Nhóm VN8+2 tổ chức Hội thảo “Sáng tác Văn học trẻ gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa địa phương” tại Ninh Bình. Các tham luận đề cập tới thực trạng thiếu vắng các cây bút trẻ gắn bó với văn học; Hội VHNT các địa phương luôn quan tâm, bồi dưỡng phát triển đội ngũ những người viết văn trẻ song hiệu quả thu được còn hạn chế. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm xây dựng lớp tác giả kế cận sáng tác văn học thể hiện sắc thái địa phương.
Cửa Biển trích đăng các tham luận tại Hội thảo.
Nhà thơ Bình Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình
Hội thảo: Sáng tác văn học trẻ, gắn với giữ gìn phát huy sắc thái văn hóa địa phương của Nhóm Hợp tác và phát triển VHNT khu vực phía Bắc (VN8+2) được tổ chức trong thời điểm nền VHNT khu vực, đất nước đang có sự vận động, chuyển biến, đan xen nhiều khuynh hướng sáng tác. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực và bổ ích. Là việc làm để chúng ta góp phần khẳng định vị thế của văn học nói chung và văn học trẻ nói riêng trong đời sống xã hội và góp phần làm giầu cho bản sắc văn hoá theo tinh thần Nghị quyết ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới ”. Chúng tôi luôn hiểu rằng, các tác phẩm trẻ ra đời bao giờ cũng chịu nhiều thử thách của thời gian và sự đánh giá bình phẩm của công chúng. Bồi dưỡng, chăm sóc sáng tác trẻ gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hoá là trách nhiệm của những người làm công tác VHNT chúng ta. Mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có sắc thái văn hóa riêng, những sắc thái văn hóa riêng ấy hòa quyện với nhau trong dòng chảy qua thời gian, bồi đắp nên diện mạo văn hóa, tạo ra những cánh đồng, làng bản, quê hương văn học nghệ thuật. Đằm sâu trong sắc thái văn hóa mỗi vùng, miền là sự thể hiện, quan tâm, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật của mỗi miền quê, vùng đất. Cái đằm sâu ấy chảy êm đềm bồi lắng lên những lấp lánh phù sa... Có thể nói truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc luôn luôn là điểm tựa cho đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ sáng tạo. Qua nhiều bước thăng trầm của cuộc sống nhân dân ta đã hình thành nên một nền VHNT trường tồn cùng dân tộc. Tất cả những điều đó đã kết tinh thành văn hoá và văn hoá ấy đã lan truyền, toả hương cho mỗi vùng đất, con người quê hương, xứ sở.
Cuộc Hội thảo “Sáng tác văn học trẻ, gắn với giữ gìn phát huy sắc thái văn hóa địa phương” của Nhóm VN8+2 lần này sẽ góp phần làm rõ hơn công tác tìm nguồn, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ, trên cơ sở đó cần có chính sách thu hút, tạo sự hấp dẫn, tình yêu văn học cho các tác giả trẻ, tác giả có khả năng sáng tác tốt, khích lệ tạo điều kiện đưa tác phẩm ra ngoài biên giới mỗi địa phương, tạo sự hưng phấn cho các tác giả trẻ không ngừng sáng tạo./.
