả lưới thì trời trở gió, mây đen ùn ùn kéo về.Biết trời sắp nổi giông bão, mọi người kéo lái cho thuyền vào được một lúc thì gió mưa ào ạt ập đến chạy vời vợt mãi thuyền mới cập bờ. Sáng ra mọi người kiểm tra còn thiếu ba chiếc thuyền, trong đó có thuyền của Dũng. Nhận được tin chẳng lành Kim Lan ngất xỉu, nhà trường phải cho người dìu Kim Lan về nhà. Ông Hoan là người bình tĩnh nhất trong nhà bảo con cháu: “Chờ hết gió là phải nhanh chóng chia nhau đi tìm”. Bà Hạnh nằm liệt giường không dậy được thương con khóc rưng rức, chỉ có cu Mạnh là ngơ ngác không biết gì đã xảy ra. Thấy mẹ khóc nức nở trong buồng cu Mạnh chạy vào nằm cạnh mẹ thản nhiên hỏi: “Sáng nay sao không thấy bố Dũng đem cá về hả mẹ?” Kim Lan ôm con vào lòng nghẹn ngào không nói lên lời. Cả làng Đảo Vân tập trung hết đi tìm, phụ nữ người cao tuổi thì đi tìm quanh đảo, người khỏe thì chạy thuyền đi tìm ngoài khơi.Không khí đau buồn trùm lên khắp đảo, tất cả chỉ biết nín thở chờ đợi tin lành hay dữ.Đã bốn ngày trôi qua không có dấu vết tích gì trôi dạt vào bờ, hoặc trên biển.Hy vọng vơi dần, còn nỗi buồn thì ngày một tăng. Đến ngày thứ bảy Ủy ban quyết định không tìm kiếm nữa mà làm lễ truy điệu. Lễ truy điệu chung có cả chín người, xong gia đình có người mất tích tự làm thủ tục cúng và đắp mộ gió. Thủ tục mộ gió chuẩn bị một sọ quả dừa, một bó hom dâu chặt dài khoảng bốn mươi phân cho vào quan tài bằng gỗ, thủ tục cúng như mộ có thi hài. Sau khi an táng xong đặt một hòn đá để phía đầu mộ. Mồ yên mả đẹp cho chồng xong, Kim Lan xin nhà trường nghỉ một tuần vì sức khỏe. Đêm nào Kim Lan cũng mơ thấy chồng, có lần trong mơ Dũng nói với vợ “Anh không chết đâu, ít ngày nữa là bọn anh về”. Tỉnh giấc Kim Lan nghĩ đời nào có chuyện ấy xảy ra được. Hàng ngày Kim Lan vẫn hương khói đều cho chồng. Cứ đến bữa ăn là xới một bát cơm, một bát thức ăn, một bát to nước, một chiếc khăn mặt để lên bàn thờ cho đủ một trăm ngày, cúng xong trăm ngày mới thôi. Cô xác định ở vậy nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng và trọn đời với làng Đảo Vân này, với đàn em nhỏ thân yêu. Có lần Kim Lan ra mộ gió thắp hương cho chồng rồi đi về gò cát ngày ấy, nơi Kim Lan bẻ một cành trâm cắm giờ đã khô héo. Kim Lan mường tượng thấy chồng đang đọc thơ cho mình nghe: “Nhớ nhau thì cứ lối này mà sang”. Từ hôm mơ thấy chồng nói như vậy, cô không nói cho ai biết, tối đến chỉ biết ôm con hy vọng đợi chờ. Đã có lần Kim Lan đọc ở đâu đó về giác quan thứ sáu có lúc cũng linh nghiệm lắm.
Đêm ấy trời mưa lâm thâm, tiếng sóng xa vẫn cứ dội về ầm ào không ngớt ông Hoan giật mình nghe có tiếng gõ cửa cành cạch rồi có tiếng gọi: “Bố ơi! Mở cửa cho con”.Ông Hoan nằm im lặng đợi thêm chút nữa lại có tiếng gõ cửa và gọi. Ông bật dậy định hình lại mình tỉnh hay mơ đây? Nhẹ nhàng đi về phía bàn thờ, ông đốt ba nén hương lẩm bẩm khấn Dũng: “Con ơi! Bố mẹ và vợ con của con thương tiếc con lắm, bố mẹ đã đắp mộ gió cho con rồi, con sống khôn chết thiêng thì ra đấy đi, đừng về quấy bố mẹ và vợ con con nữa”. Trong buồng Kim Lanđã nghe được hết tất cả, cô thức dậy bê đèn ra khỏi buồng vặn đèn cháy to lên. Ông Hoan bủn rủn cả người, đứng không vững nữa phải ngồi xuống giường. Bà Hạnh run lẩy bẩy ra ngồi cạnh chồng. Tiếng Dũng gọi lần này to nghe rõ ràng hơn. Với linh cảm của một người vợ má ấp môi kề, Kim Lan quyết định ra mở cửa. Vợ chồng ông Hoan hồi hộp lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra đây. Cửa được mở, Kim Lan không tin vào mắt mình nữa. Dũng đây rồi, người chồng yêu quý bằng xương bằng thịt thật đây rồi. Cô vội víu tay vào cánh cửa ngồi sụp xuống đất. Ông bà Hoan nhìn thấy vậy hoảng loạn, ngơ ngác đang phải chứng kiến một cảnh tượng thật bất ngờ.Dũng thấy vậy bỏ túi quần áo xuống bế vợ lên: “Em làm sao vậy”. Dũng bế vợ vào giường