Trích đoạn nghiên cứu “Văn học dân tộc Tày từ góc nhìn văn hóa” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Thị Hảo – Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên (P2)
- Written by Minh Phương
Trích đoạn nghiên cứu “Văn học dân tộc Tày từ góc nhìn văn hóa” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Thị Hảo – Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên – hoàn thành tại nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4/2021
2.3. Tiếng Tày và văn học Tày
2.3.1. Tiếng Tày trong văn học
Tiếng Tày chỉ ngôn ngữ nói của người Tày và cách viết phiên âm tiếng nói người Tày theo mẫu tự La tinh. Về chữ viết người Tày không có hệ thống chữ viết cổ kiểu như người Thái, Dao hay Chăm. Trước đây họ mượn chữ Hán để sáng tác và tạo ra chữ Nôm Tày. Thời kì cuối thế XIX trở về trước, họ dùng chữ Hán và chữ Nôm Tày trong các công việc hành chính, sáng tác văn chương, ngày nay kiểu chữ này vẫn được dùng trong cúng lễ. Những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sau Cách mạng tháng Tám, khi chữ Quốc ngữ được phổ biến, người Tày đã mượn hệ thống âm tự của chữ Quốc ngữ để phiên âm theo cách đọc tiếng Tày. Về mặt ngữ pháp (vị trí, chức năng của chủ ngữ, vị ngữ, động từ, tính từ...) tương đối giống tiếng Việt. Về thanh điệu, tiếng Tày có năm thanh điệu (không, sắc, lặng, hỏi, huyền), không có thanh ngã ( ). Tuy nhiên, tiếng Tày vẫn có một số điểm khác tiếng Việt. Chẳng hạn, một số chữ cái tiếng Kinh ít dùng thì trong tiếng Tày lại khá phổ biến như: f (fây, fột, fạ...); j, p (pja, pjá, phjắc, phj Boóc...). Hoặc một số phụ âm đi liền nhau tạo thành âm tiết kép cũng xuất hiện nhiều trong tiếng Tày như: oo (noọng, boóc, loỏng...), oô (lồng toồng), âư (nâư, nẩư, tẩư...). Trong quá trình phát triển tiếng Tày đã và đang được bổ sung, sử dụng nhiều từ vựng thuộc nhóm Hán - Việt và từ thuần Việt. Nhóm từ vựng trong hệ thống tiếng nói thống nhất của cả nước đã tạo thuận lợi cho người Tày phát triển ngôn ngữ, chữ viết của mình.
Tiếng Tày dùng chủ yếu để giao tiếp giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc Tày. Trong làng bản, xóm thôn, trong gia đình, họ mạc, trong trao đổi mua bán ở những phiên chợ vùng cao, trong lễ hội văn hóa, hoạt động lễ nghi... tiếng Tày được sử dụng phổ biến. Ở những bản làng xa trung tâm, tiếng Tày là ngôn ngữ chính được sử dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày. Trong giáo dục hiện nay, ở một số vùng sâu, vùng xa, tiếng Tày được sử dụng song song cùng tiếng Kinh.
Trong thực tế, xã hội phát triển theo chiều hướng hội nhập nên tiếng Tày ít được sử dụng trong đời sống của những đồng bào ở trung tâm huyện/thị, thành phố trung tâm của các tỉnh miền núi – nơi có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Thậm chí ở nhiều nơi, người dân tộc Tày ở thế hệ thứ ba không còn nói được tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của ông cha mình. Dường như cùng với sự hiện đại hóa, giao lưu mở cửa, đời sống vật chất của đồng bào được cải thiện hơn thì những vấn đề thuộc về bản sắc văn hóa, hồn cốt riêng của dân tộc cũng đang có nguy cơ bị mai một, biến dạng thậm chí biến mất hoặc triệt tiêu cho thích ứng với đời sống hiện đại.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với tiếng Tày mà cả với những ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác. Đây cũng là một thách thức đặt ra trong việc bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người. Bởi sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ sẽ lưu giữ được điệu hồn của tộc người. Khi chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, bản sắc và hồn cốt dân tộc sẽ bị phôi phai ít nhiều hoặc không thể diễn tả tốt tâm tư tình cảm của chủ thể. Đây cũng là một thách thức đối với chúng ta khi xã hội đang tiến tới hòa nhập môi trường hiện đại, hội nhập thế giới mà vẫn muốn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của các cộng đồng tộc người.