Nhà thơ Vũ Kim Liên Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ - Phú Thọ
Phú Thọ luôn đề cao vai trò sáng tác của văn nghệ sĩ, trong đó có lực lượng sáng tác văn học trẻ, luôn có sự định hướng để sáng tác trẻ đi vào quỹ đạo, không mang màu sắc chủ quan mà đi vào thực tế đời sống, mang hơi thở đời sống vào sáng tác, gắn liền với việc đề cao truyền thống cách mạng, sắc thái văn hóa vùng miền, tập quán sinh hoạt của người đất Tổ. Coi trọng vai trò định hướng, kết hợp với tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế hướng về cơ sở để phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ, qua đó động viên biểu dương những thành công mà lực lượng sáng tác nói chung, sáng tác văn học trẻ nói riêng đã gặt hái được, đồng thời động viên anh chị em viết trẻ bằng tình yêu của mình và trách nhiệm công dân tiếp tục bám sát vào đời sống sinh động ở mỗi vùng đất, mỗi làng quê để viết và kể lại những câu chuyện về con người và miền đất ấy thông qua các tác phẩm văn học của mình. Đến hẹn lại lên 2 năm/lần Hội lại mở trại sáng tác văn học trẻ cho đội ngũ các giảng viên đại học, các em sinh viên, học sinh có năng khiếu đến từ các trường đại học, cao đẳng, các trường THPT chuyên và không chuyên trên địa bàn
...Những tác phẩm của đội ngũ này được các nhà văn, nhà thơ, những cây bút phê bình chuyên nghiệp phân tích một cách khách quan, chỉ ra cái được và chưa được trong phương pháp sáng tác, kỹ năng thể hiện và ngay cả sự cảm thụ, duy trì, nuôi dưỡng cảm xúc từ nhiều góc độ của cuộc sống để hình thành phong cách viết cho mỗi người.
... Trong hơn 300 hội viên của Phú Thọ, có tới 40% là các cây bút trẻ. Những gương mặt trẻ trung, năng động của Hội đang dần hình thành phong cách viết riêng của mỗi người, song không ai thoát ly khỏi thiên hướng sáng tác vùng miền, bản sắc dân tộc, những nét văn hóa độc đáo mà mình đang được hưởng thụ. Đó cũng chính là ý thức, là trách nhiệm của người cầm bút trẻ.
... Là người sáng tác từng trải qua giai đoạn viết trẻ, thiết nghĩ Nhóm VN 8+2 nên tổ chức những trại sáng tác VHNT, nhất là trại sáng tác VH cho đội ngũ những người viết trẻ hoặc những hội nghị viết văn trẻ trong Nhóm để họ có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và cọ sát cùng sáng tác nên những tác phẩm mang đậm sắc thái văn hóa địa phương; song hành với đó là các sáng tác trẻ này cần được gửi trao đổi, in ấn, quảng bá trên các phương tiện truyền thông là các Tạp chí in và các trang Web của các Hội trong Nhóm nhằm mở rộng mối giao kết, quảng bá sản phẩm VH cũng như sắc thái văn hóa của 10 tỉnh, thành phố trên phương tiện truyền thông của mình, góp phần làm phong phú nội dung cũng như giá trị của báo chí văn nghệ địa phương./.
Nhà thơ Nguyễn Đình Minh Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng
Bằng niềm say mê văn học, khả năng và bản lĩnh sáng tạo của riêng mình, tác phẩm của CLB những người viết văn trẻ Hải Phòng nối tiếp mạch nguồn của lớp tác giả lớn tuổi giàu suy nghĩ , chứa chan cảm xúc, gồ ghề động sóng và mộng mơ; đồng thời mang đến vẻ mới lạ của hình thức hiện đại vang động tiết tấu cuộc sống vùng đất sóng và nhịp đời. Các cây bút văn trẻ Hải Phòng không có ai cách tân theo những trường phái mới gây tranh luận; sự cách tân ở các tác giả nhìn chung đều gắn với mạch nguồn và phát triển phù hợp với thời đại về cả nội dung và hình thức. Dường như các tác giả văn trẻ nơi đây có chung nhận thức: sự cách tân nào cũng đi đến cái đẹp, do vậy không ít nhà thơ hòa vào dòng thơ lục bát và tạo được một số thành công nhất định như Bùi Thu Hằng, Phạm Văn Tuấn, Đào Mạnh Long.
