Chim chuyền nhành ớt - Truyện ngắn của tác giả Thu Trang - Hội văn học nghệ thuật Tiền Giang

Truyện ngắn của Thu Trang - Hội văn học nghệ thuật Tiền Giang, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9-2018.

CHIM CHUYỀN NHÀNH ỚT

Mấy hôm nay ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa hoài. Những cơn mưa rỉ rả bó chân bó cẳng, rầu thúi ruột. Cuối tuần không cà phê, cà pháo, không karaoke hát hò, ngồi chầu hẩu ở nhà, buồn tình tôi đeo bao tay, xách dao ra sau vườn mần cỏ. Gọi vườn cho oai chứ thực sự chỉ là một khoảnh đất ngang 8, dài chỉ hơn 30 mét, trồng mấy cây ăn trái, mấy cây bông, vài dây bầu, bí, mồng tơi, đậu rồng leo trên hàng rào… Như vậy cũng đã là quá cỡ so với cái thời ở tập thể trong căn phòng 4x4 mét, vuông vức không có cửa hậu, khoảng xanh cây lá chỉ có dây trầu bà thả tua dài tong teo trước hàng hiên. Hồi mới đi coi miếng đất nầy, tôi đã bị mê hoặc bởi cảnh vật chung quanh. Giữa trung tâm thành phố, hai đầu là đại lộ phố sá san sát, xe cộ ồn ào náo nhiệt lại có một con đường đất đỏ khá yên tĩnh với những khu vườn xanh cây trái, những hiên nhà vàng rực huỳnh anh, đỏ thắm tigôn, mướt xanh những rào dâm bụt… 

Lúc  mới dọn về, xung quanh ao vũng vườn tược người ta chưa phá, chưa lấp để xây nhà, chiều mưa, ếch nhái ễnh ương kêu quyềnh quang như ở quê. Chừng con lộ đá đỏ lên cấp thành đường nhựa, người ta đua nhau mua đất cất nhà, những mảng vườn xanh bị phá dần không gian yên tĩnh ngày càng thu hẹp. Ngay khoảng đất trống sau nhà tôi cũng nhiều người dòm dèm hỏi mua xây nhà trọ. Thành phố ngày càng phát triển, người từ các vùng quê nhập cư làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, nhất là từ khi trường cao đẳng của tỉnh được nâng cấp thành đại học, khu ký túc xá cũ bị phá bỏ để xây giảng đường, phòng lab, sinh viên túa ra tìm chỗ trọ, nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng. Vòng vòng khu tôi ở cũng đến cả chục dãy phòng trọ. Nguồn lợi từ việc cho thuê nhà cao và ổn định hơn huê lợi từ mận, dừa, mít, nhãn, hỏi sao người ta không đốn cây, triệt phá vườn.

