GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA CA DAO QUẢNG NGÃI(Trích) - Nghiên cứu văn hoá dân gian của PGS.TS Trần Hoài Anh - Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

Nghiên cứu văn hóa dân gian của PGS.TS Trần Hoài Anh – Chi hội Trường Đại học văn hóa Tp. Hồ Chí Minh – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 10-2018.

GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA CA DAO QUẢNG NGÃI(Trích)

Giá trị văn hóa trong ca dao Quảng Ngãi nhìn từ vẻ đẹp của ngôn ngữ
Sự kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ - một vẻ đẹp ngôn ngữ trong ca dao Quảng Ngãi

Ca dao bao giờ cũng là tiếng nói, là tâm tình của các tầng lớp nhân dân, nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người lao động như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Chính vì thế ngôn ngữ đời sống của nhân dân đã đi vào ca dao như một lẽ tự nhiên, mộc mạc, chân chất không hề tô điểm phấn son, không hề gọt dũa, dụng công trong nghệ thuật sử dụng như văn học thành văn. Ngôn ngữ trong ca dao Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài qui luật này. Và điều đó đã tạo nên một vẻ đẹp riêng cho ngôn ngữ ca dao Quảng Ngãi, một vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng, mặn mà, bình dị như chính cái bình dị trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong sinh hoạt, trong lao động của của nhân dân.

Ngó ra ngoài biển đuốc giăng
Hai hàng nước mắt nhỏ em lấy khăn chùi liền
Bạn có ra về chẳng lẽ bạn về luôn
Để khăn xéo lại nước mắt tuôn em chùi.

Quả thật, đọc những câu ca dao trên, ta không thấy có sự màu mè, làm dáng mà chỉ thấy hiện lên trong những ngôn từ ấy vẻ đẹp của hồn quê, cảnh quê, người quê và vì vậy nó tồn tại vĩnh hằng như một kí ức văn hóa với những giá trị độc đáo và vô giá được tạo nên từ chính sự giản dị trong cuộc sống đời thường của người lao động.

Ngó ra mía đã trổ cờ
Nói chuyện trưa trờ cơm nước lạnh tanh

Trong những câu ca dao trên ta thấy xuất hiện hàng loạt những từ ngữ gắn liền với sinh hoạt trong cuộc sống của cư dân Quảng Ngãi như: ngó ra, chùi liền, khăn xéo, mía trổ cờ, trưa trờ, lạnh tanh... những từ tưởng chừng chẳng có một sự dụng công nghệ thật nào, nhưng lại có một giá trị thẩm mỹ riêng. Cái giá trị thẩm mỹ ấy được thể hiện từ sự chân thật của hiện thực cuộc sống được miêu tả trong ngữ cảnh ở các bài ca dao. Đó là cái đẹp của một tâm trạng thật, cuộc sống thật trong một không gian thật, thời gian thật, không hề có một dụng ý nghệ thuật nào.

Tuy nhiên trong ngôn ngữ ca dao Quảng Ngãi, ngoài vẻ đẹp mộc mạc của những từ ngữ đi ra từ cuộc sống đời thường, ta cũng bắt gặp những câu ca dao mà ở đó thể hiện một vẻ đẹp của sự điêu luyện với những ngôn ngữ đầy chất thơ. Vì vậy, nếu ở những bài ca dao mà ngôn ngữ thể hiện một vẻ đẹp mộc mạc bình dị chúng ta ít thấy sự dụng công nghệ thuật của tác giả trong việc sử dụng ngôn ngữ thì chính ở những bài ca dao mà ngôn ngữ đầy chất thơ, ta sẽ thấy rõ nghệ thuật điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ của tác giả dân gian. Đó là những bài ca dao với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tinh tế và đặc sắc, với nhiều biện pháp tu từ phong phú, đa dạng thể hiện những vẻ đẹp trong tâm cảm, tâm cảnh của con người vô cùng ý vị và sâu sắc mà khi đọc lên ta thấy trong mỗi ngôn từ luôn chứa đựng cả chiều sâu tâm tưởng.

Gánh vàng đi đ sông Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương
Anh buồn có chốn thở than
Em buồn như ngọn đèn tàn thắp khuya

Hay những câu ca dao mà chỉ cần đọc lên ta thấy cả một thế giới tâm trạng khiến lòng mình cũng se sắt đớn đau...

Chiều chiều mây phủ Sơn Chà
Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm
Vy vùng như cá trong nơm
Buổi mai nôm ta trông bạn, buổi chiều nồm bạn trông ta 

Quả thật, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ được chưng cất từ cuộc sống. Nó chính là những viên kim cương lấp lánh một thứ ánh sáng diệu kỳ của thế giới tâm hồn của con người. Ca dao là một loại thơ dân gian cho nên ngôn ngữ của nó cũng là những viên ngọc lấp lánh những vẻ đẹp mà những lớp bụi thời gian không làm nó mờ đi, ngược lại nó lại càng ngày càng rực sáng hơn. Âu đó cũng chính là giá trị đặc biệt của ngôn ngữ ca dao đã được kiểm nghiệm từ thực tế cuộc sống với hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này