CUỘC ĐỜI, VĂN CHƯƠNG VÀ BÈ BẠN - Lý luận phê bình văn học của Nguyễn Sản – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ ( P1)

Lý luận phê bình văn học của Nguyễn Sản – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ - sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 11/2020.

CUỘC ĐỜI, VĂN CHƯƠNG VÀ BÈ BẠN

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Nguyễn Khắc Xương đã “lập thân, lập nghiệp, lập danh” độc lập, không “núp bóng” cha mình - thi sĩ Tản Đà. Ông cặm cụi như cái kiến tha lâu đầy tổ, như cánh ong siêng năng góp mật dâng đời, để trở thành nhà nghiên cứu văn học dân gian thâm hậu. Sắp đến ngày giỗ hết của ông, tôi viết bài này hy vọng mang đến cho người đọc một góc tiếp cận về cuộc đời, văn chương và bè bạn của một bậc đại thụ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian vùng đất Tổ.

CUỘC ĐỜI VÀ VĂN CHƯƠNG

Còn nhớ, cách đây 9 năm, nhằm đúng ngày Nô-en, tại tư gia, con cháu nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Khắc Xương tổ chức một tiệc nhỏ để mừng ông con trưởng của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tròn tuổi 90. Người xưa ví von: Thất thập đã là “cổ lai hy”, bát thập “như đại phúc” thì cửu thập “như nhân tiên”.

Năm ấy, trong ngôi nhà “cấp 5” đơn sơ nằm sâu trong con ngõ nhỏ bên đường Lê Quý Đôn, ở khu 9 phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì đang có hai “nhân tiên” là ông bà Nguyễn Khắc Xương. Đầy đặn "cửu thập niên" nhưng cụ ông vẫn minh mẫn dù bước đi có phần chậm chạp. Ít hơn cụ ông vài tuổi nhưng do phải vất vả thân cò “quanh năm lặn lội ở mom sông, nuôi đủ bảy con với một chồng” nên cụ bà nay đã yếu và hơi lẫn. Dưới vầng trán rộng phủ mây trắng bồng bềnh là ánh mắt tinh anh sau cặp kính lão, ông Xương vẫn chỉ cho tôi những con chữ li ti trong một tài liệu xuất bản từ năm 1997 của Tiến sĩ Lê Văn Kỳ ở Viện nghiên cứu văn hóa dân gian. Khổ thân con trẻ, sinh sau ông gần bốn mươi năm đã phải lôi mục kỉnh ra để cùng nhìn với “nhân tiên”. Ở cuốn sách ấy, ông Tiến sĩ họ Lê viết rằng: “Năm 1973, trên tạp chí Văn học, Nguyễn Khắc Xương công bố bài Tìm hiểu mối quan hệ giữa thần thoại, truyền thuyết và diễn xướng tín ngưỡng phong tục. Trong lịch sử của việc nghiên cứu mối quan hệ giữa truyền thuyết và hội lễ, bài viết của Nguyễn Khắc Xương là công trình duy nhất có những nhận xét xác đáng”. Đây là một khẳng định về giá trị học thuật trong tác phẩm của Nguyễn Khắc Xương, là minh chứng về sự thành công trên con đường sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian mà ông đã chọn sau khi đã qua mấy ngả rẽ từ đội viên tự vệ thành Hà Nội, đội viên tuyên truyền xung phong, chiến sĩ Ty Công an Hải Phòng, cán bộ ủy ban huyện Hạ Hòa. Sau gần chục năm “điền dã” tới 581 nơi thờ tự gồm đền, miếu, đình nghè; nghiên cứu gần 600 thần tích, ngọc phả cùng 80 di chỉ khảo cổ học, đến năm 1971, Nguyễn Khắc Xương đã cho ra mắt tác phẩm đầu tiên của mình: Truyền thuyết Hùng Vương. Tập sách quý này dường như cứ vài năm lại bổ sung, tái bản, có lần in tới 40 nghìn cuốn.