Điển hình cho cảnh “sông kia rày đã lên đồng” là hàng xóm đối diện bên hông nhà tôi. Ngày tôi mới dọn về khu đất vuông vức bên ấy còn là vườn dừa với cái ao nuôi cá dập duềnh bèo. Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn một góc là nơi ấm áp ra vào của vợ chồng và hai đứa con. Cô gái lớn đã vào sư phạm mẫu giáo, còn cậu trai út đang học phổ thông. Ngoài huê lợi từ dừa, người cha quay kẹo bông gòn (thứ kẹo còn được con nít gọi trại đi là bóng gòn), rang bắp đẩy xe bán ở các trường mẫu giáo, tiểu học, ngày hai lượt sáng sớm trước khi học trò vào học và buổi chiều khi phụ huynh tới đón con về. Tôi hay ngó trộm lúc ông đẩy xe đi và về. Chiếc xe đạp lỉnh kỉnh với cái thùng sắt to tướng phía sau, đính những chiếc que treo lủng lẳng những bịt bóng gòn, bắp rang trắng đỏ hồng vàng… Ấn tượng nhất là cái bàn quay số làm tôi đôi lần phải đứng lại thèm thuồng được đặt bàn tay lên cái vòng quay dùng hết sức  xoay một cái rồi chờ đợi cây kim từ từ dừng lại đúng vị trí một con số nào đó. Tôi như sống lại niềm vui hồn nhiên thơ dại với những que cà rem ngắn dài tùy vào con số trúng thưởng. Trẻ con bây giờ tan học là có phụ huynh đứng đợi rước để chở đi học thêm đâu còn thời gian la cà mà quay số để được hồi hợp chờ trúng thưởng. Nên cái bàn quay của chú bóng gòn thường nằm im lìm. Bây giờ, con nít uống sữa Vinamilk, ăn bánh snack, hiếm hoi lắm mới vòi được ba mẹ mua cho bịt bắp rang, que bóng gòn. Vì thế nhiều hôm, từ cơ quan về muộn, tôi thấy chú với xe bóng gòn còn tha thẩn trong công viên. Có hôm trời mưa, tối mịt chú mới đẩy xe về nhà, mệt nhọc, ướt át . Cô con gái chạy ào ra mở cánh cổng tre ọp ẹp, còn cậu trai gầy nhom vòng ra sau đẩy phụ người cha chiếc xe cồng kềnh còn treo đầy những bịt bắp rang bóng gòn sũng ướt. Nhưng không đầy 5 phút sau, mâm cơm nghi ngút khói đã được dọn lên, chú Bóng gòn khô ráo tinh tươm quây quần bên vợ con trong buổi cơm xum hợp duy nhất trong ngày. Tôi hay đứng nép bên bờ rào um tùm, kiểng chân nhìn trộm qua bên đó. Đúng là cái cảnh “đầu tôm nấu với ruột bầu”! Sau đó khi thím Bóng gòn dọn dẹp bữa tối, trong căn phòng khách hẹp cậu con trai lau sạch cái bàn, ôm sách vở ra học bài. Cô chị gái mang giỏ len ngồi bên cửa sổ đan móc mớ đồ gia công, kiếm thêm thu nhập. Chú thím Bóng gòn sau một ngày bươn chải vì cuộc mưu sinh, ngã người thoải mái trên ghế bố xem tin tức, chương trình giải trí trên chiếc ti vi 14 in, thứ tài sản quý nhất trong nhà.

Những hình ảnh quen thuộc ấy giờ không còn nữa. Khoảng vườn xanh mát và cái ao đầy bông súng đã bị san lấp không còn mãi mai dấu tích. Một dãy nhà trọ san sát mọc lên, người ra kẻ vào tấp nập. Ngôi nhà cấp 4 ộp ẹp của chú thím Bóng đã được tôn tạo khang trang. Có thêm thu nhập từ khu nhà trọ, chú Bóng không phải quay bóng gòn, bắp rang bươn chải đi bán ở khắp các trường học nữa. Cái thùng quay để một góc bếp, buổi trưa yên ắng không còn nghe tiếng quay rào rào, mùi đường, mùi va ni, lá dứa, bắp rang thơm bát ngát. Chiếc xe đạp với cái thùng sắt phía sau xếp xó nơi hàng hiên. Trưa chiều, thím Bóng không còn ngồi vót nang tre, chẻ que, xâu những bịch bắp rang, bóng gòn đủ màu. Tôi thích cái cảnh vợ chồng con cái họ xúm xít, rộn rịp làm kẹo. Dù chỉ là những xâu bắp, xâu kẹo bóng, nhưng họ chuẩn bị rất công phu. Để có đủ màu xanh đỏ tím vàng bắt mắt, thím Bóng hái lá dứa, lá cẩm, đào nghệ, nạo gấc, những thứ rau củ có sẵn trong vườn nhà, trộn đường cho chú Bóng cho vô thùng quây thành bông. Cái thùng làm kẹo thô sơ hình tròn có trục xoay tạo sức nóng, giữa chiếc máy có một cái lỗ để bỏ đường vào. Từ những cục đường nhỏ có màu trắng, xanh, vàng, đỏ, chú Bóng cho vào trục giữa, và bật công tắc , những hôm cúp điện thì đạp chân vào chiếc bàn đạp bên dưới. Sức nóng tỏa ra làm cho đường tan chảy ra thành những sợi tơ mỏng, những sợi tơ trắng, xanh, đỏ kết lại thành những sợi tơ đường. Thím Bóng dùng cây que quay tròn cho lớp bông gòn ấy dính vào thành từng lớp và cho vào bao nilông. cột thun kín lại. Giá mỗi cây kẹo bông gòn công phu như vậy là 5 ngàn đồng. Coi như lấy công làm lời. Chịu khó cực một chút, mấy thứ này chủ yếu bán cho học trò, xài màu hóa chất, độc hại lắm. Thím Bóng giải thích với tôi, khi tôi thấy thím ngồi tỉ mẩn vò lá cẩm, lá dứa, mài nghệ. Tôi cảm phục cái tâm của chú thím, nghèo thì nghèo, nhưng không mưu lợi lộc bằng cách hại người khác, điều mà lắm kẻ giàu sang khác vẫn làm. Tôi hay mua ủng hộ chú thím những cây kẹo gòn vàng, xanh, tím, đỏ, như để chia sẻ điều tốt lành hiếm hoi còn sót lại trong cuộc sống vốn đầy rẩy lọc lừa.