Vẻ đẹp của văn trẻ Hải Phòng về hình thức chính là sự cách tân trong độ cho phép phù hợp với cảm nhận của số đông độc giả; Sự đa dạng về đề tài được khai thác từ tính chất đặc trưng của miền đất đầy sóng gió có nhiều biến động phong phú đặc biệt là chất trí tuệ có hàm lượng cao hơn, cảm xúc hơn trong các tác phẩm. Đọc thơ, văn của tác giả trẻ Hải Phòng dễ thấy sự già dặn trong triết lý, trong kiến giải những hiện tượng, quy luật cuộc sống chủ đạo nổi lên là nỗi âu lo, sự thương cảm cho số phận con người và con đường phía trước được thể hiện bằng nhiều cung bậc cảm xúc.
... Trong bối cảnh xã hội có quá nhiều sự đổi thay, sự cám dỗ đặc biệt là áp lực, chi phối trong một đô thị lớn, những người viết văn trẻ Hải Phòng vẫn kiên định con đường viết văn. Trước một nền tảng mĩ học đang có những thay đổi, trước xu thế cách tân mạnh mẽ… đã tạo nên những áp lực lớn không chỉ cho những người viết nơi đây. Dường như nhận định ra phong cách của 24 cây bút văn trẻ Hải Phòng bây giờ là quá sớm, nhưng nhìn vào sự chấp nhận dấn thân trong cô độc để cống hiến tài năng, phẩm tính; nhìn những thử thách cam go mà người viết trẻ dám đương đầu, có thể hy vọng Hải Phòng có một thế hệ tiếp nối vững vàng trong tương lai./.
Nhà văn Nông Quang Khiêm Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái
Lực lượng sáng tác văn học trẻ dân tộc thiểu số ở Yên Bái quá mỏng. Hiện nay, mới có 9 hội viên là người dân tộc thiểu số, gồm 6 người dân tộc Tày, 2 dân tộc Dao, 1 dân tộc Mường. Lực lượng tác giả mỏng, lại khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới. Tác giả trẻ tham gia sáng tạo văn học đã hiếm, tác giả trẻ dân tộc thiểu số tham gia sáng tạo văn học lại càng hiếm. Phát hiện đã khó, nuôi dưỡng còn khó hơn, đấy là chưa nói đến thành công trong sáng tạo VHNT bao giờ cũng khắt khe…
Vì vậy tác giả văn học trẻ dân tộc thiểu số rất cần được quan tâm nuôi dưỡng, trân trọng, rất cần tâm huyết, trách nhiệm thực sự của những người trong cuộc. Cá nhân tôi nghĩ rằng, cần tạo điều kiện hơn nữa cho các tác giả văn học trẻ dân tộc thiểu số tham dự các trại sáng tác, các cuộc tọa đàm, trao đổi, tạo điều kiện giao lưu học tập cũng như động viên, khuyến khích họ sáng tạo.
... Một vấn đề nữa là sáng tác văn học bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc. Vài năm trở lại đây, Hội Yên Bái có thêm ấn phẩm Văn nghệ Yên Bái vùng cao. Đó là “đất” rất quý dành cho các tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc, song ngữ dân tộc, dễ dàng tiếp cận và phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Tuy nhiên lực lượng sáng tác này hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay với sự có mặt của một vài dân tộc như: Tày, Mông, Dao, Thái, Mường; các tác giả tiêu biểu có thể kể đến như: Vũ Khả, Lò Văn Biến, Đặng Ngọc Thông, Hoàng Tương Lai, Nông Quang Khiêm… Thiết nghĩ chúng ta cần có cơ chế khuyến khích hơn nữa cho các tác giả, nhất là các tác giả văn học trẻ dân tộc thiểu số sáng tác bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc, không vì hướng tới hội nhập, không để cơn lốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa mà đánh mất gốc, đánh mất bản sắc dân tộc.../.
