CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM - Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương - Hội Điện ảnh Hà Nội (P2)
- Written by Minh Phương
Đình Cổ Đạm và Lỗ Khê là cái nôi phát tích của Ca Trù
Thần Ca Trù đặt thờ tại hai đình này.
Về truyền thuyết lịch sử của vị tổ Ca Trù:
Vào đời Lê Đinh Lễ tự là Nguyên Sinh người làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh khi vào trong rừng thông được gặp 2 ông cụ già đưa cho khúc gỗ ngô đồng và tờ giấy vẽ kiểu mẫu đàn, Nguyên Sinh y lời làm theo, tiếng đàn kỳ diệu đã chữa bệnh cho nhiều người và chàng chữa bệnh cho người con gái tên Hoa khỏi bệnh câm và 2 người đã nên vợ nên chồng. Cây đàn Đáy là do Nguyên Sinh (Đinh Lễ) làm ra và ông đã đặt ra lối hát mới, một lần cảm hứng nàng Hoa lấy đôi đũa gõ lên trên mảnh gỗ theo nhịp đàn mà hát sau này đổi vót thành 2 thanh tre, gỗ, họ ở Cổ Đạm lập nghiệp đến khi qua đời. Ngày nay ở Cổ Đạm lập đền thờ Tổ Cô hay gọi là Đền Bạch Hoa công Chúa.
Hay ở Hà Nội, từ nội thành Hà Nội qua cầu Đuống về Đông Anh ta sẽ gặp mảnh đất lịch sử Lỗ Khê, nơi gần 600 năm trước đã là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ca Trù, phát tích tại đất Đông Anh nơi đây có đền Đinh Dự. Theo thần phả thì Đinh Lễ có một con trai tên là Đinh Dự, vốn học vấn tinh thông, cầm kỳ thi họa hay xướng ca đàn phách đều giỏi hơn người. Đinh Dự nên duyên với một cô gái xinh đẹp tên là Đường Hoa, người Nga Sơn, Thanh Hóa, chuyên đi các giáo phường dạy hát. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng trở về trang Lỗ Khê truyền nghề hát ả đào cho dân chúng khắp vùng, được dân nhớ ơn, lập đền thờ và suy tôn làm tổ nghề. Điều này được ghi lại trong thần phả “Sự tích tổ sư giáo phường” bằng chữ Hán do Đông các học sỹ Đào Cử soạn năm Hồng Đức thứ 7, 1476.
Giáo phường Lỗ Khê ở đây có mấy họ, mỗi họ lại cử một người kỳ cựu làm trùm họ, bầu người có khả năng, có uy tín nhất làm Quản giáp, điều khiển mọi công việc của giáo phường như nhà Lý đã đặt ra thành lệ từ năm 1025.
Cho nên Đình Cổ Đạm và Lỗ Khê là cái nôi phát tích của Ca Trù. Thần Ca Trù được đặt thờ tại hai ngôi đình này.
Từ cung đình cho tới dân dã đã có luật mới ra đời của nhà vua ra để quản lý, lúc bấy giờ gọi là luật Hồng Đức, cho nên có cuộc làm Nhã nhạc cho Cung đình, và các giáo phường trong dân gian đều do bộ Lễ quản lý, và nó làm cho Ca Trù ngày càng phát triển, đã có nhiều giới tri thức tham gia vào nghệ thuật Ca Trù. Ca Trù trở thành nghệ thuật văn học cao cấp, các bậc tài tử giỏi chữ, nhiều đam mê ca hát, như Nguyễn Khản, và đặc biệt là Nguyễn Công Trứ, người để lại nhiều giai thoại đi hát rất thú vị, người đã có công hoàn chỉnh hát nói, đưa hát nói thành một thể thơ dân tộc.
Kể từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Ca Trù có một bước phát triển rực rỡ, nó trở thành điểm giao hội giữa Âm nhạc và Thơ ca. Nhiều văn nhân tài tử mê ca hát đã đến với Ca Trù. Những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Lâm, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… đã ra đời như thế.
