Cảm xúc miền Tây - Ký sự của Lê Thanh Hồng - Hội văn học nghệ thuật Hoà Bình

Ký sự của Lê Thanh Hồng – Hội văn học nghệ thuật Hoà Bình – sáng tác tại Nhà sáng tác Cần Thơ tháng 6/2022

Cảm xúc miền Tây

Chuyến đi Cần Thơ đã khép lại với hành trình 15 ngày rất nhiều ấn tượng. Khi máy bay hạ độ cao, từ trên cao nhìn xuống đã thấy kênh rạch chằng chịt. Dòng sông Hậu mênh mông, thong dong những mảng bèo trôi. Máy bay sà xuống sát mặt nước sông Hậu trước khi tiếp đường băng. Con đường từ sân bay về Nhà Sáng tác Cần Thơ đẹp và xanh giống như những thành phố ven biển.  Nhà Sáng tác nằm ở một cồn nhỏ trong Cồn Khương nên phải đi đến trên một con đường nhỏ có kênh rạch và bóng cây xòe mát, và một chiếc cầu gỗ nhỏ cong cong. Có lẽ vì di chuyển từ xe vào còn phải đi bộ nên các anh chị em nhà sáng tác đã tận tình ra tận đầu kênh đón đoàn. Nhà sáng tác mới được xây dựng trên một khoảnh đất rộng ngay bên cạnh sông Hậu tấp nập tàu thuyền,  không gian đẹp và thoáng đãng. Các văn nghệ sĩ bắt đầu những ngày trải nghiệm thú vị ở Cần Thơ cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Đến Cần Thơ, đoàn ưu tiên tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, văn hóa và con người Cần Thơ bắt đầu từ  việc đến thăm Bảo tàng, đình, đền, nhà cổ, rồi đến những khu chợ, những làng nghề, gặp gỡ trò chuyện với văn nghệ sĩ, với các nghệ nhân làng nghề truyền thống, với cả những người buôn bán lao động bình thường….Những bức tranh đời sống nhiều mặt vô cùng phong phú được các văn nghệ sỹ tinh tế chắt lọc khởi tạo cho các tác phẩm của mình.

Chợ nổi Cái Răng là điểm đến của mọi người khi đến Cần Thơ. Nơi đây hội tụ văn hóa của  Nam kì lục tỉnh. Tinh mơ ghe thuyền đã tấp nập ngược xuôi thuyền nào cũng đầy ắp hàng hóa. Những đặc sản vùng được bày bán và làm trực tiếp cưc kì hâp dẫn du khách. Không gian dập dềnh sóng nước, khoan nhặt xa gần tiếng hát tiếng đàn và bổng trầm tiếng nói Nam Bộ chắc chắn sẽ khiến người đến nơi đây dù chỉ một lần cũng khó có thể quên.

Những ngày tiếp theo đó đoàn chia làm nhiều tốp đi điền dã, không chỉ đến các vùng quê của Cần Thơ thăm những địa danh nổi tiếng, đoàn còn đi các tỉnh lân cận như  Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…..gặp gỡ, giao lưu với văn nghệ sĩ địa phương, cùng họ đồng hành trong các chuyến đi thực tế để có được những sẻ chia những kinh nghiệm và bước đầu đã có những phác thảo nghệ thuật. Văn nghệ sỹ ai cũng háo hức phấn khởi. Thời tiết Cần Thơ đã chuyển mưa nhiều vào buổi chiều. Sau mỗi cơn mưa gió sông Hậu len lỏi khắp thành phố, không khí trở nên mát mẻ như mùa thu của miền Bắc. Buổi chiều, hoàng hôn sau cơn mưa tuyệt đẹp. Sông Hậu nhìn từ góc nào cũng đẹp như một bức tranh thủy mặc vẽ đường chân trời nên thơ ở tất cả những nơi có kênh rạch, có bóng dừa, vườn cây và những con thuyền.