Từng đỗ tú tài Tây học, rất giỏi Pháp văn lại hiểu biết trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật cộng với sự dày công sưu tầm, nghiên cứu, nên số lượng các sản phẩm khoa học của ông ngày càng nhiều thêm. Sau truyền thuyết Hùng Vương là hàng loạt cuốn sách có giá trị: Truyền thuyết Trưng Vương; Hát Xoan, hát Ghẹo Vĩnh Phú; Tục ngữ, ca dao, dân ca Vĩnh Phú; Văn hóa làng Phú Thọ; Văn hóa Việt Mường trong mối quan hệ truyền thống; Văn hóa Mường Phú Thọ; các tập sách kể chuyện dân gian, thơ ca, ngạn ngữ dân gian đất Tổ; Nghiên cứu các hèm tục, lễ nghi dân gian, các trò chơi, trò diễn hội làng. Đặc biệt, cuốn Hát Xoan Phú Thọ là một tài liệu quý, góp phần hoàn thiện hồ sơ để UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong bài báo Con của những người nổi tiếng in trên báo Truyền hình cách đây gần hai chục năm, nhà văn Băng Sơn viết: “Con trai nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là ông Nguyễn Khắc Xương- một nhà nghiên cứu thật sâu và xuất sắc về Nguyễn Khắc Hiếu – tức là về người cha thân yêu của mình”. Điều ấy lý giải vì sao Nguyễn Khắc Xương có các công trình nghiên cứu rất đồ sộ về cha mình - ông Thần Ngông: Tuyển tập Tản Đà, Giai thoại Tản Đà, Tản Đà trong lòng thời đại với gần 3.000 trang in.

Từ người nghiên cứu, với thành tựu khoa học của mình, ông Nguyễn Khắc Xương lại là đối tượng nghiên cứu của văn học. Bằng chứng là chính giáo sư Lê Chí Quế ở Đại học sư phạm Hà Nội đã viết thư tay cho ông mong được giúp đỡ để cô sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung hoàn thành khóa luận tốt nghiệp về “Sự đóng góp của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Xương đối với ngành văn học dân gian và văn hóa dân gian”.

Từ tác phẩm đầu tay Truyền thuyết Trưng Vương, xuất bản năm 1971, các tác phẩm tiếp sau về văn hóa dân gian liên tục ra đời, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng: Tục ngữ ca dao, dân ca Vĩnh Phú (1994), Ví giao duyên (1995), Hát xoan Vĩnh Phú (1996), Hội làng quê, Vĩnh Phú (1997), Văn hóa làng Phú Thọ (viết chung - 1998). Ông đã được UBND tỉnh Vĩnh Phú trao tặng giải thưởng Hùng Vương về văn học - nghệ thuật và được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trước khi qua đời ở tuổi 97, ông hoàn thành bộ Toàn tập Tản Đà, tập hợp các trước tác của thân phụ mình.

THƠ - MỘT GƯƠNG MẶT NGUYỄN KHẮC XƯƠNG

Bấy lâu nay, người đọc chủ yếu biết nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Khắc Xương qua các công trình nghiên cứu, các tập sách có giá trị, như Truyền thuyết Hùng Vương, Trưng nữ Vương, Hát Xoan Ghẹo Vĩnh Phú, Đến với văn hóa Việt Mường, Hội làng quê đi từ đất Tổ... Ông còn được biết đến với tư cách "nhà Tản Đà học" bằng Tuyển tập Tản Đà, Ông Thần ngông, Tản Đà - Thơ và đời, Tàn Đà - một đời văn, Tản Đà trong lòng thời đại, Tản Đà trong văn học sử.... Nhưng hẳn là ít người được biết đến ông trong một bình diện khác - Nguyễn Khắc Xương của... Thơ!

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Khắc Xương, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ đã xuất bản tập thơ "Hoa táo vườn xưa" như món quà mừng ông thêm tuổi mới.

