Minh Phương

Minh Phương

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Bình Dương 2022

Ngày 29/03/2022 Nhà sáng tác Vũng Tàu đã phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Bình Dương năm 2022.

Tham dự bế mạc có ông Phạm Đắc Hiến - Chủ tịch; ông Ngô Phước Chánh – Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương - trưởng đoàn; bà Đỗ Thị Thanh Thùy – Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu, cùng toàn thể văn nghệ sĩ tham dự Trại sáng tác.

bemacbinhduongt3 2022

Trại sáng tác văn học nghệ thuật Bình Dương năm 2022 với sự tham gia của 15 văn nghệ sĩ thuộc các hội chuyên ngành: Âm nhạc, Văn học, Nhiếp ảnh, Sân khấu đã bám sát chủ đề và đề cương sáng tác đã được Ban tổ chức đưa ra mục tiêu cho các văn nghệ sỹ từ những ngày đầu. Sau 15 ngày đi thực tế và lao động nghệ thuật, kết quả các trại viên đã hoàn thành 56 tác phẩm gồm có Văn học: 16 tác phẩm, Mỹ thuật: 14 tác phẩm, Âm nhạc: 4 tác phẩm, Nhiếp ảnh: 20 tác phẩm, Sân khấu: 2 tác phẩm.

“Các tác phẩm văn học nghệ thuật tham gia Trại sáng tác rất đa dạng về thể loại, phong cách thể hiện nhưng đều có chung một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của cái đẹp, của tấm lòng nhân văn, đạo đức cách mạng trong sáng, trí tuệ và ý chí con người Việt Nam nói chung, con người Bình Dương nói riêng”, ông Ngô Phước Chánh – Trưởng đoàn chia sẻ.

bemacbinhduongt3 2022 1

Trại sáng tác văn học nghệ thuật Bình Dương 2022 đã để lại dấu ấn tốt đẹp, thể hiện qua số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức của mỗi tác phẩm. Thông qua Trại sáng tác lần này đã góp phần tạo sự lan tỏa trong đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, để ngày càng có nhiều tác phẩm có chất lượng đến với công chúng.

Khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đắk Lắk 2022 tại Nha Trang

Ngày 21/03/2022, Nhà sáng tác Nha Trang đã phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thành công buổi khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đắk Lắk 2022.

Dự buổi khai mạc có nhà văn Niê Thanh Mai – Chủ tịch Hội; nghệ sỹ Trần Thị Mùi – Chánh Văn phòng Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; họa sỹ Trần Hà - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa; bà Đỗ Thị Mai Hương – Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang cùng 15 hội viên thuộc ba chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh.

khaimacdaklakt3 2022

Phát biểu khai mạc, nhà văn Niê Thanh Mai cho biết, các văn nghệ sỹ Đắk Lắk đến dự trại lần này với hành trang là 9 tập bản thảo: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận phê bình…để hoàn thành tác phẩm và dự kiến in trong năm 2022, đề cương 6 ca khúc Âm nhạc. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh thì đã sẵn sàng để khám phá vẻ đẹp các đảo trên vịnh Nha Trang và các cánh đồng muối nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Bà tin tưởng sau thời gian dự Trại, 15 văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk dự trại lần này sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra, có được nhiều tác phẩm đứng được với thời gian, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bà Niê Thanh Mai cũng đã gửi lời cám ơn đến Ban Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác; Ban Giám đốc và nhân viên Nhà sáng tác Nha Trang đã chu đáo, tận tình ngay từ khâu tiếp đón, tạo mọi điều kiện để văn nghệ sỹ làm việc.

Bà Đỗ Thị Mai Hương, Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang đã phát biểu chào mừng các văn nghệ sĩ về dự Trại; đồng thời cho biết thêm thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, trong năm 2022 Nhà sáng tác Nha Trang có kế hoạch sẽ đầu tư thêm trang thiết bị nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và sáng tác của văn nghệ sĩ cả nước đạt nhiều kết quả hơn khi đến làm việc tại Nhà sáng tác Nha Trang.

Khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đắk Nông tại Tam Đảo

Ngày 16/03/2022, tại Nhà sáng tác Tam Đảo, Hội văn học nghệ thuật Đắk Nông đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đắk Nông 2022.

Tham dự khai mạc có ông Đặng Văn Dung – Chủ tịch; ông Đặng Bá Cảnh – Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Đắk Nông – Tổng biên tập tạp chí Nâm Nung; ông Nguyễn Song Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; ông Đỗ Quảng Chung – Giám đốc Nhà sáng tác Tam Đảo cùng toàn thể trại viên tham dự Trại sáng tác.

khaimacdaknong t3 2022

Phát biểu chào mừng các văn nghệ sỹ tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Song Hiển đã bày tỏ sự vui mừng khi thấy các văn nghệ sỹ đều mạnh khoẻ, sẵn sàng cho một chặng đường sáng tác phía trước. Đồng thời ông cũng thông tin thêm về một số chủ trương, đường lối của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và tình hình tại các Nhà sáng tác. Ông mong muốn, với bầu nhiệt huyết, tài năng và tinh thần trách nhiệm, các văn nghệ sỹ tham gia Trại sáng tác lần này sẽ có nhiều tác phẩm văn học phản ánh một cách chân thực, toàn diện về vùng đất, con người Đắk Nông cũng như các tỉnh phía Bắc mà đoàn sẽ đặt chân tới.

Ông Đặng Văn Dung thay mặt Hội văn học nghệ thuật Đắk Nông có lời cảm ơn sâu sắc đến Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và Nhà sáng tác Tam Đảo. Ông tin tưởng với sự hỗ trợ, chăm lo chu đáo từ Trung tâm và Nhà sáng tác, đoàn văn nghệ sỹ Đắk Nông sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

khaimacdaknong t3 2022 1

Trại sáng tác sẽ diễn ra từ 16 – 30/3/2022 với sự tham dự của 14 văn nghệ sỹ.

KHAI MẠC TRẠI SÁNG TÁC BÌNH DƯƠNG 2022 TẠI VŨNG TÀU

Ngày 16/03/2022 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương đã tổ chức khai mạc Trại sáng tác Bình Dương năm 2022.