Trong triều Nguyễn, nhà Nguyễn sử dụng lối hát ca nương trong cung đình để vào hát trong kinh đô nhà Nguyễn, và lúc bấy giờ người ta gọi là hát Chúc hỗ, hát Chúc hỗ tức là hát vào những ngày khánh hạ đại điện hát trong cung vua phủ chúa, thể thức này múa nhiều hơn hát, múa trong cung đình có những thiết chế về trang phục và đạo cụ khác với múa ngoài dân gian. Để được hát được trong cung vua của những ngày khánh hạ đại điện thì các giáo phường phải tổ chức thi hát để tuyển chọn ra một Đào nương xuất sắc nhất, cho nên đào nương được đi hát Chúc hỗ là đào nương rất nổi tiếng, ở làng Chanh thôn có một Đào nương đã được chọn vào hát trong cung vua phủ chúa, khi ra về bà nhớ lại những điệu múa ở trong cung bà đem truyền dạy lại những điệu múa ấy gần giống với hát múa cung đình. Ngày nay chúng ta về Chanh thôn thì vẫn còn thấy được lưu truyền để lại đến ngày nay, và còn rất nhiều những cơ sở mà trước kia các đào nương vào hát trong cung vua phủ chúa như đền thờ ở Phượng Cách Quốc Oai vẫn còn nhà thở tổ của ca nương đã vào hát trong cung đình, nhà thờ tổ vẫn còn được giữ lại là di tích lịch sử của hát Ca Trù mà nhà nước còn lưu giữ.
Hát cửa đình
Về nghệ thuật hát cửa đình, giai đoạn thứ nhất là giai đoạn hát thờ, tất cả đào nương kép đàn phải thực hiện chặng hát đầu tiên đó là hát thờ, các đào hát phải hát các nội dung thờ thành hoàng làng, khi trình thức hát thờ đấy thì các đào nương không được ngồi mà đào nương phải đứng.
Ở các chặng Giáo trống, Giáo hương hay Thét nhạc, vì thuộc hình thức hát thờ, nên đòi hỏi người hát phải có điệu bộ đoan chính, không được hát lối lẳng lơ, không được cung bậc dập dờn tiếng to tiếng nhỏ.
Múa Bỏ bộ là chặng cuối của phần hát lễ trong hát cửa đình. Gọi là “Múa bỏ bộ”, vì múa ở đây mang tính cách minh họa cho nội dung lời hát. Lời hát đến đâu thì điệu bộ đến đấy, uyển chuyển, nhịp nhàng, diễn tả trọn vẹn các hành vi lao động sản xuất hay sinh hoạt vui chơi đang được nhắc đến.
Đến khoảng 11 giờ đêm thì cuộc hát sẽ hấp dẫn nhất, là lối hát chơi, nhiều quan khách nhiều quan viên tới dự chầu hát này, người ta tập trung vào các bài hát như Gửi thư, như Tỳ bà, như Cung bắc, Thiên thai ...vv. Trong lúc nghe hát, ngẫu hứng lên thì các quan viên sáng tác những điệu hát và đưa cho đào nương hát ngay trong đình làng, cho nên cuộc thi sáng tác trong đình làng cũng xảy ra, và người ta vừa sáng tác, vừa hát tại chỗ kéo dài cho tới tận sáng.
Địa điểm chơi Ca Trù nữa là chơi tại tư gia. Chơi Ca Trù trong tư gia là chơi Ca Trù cho những ngày lễ trong gia đình, thường ngày xưa người ta mời cô đầu về nhà, mời bạn hữu đến chơi trong những ngày vui đấy.
Hình thức này vẫn còn được lưu truyền như câu lạc bộ ca trù Hoa Hựu của Hà Nội.
Các thập niên đầu của thế kỷ XX là một thời kỳ cực thịnh của hát ca quán. Sau khi phố thị ra đời, thì nhu cầu thưởng thức bắt đầu xuất hiện. Các đào nương tập trung về phố thị thì các cô vẫn giữ được sự nghiêm túc đạo đức của giáo phường. Sự phát triển của Ca Trù, các ca quán đua nhau mọc lên, ở hàng Giấy, Nhà hát Thái Hà rồi đến cô đầu Khâm Thiên trước 1915, rồi nhà hát ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Chùa Mới. Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ năm 1930-1940 trên một đoạn phố không đầy 800m có tới 40 nhà hát cô đầu.
Theo sử sách ghi lại ở Hàng Giấy, Thăng Long thời Lê có nhiều giáo phường ca trù, cuối đời Lê phố Hoè Nhai là dãy phố hát Ả Đào làm say mê bao vương tôn công tử đã có những bài thơ như:
Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp
Phong lưu vành chiếm một hoè nhai
Nõn nà trăm vẻ xuân khoe sắc
Uyển chuyển lời ca ghẹo khách hoài
Hoa rụng bên đền ghen má phấn
Oanh hoà tiếng phách rộn bên ngoài
Phường Hoè Nhai thời Lê bao gồm Hàng Than, Hàng Giấy và cả Hàng Đậu, trong cuốn “Phố Phường Hà Nội xưa” của Hoàng Đạo Thuý cũng viết về Ca Trù ở phố Hàng Giấy đầu thế kỷ XX, vẫn là kép đánh đàn đáy, vẫn đào hát răng đen, yếm đào gõ phách, người nghe sành thì cầm trống chầu, người có tiền thích thú vui tao nhã này họ lập ra các ca quán, có lẽ phố Hàng Giấy là nơi ra đời các ca quán đầu tiên. Theo nhà sử học Trần Quốc Vượng, Hàng Giấy từng được gọi là phố Ả Đào.