Từ ngày phá vườn, xây nhà trọ, cảnh nhà chú Bóng cũng thay đổi hẳn. Từ tiền đặt cọc thuê nhà, chú thím trả dần nợ nần, rồi dành dụm, sắm sanh đồ đạc tiện nghi. Nhà được cơi thêm căn gác, cậu con trai giờ có một không gian riêng, không phải dùng bàn ăn để học bài. Cô con gái tối tối không còn gò lưng đan len gia công nữa. Tôi mừng cho gia đình chú  thím nhưng vẫn thấy nhớ tiếc cái cảnh quây quần, tất bật mưu sinh bên nhà chú thím ngày nào.

Làn sóng nhà trọ đã xóa sổ những mảng vườn xanh ở xóm tôi. Ngó đi ngó lại, chỉ còn vuông đất nhà tôi, cái vuông đất khiêm tốn lọt thỏm giữa vạt vườn mênh mông ngày nào, là không phải rơi vào cảnh “đổi thay”. Không phải  tôi giàu có đến nỗi để từ chối cơ hội kiếm ra đồng tiền, nhưng tôi thà sống chật vật một chút còn hơn chịu mất đi khoảng không gian nhỏ nhoi yên tĩnh của mình. Cái khoảng không gian tôi thỏa thích ươm trồng đủ các loại bông, cây trái từng có trong sân vườn nhà ngoại xưa. Bông điệp vàng tươi, bông trang đỏ thắm, ngoại hay hái chưng bàn phật, bàn thông thiên, trâm ổi đủ màu, mai chiếu thủy, nguyệt quế, ngâu vàng thơm ngan ngát vuông sân, cây mãng cầu trái tròn chín vàng ươm màu nắng, nhãn lông từng chùm sai lặt lìa thân thiết của tuổi thơ…

Không biết có phải do những mảng vườn xanh đã dần mất đi, nên chim chóc đổ dồn về nhà tôi. Chúng làm tổ líu ríu trên ngọn khế, trên cành ngâu cành nhãn. Sáng sớm, cả khu vườn ngập tràn tiếng hót. Chúng sà xuống khoảng sân mỗi khi tôi rải thóc, rồi chuyền từ cành này sang nhánh nọ, rộn ràng khắp khu vườn. Chúng dạn dĩ nhảy nhót, nghịch ngợm trên luống rau cải, vạt cỏ chỗ tôi ngồi, nơi tôi đứng cắt bớt những dây leo rậm rạp trên hàng rào, tỉa bớt những dây cúc dại mọc tràn lan. Mùa mưa, mồng tơi, sâm, mướp hương,  đeo đầy trên hàng rào, ra lá, đơm  trái tưng bừng. Thím Bóng hay cắp rỗ qua xin về nấu canh. Tôi bảo thím cứ tự tiện  mà hái, mấy dây mồng tơi, dây mướp này tôi xin từ vườn nhà thím, cả cây ớt hiểm cao gần đầu người, trái sai lặt lìa kia nữa. Thím Bóng kể giống ớt chim ỉa này chú mang từ dưới quê lên, hồi còn khó khăn, chỉ cần một nồi cơm nóng, tô canh mồng tơi nấu bột ngọt, dĩa nước mắm dầm ớt hiểm cay xè, cả nhà quây quần chan húp ngon lành, giờ thịt cá ê hề mà sao không ngon miệng chút nào. Trong cái chép miệng và tiếng thở dài khe khẽ của thím, tôi nghe như có gì man mác, nuối tiếc.