"Hoa táo vườn xưa" là tập thơ tình, tập thơ duy nhất của Nguyễn Khắc Xương. 102 bài thơ chứa đựng những cảm xúc tình yêu được giữ gìn từ thuở tuổi ba mươi đến lúc xế chiều. Mỗi bài thơ là một kỷ niệm ngọt ngào, say đắm của người đàn ông tài hoa, đa tình. Đọc xong và gấp cuốn sách nhỏ xinh, hơn trăm rưởi trang in, trong ta dường như vẫn hình dung rõ cái màu bàng bạc, óng ánh, gợi nhớ đến nao lòng của chùm hoa táo đầu mùa. Màu hoa huyền ảo, lãng đãng trong sương gợi nhớ về một miền ký ức. Những cánh hoa tinh khôi như vẫn còn rơi rơi trong khu vườn đầy kỷ niệm.

Người chiến binh ra đi từ một khu vườn nhỏ, có cây táo bên bờ ao trĩu quả ngon lành. Tạm biệt một tình yêu ngọt ngào hơn nghìn ngày tuổi nhưng vẫn rụt rè chưa nụ hôn trao nhau, "anh ra đi hoa táo trắng hồn". Ba mươi năm ròng, qua hai cuộc trường chinh mịt mù khói lửa, mỗi "bước chân đi, hoa táo trắng hồn", để rồi: Buổi gặp lại hai mái đầu điểm bạc/ Kỷ niệm xưa nhắc lại một đôi câu/ Ta vẫn thương nhau như buổi ban đầu/ Nhưng chuyện cũ cũng đắng lời tiếc hận/ Không là tình yêu cũng không là tình bạn/ Thương nhau trọn đời không một lần hôn/ Cây táo vườn xưa hoa nở trắng hồn anh! Đó là một câu chuyện tình cảm động, dù kết thúc không phải là sự đoàn tụ viên mãn, nhưng trong anh, ký ức tình yêu vẫn xanh tươi, hoa táo vườn xưa vẫn trắng ngần, bảng lảng.

Đời thơ Nguyễn Khắc Xương được ghi dấu bằng những bài thơ đầu tay viết khi chớm tuổi ba mươi. Đọc các bài thơ: Không đề 1, Đi dưới trời xanh, Chiều quê, Đêm Ba Vì, Chiều rừng, Rừng Xuân... ta bắt gặp ánh mắt họa sĩ trong tâm hồn thi sĩ, chiến sĩ. Dọc đường hành quân, Nguyễn Khắc Xương vẽ trước mắt chúng ta bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ, dù gam màu "nóng" hay "lạnh", nhưng tất cả đều chan chứa tình đời, tình người. Hiu hiu gió tự xa về/ Rừng nghe lành lạnh, chiều nghe buồn buồn/ Nắng về đỉnh núi cô đơn/ Thung sâu nắng nhạt, đường son mờ dần...(Không đề 1); Ta đi dưới trời xanh/ Trong nắng vàng hổ phách/ Ta đi dưới trời xanh/ Mê giữa đời bát ngát... (Đi dưới trời xanh); Ngàn lau bạc tím lương đèo/ Gió lên hiu hắt giữa chiều mênh mông/ Rừng xanh hoa mí tím hồng/ Hoa mua tím mát còn vương nắng chiều (Chiều rừng)...Đồng quê bình dị êm đềm/ Xanh mờ dáng núi, cong mềm dòng sông/ Lúa xanh xa tít cánh đồng/ Con mương mới đắp lượn vòng quanh quanh/ Hàng cây thấp thoáng mái tranh/ Màu vàng cũng nhạt, màu xanh cũng mờ... (Bức tranh đồng quê)...