Ngôn ngữ mang trong bản thân nó những đặc trưng văn hóa của một tộc người vì nó vừa là sản phẩm vật chất đồng thời cũng là sản phẩm tinh thần. Thông qua ngôn ngữ, bạn đọc có thể khám phá những cách quan niệm, đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng hay phong tục tập quán của một tộc người. Bởi “không đơn giản là tác giả dùng công cụ ngôn ngữ để truyền đạt một vấn đề nào đó, mà quan trọng là trong bản thân hệ thống ngôn ngữ độc đáo kia đã ẩn chứa những nội dung, những lời đề nghị, những dự báo thể hiện những khát vọng, lí tưởng thẩm mĩ cao đẹp của tác giả” [125]. Và phía sau đó là của cả một cộng đồng dân tộc.
Những năm gần đây, Đảng và chính phủ đã chú trọng đến vấn đề bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết dân tộc thiểu số. Một số loại hình truyền thông bằng tiếng Tày – Nùng đã được thực hiện, đi vào đời sống cộng đồng như: báo chí, phát thanh, truyền hình, chiếu phim lưu động (chiếu bóng)... ở một số vùng có đồng bào Tày sinh sống. Trong chương trình giáo dục phổ thông Tổng thể được công bố mới nhất gần đây (tháng 4/2017), Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có kế hoạch và dành thời lượng nhất định cho việc dạy tiếng dân tộc thiểu số ở các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống bắt đầu từ cấp Tiểu học. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi nếu không đưa vào giáo dục phổ cập, hướng đến tiếp cận một cách phổ biến cho đồng bào dân tộc thì ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói chung và tiếng Tày nói riêng sẽ bị thu hẹp dần phạm vi sử dụng và dần dần sẽ dẫn đến tiêu vong.
Tiếng Kinh và chữ Quốc ngữ là phương tiện giao tiếp đặc biệt dùng hàng ngày trong các lĩnh vực giáo dục, hành chính. Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số lại gắn bó chặt chẽ trong sinh hoạt văn hóa của mỗi dân tộc. Ngôn ngữ văn học của dân tộc Tày được hình thành trên cơ sở tiếng nói của cộng đồng tộc người Tày từ các địa phương đến các trung tâm của các tỉnh vùng Việt Bắc và Đông Bắc. Nó được hình thành và phát triển trong quá trình xây dựng và đấu tranh để bảo vệ vùng biên giới của tổ quốc.