Nhà văn Trương Thị Thương Huyền Phó Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương
Trong khái niệm Sáng tác văn học trẻ này, chúng tôi chỉ muốn đề cập tới sáng tác của những người trẻ tuổi, không có khái niệm về những gì gọi là làm mới văn học, làm văn học trẻ hoá mà không cần phân biệt tuổi tác người viết đang bùng phát trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là chúng tôi tập trung vào quá trình bồi dưỡng để những người viết trẻ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái văn hóa vùng miền của địa phương mình. Đó thực chất là một điều vô cùng khó.
Nguyên nhân của cái khó ấy tập trung vào mấy vấn đề:
- Lực lượng trẻ yêu thích và tham gia sáng tác hiện tại không có nhiều. Với Hải Dương hiện nay, số lượng các tác giả tính từ tuổi 45 trở lại chỉ đếm chưa hết hai bàn tay (Còn nếu tính theo tiêu chí do Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra, trẻ từ 35 tuổi trở xuống thì Hội chúng tôi … Không có).
- Những người viết trẻ ấy đã ít nhưng lại càng không có tham vọng trở thành người sáng tác chuyên nghiệp. Họ đều là những người đang sống bằng nghề khác và việc viết lách đối với họ chỉ như một thú vui, một nghề tay trái. Sáng tác chỉ hứng như một thú tiêu khiển để tìm kiếm, mong muốn vơi bớt những gánh nặng, những áp lực của cuộc sống thực tại, đồng thời cũng có hy vọng biểu hiện sự bình đẳng của cá nhân mình với mọi người, với bạn đọc trên khắp thế giới khi cuộc sống số phát triển rầm rộ như hiện nay và từ đó thì các sáng tác của họ hầu hết thể hiện cái tôi của mỗi người. Tác phẩm viết ra chủ yếu xuất bản “mạng” qua FC.
... Để sáng tác văn học trẻ gắn với các di sản văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương, có thể cho rằng trước hết, Hội Văn nghệ cũng như Tạp chí văn nghệ ở mỗi tỉnh cần chủ động làm tốt phần việc của mình, thuộc phạm vi địa phương mình, đồng thời, liên kết với các tỉnh bạn trong hoạt động sáng tác và giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Mặt khác, có những hoạt động cần được nâng lên tầm khu vực. Theo đó, mỗi tỉnh hoặc 10 tỉnh, thành phố trong khu vực có thể phối hợp cùng nhau áp dụng các giải pháp để nhằm nâng cao vai trò của tạp chí địa phương với việc tôn vinh, các sáng tác văn học trẻ phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa, di sản vùng miền: - Tổ chức đi thực tế hoặc mở trại viết trẻ tại địa bàn có di sản văn hóa, lịch sử. Tổ chức hội thảo chuyên đề về tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử; Tổ chức các cuộc thi sáng tác Trẻ chuyên loại hình VHNT như: văn xuôi, thơ, ảnh, mỹ thuật... hoặc huy động mọi loại hình nghệ thuật phù hợp sáng tác tuyên truyền, quảng bá về một di sản văn hóa, lịch sử. Tạp chí văn nghệ các tỉnh nên dành “đất” giới thiệu tác phẩm của Hội, của Tạp chí văn nghệ tỉnh bạn, thường xuyên giữ mối liên hệ, trao đổi kinh nghiệm của tỉnh mình với tỉnh bạn trong việc tôn vinh các sáng tác văn học trẻ về đề tài này...
Nhà báo Ngô Hồng Giang Phó Chủ tịch Hội VHNT Bắc Ninh
Có thể khẳng định, hiện nay đa phần các cây viết trẻ hiện nay đều có trình độ học vấn khá cao, tầm hiểu biết xã hội tương đối sâu rộng, có một không gian văn hóa hiện đại, tuy nhiên trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các cây viết trẻ dường như đều có chung tâm trạng là muốn đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những cái lỗi thời, mòn cũ. Đó là một mong muốn rất chính đáng. Tuy vậy, quan niệm thế nào là cái mới đích thực trong văn học thì không phải ai cũng đã tìm được câu trả lời thoả đáng. Người viết trẻ thường chuộng lạ, đó là cơ sở làm nên sự sáng tạo. Một điều dễ nhận thấy các nhà văn trẻ hôm nay đều rất tự tin, mạnh dạn thể hiện tài năng qua nhiều đề tài khác nhau. Trong các tác phẩm, cách thể hiện những suy nghĩ về tình yêu khá “thoáng”: Những hờn giận, ghen tuông, sự cô đơn và nổi loạn... được khai thác một cách triệt để, đậm nét bằng trí tưởng tượng cũng như trải nghiệm của cá nhân người viết.
