VÀI NÉT VỀ CƯ DÂN ĐỒNG NAI VỚI NGHỀ THỦ CÔNG (trích) - Tác giả Phan Đình Dũng – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

VÀI NÉT VỀ CƯ DÂN ĐỒNG NAI VỚI NGHỀ THỦ CÔNG (trích)

I. Tổng quan về cư dân Đồng Nai

           Tỉnh Đồng Nai ở khu vực Đông Nam Bộ của Việt Nam, là địa bàn có sự cộng cư của nhiều thành phần tộc người. Theo số liệu thống kê về dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Đồng Nai có 33 dân tộc, bao gồm: Kinh (Việt), Hoa, Chơ-ro, Mạ, Xtiêng, Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Dao, Thái… Các cư dân trải qua nhiều giai đoạn đến Đồng Nai và sinh tụ trên vùng đất này bằng nhiều hoạt động kinh tế; trong đó có nghề thủ công.

Nghiên cứu về khảo cổ học cho thấy, thời kỳ tiền -sơ sử có nhiều cư dân sinh sống và đã để lại nhiều dấu ân trong quá trình sinh tồn. Trong đời sống xã hội, các cư dân trước đây có các hoạt động kinh tế về nghề nghiệp: nghề chế tác công cụ sản xuất, nghề làm vật dụng, trong đó có nghề gốm phát triển qua những hiện vật được tìm thấy trong các di chỉ. Một số hiện vật bằng các chất liệu mã não, đá, kim loại của thời kỳ xưa cho thấy cư dân cổ có trình độ chế tác kỹ thuật cao (công cụ, đồ trang sức, tượng, phù điêu…). Các cư dân sinh sống lâu đời ở vùng phía Bắc của tình là Mạ, Chơ-ro, Xtiêng… có những nghề thủ công rèn, đan lát, dệt thổ cẩm… Cộng đồng người Việt, Hoa đến khai khẩn vùng đất này, đã hình thành nên các nghề thủ công để phục vụ cho nhu cầu của đời sống. Hiện nay, nghề thủ công ở Đồng Nai đứng trước những thuận lợi đề phát triển. Tuy nhiên, qua sự biến chuyển của xã hội, nhiều nghề thủ công đã không còn được duy trì bởi nhiều yếu tố tác động.

II. Nghề đúc gang

           Trong quá trình cộng cư, mưu sinh trên vùng đất Nam Bộ, cộng đồng các tộc người đã hình thành những nghề thủ công song hành với các phương thức kinh tế trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên. Những phát hiện khảo cổ cho thấy, những thế hệ cư dân xưa trên vùng đất Nam Bộ đã phát triển nghề đúc kim loại (đồng, vàng) ở trình độ cao. Bằng chứng là những tượng thờ bằng đồng, hiện vật bằng vàng được đúc, chạm, điêu khắc sắc sảo, tinh vi với nhiều hình dạng, kích cỡ, hoa văn phong phú được thể hiện trong tín ngưỡng, tôn giáo được tìm thấy, phát hiện trong các di chỉ khảo cổ. Những sản phẩm của nghề đúc đồng, vàng xưa trở thành những hiện vật, tư liệu quý hiện nay đang trưng bày tại các bảo tàng địa phương, ở Thành phố Hồ Chí Minh[1]. Cư dân Việt, Hoa, Chăm đến sinh sống sau này cũng đã hình thành các nghề thủ công, trong đó có nghề đúc đồng, duy trì cho đến ngày nay. Sản phẩm của nghề đúc đồng đáp ứng cho nhu cầu lao động, khẩn hoang trên vùng đất mới, trước hết là những công cụ lao động, sau đó là những đồ dùng, đồ thờ trong tín ngưỡng, tôn giáo. Sự phát triển của nghề thủ công này tùy thuộc vào từng địa bàn và từng thời điểm để phát triển thành làng nghề với nhiều hộ gia đình tham gia. Trong từng giai đoạn, từ tác động của những yếu tố (chiến tranh, thị trường tiêu thụ…), một số làng nghề mai một. Đặc biệt, ở vùng đô thị Sài Gòn và lân cận, nghề đúc đồng phát triển bởi dân cư đông, là trung tâm trao đổi hàng hóa phát triển. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, làng nghề đúc đồng được hình thành từ những cư dân Bình Định (miền Trung) đến sinh sống khoảng thế kỷ XVII. Theo Nguyễn Thanh Lợi, nghề đúc đồng có mặt tại Sài Gòn khá sớm. Những người thợ từ Quy Nhơn vào đất Gia Định những năm 1720 - 1750 lập ra làng chuyên đúc đồng Nhơn Giang (Nhơn Ngãi) ở khu vực Chợ Quán. Nghề đúc đồng ở đây đã có nhiều cải tiến về phương pháp sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, dần dần trở nên nổi tiếng với một phong cách riêng. Tổng trấn Lê Văn Duyệt rất quan tâm, ông hay đến quan sát cách thức sản xuất của thợ và khách hàng tiêu thụ thường xuyên của làng nghề này[2]. Địa bàn Biên Hòa xưa, nay thuộc Đồng Nai có nghề đúc gang được hình thành từ thế kỷ XIX. Không như những làng nghề đúc đồng ở miền Bắc với sự hình thành lâu đời, biết được gốc gác truyền nghề từ những con người cụ thể, những làng nghề đúc đồng ở Nam Bộ hình thành muộn hơn. Người thợ làm nghề vẫn thờ cúng Tổ nghề nhưng với tính chất cá nhân của hộ gia đình, không có cơ sở tín ngưỡng chung. Tổ nghề được xác định một cách chung Tam vị Tổ sư ở nhất như làng nghề làng nghề An Hội, quận Gò Vấp, TPHCM. Làng nghề Thạnh Phú ở Đồng Nai cho biết người của làng học nghề từ Thái Lan (đi lính) và truyền nghề cho dân làng, được tôn thành Tổ nghề. Hiện nay, các làng nghề đúc (đồng, gang) ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn duy trì với những hộ gia đình gắn bó qua những thăng trầm, sản xuất những mặt hàng đáp ứng nhu cầu không chỉ của người dân địa phương và nhiều nơi. Nhiều hộ gia đình, các nghệ nhân nắm giữ những bí quyết của nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật trong một số công đoạn để chế tạo những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, mở hướng cho làng nghề phát triển. Tuy nhiên, những người thợ của làng nghề ít dần trong sự chuyển đổi sinh kế bởi nguồn thu nhập chưa ổn định so với các ngành nghề hiện tại.