Tham dự khai mạc có ông Phạm Đắc Hiến - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương; ông Ngô Phước Chánh – Phó chủ tịch - trưởng đoàn; ông Lê Văn Minh đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; ông Huỳnh Văn Hùng – Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Bà Đỗ Thị Thanh Thùy - Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu cùng toàn thể hội viên tham gia trại.

khaimacbinhduongt3 2022

Tại buổi khai mạc, ông Lê Văn Minh đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giới thiệu sơ lược về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của địa phương, mong muốn trong đợt trại lần này sẽ có nhiều tác phẩm gắn liền với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

khaimacbinhduongt3 2022 1

 

Ông Phạm Đắc Hiến - Chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương đã có lời cám ơn chân thành Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật trong việc phối hợp tổ chức Trại sáng tác và sự tiếp đón chu đáo, nhiệt tình của lãnh đạo, nhân viên Nhà sáng tác Vũng Tàu; đồng thời yêu cầu các văn nghệ sỹ trong thời gian dự trại làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tích cực, thực hiện nghiêm túc nội quy của Ban tổ chức Trại.

khaimacbinhduongt3 2022 2

Bà Đỗ Thị Thanh Thùy thay mặt Nhà sáng tác Vũng Tàu chào mừng các văn nghệ sỹ Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương đã đến dự trại tại Nhà Sáng tác Vũng Tàu, hy vọng trong thời gian dự trại các văn nghệ sỹ tham gia sáng tác thu hoạch được nhiều tác phẩm chất lượng. Bà cũng phổ biến về nội quy tại Nhà sáng tác và những lưu ý cần thiết để đảm bảo sức khỏe, an toàn, thích ứng trong hoàn cảnh làn sóng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch, Trại sáng tác sẽ diễn ra từ ngày 16/03/2022 đến hết ngày 30/03/2022 với sự tham dự của 15 văn nghệ sĩ là hội viên của Hội VHNT tỉnh Bình Dương.

Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022” của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật.

Thực hiện chương trình công tác, ngày 13/1/2021, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tiến hành hội nghị “Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022”.

Chủ trì hội nghị có ông Trần Ngọc Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm; bà Đỗ Thị Thuý Nga – Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc; ông Nguyễn Song Hiển – Phó Giám đốc. Thanh phần tham dự hội nghị có Giám đốc các Nhà sáng tác và toàn thể cán bộ viên chức người lao động của Trung tâm.

tongket2021
Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị đã tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và đề ra kế hoạch công tác năm 2022. Mặc dù năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn do đại dịch Covid 19, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của các Nhà sáng tác, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự lãnh đạo sâu sát của tập thể Ban Giám đốc, toàn thể Trung tâm và các đơn vị trực thuộc đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức tốt các Trại sáng tác và đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên trực thuộc.

tongket2021 1Ông Nguyễn Song Hiển đọc báo cáo tổng kết năm 2021

Hội nghị đã diễn ra trong không khí dân chủ, trang trọng, đoàn kết. Các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến thẳng thắn góp ý vào các Dự thảo báo cáo cũng như những đề xuất để thực hiện thành công nhiệm vụ 2022. Đoàn Chủ tịch hội nghị đã rất nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp đề ra nghị quyết Hội nghị. Trải qua một năm 2021 với rất nhiều khó khăn, tất cả các đại biểu cũng như Ban lãnh đạo Trung tâm đều hy vọng sẽ có được một năm mới 2022 với nhiều thành tích tốt hơn, thành công hơn. Hội nghị cũng đã công bố quyết đinh khen thưởng thành tích đối với các cá nhân và tập thể năm 2021.

tongket2021 2
Bà Đỗ Thị Thuý Nga công bố quyết định khen thưởng thành tích cá nhân năm 2021

 

tongket2021 3
Ông Trần Ngọc Khởi phát biểu kết luận tại hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần Ngọc Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đoàn kết của tập thể viên chức và người lao động, cùng nhau vượt qua những khó khăn của năm 2021 để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông cũng chỉ đạo các Nhà sáng tác cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững tinh thần đoàn kết, luôn làm việc theo quy chế cơ quan, pháp luật của Nhà nước. Cần nhanh chóng thích ứng với tình hình mới để tổ chức tốt các Trại sáng tác, các hội thảo…Các Nhà sáng tác cũng cần năng động hơn trong hoạt động sự nghiệp có thu, chú trọng tới công tác đào tạo, nâng cấp trình độ cho cán bộ nhân viên. Nhân dịp đón năm mới 2022, ông cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả viên chức người lao động của Trung tâm cũng như các Nhà sáng tác.

NHÂN CHỨNG CÒN LẠI TỪ LÀNG HỒNG - Đề cương kịch bản văn học phim tài liệu của Phạm Minh Tuấn - Hội Điện ảnh Hà Nội

NHÂN CHỨNG CÒN LẠI TỪ LÀNG HỒNG

     (Về nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi-1968)

 

Đặt vấn đề: Sự kiện một đơn vị quân viễn chinh Mỹ gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (hay vụ thảm sát Mỹ Lai, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968 đã cướp đi hơn 500 mạng sống bà con nơi đây. Nằm dưới lớp thi thể ấy có một người được cứu, đó là cậu bé Phạm Thành Công, một trong 30 nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát đã viết hồi ký “Chứng nhân còn lại từ Làng Hồng” kể về vụ thảm sát dã man kinh hoàng đó.

     Thủ pháp nghệ thuật: Phỏng vấn nhân chứng sống sót Phạm Thành Công kể và viết lại cuộc tàn sát của quân đội Mỹ đã bắn giết đồng bào ngày 16/3/1968. Đan xen với lời kể là những tấm ảnh phía Mỹ ghi lại được cùng những lời sám hối của lính Mỹ, sẽ phơi bày một phần tội ác của kẻ xâm lược giết hại dân thường.

     Nội dung: Hình ảnh lễ tưởng niệm những nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai. Cựu chiến binh MIKE BOEHM dự, phỏng vấn MIKE BOEHM, một vài gia đình thắp hương, nhân dân thắp hương tưởng nhớ ở khu di tích.

     “Buồn bã, hối hận là cảm xúc của tôi lúc này. Tôi ước vụ thảm sát đó chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi cảm thấy hối hận không chỉ những gì xảy ra ở Mỹ Lai mà là cả cuộc chiến trên đất nước các bạn”. Đó là lời nói muộn màng của cựu binh MIKE BOEHM từng tham chiến tại việt Nam.

     Còn với người dân Mỹ Lai sống sót trong vụ thảm sát ấy, hơn 50 năm qua chưa khi nào nguôi ngoai trong từng miếng ăn giấc ngủ, bởi chỉ trong phút chốc hơn 500 người dân vô tội đã bị lính Mỹ giết hại dã man không thương tiếc.

     Ảnh vụ thảm sát, tư liệu lính Mỹ trong vụ thảm sát, lính Mỹ lùng sục bắn giết. Báo chí đưa tin, bình luận về vụ thảm sát.

     Lịch sử đã ghi lại: Ngày 16/3/1968, một đơn vị quân viễn chính Mỹ, thuộc lực lượng đặc nhiệm Barker, lữ đoàn 11, sư đoàn Americal, đã gây ra vụ thảm sát 504 đồng bào vô tội bị cướp đi sự sống trong phút chốc. Trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, với 24 gia đình bị sát hại và 247 ngôi nhà bị thiêu rụi.

     Hình ảnh ông Phạm Thành Công ngồi viết, phỏng vấn ông Phạm Thành Công nói, Cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, trang sách có gạch chân những chữ trong cuốn sách. Ông Công trong nhà lưu niệm, đứng bên những tấm ảnh các nạn nhân kể. Những tấm ảnh. Bối cảnh khác ông Công kể.