Tuy nhiên nhiều người viết trẻ bị “lạc” vào rừng văn chương hiện đại, do vậy không tự lựa chọn được con đường riêng cho mình. Sự buông thả, dễ dãi, háo danh cũng thường dẫn người ta sa vào ảo tưởng, ngộ nhận. Văn học trẻ vì thế mà vẫn loanh quanh trong rừng văn học hiện đại với quá nhiều trào lưu chưa rõ ràng.
.. Nhận biết được điều này chúng tôi đã và đang dần từng bước khắc phục để có được một đội ngũ viết văn trẻ có năng lực, trình độ. Chúng tôi đã thực hiện các giải pháp sau:
Một là, phối hợp chặt chẽ giữa Hội VHNT với Sở GDĐT, Tỉnh đoàn trong việc bồi dưỡng các cây bút viết văn trẻ, trọng tâm là đội ngũ những nhà giáo trẻ yêu văn học, các em học sinh đang học chuyên văn tại các trường phổ thông, trường cao đẳng sư phạm tỉnh, tiến tới xây dựng các câu lạc bộ viết văn trẻ ở các nhà trường.
Hai là, xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ cho đội ngũ giáo viên và học sinh, tạo điều kiện cho họ có thời gian xâm nhập thực tiễn, tiếp cận với các mảng đề tài và xu thế sáng tác; định kỳ cử các nhà văn có uy tín của Hội nói chuyện về nghiệp vụ cũng như trao đổi về các vấn đề mà đội ngũ viết văn trẻ quan tâm. Đồng thời tích cực tìm tòi, phát hiện những cây viết trẻ trong cộng đồng, trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang nhằm làm phong phú và đã dạng hóa đội ngũ viết văn trẻ.
Ba là, có cơ chế ưu tiên thu hút kết nạp những cây viết có triển vọng vào Hội để có điều kiện bồi dưỡng giúp họ trưởng thành. Phối hợp với Tỉnh đoàn phát động các cuộc thi sáng tác truyện ngắn cho thanh thiếu nhi. Trên Tạp chí Người Kinh Bắc duy trì thường xuyên chuyên mục “Văn học với nhà trường” để thu hút các tác giả sáng tác, nhất là đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, sinh viên.
Bốn là, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, mạn đàm về các chủ đề liên quan đến văn học trẻ hiện nay để kịp thời giải đáp những vướng mắc, đồng thời định hướng những mảng, những vấn đề cần quan tâm sáng tác hiện nay, nhất là vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước./.
