CUỘC ĐỜI, VĂN CHƯƠNG VÀ BÈ BẠN - Lý luận phê bình văn học của Nguyễn Sản – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ (P2)

CUỘC ĐỜI, VĂN CHƯƠNG VÀ BÈ BẠN

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Nguyễn Khắc Xương đã “lập thân, lập nghiệp, lập danh” độc lập, không “núp bóng” cha mình - thi sĩ Tản Đà. Ông cặm cụi như cái kiến tha lâu đầy tổ, như cánh ong siêng năng góp mật dâng đời, để trở thành nhà nghiên cứu văn học dân gian thâm hậu. Sắp đến ngày giỗ hết của ông, tôi viết bài này hy vọng mang đến cho người đọc một góc tiếp cận về cuộc đời, văn chương và bè bạn của một bậc đại thụ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian vùng đất Tổ.

ẤM ÁP TRONG LÒNG BÈ BẠN

           "Nguyễn Khắc Xương, cây đại thụ văn hóa dân gian tỏa bóng vùng châu thổ sông Hồng. Ông nổi tiếng vì sự am hiểu sâu sắc về vùng đất Tổ từ trấn Sơn Nam Hạ tới miền trung du Bắc bộ và cả Kinh thành Thăng Long. Từ thời trai trẻ, ông điền dã, sưu tầm, nghiên cứu mọi miền quê để chắt chiu, gom góp dựng lên tòa lâu đài “Truyền thuyết Hùng Vương”, “Truyền thuyết Trưng Vương”. Dưới góc độ văn hóa dân gian, ông cùng các nhà khảo cổ, lịch sử, dân tộc học có công vén bức màn sương khói thời gian để bước vào tòa lâu đài chính sử thời dựng nước Văn Lang"... Đó là nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Trưởng Chi hội Lý luận - Phê bình thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh về nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương.

Khi thứ nữ của ông là chị Mai Thoa có gửi tặng tôi cuốn sách "Nguyễn Khắc Xương trong lòng bè bạn". Nhìn nét ký, dòng tên ông ghi dưới dấu "kính biếu" nghiêng nghiêng, run run tôi vô cùng xúc động, bởi đó là chữ ký của người đã đi xa…

Nhìn tấm ảnh in trên trang bìa, phải công nhận trưởng nam của thi sĩ Tản Đà đẹp lão. Dưới vầng trán rộng, mái tóc dài chấm vai, xõa ra như mây trắng bồng bềnh là ánh mắt vẫn đầy khát vọng sau cặp kính dày cộp đọng giọt mồ hôi ngày hạ. Tia nắng chiều khúc xạ trên thấu kính lung linh như hai ngọn nến. Trong ánh nhìn bậc cao niên, tôi thấy ông như vẫn dồi dào năng lượng nghiên cứu và sáng tạo.

Có thể có người còn chưa biết Nguyễn Khắc Xương là tác giả của hàng trăm đầu sách đã được xuất bản, được giới nghiên cứu tôn vinh là "cây đại thụ" văn hóa dân gian đất Tổ. Ông là một trong những nhà nghiên cứu có công lớn làm sáng tỏ thời đại Hùng Vương dựng nước, đưa giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan Phú Thọ, Hát Ca trù...trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nguyễn Khắc Xương còn là nhà "Tản Đà học" số 1 cùng với công việc sáng tác văn học. Vì thế, chính ông lại là đề tài, đối tượng tìm hiểu, nghiên cứu, phản ánh, sáng tác của giới báo chí, văn học, nghệ thuật, và từ góc độ này, ta có thể thấy một Nguyễn Khắc Xương trong lòng bè bạn thân thương, ấm áp đến nhường nào!