Dạo này, nhà bên đó vắng hẳn tiếng nói cười. Từ khi cô con gái lấy chồng, cậu con út thi rớt đại học, xin đi xuất khẩu lao động, chỉ còn hai ông bà già. Vườn tượt không còn, quanh quẩn ra vô, hết ăn ngủ, rồi dán mắt vô màn hình ti vi, riết rồi cũng đâm chán. Rãnh rỗi, ông bà lê la qua khu nhà trọ, nhưng mấy đứa sinh viên đi học, làm thêm suốt ngày, tối về tất bật lo nấu nướng, giặt giũ, ăn uống, học bài, ở không đâu mà chuyện trò với chú thím. Thành ra hễ thấy tôi ló mặt ra sau vườn là chú thím mon men qua lấy cớ xin mớ rau, trái ớt. Sợ làm phiền, chú thím kêu đừng mở cổng sau, chỉ đứng ngoài bờ rào chuyện trò. Chú khen cây mãn cầu dai, cây nhãn lông tôi trồng mới đó mà đã lớn bộn, sắp ra trái chiến, rồi chỉ dẫn cách vô phân, tỉa bớt cành sao cho nó ra nhiều trái. Thím nói đám lá lốt, lá cẩm rậm rạp quá nên cắt bớt nhánh già rồi cặm lại cho nó ra cành nhánh mới, bụi rau thơm khoái đất ẩm, trồng nơi  càng đọng nước nó càng tươi tốt. Hôm rằm qua xin bông điệp, bông trang về cúng phật, gặp tôi bên bờ rào, thím than. Hồi đó nghèo khổ muốn đổi đời, thấy người ta kinh doanh nhà trọ có tiền thì ham, bắt chước, giờ không còn chút đất trồng rau trồng củ, lại thấy buồn. Hồi đó chộn rộn lo miếng ăn, chạy gạo từng bữa ngày giờ sao qua mau mà nó vui. Giờ nhàn rỗi, ngày chỉ lo hai bữa cơm, thấy thời gian sao mà dài thõng thượt. Rồi thím thở dài dõi mắt qua dãy nhà trọ, nơi từng có ao bông súng tím ngát, hàng dừa xanh mát tán rì rào…

Tôi đi công tác nửa tháng trở về, tháng bảy mưa dầm, vườn sau nhà cành nhánh sum xuê, dây leo, cỏ mọc um tùm. Hửng nắng, vừa xách dao ra dọn ít cỏ, đã thấy thím Bóng chạy qua. Hổm rày trông cô về, qua xin ít xả, dứa, nghệ, lá cách về trồng. Tôi nói cần xài gì chú thím cứ qua mà lấy, trồng làm gì. Thím hồ hỡi khoe. Vợ chồng con gái tui về đây ở rồi, cô. Con nhỏ vừa sinh con đầu lòng, ở Sài Gòn mần bao nhiêu đổ vô tiền thuê nhà hết nên vợ chồng tui kêu tụi nó về. Chồng nó vừa đi làm hồ, rãnh rỗi thì phụ vợ chồng tôi bán kẹo bóng. Nghề này tuy không kiếm nhiều tiền nhưng cũng đủ sống qua ngày, miễn là chịu thương chịu khó. Thằng rễ còn trẻ, có sức đi được nhiều trường ở ngoại ô, sẽ bán được nhiều. Vợ chồng tôi sẽ làm hàng đi bán lại. Trước mắt phải gầy lại mấy đám nghệ, đám dứa…, thằng rễ đã  mua mấy cái chậu, đổ đầy đất. Tôi nói trong khi chờ mấy thứ rau củ thu hoạch được chú thím cứ qua bên tối lấy về mà làm, trước đây tôi cũng xin giống từ bên vườn chú thím mà. Thím Bóng cám ơn tôi rối rít.

Qua rằm, trời đã ngơi mưa. Mùa Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau đã khép lại. Hửng nắng, tôi thấy chú Bóng mang chiếc xe đạp xếp xó bấy lâu ra cùng cậu con rễ lau chùi, thím Bóng lại ngồi vót nan ngoài hiên. Ngó qua bờ rào nhà chú thím, đã thấy mồng tơi thập thò đeo bám. Mấy chậu lá lốt lá cẩm cũng bén đất xòe cành nhánh. Mai này, khi cây lá đâm chồi nảy tượt, khoảng sân nhà chú thím, chim chóc sẽ lại quay về. Những trưa hè, tiếng máy quay rào rào lại vang lên với bát ngát mùi bắp rang, mùi đường ngào gấc, lá dứa…Lẫn trong âm thanh chộn rộn, tất bật của cuộc mưu sinh có tiếng khóc trẻ thơ cùng lời ru vỗ về: Ấu ơ, chim chuyền nhành ớt líu lo. Mãng sầu cô bạn ốm o gầy mòn….

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này