Nhà thơ Ninh Đức Hậu Trưởng Ban Văn học trẻ Hội VHNT Ninh Bình
Hơn hai mươi năm qua, để tìm kiếm, phát hiện và kịp thời bồi dưỡng các tài năng văn học trẻ, Hội VHNT tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Văn học trẻ, thường xuyên tổ chức các Trại sáng tác văn học trẻ, các cuộc thi sáng tác văn học dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Chính vì vậy tỉnh Ninh Bình luôn luôn có một lực lượng sáng tác văn học trẻ. Lực lượng này kế tiếp nhau làm phong phú thêm đội ngũ sáng tác Văn học, và cũng là lực lượng tiếp nối cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
... Từ khích lệ sáng tác giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương Hội VHNT Ninh Bình còn là nơi kết dính đội ngũ sáng tác trẻ với Hội, để từ đó những sáng tác của họ trở thành gắn bó và là một bộ phận không thể thiếu được của văn học địa phương. Sự gắn bó của văn học trẻ với văn học địa phương được thể hiện rõ nét nhất đầu tiên phải kể đến đội ngũ. Hàng năm ở Ninh Bình, Trại sáng tác văn học trẻ được tổ chức mỗi năm 1 lần, mỗi lần từ 10 đến 15 ngày. Ngoài các cháu có tác phẩm thường xuyên gửi về Hội, Hội được sự giới thiệu đội ngũ từ Sở GDĐT, Trường Đại học Hoa Lư, một số Trường THPT và THCS, vì vậy năm nào đội ngũ tác giả trẻ cũng dao động từ 20 đến 30 cháu. Các tác giả trẻ luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở ban ngành khác. Quan tâm về tinh thần, vật chất và được Hội quan tâm về chuyên môn nghiệp vụ. Các lớp bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ được tổ chức, tạo nên sự gắn bó ngày càng mật thiết.
... Sự gắn bó của lực lượng sáng tác văn học trẻ hiện đang học tập, công tác, sinh sống tại địa phương được thể hiện trên nhiều bình diện. Họ là đội ngũ không thể thiếu được của văn học địa phương. Tác phẩm của họ không những luôn thể hiện đậm đà bản sắc văn hoá vùng miền mà còn được cách tân, đổi mới, làm phong phú, đa dạng, chất lượng hơn. Họ đã vượt qua được sự bảo thủ nếu có, hoặc cách tư duy hay tiếp cận cái mới chưa có của một số tác giả đã cao tuổi. Trong thơ của Phạm Khải Lợi, Đặng Diệu Thoa, Cầm Thị Đào… hình ảnh Ninh Bình bao giờ cũng lấp lánh, sinh động. Còn thơ của Phạm Thuý Nga, Bùi Hồng, Bùi Thị Nhài thì mượt mà giàu hình ảnh. Các tác giả trẻ đã phần nào có tên tuổi trên văn đàn như Phạm Thị Duyên, Vũ Thanh Lịch, Phạm Tâm An thì bản sắc địa phương bao giờ cũng nổi bật. Trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch vùng rừng đồi của thành phố Tam Điệp hiện lên rõ nét... Đất và người ở Nho Quan vào truyện ngắn của Phạm Thị Duyên cũng điển hình và nổi bật....Thơ của Trần Xuân Trường, Nguyễn Thanh Sơn, Phạm Tâm An lại đưa hình ảnh miền quê Kim Sơn, Yên Khánh lại gần với bạn đọc. Thơ của các tác giả trẻ này đang dần được khẳng định và họ luôn là lực lương kế cận...
Nhà báo Vũ Nghiêm Trợ Phó TBT Báo Hạ Long - Quảng Ninh
Số hội viên Hội VHNT Quảng Ninh khá đông so với các tỉnh trong khu vực, song đang có chiều hướng già đi. Việc hội thảo lần này đưa ra chủ đề: “Sáng tác Văn học trẻ, gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa địa phương” là một vấn đề không mới nhưng đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi lớp trẻ hiện nay đa phần không quan tâm đến văn học, chưa nói đến việc động viên họ đi theo con đường sáng tác VHNT là một việc làm không hề đơn giản chút nào. Từ tình hình thực tế, nhằm tạo nguồn và đội ngũ sáng tác kế cận, Quảng Ninh đã triển khai liên tục 6 năm trở lại đây theo nhiều hướng khác nhau như: thông qua các hoạt động tại các Ngày thơ Quảng Ninh được tổ chức hàng năm, tổ chức cuộc thi sáng tác văn học tuổi học trò trên Báo Hạ Long, gửi báo đến các Trường THPT trên địa bàn tỉnh để các cháu tiếp cận dần với văn chươngv.v. nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Báo Hạ Long đã tổ chức phát động mở cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn tuổi học trò lần thứ nhất (2011-2012). Hội đã cử các nhà văn, nhà thơ về một số trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền phổ biến cuộc thi. Sau gần hai năm phát động, cuộc thi đã thu được kết quả đáng phấn khởi, đã có trên 30 tác giả ở nhiều lứa tuổi thuộc các trường học trên địa bàn toàn tỉnh gửi gần 60 tác phẩm về dự thi, có những em ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo như Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên cũng gửi bài về dự thi.