2.3.2. Văn học viết bằng tiếng Tày
Từ thực trạng tiếng Tày được sử dụng trong đời sống như trên, chúng tôi nhận thấy hiện tượng này đã tác động không nhỏ đến đời sống sáng tác văn học bằng tiếng Tày. Cụ thể là số lượng tác phẩm sáng tác bằng tiếng Tày rất hạn chế. Theo thống kê của chúng tôi, văn xuôi viết bằng tiếng Tày có: 4/322, thơ viết bằng tiếng Tày: 17/94, lí luận phê bình: 0 [xin xem Phụ lục 3]. Như vậy ở tất cả các thể loại, từ văn xuôi, thơ đến lí luận phê bình, số lượng tác phẩm viết bằng tiếng Tày rất ít. Trong đó thể loại thơ được viết bằng tiếng Tày nhiều hơn cả, có 17 tập thơ (hoặc truyện thơ hoặc trường ca) chiếm 17,0%, lí luận phê bình không có tác phẩm nào và văn xuôi thì chỉ có 4 tác phẩm, chiếm 1,24%. Nguyên nhân chính bởi số lượng người biết tiếng Tày để đọc tác phẩm không nhiều. Phần lớn những người dân ở vùng sâu, vùng xa chỉ nói tiếng Tày thì lại không có điều kiện tiếp xúc với những tác phẩm tiếng Tày. Số người có thể tiếp cận được những sáng tác này thì lại hạn chế về ngôn ngữ, không đọc được hoặc đọc không hiểu hết do không biết tiếng Tày hoặc vốn ngôn ngữ tiếng Tày quá ít ỏi. Điều này cho thấy vấn đề tiếp nhận văn học bằng ngôn ngữ mẹ đẻ trong đời sống cộng đồng dân tộc Tày nói riêng và đời sống xã hội nói chung là không phổ biến. Do đó, tác phẩm viết bằng tiếng Tày không nhiều. Hiện nay, theo tư liệu mà chúng tôi cập nhật được có một số tập thơ tuyển chọn hoặc mới xuất bản gần đây các tác giả đã dịch sang tiếng Tày, chẳng hạn như: Tuyển tập thơ Dương Thuấn (3 tập) của Dương Thuấn [107], Vũ khúc Tày [95] của Y Phương… đều in song ngữ Tày-Việt. Phải chăng lượng độc giả thích đọc tiếng Tày tăng lên? Theo chúng tôi, có lẽ do các tác giả mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong thời đại hội nhập và mở cửa giao lưu văn hóa hiện nay. Đây cũng là một xu hướng cần khuyến khích để những tác phẩm văn học bằng tiếng Tày ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Thành tựu của văn học viết bằng tiếng Tày được kết tinh chủ yếu ở giai đoạn những năm kháng chiến (1945 - 1975), thời kì mặt trận Việt Minh được thành lập tạo căn cứ địa Việt Bắc. Thời kì đó 6 tỉnh miền núi phía Bắc - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, thường được viết tắt là Cao – Bắc – Lạng, Hà – Tuyên - Thái). Thơ văn viết bằng tiếng Tày đã khá phát triển và đạt được những thành tựu nhất định. Về văn xuôi ta có thể kể đến các tác phẩm như: Ché Mèn đẩy pây họp (1958), Cưu khửn đông (1964) của tác giả tiên phong Nông Minh Châu, Boỏng tàng tập éo (1973) của Nông Viết Toại... Về thơ tiêu biểu là: Tiểng lượn cần Việt Bắc (1959), Cần phja Bjoóc (1961) của Nông Quốc Chấn, Hại hóa vit pấy (1956), Kin ngay phuổi khát (1971), Đét chang nâu (1976) của Nông Viết Toại, Kin Mác (1975) của Triều Ân, … Với những sáng tác bằng tiếng Tày, các tác giả đã trở thành những người tiên phong phản ánh tâm hồn suy nghĩ của người dân tộc Tày bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong những năm tháng lịch sử oai hùng của dân tộc mà tộc người Tày đã góp phần không nhỏ để Việt Nam giành được độc lập. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận về sự góp mặt của ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. Lần đầu tiên, ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số đã có những thành tựu nghệ thuật, khẳng định được vị trí của mình trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Tày.
Nông Quốc Chấn đã mang đến một sinh khí mới cho thơ ca Tày khi viết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông cùng Nông Minh Châu đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tác bằng tiếng Tày và đưa chữ viết Tày phát triển. Lần đầu tiên, bộ chữ Tày La tinh hóa đã được sử dụng sáng tạo và thành công qua những tác phẩm viết bằng tiếng Tày của Nông Quốc Chấn và Nông Minh Châu. Cưu khửn đông của Nông Minh Châu là một truyện thơ dài phản ánh đời sống vất vả, cơ cực của người miền núi trong những năm kháng chiến chống Pháp. Số phận của những người cách mạng bị treo giá bằng những hạt muối quý hơn vàng nơi vùng cao. Thơ Nông Quốc Chấn phần lớn viết bằng tiếng Tày và được ngâm theo điệu phong slư như: Tiểng lượn cần Việt Bắc, Nhình slao lẩn chuyện, Toọn mà bản, Nặm tỷ… đặc biệt là truyện thơ Cần Phja Bjoóc. Tác phẩm Cần Phja Bjoóc đã sử dụng lối đối đáp dân gian Tày mà chỉ có thể ngâm lên mới cảm nhận hết giá trị của âm điệu. Tác phẩm đã thể hiện một thành công mới khi sử dụng ngôn ngữ bản địa phản ánh hiện thực cách mạng.
