CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM - Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương - Hội Điện ảnh Hà Nội (P1)

Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương- Hoàn thành tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4-2021. 

Tất cả của cải vật chất đều mất đi chỉ có văn hóa là để lại

Một dân tộc được tồn tại thể hiện ở nền văn hóa dân tộc đó tồn tại

Ca Trù là bộ môn nghệ thuật đa sân khấu từ chốn dân gian đến trong cung vua phủ chúa cao sang

Là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt nam.

Ca Trù là đặc trưng Văn hóa của người Việt, và cũng là Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ trước đến nay cũng đã có nhiều bộ phim về Ca Trù thường thì mới chỉ giới thiệu được khái quát hay vấn đề thân phận người nghệ nhân đang mai một đi, mà chưa giới thiệu được đầy đủ, chưa đi sâu vào giá trị cũng như vẻ đẹp của nghệ thuật hát Ca Trù một cách sâu sắc, một cách kiêu hãnh để giới thiệu với bạn bè năm châu thế giới vẻ đẹp âm nhạc của dân tộc mình cũng như cho con cháu chúng ta.

           Với kịch bản: CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM

Tôi muốn làm một hệ thống và đầy đủ các thể cách hát múa của Ca Trù Việt nam, và cơ bản là đưa ra được vẻ đẹp, những giá trị thực thụ của bộ môn nghệ thuật này để giới thiệu cho công chúng khán giả nền văn hóa của dân tộc.

                                                             Thạc sĩ NSND Việt Hương

Kịch bản phim Tài liệu

CA TRÙ VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM

           Năm 1010 Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn từ kinh đô Hoa Lư ra thành Đại La đổi tên là Thăng Long. Trải qua hơn một ngàn năm, Thăng Long Hà Nội hôm nay trở thành vùng đất văn hóa trong tâm linh người Việt, trải qua trên ngàn năm lịch sử biết bao những biến cố thăng trầm nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính hào hoa, văn hóa cổ xưa của cha ông để lại qua các chứng tích như các Đền, Chùa, Miếu, Phủ, những nét văn hóa của cha ông ta còn để lại lưu truyền đến hôm nay, những đền miếu cổ xưa còn vang lên lời ca tiếng hát của nghệ thuật Ca Trù của ông cha vẫn còn vang vọng tại đền Bích Câu đạo quán Hà Nội.

Ca Trù xuất hiện từ thời Lý là lối hát đào nương hay còn gọi là hát “Ả đào”, cho tới thời Lê mới xuất hiện tên gọi Ca Trù, trong sử sách còn ghi đó là trong những cuộc thi hát ở kinh thành Thăng Long, trong các cuộc thi ấy người ta đánh giá các Đào nương bằng một thẻ, thẻ đấy có ghi mệnh giá, cái thẻ ấy gọi là Trù, và chữ Ca Trù xuất phát từ đấy.

Ca Trù là lối hát đặc biệt của người Việt, là bộ môn nghệ thuật biểu diễn đa sân khấu từ chốn dân gian đến cung vua phủ chúa cao sang, nó là di sản văn hóa của cha ông để lại cho lớp lớp con cháu, là văn hóa phi vật thể của nhân loại, đến nay nghệ thuật hát Ca Trù vẫn luôn vang vọng giữa thủ đô Hà Nội, tiếng đàn câu hát từ nghìn xưa của cha ông vẫn vang vọng đến hôm nay.

Ca Trù là một thể loại âm nhạc nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã được UNESCO phong tặng là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Theo một số nhà nghiên cứu Ca Trù thì có thể có từ thời Triệu Đà, thời Lý, Trần và hưng thịnh từ triều Lê, theo một số nhà nghiên cứu Ca Trù lại cho rằng Ca Trù xuất hiện từ thế kỷ 15.

Trải qua các triều đại Ca Trù từ trong dân gian vào đến cung đình rồi lại phổ biến ra chốn dân gian, nó tác động trở lại và tinh túy hơn, nó là lối chơi phong lưu tao nhã, rồi cũng đã có lúc rơi vào lãng quên, nhưng nhờ vào sự phát triển của nền quốc học, những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà, thể loại này đã được sống lại.