     Phải đến năm 2014, tức là 48 năm sau, nạn nhân sống sót Phạm Thành Công mới dám cầm bút viết về cuộc thảm sát đó. “Khi viết đến hoàn cảnh chính gia đình mình, nhớ lại những gì mình từng chứng kiến, tôi hoảng sợ và lòng cuộn lên một nỗi đau không tả nổi, cứ như mọi thứ đang diễn ra mồn một trước mắt mình”- ông tâm sự.

     Là tác giả cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, ông Phạm Thành Công khó khăn lắm mới hoàn thành được cuốn sách này vào dịp 48 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ-Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Trong cuốn hồi ký này, ông viết: “Tôi được tìm thấy dưới lớp thi thể của gia đình. Sau khi mở mắt ra, xung quanh tôi toàn máu và thịt, nhà cửa đang bốc cháy…”.

     Phỏng vấn ông Phạm Thành Công:

     Nói về cuốn hồi ký, ông Phạm Thành Công kể: “Quá khứ khủng khiếp ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn cho đến giờ, 3 lần viết, 3 lần bỏ bút giữa chừng cũng là 3 lần tôi không thể đối diện với sự thật ấy. Cuộc sống có nhiều cái cần buông bỏ, nhưng quá khứ vụ thảm sát thì vĩnh viễn không bao giờ quên được”.

   Ngừng một lát, ông Công kể tiếp- Ngày 16/3/1968 một vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy đến với nhân dân xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân yên bình, các mẹ, các chị xôn xao gọi nhau ra đồng, trẻ thơ chuẩn bị cắp sách tới trường. Vậy mà chẳng ai ngờ được chỉ vài phút nữa, tất cả sẽ ngạt trong khói súng và nhuốm chìm trong màu máu. Cuộc tàn sát đã cướp đi sinh mạng không chừa một ai, từ người già, phụ nữ đến trẻ em. Theo thống kê, đối tượng nhỏ nhất bị lính Mỹ giết là 1 tuổi và lớn nhất là 83 tuổi…

   Cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng” và những trang viết có mờ chồng lên hình ảnh lính Mỹ đi càn, bắn giết, hình ảnh cận mặt ông Công nhìn xa xăm.

     Trong cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng” ông Công viết: “Thỉnh thoảng vẫn văng vẳng lời mẹ tôi trong giờ khắc khủng khiếp đó lại vọng về: - Các con ơi, Mỹ nó bắn chết hết nhà bác Ba Đích rồi, nhà thím Sáu Trị cũng vậy. Nhà bác Hược con thì súng đang nổ. Chắc 6 mẹ con mình cũng chết mất thôi” Ký ức đó quá đáng sợ, không bao giờ tôi quên.

     Phóng viên chiến trường Ronald Haberle dự lễ kỷ niệm và trả lời phỏng vấn, nói chuyện và đưa ảnh cho người dân và du khách ở Sơn Mỹ. Hình ảnh những tấm ảnh và những tượng đài, bia kỷ niệm vụ tàn sát Sơn Mỹ.

   50 năm sau trở lại Sơn Mỹ, Ronald Haberle phóng viên chiến trường nhớ về ký ức khủng khiếp đó: “Một đứa trẻ chập chững bước lại chỗ chúng tôi, nó chẳng hề kêu khóc một tiếng. Tôi quỳ xuống chụp ảnh nó. Một lính Mỹ quỳ xuống bên rồi bắn ba loạt đạn vào đứa bé, loạt đầu đẩy bật nó ra sau, loạt thứ hai hất tung nó lên, loạt thứ ba quật nó ngã sấp”.

     Đứa bé ấy hay hơn 500 người dân còn lại đã có tội gì để lại bị giết một cách oan uổng như vậy? Tại lính Mỹ sao? Tại những kẻ sát nhân sao? Không!. Lỗi chính là ở chiến tranh, chiến tranh đã biến con người thành kẻ sát nhân.

     Hình ảnh trung úy Wiliam Calley, Hình họa 3D phiên tòa quân sự xử những binh lính trong vụ thảm sát. Những dòng chữ xin lỗi của Calley

     Mặc dù không phủ nhận đã tham gia vụ thảm sát tại Mỹ Lai, nhưng Wiliam Calley, nguyên trung úy thuộc đại đội Charlie của tiểu đoàn số 1, trung đoàn bộ binh 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, sư đoàn bộ binh 23 Lục quân Hoa Kỳ vẫn luôn cho rằng chỉ làm theo lệnh của đại úy Ermrst Medina, cấp trên trực tiếp của mình.

     Ngày 17/3/1970, tòa án Mỹ đã buộc tội 14 sĩ quan, bao gồm cả Thiếu tướng Samuel W Koster, sĩ quan chỉ huy sư đoàn bộ binh 23 về việc che giấu thông tin liên quan tới sự kiện Mỹ Lai. Nhưng phần lớn các lời buộc tội sau đó đã bị hủy bỏ. Và chỉ có trung úy William Calley bị tòa án quân sự kết tội giết 22 thường dân Việt Nam trong vụ thảm sát này.

     “Không một ngày nào đi qua mà tôi lại không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy xót thương những người Việt Nam đã bị giết, xót thương cho gia đình họ... Tôi vô cùng xin lỗi”. William Calley nói.

     Hình ảnh tên trong danh sách 504 người bị sát hại, những nền nhà, giếng nước giờ thành những di tích. Ảnh ông Công lúc 11 tuổi, ảnh những người dân sắp bị thảm sát. Nhân dân bị thảm sát nằm trên đường, bờ mương. Hình ảnh ông Công đưa du khách đi thăm những nơi dân làng bị sát hại hơn 50 năm trước, ông Công vừa đi vừa kể, xen lẫn là nội dung trong cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”. Một số ảnh ông Công làm việc trong khu di tích với khách tây, ta. Cận cuốn Hồi ký.

     Lời xin lỗi muộn màng của Calley sau 41 năm, hắn cùng với đồng đội đã tước đi mạng sống của 504 bà con làng Sơn Mỹ. Còn những người sống sót cũng không hơn gì, không nhà cửa, ruộng vườn, phải sống tha hương…Ông Công kể- Tôi lúc đó nằm dưới đống thi thể của gia đình tôi, gồm mẹ, chị và 3 đứa em. Khi mở mắt ra, điều đầu tiên mà tôi thấy là toàn máu và thịt người, xung quanh nhà cửa đang bốc cháy ngùn ngụt. Khi tôi được cõng đi, trên đường thấy xác dân làng nằm la liệt khắp đường làng ngõ xóm…Không lâu sau, cha tôi cũng hy sinh. Đó là những ngày côi cút nhất trong cuộc đời của tôi.

     Phải vài chục năm sau tôi mới dám trở về nơi kinh hoàng ấy. Dấu tích căn nhà xưa chỉ còn trơ lại cái nền gạch trống rỗng…Sao mà thấy cô đơn đến thế! Không còn bà con chòm xóm thân quen, không có anh em gia đình, và cả bạn bè của thuở hàn vi.