Kết thúc trại sáng tác đã có 53 tác phẩm gồm 6 chuyên ngành văn học nghệ thuật gồm: văn học, âm nhạc, mĩ thuật, nhiếp ảnh, múa và văn nghệ dân gian được tập hợp về. Một số lượng sáng tác phong phú, khá ấn tượng cho một trại viết chỉ có 15 trại viên. NGND, Nhạc sĩ Trương Sơn với 2 ca khúc viết cho thiếu nhi “Vách nứa, bàn tre” phổ thơ Bùi Việt Phương và “Chuồn kim” phổ thơ Hữu Thông với tiết tấu, giai điệu nhí nhảnh; Nhạc sĩ Huy Tâm có 2 ca khúc  2 ca khúc ca ngợi vùng đất và con người Cần Thơ, trong đó một tác phẩm phổ thơ của nhà thơ Lê Thanh Hồng. Nhạc sĩ tâm sự: để viết theo âm hưởng Nam Bộ thì không thể bằng người Nam Bộ được vì chất Nam Bộ đã thấm trong máu thịt của họ rồi, nên chăng mình cứ làm tốt hơn cái mà mình vốn có và kết nối đến trái tim của người nghe nhạc bằng sự chân thật tự trái tim mình. Nhạc sĩ, họa sĩ Hoàng Tâm có 2 tác phẩm: tranh lụa “Mùa xuân” và “Đường vào nhà sáng tác Cần Thơ” vẽ màu aclic, với màu sắc vô cùng tươi tắn. Có bức họa không chỉ ghi lại một ấn tượng sâu sắc của người nghệ sỹ mà nó còn có thể trở thành dấu ấn, lưu lại những hình ảnh có thể một ngày nào đó sẽ chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm. Biết đâu, trong lần sau trở lại nhà sáng tác, cây cầu gỗ cong cong bắc qua con rạch kia sẽ được thay thế bằng một cây cầu bê tông mới… Họa sĩ Trần Thị Thu có 2 tác phẩm tranh sơn dầu đều sáng tác về đề tài gắn liền với miền Tây Nam Bộ. Hai tác phẩm của chị đều lấy chất liệu sống động và cảm hứng sáng tác từ những chuyến đi thực tế tại Cần Thơ. Nét vẽ của Trần Thị Thu phóng khoáng, trừu tượng, thể hiện sự sáng tạo lạ và độc đáo, màu sắc rất cuốn hút.

Nhiếp ảnh có lẽ là loại hình sáng tác vất vả công phu nhất.  Với khẩu hiệu “ không đi không có tác phẩm” nên với những tay máy tham dự trại lần này những ngày ở Cần Thơ mà không phải ở Cần Thơ, vì các nghệ sĩ rong ruổi đi khắp các tỉnh miền Tây với tâm thế “chạy nước rút” . Sau những chuyến đi dãi dầu trong cái nắng cái gió và những cơn mưa chiều của miền Tây là những hình ảnh có khi may mắn chớp lấy có khi phải nhẫn nại ngồi rình rất lâu mới có được nên thực sự rất giá trị, không những ở giá trị nghệ thuật mà còn là giá trị bởi những nỗ lực lao động say mê, miệt mài. Cả 4 nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Lai, Bùi Thanh Bình, Nguyễn Xuân Thanh, Đinh Hải đều có 5 tác phẩm nộp lại, trong đó điều đặc biệt ấn tượng là tất cả các tác phẩm đều có góc máy khai thác vẻ đẹp riêng chỉ có ở miền Tây Nam Bộ, mỗi tác phẩm ảnh đều gắn với  một câu chuyện đời là minh chứng ghi lại dấu chân trong hành trình thâm nhập, tìm tòi, khai thác và lột tả vẻ đẹp vô cùng phong phú của thiên nhiên và con người Nam Bộ.

Dự trại có 2 nghệ sỹ múa, trong thời gian ở nhà sáng tác đã hoàn thiện 2 kịch bản múa. NSUT Điêu Thúy Hoàn với kịch bản múa “Cướp vợ” vừa có ý nghĩa giáo dục vừa đậm chất nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là yếu tố sống còn của mỗi dân tộc, tuy nhiên xóa bỏ một tập tục cổ hủ không còn phù hợp, phê phán những biến tướng là nhiệm vụ của người làm văn hóa, của nghệ sĩ  ; Biên đạo múa Bạch Công Thị với kịch bản múa “Vùng đất Việt Mường hùng thiêng huyền thoại” như một bản anh hùng ca ca ngợi vẻ đẹp của đất và người Hòa Bình.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quốc Khánh dành thời gian hoàn thiện 3 bài viết tập trung vào vấn đề khai thác và lưu giữ những nét đặc trưng của văn hóa cổ đại Hòa Bình. Để chuẩn bị cho 90 năm ngày nhà nữ khảo cổ học người Pháp bà Madeleine Colani đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ học “Văn hóa Hòa Bình” tác giả đã tập trung nghiên cứu những nội dung về quá trình phát hiện, nghiên cứu nền văn hóa cổ đại Hòa Bình từ 90 năm trở lại đây. Đây sẽ là một bức tranh toàn cảnh về nền văn hóa khảo cổ học thời kì đồ đá mang tên “Văn hóa Hòa Bình”, là công trình nghiên cứu vô cùng quan trọng và ý nghĩa.

