NGHỀ MỤ VƯỜN Ở KIÊN GIANG (Trích) - Nghiên cứu văn hoá dân gian của Nguyễn Thuỵ Nhã - Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

Nghiên cứu văn hoá dân gian của Nguyễn Thuỵ Nhã – Hội văn học nghệ thuật Kiên Giang – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.; sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 10-2018.

NGHỀ MỤ VƯỜN Ở KIÊN GIANG (Trích)

MỤ VƯỜN VÀ NHỮNG MỐI QUAN HỆ VỚI CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI
 
Vui buồn và những hệ luỵ từ nghề làm Mụ
Do chính từ công việc, nên xã hội đã đặt để vị trí của nghề làm Mụ như một nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả, mọi người ai cũng nể trọng. Sự sống, chết của mẹ con sản phụ đều trông cậy vào một tay bà Mụ. Nếu họa hoằn có những bất trắc xảy ra trong lúc đỡ đẻ, người mẹ bị chết, hoặc thai nhi bị chết, thì ít ai đổ lỗi cho Bà Mụ mà họ chỉ nghĩ đó là “phần số” của mỗi con người. Những Bà Mụ ngày xưa, họ cũng tự xem nghề nghiệp của mình là do “Ông Trời” đặt để ban cho họ, nên luôn nghĩ đến cái tâm là làm phước nhiều hơn tính toán công xá với mọi người, ai trả công cho họ cái gì cũng được, không có sự đòi hỏi. Chỉ tận tụy với công việc của mình, xem như cách tu nhân tích đức cho con cháu. Có những bà Mụ nổi tiếng nhân từ, người nhà đưa sản phụ đến sanh, vì nghèo quá, không có gạo nấu cơm hay thiếu thốn những thứ lặt vặt nào là Bà Mụ giúp đỡ cho hết.
 
Không chỉ như thế có những hệ lụy từ nghề Mụ đã làm nên những tình huống “dở khóc dở cười” có khi còn đánh đổi cả tính mạng của mình. Như trong chiến tranh, súng đạn nổ vang trời dẫu không muốn, nhưng Bà Mụ cũng phải nén cái sợ trong lòng, không còn màng đến tính mạng để đi đỡ đẻ cho sản phụ vì Bà Mụ thấu hiểu nỗi lo lắng của gia đình và sự nguy hiểm với mẹ con sản phụ trong lúc chờ Mụ đến. Có trường hợp, một phụ nữ đơn thân đến nhờ Mụ sanh cho, rồi lại lén bỏ con lại. Bà Mụ phải vất vả nuôi đứa trẻ một thời gian rồi tìm gia đình nào ai muốn xin con nuôi để cho lại.
Ngoài trừ những yếu tố may mắn mang đến cho Bà Mụ sanh cho sản phụ được suông sẻ đi kèm với tấm lòng vị tha nhân hậu. Tạo nên tiếng lành đồn xa về sự “mát tay” đạo đức của những Bà Mụ.
Những gia đình ở nông thôn, thường nghèo khổ cũng chẳng có gì đền đáp công sức cho Bà Mụ ngoài những sản vật có sẵn trong gia đình. Nhà khá thì “đền ơn” ít tiền kèm theo quà bánh, vải vóc... Có nhà thì biếu con gà, con con vịt , cây trái trong vườn, hoặc đong lúa gạo cho Bà Mụ mang về để gọi là trả ơn.
Tuy nhiên trong xã hội cũng có cái tốt và cái xấu, cũng có trường hợp Mụ Vườn lạm dụng vào tay nghề, sự tin tưởng, những định kiến của xã hội phong kiến về người phụ nữ, nhất là khi phụ nữ có chửa hoang. Có những Bà Mụ lợi dụng vào đó mà kiếm lợi về cho mình bất chấp đạo đức và nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng của sản phụ. Đó là trường hợp được truyền miệng nhau kể về một Bà Mụ ở Bàn Tân Định. Nghe đồn tay nghề bà rất giỏi, chuyên nghề phá thai cho phụ nữ.Gia đình nào có con gái chửa hoang, để tránh tai tiếng đều tìm đến bà để “giải quyết”. Nghe nói trong đời bà chưa lần nào sanh nở cho ai mà chỉ có “phá” mà thôi. Khi về già tự nhiên mắt bà bị mù không thấy gì hết... Cũng có thể đó chỉ là những lời đồn thổi, để con người phải biết giữ cái tâm mình trong sáng, nghề nghiệp là để mang ra giúp đời chứ không phải dùng trục lợỉ bản thân để mang tiếng thất đức.
 
Tín ngưỡng dân gian của người xưa với Bà Mụ :
Ông bà ta vốn luôn quý trọng nghĩa nhân, có thể trong cách nghĩ, vật chất không thể nào đền đáp công ơn của những Bà Mụ đã tiếp sức đỡ đẻ cho con cháu mình được sanh ra một cách suông sẻ. Ngoài những Bà Mụ trên thực tế, trong góc tâm linh người ta vẫn tin tưởng vào một Bà Mụ thiêng liêng vô hình của trẻ sơ sinh. Từ suy nghĩ đó họ đã nhân cách hóa và thần thánh hóa những Bà Mụ. Mọi sự phát triển từ lúc mới sanh ra, lúc còn nằm nôi thường gắn liền với Bà Mụ. Khi trẻ mới vừa chào đời Bà Mụ là người đầu tiên chạm vào đứa trẻ nên người ta nên gọi là “ Mụ bắt miếng cho” tức là sau này tâm tính của đứa trẻ là cho Bà Mụ tạo cho. Trẻ sơ sinh trong giấc ngủ có khi tự mỉm cười hoặc mếu khóc một mình. Mỗi ngày bé phát triển tự nhiên để lớn dần thì cho là“ Mụ dạy”. Có khi lúc sơ ý để trẻ té, nhưng không có tổn thương ảnh hưởng gì đến trẻ thì được cho là “ Mụ đỡ”. Còn trẻ có biểu hiện gì không tốt cho sức khỏe thì cho là “ Mụ quở”...

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này