     Lặng đi hồi lâu, ông Công mới có thể kể tiếp:

     Tôi đã từng làm nhân chứng sống ở khu di tích này gần 30 năm để kể cho du khách trong và ngoài nước nghe tội ác của quân viễn chinh Mỹ gây ra vụ thảm sát, nhưng chưa đủ. Hơn 500 đồng bào khác, những người thân yêu của tôi đã tức tưởi vĩnh biệt thế gian này mà không kịp nhắn nhủ hay than trách một lời.

     Giờ đây còn lại mình tôi giữa dòng chảy cuộc đời, trên nấm mồ hoang lạnh đã chôn vùi cả gia đình mình và những ký ức cay đắng xót xa đến tận cùng.

     Chính vì vậy, tôi phải viết cuốn hồi ký kể về cuộc thảm sát làng mình do Mỹ gây ra để mọi người cùng hiểu. Hồi ký này không nhằm viết ra để lấy sự thương cảm của các thế hệ sau này, mà là bài học cho tất cả mọi người đừng để một vụ thảm sát Sơn Mỹ nào xảy ra trên thế giới này nữa- Ông tâm sự.

CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM - Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương - Hội Điện ảnh Hà Nội (P3)

Suốt mấy chục năm Ca Trù im hơi lặng tiếng trong đời sống văn hoá nghệ thuật của miền Bắc.

Năm 1976 khi giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê từ Pháp trở về ông đến Khâm Thiên gặp bà Quách Thị Hồ ông đã ghi âm tiếng hát của bà đem giới thiệu ra thế giới. Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện nghiên cứu Quốc tế Âm nhạc đã trao bằng danh dự cho bà là có công lao đặc biệt vì đã bảo tồn một bộ môn Âm nhạc truyền thống có giá trị.

1980 Sở văn hoá thông tin Hà Nội biên soạn tập sách “Hát cửa Đình Lỗ Khê”.

1984 Công ty nghe nhìn ra VCD “Hát Cửa đình Lỗ Khê”.

1987 Có cuốn “Tuyển tập thơ Ca trù” cuả tác giả Ngô Linh.

1991 Câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội ra đời.

1995 Nhóm Ca Trù Thái Hà và nhiều nhóm khác cũng đi vào hoạt động.

2000 Liên hoan Ca Trù được tổ chức tại Văn Miếu.

2005 Lần đầu tiên Bộ Văn hoá tổ chức do quĩ Ford tài trợ liên hoan Ca Trù toàn quốc 2005 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và khu di tích Nguyễn Du tại Hà Tĩnh.

1/10/2009 tổ chức UNESCO công nhận Ca Trù là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Giai đoạn này ngoài liên hoan Ca Trù toàn quốc do Bộ Văn hoá tổ chức trên địa bàn Hà Nội có 10 câu lạc bộ Ca Trù. Bạch Vân người đầu tiên mở câu lạc bộ Bích Câu đạo quán.

Quảng Bình: (có 5 đền) Múa Đại thạch trên phiến đá do bà nghệ nhân Quảng Bình trên tiếng Sênh phách. Họ sử dụng Sênh và lắc bằng gân tay để biểu hiện động tác múa rất độc đáo.

Ca vũ cung đình thể loại Ca Trù: Múa cổ: Muá bài bông từ thời Trần có khoảng 700 năm.

Hình thức múa từ 16 đến 32 người (có ảnh nghệ nhân người Pháp chụp)

2002: Lớp đầu tiên diễn viên trẻ toàn quốc hát Ca Trù do quĩ Ford và Cục Nghệ thuật biểu diễn được Bộ Văn hoá tổ chức cho 13 tỉnh tập huấn tại nhạc viện Hà Nội.

2005: Có nhiều câu lạc bộ Ca Trù ra đời:

  1. Câu lạc bộ Ca Trù Lỗ khê
  2. Câu lạc bộ Ca Trù Thái Hà
  3. Câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội
  4. Câu lạc bộ Ca Trù Cổ Đạm Câu lạc bộ Ca Trù huyện Nghi Xuân
  5. Câu lạc bộ Ca Trù tỉnh Bắc Ninh
  6. Câu lạc bộ Ca Trù Hà Tây
  7. Câu lạc bộ Ca Trù Ngãi Cầu
  8. Câu lạc bộ Ca Trù Hải Phòng
  9. Câu lạc bộ Ca Trù làng Đông Môn
  10. Câu lạc bộ Ca Trù tỉnh Hải Dương
  11. Câu lạc bộ Ca Trù huyện Cẩm Giàng
  12. Câu lạc bộ Ca Trù Giáo Phòng
  13. Câu lạc bộ Ca Trù Hà Tân
  14. Câu lạc bộ Ca Trù Thanh Hoá
  15. Câu lạc bộ Ca Trù Diễn Châu
  16. Câu lạc bộ Ca Trù Yên Xá
  17. Câu lạc bộ Ca Trù Đông Dương

Ngày nay đã có rất nhiều câu lạc bộ Ca Trù (khoảng trên 100 câu lạc bộ)

Nhưng Thăng Long Hà Nội xứng danh là cái nôi của Ca Trù Việt nam

Ca Trù: Gồm có 70 làn Điệu, 144 thể cách

Hát Ca Trù gắn liền với văn chương, lễ hội, phong tục tập quán

Ca Trù hát có nhiều không gian

Nhưng tạm tính có 4 không gian chính:

  1. 1.Ca Trù cửa đình
  2. 2.Hát Cửa quyền
  3. 3.Không gian Cung đình (Thăng Long xưa)
  4. 4.Không gian Ca quán (Cô đầu Khâm Thiên)

Các tác phẩm Ca Trù dự trù để lựa trọn đưa vào trong phim:

  1. Hát Cửa đình: Thét nhạc

- Giáo Hương

- Giáo trống

- Thiên Thai

- Hát Thờ tổ nghề ở đền ca Công (khúc: Non mai Hồng Hạnh)

2. Hát mở: Điệu Bắc Phạt Hát giai - Hát ru

3. Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị)

4. Hát Cửa quyền (Hát cung đình)

                 Hát chơi:   - Trí nam nhi

                         - Hỏi phỗng đá

                         - Người đẹp chỉ gặp một lần

                         - Hồ Tây hoài cổ

                   - Hồ Tây hoài cổ (Nguyễn Công Trứ)

                   - Gửi thư

                   - Hát nói nhiều thể cách Hồng Hồng Tuyết Tuyết

           6. Hát chuyện văn trần: Kể câu chuyện về ông thánh Hoàng Làng

         7. Hát Ngâm Vọng: là làn điệu cổ kính nhất của Ca Trù nó hát ở không gian cửa đình

         8. Hát Ngâm thơ cổ:

                     Ví dụ: - “Thăng long Thành hoài cổ”

                                 - “Qua đèo Ngang”  

Đây là lối hát được thể hiện ở nhiều không gian như hát cửa đình hoặc hát chơi

         9. Làn điệu hát vặt trong Ca Trù: có Điệu 36 giọng nó gồm Ca Trù và các làn điệu dân ca ghép lại nó được chuyển điệu cho các làn điệu dân ca hài hoà và khéo léo (NSND Thanh Hoài đã thể hiện thành công điệu này)

10. Hát vặt: (Xẩm Huê tình là một trong những bài hát vặt)

11. Ngâm thơ cổ: NSND Thanh Hoài, hay NSND Kim Đức

Các làn Điệu ngâm thơ: Bồng Mạc, Sa mạc, Ngâm thơ kể chuyện

12. Màn múa cổ Cung đình:

       Múa Bài Bông.