“Trải qua hàng Giấy dần dần
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa”
Nhà văn Nguyễn Tuân viết rằng khi còn nhỏ ông từng được cha cho theo đến đây. Theo nhà văn Vũ Bằng thì các danh sĩ như: Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đỗ Mục, Sơn Phong từng đến Hàng Giấy thưởng thức cung đàn nhịp phách.
Rồi nhà đất ở Hàng Giấy ngày càng đắt nhiều ca quán tìm đến chỗ rộng hơn và Thái Hà là điểm lựa chọn, thời đó ấp Thái Hà là ở ngoại ô nhà cửa còn xen lẫn ruộng, đến cô đầu Khâm Thiên trước 1915 phố Khâm Thiên vẫn chưa hình thành hai bên còn là bãi tha ma, ao hồ ruộng rau. Đầu năm 1920 khi các nhà hát ở ấp Thái Hà bị tên Tiến con trai Trần Vương trùm du côn đến quấy phá các ả đào và quan viên nên một số nhà hát chuyển đến phố Khâm Thiên nhờ Cửu Kê và Bát Chắm che chở rồi từ vài nhà đến chục nhà trống phách đến sáng. Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ năm 1930-1940 là nhà thờ hát và cô đầu tiệm nhảy, trong một cuốn sách năm 1938, Đốc Lý Hà nội Virgitti viết “Khâm Thiên là xóm ăn chơi nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất, trên một đoạn phố không đầy 800m có tới 40 nhà hát”. Những ông chủ bà chủ mở nhà hát cô đầu vốn ít không chịu nổi ở Khâm Thiên phải đi xa xuống Ngã Tư Sở, đường Tàu bay, Vạn Thái (phố Bạch mai). Đám khách ít tiền mê hát phải tìm đến nhà hát ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Chùa Mới.
Trong số các nhà hát thì nhà hát của cô Đốc Sao là sang nhất. Cô Đốc sinh năm 1900 quê ở Hưng Yên, chồng là bác sĩ người Hoa tên là Lưu Nam Sao vì thế người ta gọi là cô Đốc Sao.
Trong bài viết “Từ ca quán Hàng Giấy đến cô đầu Khâm Thiên” của Nguyễn Ngọc Tiến có viết: Thăng Long Hà Nội là một trong những cái nôi của Ca Trù, chỉ có nơi đây Ca Trù mới có điều kiện phát triển cực thịnh. Trong quá trình tồn tại Ca Trù có những bước thăng trầm, thậm chí có những lúc bị hiểu lầm, có những lúc đã bị bặt hơi tiếng cả mấy chục năm dài.
Trong cuốn Ca Trù nhìn từ nhiều phía đăng lại bài viết của nhà văn Vũ Bằng có đoạn: thực tình đến bây giờ (năm 1973) cố moi trí nhớ tôi cũng chưa thấy nhà văn nhà báo đất bắc nào mà lại không vào nhà hát Cô đầu, ông đã gọi phố Cô đầu là “Cái nôi văn nghệ của Hà nội”, các văn nghệ sĩ, hội họp uống rượu ngâm thơ, đánh một trống chầu để thưởng câu văn hay. Sau này Văn Cao gọi chốn Khâm Thiên là phường dạ lạc, nhà nghiên cứu Trần Kim Anh có đoạn viết: Những từ ngữ đẹp nhất dùng để miêu tả ca ngợi nghệ thuật Ca Trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ Huế ra Hà Nội học khi qua phố Khâm Thiên nổi tiếng về hát cô đầu ông cũng đã viết bài Đêm Đông. Nguyễn Tuân yêu quí trân trọng Ca Trù tới mức dường như với ông Ca Trù là một ngôi đình linh thiêng để hoá giải nỗi đau tục luỵ
Khi thực dân Pháp đô hộ họ đã lấy Ca Trù quán là chỗ ru ngủ chốn ăn chơi cùng với một số tàn dư xấu của chế độ cũ đã mang lại tiếng xấu, cứ nói đến Ả đào người ta nghĩ ngay đến thú ăn chơi làm cho khuynh gia bại sản, có hại cho phong hoá và luân lý nên đã bị quét đi không thương tiếc.