... Trong bối cảnh hiện nay, sự phức tạp của cuộc sống đời thường, những quan hệ đa chiều của nền kinh tế thị trường có tác động không nhỏ đến đời sống VHNT, đa phần các tầng lớp trong xã hội chỉ quan tâm đến kinh tế, ít chú ý đến VHNT đặc biệt là giới trẻ. Vì thế công tác phát triển, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ là một việc làm hết sức cần thiết trước mắt cũng như lâu dài, Hội VHNT Quảng Ninh những năm qua đã có những việc làm thiết thực mang tính lâu dài nhằm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, chưa thực sự rõ nét mặc dù đã có nhiều cố gắng. Từ diễn đàn này chúng tôi mong muốn có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa Hội VHNT Quảng Ninh, với các Hội VHNT trong Nhóm VN8+2, trong đó có việc đẩy mạnh các hoạt động liên kết sáng tác, trao đổi, quảng bá các tác phẩm đặc biệt là học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ./.
Nhà thơ Hà Thu Tổng BT Tạp chí Văn nghệ Suối Reo - Sơn La
Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, Hội Liên hiệp VHNT Sơn La đã chú trọng phát hiện bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ với các thế hệ tiếp nối thông qua các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác do trung ương, tỉnh và các ban ngành của tỉnh tổ chức. Ngoài những cây bút già dặn, có nghề mà tên tuổi đã được khẳng định như: Hoàng Mai Lộc, Lò Văn Cậy, Cầm Thị Chiêu, Cầm Hùng, Lò Vũ Vân, Hà Thu, Phan Thị Thu Hồng, Hoàng Lệ Thủy, Kiều Duy Khánh... Hiện lực lượng sáng tác của tỉnh đã được bổ sung thêm một số cây bút trẻ như: Hồng Minh, Trịnh Mỹ Duyên, Đinh Ngọc Minh, Trang Hà, Nguyễn Thái Hà... tuy nhiên chủ yếu viết về đề tài tình yêu đôi lứa, trong số đó cũng đã có một vài tác giả đã thể hiện sự tìm tòi về văn hóa của các dân tộc nhưng mới chỉ là sự tiếp cận bước đầu mà thôi.
Những tác giả trẻ là người dân tộc, sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hầu như còn thiếu vắng trên văn đàn. Khả năng am hiểu về phong tục, tập quán và vốn văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, chất lượng tác phẩm chưa được như mong muốn. Trong thời gian qua, công tác phát triển hội viên mới, nhất là với các tác giả trẻ mặc dù hết sức được coi trọng nhưng thực tế, số hội viên trẻ được kết nạp hàng năm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, có những năm trong lĩnh vực văn học không kết nạp được hội viên nào, nhất là mảng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật càng thiếu vắng hơn.
... Đặc biệt là bản sắc văn hoá các dân tộc đang bị mai một ở mức báo động. Trong khi những người già, những nghệ nhân am hiểu văn hoá dân tộc đang vắng bóng dần thì không ít cán bộ và lớp trẻ người dân tộc lại thờ ơ với chữ viết và tiếng mẹ đẻ của chính mình. Vì vậy, cần phải coi “Sáng tác văn học trẻ, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương” là nhiệm vụ, định hướng cấp thiết hàng đầu của Hội Sơn La. Nhằm bảo tồn bền vững bản sắc văn hóa truyền thống quý giá của các dân tộc, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật ngày càng cao của đồng bào.