Hầu hết các trường ca thời hiện đại (truyện thơ) đều viết bằng tiếng dân tộc, (có thể kể đến Cần Phja Bjoóc của Nông Quốc Chấn, Cưu khửn đông của Nông Minh Châu). Điều này do được kế thừa từ truyền thống truyện thơ Nôm Tày phong phú đa dạng, đồng thời hình thức truyện thơ cũng tạo tâm lý dễ tiếp nhận trong cộng đồng dân tộc Tày. Với tác phẩm Cưu khửn đông, Nông Minh Châu đã thể hiện sự gian lao vất vả của Pảo và Luông - hai cán bộ cách mạng bỏ gia đình vào hoạt động trong rừng. Giặc Pháp đã treo đầu họ bằng muối ăn nhưng nhờ được sự bảo vệ của đồng bào nên họ đã thoát khỏi tay giặc. Đó là hình ảnh Phiên - một người vợ hết mực thủy chung với chồng, đã chịu đựng mọi cực khổ để bảo vệ chồng, bảo vệ các đồng chí cách mạng. Đó còn là số phận của biết bao kiếp người lầm than đói khổ trong cuộc sống mưu sinh với nhiều thân phận khác nhau. Lời thơ miêu tả thật chân thực:
Quê khỏi dú Nam Định đin keo
Khỏ khát bấu mì theo may tỏn
Nà lảy bấu mì khỏn bẳn ca
Thai dác chắng pản mà Bắc Kạn
(Quê tôi ở Nam Định đất người Kinh
Nghèo không có nửa sợi chỉ ngắn
Ruộng nương không có cả hòn đất để ném quạ
Chết đói mới lang thang đến Bắc Kạn nơi này)
(Cưu khửn đông)
Từ sau 1975 đến nay, văn xuôi viết bằng tiếng Tày không thấy xuất hiện, chỉ có một số tập thơ được xuất bản song ngữ Tày - Việt, tiêu biểu như: Lục pjạ hất lùa(1995), Slíp nhỉ tua khoăn (2002), Trăng Mã Pí Lèng (2002) của Dương Thuấn; Dám kha cần ngám điếp (2005), Co nghịu hưu cần (2008), Phác noọng dú tin phạ quay (2016) của Dương Khâu Luông, Vũ khúc Tày (2016) của Y Phương.
Với lợi thế là văn vần dễ đọc, dễ thuộc, phù hợp với ngâm nga những sáng tác thơ viết bằng tiếng Tày của các tác giả dễ đi vào lòng người đọc, phù hợp với việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Tày ở miền núi. Có lẽ đây cũng là lí do để lí giải tại sao thơ viết bằng tiếng Tày lại nhiều hơn cả so với các thể loại khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy hiện nay trong chương trình đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã dành một thời lượng nhất định cho việc học ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở những vùng có nhu cầu (tiếng dân tộc trở thành môn học tự chọn trong chương trình). Điều này sẽ thúc đẩy ngôn ngữ dân tộc thiểu số phổ biến hơn và chúng ta có quyền hi vọng tiếng Tày sẽ được phổ cập rộng rãi hơn. Và khi môi trường ngôn ngữ được mở rộng thì tất yếu những sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số sẽ phát triển trong đó có những sáng tác bằng tiếng Tày.