       Hát múa Bỏ bộ.

13. Tấu nhạc Cung đình để giới thiệu bạn bè và các giáo phường

Phim có thể làm nhiều tập

   Tập 1: Ca Trù vọng tiếng ngàn năm

   Tập 2: Hát múa Cung đình

   Tập 3: Nghệ thuật hát cửa đình

   Tập 4: Hát chơi cửa đình và hát ca quán đầu thế kỷ 20

   Tập 5: Câu lạc bộ Ca Trù

                                                                         Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương

CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM - Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương - Hội Điện ảnh Hà Nội (P2)

Đình Cổ Đạm và Lỗ Khê là cái nôi phát tích của Ca Trù

Thần Ca Trù đặt thờ tại hai đình này.

Về truyền thuyết lịch sử của vị tổ Ca Trù:

Vào đời Lê Đinh Lễ tự là Nguyên Sinh người làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh khi vào trong rừng thông được gặp 2 ông cụ già đưa cho khúc gỗ ngô đồng và tờ giấy vẽ kiểu mẫu đàn, Nguyên Sinh y lời làm theo, tiếng đàn kỳ diệu đã chữa bệnh cho nhiều người và chàng chữa bệnh cho người con gái tên Hoa khỏi bệnh câm và 2 người đã nên vợ nên chồng. Cây đàn Đáy là do Nguyên Sinh (Đinh Lễ) làm ra và ông đã đặt ra lối hát mới, một lần cảm hứng nàng Hoa lấy đôi đũa gõ lên trên mảnh gỗ theo nhịp đàn mà hát sau này đổi vót thành 2 thanh tre, gỗ, họ ở Cổ Đạm lập nghiệp đến khi qua đời. Ngày nay ở Cổ Đạm lập đền thờ Tổ Cô hay gọi là Đền Bạch Hoa công Chúa.

Hay ở Hà Nội, từ nội thành Hà Nội qua cầu Đuống về Đông Anh ta sẽ gặp mảnh đất lịch sử Lỗ Khê, nơi gần 600 năm trước đã là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ca Trù, phát tích tại đất Đông Anh nơi đây có đền Đinh Dự. Theo thần phả thì Đinh Lễ có một con trai tên là Đinh Dự, vốn học vấn tinh thông, cầm kỳ thi họa hay xướng ca đàn phách đều giỏi hơn người. Đinh Dự nên duyên với một cô gái xinh đẹp tên là Đường Hoa, người Nga Sơn, Thanh Hóa, chuyên đi các giáo phường dạy hát. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng trở về trang Lỗ Khê truyền nghề hát ả đào cho dân chúng khắp vùng, được dân nhớ ơn, lập đền thờ và suy tôn làm tổ nghề. Điều này được ghi lại trong thần phả “Sự tích tổ sư giáo phường” bằng chữ Hán do Đông các học sỹ Đào Cử soạn năm Hồng Đức thứ 7, 1476.

Giáo phường Lỗ Khê ở đây có mấy họ, mỗi họ lại cử một người kỳ cựu làm trùm họ, bầu người có khả năng, có uy tín nhất làm Quản giáp, điều khiển mọi công việc của giáo phường như nhà Lý đã đặt ra thành lệ từ năm 1025.

Cho nên Đình Cổ Đạm và Lỗ Khê là cái nôi phát tích của Ca Trù. Thần Ca Trù được đặt thờ tại hai ngôi đình này.

Từ cung đình cho tới dân dã đã có luật mới ra đời của nhà vua ra để quản lý, lúc bấy giờ gọi là luật Hồng Đức, cho nên có cuộc làm Nhã nhạc cho Cung đình, và các giáo phường trong dân gian đều do bộ Lễ quản lý, và nó làm cho Ca Trù ngày càng phát triển, đã có nhiều giới tri thức tham gia vào nghệ thuật Ca Trù. Ca Trù trở thành nghệ thuật văn học cao cấp, các bậc tài tử giỏi chữ, nhiều đam mê ca hát, như Nguyễn Khản, và đặc biệt là Nguyễn Công Trứ, người để lại nhiều giai thoại đi hát rất thú vị, người đã có công hoàn chỉnh hát nói, đưa hát nói thành một thể thơ dân tộc.

Kể từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Ca Trù có một bước phát triển rực rỡ, nó trở thành điểm giao hội giữa Âm nhạc và Thơ ca. Nhiều văn nhân tài tử mê ca hát đã đến với Ca Trù. Những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Lâm, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… đã ra đời như thế.

Trong triều Nguyễn, nhà Nguyễn sử dụng lối hát ca nương trong cung đình để vào hát trong kinh đô nhà Nguyễn, và lúc bấy giờ người ta gọi là hát Chúc hỗ, hát Chúc hỗ tức là hát vào những ngày khánh hạ đại điện hát trong cung vua phủ chúa, thể thức này múa nhiều hơn hát, múa trong cung đình có những thiết chế về trang phục và đạo cụ khác với múa ngoài dân gian. Để được hát được trong cung vua của những ngày khánh hạ đại điện thì các giáo phường phải tổ chức thi hát để tuyển chọn ra một Đào nương xuất sắc nhất, cho nên đào nương được đi hát Chúc hỗ là đào nương rất nổi tiếng, ở làng Chanh thôn có một Đào nương đã được chọn vào hát trong cung vua phủ chúa, khi ra về bà nhớ lại những điệu múa ở trong cung bà đem truyền dạy lại những điệu múa ấy gần giống với hát múa cung đình. Ngày nay chúng ta về Chanh thôn thì vẫn còn thấy được lưu truyền để lại đến ngày nay, và còn rất nhiều những cơ sở mà trước kia các đào nương vào hát trong cung vua phủ chúa như đền thờ ở Phượng Cách Quốc Oai vẫn còn nhà thở tổ của ca nương đã vào hát trong cung đình, nhà thờ tổ vẫn còn được giữ lại là di tích lịch sử của hát Ca Trù mà nhà nước còn lưu giữ.

Hát cửa đình

Về nghệ thuật hát cửa đình, giai đoạn thứ nhất là giai đoạn hát thờ, tất cả đào nương kép đàn phải thực hiện chặng hát đầu tiên đó là hát thờ, các đào hát phải hát các nội dung thờ thành hoàng làng, khi trình thức hát thờ đấy thì các đào nương không được ngồi mà đào nương phải đứng.

Ở các chặng Giáo trống, Giáo hương hay Thét nhạc, vì thuộc hình thức hát thờ, nên đòi hỏi người hát phải có điệu bộ đoan chính, không được hát lối lẳng lơ, không được cung bậc dập dờn tiếng to tiếng nhỏ.