2.3.2. Nghề đúc gang ở Thạnh Phú – Đồng Nai

- Vài nét lịch sử

Nghề đúc gang ở Thành Phú được nhiều hộ dân duy trì tại ấp 2, xã xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Nghề được hình thành vào thế kỷ XIX (thuộc làng Bình Thạnh, tổng Phước Vĩnh Hạ, tỉnh Biên Hòa trước đây). Ông tổ của nghề được truyền khẩu là người của làng, đi lính qua Xiêm (Thái Lan) học nghề và trở về truyền lại cho dòng họ. Đời thứ tư của Tổ nghề hiện đang sống và làm nghề tại làng. Thời kỳ phát triển, làng nghề có 30 lò đúc gang ở các làng Bình Thạnh, Tân Phong, Bình Thành, Bình Lợi, Bình Ý. Lò đúc đầu tiên hình thành ở ấp Xóm Mới với cách làm thủ công với những vật dụng, đồ nghề, cơ sở thô sơ: đôi bễ thổi lửa, lò chõ nấu gang, lò nung khuôn, khuôn đất sét, than củi. Sau này, sản phẩm nghề đúc được các nơi mua nhiều, nên nhiều gia đình chon con cháu theo học nghề. Các công đoạn đúc gang đòi hỏi nhưng người theo học và sau này làm thợ phải có sức khỏe, tính cẩn thận, chịu khó. Mỗi lò đúc đòi hỏi nguồn nhân công khoảng 20 người.

           Làng nghề hoạt động qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Năm 1945, chiến tranh xảy ra nên làng nghề không hoạt động. Năm 1947, làng nghề hoạt động trở lại nhưng sau đó, do mức độ chiến tranh ngày càng ác liệt ở địa phương, một số thợ đúc của làng nghề rời làng đến Sài Gòn, Tây Ninh tiếp tục làm cho các lò đúc khác. Năm 1951, làng nghề hoạt động trở lại, chủ yếu sản xuất công cụ nông nghiệp, chủ yếu là lưỡi cày bán ở địa phương và các vùng phụ cận. Năm 1959, những người thợ Nguyễn Văn Sườn, Nguyễn Văn Khâu rời làng trước đây trở về địa phương, đem áp dụng những kỹ thuật mới cho làng nghề: nấu gang bằng lò nằm, nấu dầu lửa và sau đó thay lò chõ nấu bằng than đá. Sau năm 1975, do nhiều khó khăn, làng nghề hoạt động cầm chừng, một số lò sản xuất lưỡi cày, lưỡi cuốc đáp ứng cho nhu cầu tại địa phương. Sau năm 1986, làng nghề hồi sinh khi các chủ lò trước đây tập hợp nghệ nhân, thợ để sản xuất gồm các cơ sở của các cá nhân: Lê Văn Út, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Văn Hươn, Nguyễn Quang Cường, Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Năm, Trần Văn Ngọ, doanh nghiệp tư nhân Tam Hiệp Thành… Các cơ sở hoạt động theo tính chất hộ gia đình, độc lập trong tổ chức sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, vốn liếng, thuê nhân công… Nguồn vốn ở các cơ sở thấp, không đồng đều. Nhà xưởng thường có quy mô nhỏ, mỗi tháng tổ chức nấu 2 kỳ (mỗi kỳ 12 ngày), khoảng 10 -15 tấn phế liệu. Thập niên 90 (thế kỷ XX), sản phẩm của làng nghề có chất lượng, vừa tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều lò sản xuất liên tục. Năm 2007, tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án Khôi phục và phát triển nghề đúc gang xã Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu đến năm 2010 nhưng không hiệu quả. Hiện nay, làng nghề chỉ còn 5 hộ duy trì nghề với sự linh hoạt trong đầu tư cơ sở và tìm nguồn hàng để sản xuất cũng như quảng bá, tiêu thụ, làm gia công cho những công ty có nhu cầu đặt hàng


[1] Các hiện vật được trưng bày trong nội dung văn hóa Phù Nam ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh cũng như các giai đoạn Nam Bộ trước khi người Việt đến định cư, tại các di tích khảo cổ được xếp hạng di tích, có phòng triển lãm.

[2] Theo Nguyễn Thanh Lợi, Làng nghề trên đất Sài Gòn xưa đăng trong kỷ yếu Làng nghề và phát triển du lịch do Trường đại học KHXH &NV (Đại học Quốc gia TPHCM) và Trường đại học Silparkon (Thái Lan) tổ chức, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, tr. 255 – 260.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này