Hội tụ trong tập sách "Nguyễn Khắc Xương trong lòng bè bạn" là những bài viết của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo và các tác giả khác yêu quý, mến phục ông. Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thái Tôn; Thạc sĩ văn chương Đỗ Nguyên Thương viết "Đôi điều về nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương". Nhà báo Hà An kể lại câu chuyện "Gặp trưởng nam của thi sĩ Tản Đà". Tác giả Nguyễn Anh Đào giới thiệu công trình sưu tầm, biên soạn "Tản Đà toàn tập" và "Nhà Tản Đà học Nguyễn Khắc Xương". Ngô Kim Đỉnh nhìn nhận ông ở vị trí "Nhà Phú Thọ học". Nhà báo Đỗ Hà kể lại câu chuyện Tản Đà "Ngày ba mươi Tết ngẫu hứng ra đi" và hành trình "65 năm giữ nếp nhà" của người con trai trưởng. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải có nhiều bài viết công phu về con trai ông "thần ngông". Nguyễn Tham Thiện Kế kể lại câu chuyện về mối quan hệ thâm sâu giữa nhà văn Nguyễn Tuân với con trai Tản Đà là Nguyễn Khắc Xương... Một số bài viết khác giới thiệu những công trình nghiên cứu của ông về Hát Xoan Phú Thọ, Truyền thuyết Hùng Vương, Truyền thuyết Trưng Vương; kể lại những chuyện "đời thường" rất đỗi hồn nhiên của bậc "tiên chỉ" trong làng nghiên cứu văn học dân gian đất Tổ...

Đọc “Nguyễn Khắc Xương trong lòng bè bạn” không khó để cảm nhận tình yêu của người đời đối với ông. Từ Tân Linh, Vi Thùy Linh - những nhà văn, nhà báo tài hoa đến các họa sĩ, nhà thơ, nhà văn như Cao Văn Định, Đỗ Ngọc Dũng, Vi Quốc Hiệp, Nguyễn Anh Tuấn, Thảo Phương, Trương Văn Quân, Cao Văn Thịnh, Phương Quý, Kim Ngọc Đại... đã viết về ông dưới nhiều góc độ tiếp cận.

Nhà thơ, nhà giáo, nhà “câu đối học” Phan Chúc nay cũng đã ngoại "bát niên" đến với ông lúc sinh thời như một người bạn vong niên, tự nguyện trở thành "liên lạc viên", cầu nối chuyển bài của Nguyễn Khắc Xương tới các cơ quan văn học, báo chí Trung ương. Ông Chúc có những câu đối quá hay kính tặng bậc đàn Anh. Gần hai chục năm trước, nhân lễ mừng thọ ông Xương, nhà giáo nghèo viết chữ thảo trên giấy giang đề tặng đôi câu đối: Bảy lăm năm nối nghiệp thi thư, bút mòn còn tre núi Tản; Muôn vạn dặm theo đường kinh sử, mực hao có nước sông Đà. Tâm đắc và quý trọng chữ tặng của bạn vong niên, nên dù chuyển nhà, ông Xương vẫn dành vị trí trang trọng bên di ảnh Tản Đà để treo.

Xưa cụ Nguyễn Khắc Hiếu đã tự bạch: Trời sinh ra bác Tản Đà / Quê hương thời có, cửa nhà thì không. Cụ sinh ngày 20-4 và mất cùng ngày ở tuổi 40. Nay trưởng nam Nguyễn Khắc Xương đã 94 tuổi, có hai quê là Ba Vì và Phú Thọ, lại có cửa nhà đàng hoàng phía trong ngõ phố đường Lê Quý Đôn ở Việt Trì. Đây là nơi lui tới thường xuyên của các bậc hậu sinh muốn "tầm sư học đạo". Ông đã tạo nên một sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ vì một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, là người duy nhất được UBND tỉnh Phú Thọ hai lần tặng giải thưởng Hùng Vương về văn học nghệ thuật. Và, hơn tất thẩy, ông Nguyễn Khắc Xương còn hiến dâng cho Tổ quốc liệt sĩ Nguyễn Tất Hiển - cháu đích tôn của Tản Đà - khi anh đang tuổi hai mươi. Cùng với sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với gia đình liệt sĩ; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn có được sự quý thương, nể trọng của nhiều người cầm bút như đã thấy từ cuốn sách "Nguyễn Khắc Xương trong lòng bè bạn".

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này