Múa Bỏ bộ là chặng cuối của phần hát lễ trong hát cửa đình. Gọi là “Múa bỏ bộ”, vì múa ở đây mang tính cách minh họa cho nội dung lời hát. Lời hát đến đâu thì điệu bộ đến đấy, uyển chuyển, nhịp nhàng, diễn tả trọn vẹn các hành vi lao động sản xuất hay sinh hoạt vui chơi đang được nhắc đến.

Đến khoảng 11 giờ đêm thì cuộc hát sẽ hấp dẫn nhất, là lối hát chơi, nhiều quan khách nhiều quan viên tới dự chầu hát này, người ta tập trung vào các bài hát như Gửi thư, như Tỳ bà, như Cung bắc, Thiên thai ...vv. Trong lúc nghe hát, ngẫu hứng lên thì các quan viên sáng tác những điệu hát và đưa cho đào nương hát ngay trong đình làng, cho nên cuộc thi sáng tác trong đình làng cũng xảy ra, và người ta vừa sáng tác, vừa hát tại chỗ kéo dài cho tới tận sáng.

Địa điểm chơi Ca Trù nữa là chơi tại tư gia. Chơi Ca Trù trong tư gia là chơi Ca Trù cho những ngày lễ trong gia đình, thường ngày xưa người ta mời cô đầu về nhà, mời bạn hữu đến chơi trong những ngày vui đấy.

Hình thức này vẫn còn được lưu truyền như câu lạc bộ ca trù Hoa Hựu của Hà Nội.

Các thập niên đầu của thế kỷ XX là một thời kỳ cực thịnh của hát ca quán. Sau khi phố thị ra đời, thì nhu cầu thưởng thức bắt đầu xuất hiện. Các đào nương tập trung về phố thị thì các cô vẫn giữ được sự nghiêm túc đạo đức của giáo phường. Sự phát triển của Ca Trù, các ca quán đua nhau mọc lên, ở hàng Giấy, Nhà hát Thái Hà rồi đến cô đầu Khâm Thiên trước 1915, rồi nhà hát ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Chùa Mới. Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ năm 1930-1940 trên một đoạn phố không đầy 800m có tới 40 nhà hát cô đầu.

Theo sử sách ghi lại ở Hàng Giấy, Thăng Long thời Lê có nhiều giáo phường ca trù, cuối đời Lê phố Hoè Nhai là dãy phố hát Ả Đào làm say mê bao vương tôn công tử đã có những bài thơ như:

 Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp

 Phong lưu vành chiếm một hoè nhai

Nõn nà trăm vẻ xuân khoe sắc

 Uyển chuyển lời ca ghẹo khách hoài

Hoa rụng bên đền ghen má phấn

Oanh hoà tiếng phách rộn bên ngoài

Phường Hoè Nhai thời Lê bao gồm Hàng Than, Hàng Giấy và cả Hàng Đậu, trong cuốn “Phố Phường Hà Nội xưa” của Hoàng Đạo Thuý cũng viết về Ca Trù ở phố Hàng Giấy đầu thế kỷ XX, vẫn là kép đánh đàn đáy, vẫn đào hát răng đen, yếm đào gõ phách, người nghe sành thì cầm trống chầu, người có tiền thích thú vui tao nhã này họ lập ra các ca quán, có lẽ phố Hàng Giấy là nơi ra đời các ca quán đầu tiên. Theo nhà sử học Trần Quốc Vượng, Hàng Giấy từng được gọi là phố Ả Đào.

 “Trải qua hàng Giấy dần dần

Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa”

Nhà văn Nguyễn Tuân viết rằng khi còn nhỏ ông từng được cha cho theo đến đây. Theo nhà văn Vũ Bằng thì các danh sĩ như: Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đỗ Mục, Sơn Phong từng đến Hàng Giấy thưởng thức cung đàn nhịp phách.

Rồi nhà đất ở Hàng Giấy ngày càng đắt nhiều ca quán tìm đến chỗ rộng hơn và Thái Hà là điểm lựa chọn, thời đó ấp Thái Hà là ở ngoại ô nhà cửa còn xen lẫn ruộng, đến cô đầu Khâm Thiên trước 1915 phố Khâm Thiên vẫn chưa hình thành hai bên còn là bãi tha ma, ao hồ ruộng rau. Đầu năm 1920 khi các nhà hát ở ấp Thái Hà bị tên Tiến con trai Trần Vương trùm du côn đến quấy phá các ả đào và quan viên nên một số nhà hát chuyển đến phố Khâm Thiên nhờ Cửu Kê và Bát  Chắm che chở rồi từ vài nhà đến chục nhà trống phách đến sáng. Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ năm 1930-1940 là nhà thờ hát và cô đầu tiệm nhảy, trong một cuốn sách năm 1938, Đốc Lý Hà nội Virgitti viết “Khâm Thiên là xóm ăn chơi nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất, trên một đoạn phố không đầy 800m có tới 40 nhà hát”. Những ông chủ bà chủ mở nhà hát cô đầu vốn ít không chịu nổi ở Khâm Thiên phải đi xa xuống Ngã Tư Sở, đường Tàu bay, Vạn Thái (phố Bạch mai). Đám khách ít tiền mê hát phải tìm đến nhà hát ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Chùa Mới.

Trong số các nhà hát thì nhà hát của cô Đốc Sao là sang nhất. Cô Đốc sinh năm 1900 quê ở Hưng Yên, chồng là bác sĩ người Hoa tên là Lưu Nam Sao vì thế người ta gọi là cô Đốc Sao.

Trong bài viết “Từ ca quán Hàng Giấy đến cô đầu Khâm Thiên” của Nguyễn Ngọc Tiến có viết: Thăng Long Hà Nội là một trong những cái nôi của Ca Trù, chỉ có nơi đây Ca Trù mới có điều kiện phát triển cực thịnh. Trong quá trình tồn tại Ca Trù có những bước thăng trầm, thậm chí có những lúc bị hiểu lầm, có những lúc đã bị bặt hơi tiếng cả mấy chục năm dài.

Trong cuốn Ca Trù nhìn từ nhiều phía đăng lại bài viết của nhà văn Vũ Bằng có đoạn: thực tình đến bây giờ (năm 1973) cố moi trí nhớ tôi cũng chưa thấy nhà văn nhà báo đất bắc nào mà lại không vào nhà hát Cô đầu, ông đã gọi phố Cô đầu là “Cái nôi văn nghệ của Hà nội”, các văn nghệ sĩ, hội họp uống rượu ngâm thơ, đánh một trống chầu để thưởng câu văn hay. Sau này Văn Cao gọi chốn Khâm Thiên là phường dạ lạc, nhà nghiên cứu Trần Kim Anh có đoạn viết: Những từ ngữ đẹp nhất dùng để miêu tả ca ngợi nghệ thuật Ca Trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ Huế ra Hà Nội học khi qua phố Khâm Thiên nổi tiếng về hát cô đầu ông cũng đã viết bài Đêm Đông. Nguyễn Tuân yêu quí trân trọng Ca Trù tới mức dường như với ông Ca Trù là một ngôi đình linh thiêng để hoá giải nỗi đau tục luỵ

Khi thực dân Pháp đô hộ họ đã lấy Ca Trù quán là chỗ ru ngủ chốn ăn chơi cùng với một số tàn dư xấu của chế độ cũ đã mang lại tiếng xấu, cứ nói đến Ả đào người ta nghĩ ngay đến thú ăn chơi làm cho khuynh gia bại sản, có hại cho phong hoá và luân lý nên đã bị quét đi không thương tiếc.

CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM - Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương - Hội Điện ảnh Hà Nội (P1)

Kịch bản phim tài liệu của Thạc sĩ Đạo diễn NSND Việt Hương- Hoàn thành tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4-2021. 

Tất cả của cải vật chất đều mất đi chỉ có văn hóa là để lại

Một dân tộc được tồn tại thể hiện ở nền văn hóa dân tộc đó tồn tại

Ca Trù là bộ môn nghệ thuật đa sân khấu từ chốn dân gian đến trong cung vua phủ chúa cao sang

Là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt nam.

Ca Trù là đặc trưng Văn hóa của người Việt, và cũng là Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ trước đến nay cũng đã có nhiều bộ phim về Ca Trù thường thì mới chỉ giới thiệu được khái quát hay vấn đề thân phận người nghệ nhân đang mai một đi, mà chưa giới thiệu được đầy đủ, chưa đi sâu vào giá trị cũng như vẻ đẹp của nghệ thuật hát Ca Trù một cách sâu sắc, một cách kiêu hãnh để giới thiệu với bạn bè năm châu thế giới vẻ đẹp âm nhạc của dân tộc mình cũng như cho con cháu chúng ta.

           Với kịch bản: CA TRÙ - VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM

Tôi muốn làm một hệ thống và đầy đủ các thể cách hát múa của Ca Trù Việt nam, và cơ bản là đưa ra được vẻ đẹp, những giá trị thực thụ của bộ môn nghệ thuật này để giới thiệu cho công chúng khán giả nền văn hóa của dân tộc.

                                                             Thạc sĩ NSND Việt Hương

Kịch bản phim Tài liệu

CA TRÙ VỌNG TIẾNG NGÀN NĂM

           Năm 1010 Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn từ kinh đô Hoa Lư ra thành Đại La đổi tên là Thăng Long. Trải qua hơn một ngàn năm, Thăng Long Hà Nội hôm nay trở thành vùng đất văn hóa trong tâm linh người Việt, trải qua trên ngàn năm lịch sử biết bao những biến cố thăng trầm nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính hào hoa, văn hóa cổ xưa của cha ông để lại qua các chứng tích như các Đền, Chùa, Miếu, Phủ, những nét văn hóa của cha ông ta còn để lại lưu truyền đến hôm nay, những đền miếu cổ xưa còn vang lên lời ca tiếng hát của nghệ thuật Ca Trù của ông cha vẫn còn vang vọng tại đền Bích Câu đạo quán Hà Nội.

Ca Trù xuất hiện từ thời Lý là lối hát đào nương hay còn gọi là hát “Ả đào”, cho tới thời Lê mới xuất hiện tên gọi Ca Trù, trong sử sách còn ghi đó là trong những cuộc thi hát ở kinh thành Thăng Long, trong các cuộc thi ấy người ta đánh giá các Đào nương bằng một thẻ, thẻ đấy có ghi mệnh giá, cái thẻ ấy gọi là Trù, và chữ Ca Trù xuất phát từ đấy.

Ca Trù là lối hát đặc biệt của người Việt, là bộ môn nghệ thuật biểu diễn đa sân khấu từ chốn dân gian đến cung vua phủ chúa cao sang, nó là di sản văn hóa của cha ông để lại cho lớp lớp con cháu, là văn hóa phi vật thể của nhân loại, đến nay nghệ thuật hát Ca Trù vẫn luôn vang vọng giữa thủ đô Hà Nội, tiếng đàn câu hát từ nghìn xưa của cha ông vẫn vang vọng đến hôm nay.

Ca Trù là một thể loại âm nhạc nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã được UNESCO phong tặng là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Theo một số nhà nghiên cứu Ca Trù thì có thể có từ thời Triệu Đà, thời Lý, Trần và hưng thịnh từ triều Lê, theo một số nhà nghiên cứu Ca Trù lại cho rằng Ca Trù xuất hiện từ thế kỷ 15.

Trải qua các triều đại Ca Trù từ trong dân gian vào đến cung đình rồi lại phổ biến ra chốn dân gian, nó tác động trở lại và tinh túy hơn, nó là lối chơi phong lưu tao nhã, rồi cũng đã có lúc rơi vào lãng quên, nhưng nhờ vào sự phát triển của nền quốc học, những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà, thể loại này đã được sống lại.

Khởi nguồn từ lối hát Đào Nương một lối hát lấy giọng nữ làm trọng, văn hóa chơi ca trù trực tiếp chỉ có 3 người, người đào nương, người kép đàn và người đánh trống, người đánh trống thực ra lại là quan viên cầm chầu lại chính là khách người thưởng thức đồng thời là người tham gia vào cuộc chơi, khi người thưởng thức tham gia vào cuộc chơi nó đòi hỏi anh phải hiểu biết nghệ thuật Ca Trù sâu sắc, nên quan viên không chỉ là người thưởng thức tiếng hát của đào, tiếng đàn của kép, mà thực chất quan viên còn là người tham gia vào cuộc hát bằng cách giữ nhịp trống chầu, ngẫu hứng lên thì các quan viên họ sáng tác thơ ngay tại chỗ cho những điệu hát và đưa cho đào nương hát ngay tại đó, nên trình độ của các ca nương là những người không chỉ có giỏi ca hát mà còn cả am hiểu văn thơ.

Ca Trù là một môn nghệ thuật đặc sắc vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học. Nghệ thuật hát Ca Trù đã tạo nên những áng văn chương tuyệt bút, hát Ca Trù cũng chính là hát lên các bài thơ với yêu cầu diễn cảm ý thơ, tình thơ rất cao, vì vậy người hát Ca Trù là các ca nương bắt buộc phải hiểu ý thơ, nội dung tư tưởng của bài thơ một cách trọn vẹn nhất thì mới có thể hát được, vì các quan viên sáng tác tại chỗ và đưa ngay cho ca nương biểu diễn ngay lúc đó.

Ca Trù, nói như nhà dân tộc nhạc học, cố Giáo sư Trần Văn Khê: “Ca Trù là một lối hát đặc biệt của nước Việt”. Ca trù đặc biệt, bởi đó là một nghệ thuật biểu diễn cổ truyền mang trong mình cả lịch sử nghìn năm, vừa mang chức năng nghi lễ, vừa là một thú chơi tao nhã, vừa phổ biến ở chốn dân gian, lại vừa vào đến cung vua phủ chúa cao sang.