Và có lẽ dày dặn nhất vẫn là tác phẩm của các nhà văn nhà thơ dự trại lần này. Nhà thơ Lê Va với 2 tác phẩm thơ; Bàn Kim Quy 5 tác phẩm thơ; Nguyễn Thị Kim Cúc 7 tác phẩm thơ; Lê Thanh Hồng 4 tác phẩm thơ, 1 tản văn; Vũ Tiến Hà 1 ghi chép. Trong đó có những tác phẩm hoàn thiện bản thảo có những tác phẩm được viết ngay trong những ngày ở nhà sáng tác với mạch nguồn cảm hứng được khơi gợi từ chính những yêu thương của con người và vẻ đep xinh của miền đất đầy nắng và gió, của sông nước mênh mang, của những rừng đước rừng tràm, của trái cây trĩu cành ngon ngọt. Viết về Cần Thơ, Nhà thơ Lê Va vẫn lối tư duy khúc triết, hình tượng, viết về sông mà như có núi  “Sông Hậu uốn dòng phác bao bản thảo/Tới biển rồi ngoảnh lại chợt Cần Thơ” ; Bàn Kim Quy thì viết: “Ngày mới rạng/ Vọng cổ chưa dứt câu ghe đã giữa dòng” trong khi đó Lê Thanh Hồng cảm nhận : “Tây Đô nắng rất giòn, gió rất thơm/ Giọt mưa cũng ngọt như trái vườn trĩu quả”…Tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Cúc vẫn vậy luôn rất đời, rất tình. Dù viết cho mình, cho con hay chuyện thời thế  thì người đọc cũng đều nhận ra chị đi từ xúc cảm đến chiêm nghiệm, như thể thơ chính là con người chị. Bàn Kim Quy có lối viết đậm chất miền núi, đọc thơ chị phải giữ hơi như người lên nương, xuống suối bởi lối ngắt nghỉ rất lạ rất hay. Ghi chép “Miền nhớ” của Vũ Tiến Hà là sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, đan xen những vui buồn, và hơn cả là một miền kí ức trong trẻo thân thương có lẽ vẫn luôn thường trực trong anh. Có một phát hiện mới về thơ Lê Va khi đọc bài thơ “Cồn Khương” “Vấn vương trong vắt vấn vương/ Cồn Khương em tỏa/ núi hương/ để dành” viết về địa danh mà chuyển tải tâm tình giống như có tình yêu trong đó. Hay là anh cảm, anh say, anh đã yêu quá nơi này.

Chỉ 15 ngày lưu lại nơi mảnh đất phía Nam Tổ Quốc mà những hạt phù sa của 9 nhánh Cửu Long Giang đã thấm đẫm trong rất nhiều tác phẩm của các tác giả ở các loại hình nghệ thuật. Đặc biệt, dự trại sáng tác có 6 chuyên ngành, giữa các chuyên ngành có sự giao thoa và lan tỏa cảm xúc, tìm thấy sự đồng điệu trong cảm nhận, trong sáng tác để rồi nâng đỡ nhau, hỗ trợ nhau, chính các nghệ sỹ sau những chuyến đi điền dã, bằng sự trải nghiệm của mình đã truyền cảm hứng, niềm đam mê, tạo động lực cho các nghệ sỹ khác.

Mảnh đất miền Tây Nam Bộ dù rất xa xôi với miền Tây Bắc Tổ Quốc, nhưng miền Tây có đủ sức hút để người chưa đến tìm đến, người đã đến vẫn tìm về. Sự đôn hậu nhiệt thành của người miền Tây, sự trù phú, độc đáo của thiên nhiên nơi này sẽ khiến mọi người nhớ mãi. Chắc chắn rằng, với những điều đã trải nghiệm trong 15 ngày qua trên mảnh đất phù sa, với cảm xúc càng lúc càng thấm đượm và đong đầy trong lòng những người con phương Bắc, trở về chỉ là trở về thôi… cảm xúc sẽ còn được ấp ủ, thai nghén để cho ra đời thêm nhiều đứa con tinh thần nữa. Những đứa con kết tinh từ những yêu thương và trân quí mảnh đất và con người nơi này.

                 Xin tạm biệt Cần Thơ, tạm biệt miền Tây.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này