Khởi nguồn từ lối hát Đào Nương một lối hát lấy giọng nữ làm trọng, văn hóa chơi ca trù trực tiếp chỉ có 3 người, người đào nương, người kép đàn và người đánh trống, người đánh trống thực ra lại là quan viên cầm chầu lại chính là khách người thưởng thức đồng thời là người tham gia vào cuộc chơi, khi người thưởng thức tham gia vào cuộc chơi nó đòi hỏi anh phải hiểu biết nghệ thuật Ca Trù sâu sắc, nên quan viên không chỉ là người thưởng thức tiếng hát của đào, tiếng đàn của kép, mà thực chất quan viên còn là người tham gia vào cuộc hát bằng cách giữ nhịp trống chầu, ngẫu hứng lên thì các quan viên họ sáng tác thơ ngay tại chỗ cho những điệu hát và đưa cho đào nương hát ngay tại đó, nên trình độ của các ca nương là những người không chỉ có giỏi ca hát mà còn cả am hiểu văn thơ.

Ca Trù là một môn nghệ thuật đặc sắc vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học. Nghệ thuật hát Ca Trù đã tạo nên những áng văn chương tuyệt bút, hát Ca Trù cũng chính là hát lên các bài thơ với yêu cầu diễn cảm ý thơ, tình thơ rất cao, vì vậy người hát Ca Trù là các ca nương bắt buộc phải hiểu ý thơ, nội dung tư tưởng của bài thơ một cách trọn vẹn nhất thì mới có thể hát được, vì các quan viên sáng tác tại chỗ và đưa ngay cho ca nương biểu diễn ngay lúc đó.

Ca Trù, nói như nhà dân tộc nhạc học, cố Giáo sư Trần Văn Khê: “Ca Trù là một lối hát đặc biệt của nước Việt”. Ca trù đặc biệt, bởi đó là một nghệ thuật biểu diễn cổ truyền mang trong mình cả lịch sử nghìn năm, vừa mang chức năng nghi lễ, vừa là một thú chơi tao nhã, vừa phổ biến ở chốn dân gian, lại vừa vào đến cung vua phủ chúa cao sang.

Theo đặc khảo Ca Trù thì hơn 500 năm lối hát, đào nương đã hoàn thiện mọi mặt từ thể các, trình thức biểu diễn và không gian thực hành nghệ thuật để sớm trở thành lối hát:

Hát thờ Thành Hoàng làng ở đình làng

Lối hát chơi ở tư gia

Hát chơi ca quán

Hát chơi dinh thự

Lối hát chúc hỗ nơi cung vua phủ chúa

Ca Trù là bộ môn âm nhạc Việt được phổ biến nhất nó đa sân khấu, đa không gian, ngày nay tiếp cận về những di tích: Đình, đền, nhà thờ nơi sinh hoạt Ca Trù (có nơi chỉ còn là vết tích) (những bức trạm khắc tại đình Đông Ngạc), chạm khắc tảng đá kê chân cột chùa Phật tích Bắc Ninh 1057. Tiên nữ tấu nhạc trên ván nong chùa Thái Lạc Hưng Yên. Những sắc phong thần phả liên quan đến Ca Trù cùng những chân dung đào kép nổi tiếng của các giáo phường ngày xưa còn vang bóng, và cả đang hiện diện trong đời sống đến hôm nay.

Các nghệ sỹ là các danh ca, danh cầm lừng danh một thuở. Các danh ca như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Mơn; các danh cầm Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Phú Đẹ… và rất nhiều tên tuổi khác nữa, ngày nay vẫn còn lại một ca nương của những thập niên đầu thế kỷ 20 vẫn còn sống, đến nay bà đã được mệnh danh là “Đệ nhất phách” hay còn gọi là Phách trạng nguyên, vừa qua đã được nhà nước đã phong tặng NSND năm 2019. Bà là NSND Phó Thị Kim Đức, bà Đức cũng là con nhà nòi, anh trai bà chính là danh cầm Phó Đình Kỳ, cha của bà là cụ quản giáp Giáo phường Khâm Thiên Phó Đình Ổn vào đầu thế kỷ 20.

Các nghệ nhân Ca Trù Hà nội:

1*Ca Nương Cụ Nguyễn Thị Tuyết (bà phán Chí Nguyễn Thị Tuyết (1885-1935) cô tổ Ca Trù của dòng tộc Nguyễn - Thái Hà, Hà nội) là bạn thân của Dương Khuê. Bà là ca nương bậc nhất được hát trong triều đình Nguyễn thời vua Tự Đức.

Dương Khuê đã viết gặp cô Đào Tuyết và nói về bà Đào Tuyết, bà là người nổi danh nhất hát trong Cung đình, tên tuổi bà được gắn liền với những bài hát nói như: “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”

Hay như bài:

Danh tại giáo phường đệ nhất bộ

Tuyết ca nương thủa nọ ấy là ai?

Hỏi Xuân xanh nay đã mấy mươi

Mà son phấn cợt cười chi mãi tá...