Theo đặc khảo Ca Trù thì hơn 500 năm lối hát, đào nương đã hoàn thiện mọi mặt từ thể các, trình thức biểu diễn và không gian thực hành nghệ thuật để sớm trở thành lối hát:

Hát thờ Thành Hoàng làng ở đình làng

Lối hát chơi ở tư gia

Hát chơi ca quán

Hát chơi dinh thự

Lối hát chúc hỗ nơi cung vua phủ chúa

Ca Trù là bộ môn âm nhạc Việt được phổ biến nhất nó đa sân khấu, đa không gian, ngày nay tiếp cận về những di tích: Đình, đền, nhà thờ nơi sinh hoạt Ca Trù (có nơi chỉ còn là vết tích) (những bức trạm khắc tại đình Đông Ngạc), chạm khắc tảng đá kê chân cột chùa Phật tích Bắc Ninh 1057. Tiên nữ tấu nhạc trên ván nong chùa Thái Lạc Hưng Yên. Những sắc phong thần phả liên quan đến Ca Trù cùng những chân dung đào kép nổi tiếng của các giáo phường ngày xưa còn vang bóng, và cả đang hiện diện trong đời sống đến hôm nay.

Các nghệ sỹ là các danh ca, danh cầm lừng danh một thuở. Các danh ca như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Mơn; các danh cầm Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Phú Đẹ… và rất nhiều tên tuổi khác nữa, ngày nay vẫn còn lại một ca nương của những thập niên đầu thế kỷ 20 vẫn còn sống, đến nay bà đã được mệnh danh là “Đệ nhất phách” hay còn gọi là Phách trạng nguyên, vừa qua đã được nhà nước đã phong tặng NSND năm 2019. Bà là NSND Phó Thị Kim Đức, bà Đức cũng là con nhà nòi, anh trai bà chính là danh cầm Phó Đình Kỳ, cha của bà là cụ quản giáp Giáo phường Khâm Thiên Phó Đình Ổn vào đầu thế kỷ 20.

Các nghệ nhân Ca Trù Hà nội:

1*Ca Nương Cụ Nguyễn Thị Tuyết (bà phán Chí Nguyễn Thị Tuyết (1885-1935) cô tổ Ca Trù của dòng tộc Nguyễn - Thái Hà, Hà nội) là bạn thân của Dương Khuê. Bà là ca nương bậc nhất được hát trong triều đình Nguyễn thời vua Tự Đức.

Dương Khuê đã viết gặp cô Đào Tuyết và nói về bà Đào Tuyết, bà là người nổi danh nhất hát trong Cung đình, tên tuổi bà được gắn liền với những bài hát nói như: “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”

Hay như bài:

Danh tại giáo phường đệ nhất bộ

Tuyết ca nương thủa nọ ấy là ai?

Hỏi Xuân xanh nay đã mấy mươi

Mà son phấn cợt cười chi mãi tá...

2*Bà Phán Huy Trần Thị Phẩm (1900-1987) phố Hàng Đào Hà Nội

3*Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ (1913-2001)

4*Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (1930-2014)

5* Nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức

6*Nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc

7*Bà Trần Thị Ngọ (1905-1998) phố Hàng Đào bà là nghệ nhân ca vũ trong cung đình.

8* Ông trưởng Bảy (1880-1945) tức trưởng phố Thái Hà ấp nay là phố Sơn Tây Hà nội

9*Kép đàn Nguyễn Văn Xuân (1903-1962)

Những vô địch đàn đáy Bắc Hà:

10* Nghệ nhân đàn Đáy Phó Đình Kỳ (1929-1993)

11*Nghệ nhân đàn đáy Chu văn Du (1906-1995)

12*Nghệ nhân đàn đáy Đinh Khắc Ban (1922-1994)

13*Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Mùi (1931)

Bên Lỗ Khê có ông Nguyễn Văn Hành, bà Mùi và một số nghệ nhân của đình làng Lỗ Khê.

   Cửa Đình ở Ngọc Hà (ông Hựu bố của ca nương Đặng Thị Huệ).

   Hát 36 giọng (NSND Thanh Hoài).

Giáo phường tại Hà Nội còn lại hoạt động Ca Trù từ bảy đời đến nay là giáo Phường Thái Hà, lịch sử của giáo phường Thái Hà vẫn còn ghi nhớ: bà Nguyễn Thị Tuyết ca nương đệ nhất bộ, bà Trần Thị Ngọ, em gái bà Phách Phẩm của giáo phường Thái Hà là vũ công thuộc lớp cuối cùng trong cung đình nhà Nguyễn.

Cụ tổ của nhóm Ca Trù Thái Hà đời thứ nhất là cụ Nguyễn Đức Ý mang ca trù về cho dòng tộc họ Nguyễn.

Đời thứ 2 là cụ Nguyễn Đức Bồi là quản giáp trong dòng họ cụ chuyên về đàn đáy.

Đời thứ ba Cụ Trần Thị Tuyết và cụ ông Trưởng Bảy là những tay đàn giọng hát hay nhất thời bấy giờ. Cụ Nguyễn Thị Tuyết được giao trọng trách quản lý hệ thống Ca Trù trong cung đình. Được Vua ban thưởng cho dải đất tại Thái Hà để xây đình Ca công, bởi vậy giáo phường Thái Hà được coi là giáo phường danh tiếng của đất Kinh Kỳ.

Đời thứ tư là Nguyễn Văn Xuân vô địch đàn đáy Bắc Hà cùng bà phán Huy còn gọi là bà Phẩm nổi danh bởi tiếng Phách khuôn phép mẫu mực, bà Trần Thì Ngọ là vũ công cuối cùng trong không gian múa hát cung đình Thăng Long, cụ là em ruột của cụ bà Trần Thị Phẩm tức bà Phán Huy là tay phách phẩm bậc nhất của Bắc Hà thời Hoàng Cao Khải.

Đời thứ 5 là Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi.

Đời thứ 6 là NSƯT đàn đáy Nguyễn Văn Khuê. Nguyễn Mạnh Tiến chơi đàn đáy và ca nương Nguyễn Thuý Hoà.

Đời thứ 7 ca nương Nguyễn Thu Thảo - Nguyễn Kiều Anh.

Nhóm Ca Trù Thái Hà là hậu duệ của nhóm Ca Trù Thăng Long xưa trong dinh thự Hoàng Cao Khải, có đình ca công chuyên phục vụ trong cung vua phủ chúa.

Và không thể không nhắc đến giữa lòng thủ đô Hà Nội ngày nay còn có 1 câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội vẫn đang thường diễn ra hoạt động tích cực tại Bích Câu đạo quán, chủ nhiệm câu lạc bộ là Nghệ sỹ ưu tú ca nương Bạch Vân, có thể nói là 30 năm với lòng đam mê yêu nghệ thuật Ca Trù NS Bạch Vân đã vượt qua mọi thách thức để góp phần giữ lấy nghề tổ, bà đã khôi phục thành lập câu lạc bộ Ca Trù đầu tiên ở Thủ đô sau một thời gian dài vắng bóng.

Phong trào học tập Ca Trù ở thủ đô dần lớn mạnh nhiều Câu lạc bộ Ca Trù đã lần lượt ra đời như câu lạc bộ Ca Trù UNESCO, hay nhóm Ca Trù Hoa Hựu và còn nhiều rất nhiều các câu lạc bộ Ca Trù khác trên khắp các tỉnh thành của mọi miền đất nước.

Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này