Nổi tiếng về nghiên cứu văn học dân gian, với ông Nguyễn Khắc Xương, thơ không phải là sự nghiệp mà chỉ là phút "nghỉ tay" giữa bộn bề tư liệu, là chốc lát dừng chân trên bước đường điền dã kiếm tìm. Gom nhặt trong nửa thế kỷ để có hơn trăm bài thơ là những tâm trạng yêu thương, buồn nhớ, khắc khoải, mong chờ; là những khoảng tâm thức lắng đọng trong dòng chảy cuộc đời: Có những chiều buồn giăng hàng cây/ Hoàng hôn nỗi nhớ cứ giăng đầy/ Thôn xa khói nhạt bay phơ phớt/ Mắt nhớ về đâu đôi mắt ngây? (Nhớ); Tình yêu không nói băng lời/ Nói bằng ánh mắt/ Tình yêu không nói băng lời/ Nói bằng đôi môi/ Tình yêu không nói băng lời/ Nói bằng trái tim thổn thức/ Bằng những vần thơ rạo rực/ -Tình ơi vỗ cánh về đâu? (Tình không nói); Buồn trông con nhện giăng tơ/ Tơ lòng giăng mắc, ai chờ - chờ ai?/Buồn trông sương ướt bông nhài/ Cho hoa thêm lạnh, cho dài nỗi thương/... Buồn trông, trông mãi trông hoài/ Trông ai mau đến cùng ai trong buồn (Buồn trông)...

Nguyễn Khắc Xương sinh sau "ông thần thơ tình" Nguyễn Bính 4 năm, có thể xem như là cùng thế hệ. Khi con trai cụ Tản Đà có những bài thơ đầu tiên thì sự nghiệp thi ca của Nguyễn Bính đã rực rỡ ngang trời. Vậy nên cũng như lòng ngưỡng mộ, thơ người sau có chút gì đó chịu ảnh hưởng của thơ người đi trước cũng là điều dễ hiểu. Đọc những dòng thơ của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Khắc Xương, tôi nhớ đến những câu thơ đầy màu sắc và tâm trạng của Nguyễn Bính: Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh/ Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm/ Da trời ai nhuộm mà lam/ Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai? Đọc một vài bài thơ với cái tứ dù "quen quen" dáng tạng của người đi trước nhưng vẫn đủ gợi cho ta những yêu thương, mong ngóng nơi làng quê thanh bình: Đôi ta khác xã cùng quê/ Gần nhà xa ngõ đi về có nhau/ "Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng"/ Nhà em có búi tơ hồng/ Nhà anh có một cây hồng thắm hoa...(Bao giờ). Cùng tâm trạng chị Trúc của Nguyễn Bính trong bài lục bát Lỡ bước sang ngang, là tâm trạng cô dâu trong Đám cưới em của tác giả "Hoa táo vườn xưa" với ba khổ thơ 5 chữ: Hôm nay đám cưới em/ Bến thu sông vàng nắng/ Hôm nay đám cưới em/ Mắt em buồn xa vắng/ Trời thu đầy mây trắng/ Mắt em buồn mênh mang...

Đọc "Hoa táo vườn xưa" thấy rõ ràng Nguyễn Khắc Xương không chủ ý làm thơ mà là bất chợt thơ đến với ông trong xúc cảm cảnh với tình. Ông bộc bạch điều này trong bài thơ Sáu mươi xuân viết vào tối mùng 2 Tết Quý Mùi - 2003: Sáu mươi tuổi chẵn vẫn vui tươi/ Xuân vẫn cùng ai nở nụ cười/ Dòng thơ đẹp mãi tình xuân thịnh/ Cho mãi tình xuân thắm với đời. Làm thơ như là sự tri ân với cuộc đời.

Khi đọc "Hoa táo vườn xưa" tôi thấy thật thú vị khi gặp những tứ thơ tình bình dị, những câu thơ hồn hậu trao gửi niềm yêu, nỗi nhớ. Với tôi, thơ tình Nguyễn Khắc Xương như một khái niệm là lạ của vườn thơ đất Tổ.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này