2*Bà Phán Huy Trần Thị Phẩm (1900-1987) phố Hàng Đào Hà Nội

3*Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ (1913-2001)

4*Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (1930-2014)

5* Nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức

6*Nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc

7*Bà Trần Thị Ngọ (1905-1998) phố Hàng Đào bà là nghệ nhân ca vũ trong cung đình.

8* Ông trưởng Bảy (1880-1945) tức trưởng phố Thái Hà ấp nay là phố Sơn Tây Hà nội

9*Kép đàn Nguyễn Văn Xuân (1903-1962)

Những vô địch đàn đáy Bắc Hà:

10* Nghệ nhân đàn Đáy Phó Đình Kỳ (1929-1993)

11*Nghệ nhân đàn đáy Chu văn Du (1906-1995)

12*Nghệ nhân đàn đáy Đinh Khắc Ban (1922-1994)

13*Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Mùi (1931)

Bên Lỗ Khê có ông Nguyễn Văn Hành, bà Mùi và một số nghệ nhân của đình làng Lỗ Khê.

   Cửa Đình ở Ngọc Hà (ông Hựu bố của ca nương Đặng Thị Huệ).

   Hát 36 giọng (NSND Thanh Hoài).

Giáo phường tại Hà Nội còn lại hoạt động Ca Trù từ bảy đời đến nay là giáo Phường Thái Hà, lịch sử của giáo phường Thái Hà vẫn còn ghi nhớ: bà Nguyễn Thị Tuyết ca nương đệ nhất bộ, bà Trần Thị Ngọ, em gái bà Phách Phẩm của giáo phường Thái Hà là vũ công thuộc lớp cuối cùng trong cung đình nhà Nguyễn.

Cụ tổ của nhóm Ca Trù Thái Hà đời thứ nhất là cụ Nguyễn Đức Ý mang ca trù về cho dòng tộc họ Nguyễn.

Đời thứ 2 là cụ Nguyễn Đức Bồi là quản giáp trong dòng họ cụ chuyên về đàn đáy.

Đời thứ ba Cụ Trần Thị Tuyết và cụ ông Trưởng Bảy là những tay đàn giọng hát hay nhất thời bấy giờ. Cụ Nguyễn Thị Tuyết được giao trọng trách quản lý hệ thống Ca Trù trong cung đình. Được Vua ban thưởng cho dải đất tại Thái Hà để xây đình Ca công, bởi vậy giáo phường Thái Hà được coi là giáo phường danh tiếng của đất Kinh Kỳ.

Đời thứ tư là Nguyễn Văn Xuân vô địch đàn đáy Bắc Hà cùng bà phán Huy còn gọi là bà Phẩm nổi danh bởi tiếng Phách khuôn phép mẫu mực, bà Trần Thì Ngọ là vũ công cuối cùng trong không gian múa hát cung đình Thăng Long, cụ là em ruột của cụ bà Trần Thị Phẩm tức bà Phán Huy là tay phách phẩm bậc nhất của Bắc Hà thời Hoàng Cao Khải.

Đời thứ 5 là Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi.

Đời thứ 6 là NSƯT đàn đáy Nguyễn Văn Khuê. Nguyễn Mạnh Tiến chơi đàn đáy và ca nương Nguyễn Thuý Hoà.

Đời thứ 7 ca nương Nguyễn Thu Thảo - Nguyễn Kiều Anh.

Nhóm Ca Trù Thái Hà là hậu duệ của nhóm Ca Trù Thăng Long xưa trong dinh thự Hoàng Cao Khải, có đình ca công chuyên phục vụ trong cung vua phủ chúa.

Và không thể không nhắc đến giữa lòng thủ đô Hà Nội ngày nay còn có 1 câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội vẫn đang thường diễn ra hoạt động tích cực tại Bích Câu đạo quán, chủ nhiệm câu lạc bộ là Nghệ sỹ ưu tú ca nương Bạch Vân, có thể nói là 30 năm với lòng đam mê yêu nghệ thuật Ca Trù NS Bạch Vân đã vượt qua mọi thách thức để góp phần giữ lấy nghề tổ, bà đã khôi phục thành lập câu lạc bộ Ca Trù đầu tiên ở Thủ đô sau một thời gian dài vắng bóng.

Phong trào học tập Ca Trù ở thủ đô dần lớn mạnh nhiều Câu lạc bộ Ca Trù đã lần lượt ra đời như câu lạc bộ Ca Trù UNESCO, hay nhóm Ca Trù Hoa Hựu và còn nhiều rất nhiều các câu lạc bộ Ca Trù khác trên khắp các tỉnh thành của mọi miền đất nước.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này