rồi ra chào bố mẹ, Dũng nhìn lên bàn thờ hương vẫn cháy, chiếc ảnh của Dũng để cạnh bát hương mới, dưới bát hương các cụ. Vậy là Dũng đã hiểu.Lúc này bố mẹ Dũng ngồi bần thần như trong mơ. Dũng vội chạy sang ôm bố mẹ rồi nói: “Con Dũng đây không phải ma đâu”. Ông Hoan trấn tĩnh lại nhìn con. Kim Lan cũng ra đứng cạnh chồng, bà Hạnh ú ớ được mấy câu rồi đứng dậy ôm con vào lòng không kìm nổi xúc động bà tu lên khóc vì sung sướng. Cu Mạnh chạy ra thấy bố hỏi: “Bố đi đâu mà lâu thế bây giờ mới về”. Niềm vui chưa từng có bất ngờ vỡ òa trong đêm mưa lành lạnh. Dũng ôm con vào lòng nghẹn ngào cảm xúc không nói lên lời…
Hôm ấy thuyền của Dũng và hai chiếc nữa đi quá xa, khi phát hiện ra giông bão thì chạy vào bờ không kịp nữa buộc phải xuống buồm kéo lái cho thuyền trôi xuôi theo chiều gió, lênh đênh hết đêm ấy sang ngày hôm sau thì trôi dạt vào đến tận biển Thanh Hóa. Cả ba chiếc đều bị hư hỏng nặng khi cập bờ. Được bà con ngư dân trong đó cứu giúp, cho ăn, giúp sửa chiếc thuyền cho bọn con trở về. Bà con ở đó còn cấp lương thực cho đi đường nữa. Người dân trong đó cũng làm nghề biển như ta ngoài này, dân biển ở đâu cũng quý giúp nhau tình nghĩa như vậy”. Được tin cả làng Đảo vân kéo đến chia vui với từng nhà, niềm vui ngập tràn khắp đảo. Rồi cùng nhau ra tháo chín cái mộ gió lên vùi lấp lại. Đêm ấy vợ chồng Dũng tâm sự mãi khuya, bất chợt Dũng hỏi vợ: “Giả dụ mà anh không về được, thì em có bỏ Đảo vân về quê không”. “Sao anh lại nghĩ về em như vậy- cô nói- Em sẽ cố vượt qua nỗi đau thay anh chăm sóc bố mẹ già, nuôi đạy con khôn lớn làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ của một người giáo viên, vì học sinh thân yêu cho đến lúc già ở lại với làng Đảo Vân này.” Dũng nghe vợ nói mà mát gan mát ruột.
Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Đảo Vân được đầu tư hạ tầng cơ sở, bệnh xá trường học được xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm được mở rộng.Thuyền đò đóng mới gắn máy chỉ hơn một tiếng là vào đến đất liền. Hợp tác xã cao cấp được thành lập, phương tiện đánh bắt trang bị hiện đại, có tàu trọng tải từ 30 tấn đến 80 tấn gắn máy từ 30 CV đến 150 CV. Ngư cụ tiên tiến, có cả máy dò cá, la bàn, điện đài liên lạc không còn lo giông bão ập đến bất ngờ nữa. Dũng được cho đi học văn hóa, trung cấp quản lý kinh tế. Kim Lan thì được đi học tại chức Đại học sư phạm và quản lý trường. Chỉ có hơn mười năm thôi mà đời sống dân Đảo vân đã được cải thiện rõ rệt.Nhà ngói được mọc lên thay cho những mái tranh nghèo xưa cũ.Đảo Vân đã có trường cấp hai. Kim Lan được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường cấp hai, Dũng thì được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Đứa con trai đi bộ đội đóng quân ở đơn vị bác Hùng, đứa con gái mới học năm thứ nhất Đại học sư phạm Hà Nội. Bây giờ gia đình Dũng kinh tế đã ổn định có của ăn của để, nhà cửa đàng hoàng, Đảo Vân đã có trường cấp ba. Dũng bàn với vợ thuê một chiếc xe đón bố mẹ vợ ra chơi.
Được ra thăm Đảo Vân, bố mẹ Kim Lan vui lắm. Ông nói với vợ: “Bà thấy không, nhận định của tôi, con gái mình có trí như vậy ắt sẽ thành công mà”.
Bà bảo:“Nhưng mà ông có biết nó đã phải vượt qua bao gian nan thử thách, vất vả lắm mới có được ngày hôm nay đấy ông ạ! Tôi thương nó đứt ruột đứt gan ông có biết không?”.
“Bà thấy tôi đánh giá con rể mình tuyệt không?”.
“Thôi tôi chịu ông rồi”.
Sáng hôm sau Dũng đưa bố mẹ vợ đi thăm đảo, và còn cho biết những dự án phát triển Đảo Vân trong tương lai, bố mẹ Kim Lan mừng lắm, bảo nhau: “Từ nay không phải lo cho con thân gái dặm trường nữa”.
Đường tới Đảo Vân. Thoáng chốc đã gần ba mươi năm rồi nhỉ…Kim Lan giờ đã là một cư dân thuần thục của làng đảo này. Thoạt nhìn, nhiều người không nghĩ cô quê gốc ở Bắc Ninh. Chỉ cái duyên quan họ là còn mãi.