Từ thực trạng nêu trên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La đã đưa ra giải pháp khắc phục như sau: Động viên, khuyến khích các tác giả trẻ mạnh dạn tìm tòi, đi sâu phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời có những cách nhìn đa chiều, có phương tiện biểu đạt phong phú nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật góp phần định hướng xã hội, truyền tải những ý nghĩa nhân văn và giá trị chân - thiện - mỹ thông qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật chân chính.
Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng các tác giả trẻ có năng khiếu. Tổ chức các lớp nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo VHNT tại địa phương và trung ương để họ có cơ hội giao lưu, học hỏi, trau dồi vốn sống và tích lũy kinh nghiệm, từng bước nâng cao năng lực sáng tác của mình
... Hiện nay, tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường lãnh đạo công tác phát triển VHNT trong thời kỳ mới” với các tiêu chí phấn đấu rất cụ thể. Đồng thời tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học và viết Dư địa chí Sơn La mang tính bách khoa toàn thư của tỉnh, trong đó có nội dung lớn về VHNT mà Hội Liên hiệp VHNT tỉnh cũng là thành viên Ban chỉ đạo và biên soạn nội dung./.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà Phó Chủ tịch Hội VHNT Bắc Giang
Ở Bắc Giang xu hướng sáng tác trẻ đang được đa dạng hóa ở nhiều hình thức thể hiện bởi môi trường văn học nói chung của chúng ta cũng đang được mở cửa và giao lưu với nhiều nền văn học các nước trên thế giới. Người đọc bao giờ cũng hiếu kỳ với những tác phẩm được quảng bá, gây sốc. Đặc biệt giới trẻ là người thích khám phá những điều mới lạ.
... Đối với Hội VHNT Bắc Giang, Chi hội Văn học hiện có 50 hội viên, trong đó người viết trẻ ở lứa tuổi 7x trở về sau thì số lượng chỉ có 7 hội viên.
... Hội VHNT Bắc Giang đã chủ động tổ chức các trại sáng tác dành cho các lứa tuổi, các đề tài gắn với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời Hội cũng thường xuyên lựa chọn những gương mặt viết trẻ, dưới độ tuổi 40 tham gia các trại viết của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Tuy nhiên số lượng hội viên văn học trẻ ở Hội Bắc Giang còn ít, nên các hội viên này như trở thành gương mặt thân thuộc qua nhiều trại sáng tác trẻ ở trung ương. Sau mỗi đợt tham gia trại viết trẻ, những người viết trẻ của địa phương được giao lưu, mở rộng tầm nhìn và trưởng thành hơn trong cách viết. Bản thân tôi cũng là một người được tham gia 3 trại viết trẻ của Liên hiệp. Việc tổ chức những trại viết trẻ là rất cần thiết. Nhưng ở độ tuổi ngoài 20 tuổi đến khoảng 40 tuổi thì người viết ở nhiều ngành nghề khác nhau, thời gian bố trí để tham gia trại viết trong khoảng 15 ngày liền thì không phải ai cũng có điều kiện.
... Nhìn vào thực tế, người viết trẻ cũng đang là lực lượng quý hiếm ở các địa phương. Hy vọng rằng thời gian tới đây, từ các Hội VHNT ở địa phương có những hoạt động kết nối, giao lưu, cuộc thi dành riêng cho người viết trẻ tạo thành phong trào cổ vũ mạnh mẽ cho giới trẻ yêu thích văn học. Đặc biệt, ngoài vai trò về phía Hội địa phương thì Chi hội Văn học địa phương cần chủ động đưa ra kế hoạch gợi mở, phối hợp để tổ chức các hoạt động giao lưu, thành lập Câu lạc bộ Văn học trẻ để thu nạp người viết trẻ ở các huyện, thị trong tỉnh để bồi dưỡng và động viên họ phát triển thành hội viên của Hội VHNT tỉnh./
( Nguồn: www.cuabien.vn )