Phát huy vai trò của các Nhà sáng tác văn học nghệ thuật
- Written by Minh Phương
QĐND - Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được giao quản lý các nhà sáng tác, đã có công hỗ trợ nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm giá trị, làm giàu hơn nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác tại các nhà sáng tác đòi hỏi cần có những giải pháp đổi mới, không bằng lòng với thành tựu đã đạt được.
Một hình thức hỗ trợ văn nghệ sĩ hiệu quả, thiết thực
Hiện nay cả nước có 6 nhà sáng tác tại Tam Đảo, Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc), TP Đà Nẵng, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sắp tới sẽ có thêm nhà sáng tác ở TP Cần Thơ. Về cơ sở vật chất, nhân lực tại các nhà sáng tác đã được Nhà nước đầu tư toàn diện, bảo đảm phục vụ văn nghệ sĩ tham dự các trại sáng tác. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch và kinh phí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao hoặc theo yêu cầu của các tổ chức, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật sẽ cân đối và có kế hoạch mở các trại sáng tác. Các tổ chức sẽ lập danh sách trại viên, việc ăn, ở, sinh hoạt của các văn nghệ sĩ hoàn toàn bằng kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trò chuyện với các văn nghệ sĩ ở nhiều ngành nghệ thuật đã tham dự các trại sáng tác, chúng tôi ghi nhận nhiều phản hồi tích cực. Các nhà sáng tác đã giúp văn nghệ sĩ có thời gian tập trung sáng tạo. Tác phẩm được hoàn thiện trong thời gian các tác giả sống và làm việc tại nhà sáng tác cơ bản đều có chất lượng tốt. Điển hình như 60% kịch bản sân khấu được viết hoặc được nâng cao ở các trại viết đã được dàn dựng biểu diễn, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Nhà sáng tác còn là nơi hội tụ để các tác giả giao lưu, trao đổi nhiều ý tưởng sáng tạo, góp ý cho nhau, thậm chí là... thi đua sáng tác. Đặc biệt nhiều tác giả trẻ đã trưởng thành khi được tham dự trại sáng tác. Chẳng hạn, nhiều nhà thơ trẻ chưa có nhiều hiểu biết về quân đội, song sau khi được tham dự các trại viết do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức gần đây, đã có nhiều bài thơ về người lính được bạn đọc trong và ngoài quân đội đánh giá cao. Với NXB Quân đội nhân dân, thông qua 2 trại sáng tác được mở trong năm 2015 và 2016, đã thu về rất nhiều bản thảo có giá trị, một số bản thảo đã được xuất bản, phần nào đã giải quyết tình trạng thiếu bản thảo chất lượng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Chính vì thế, đa số các văn nghệ sĩ và các tổ chức đánh giá hình thức các trại sáng tác là rất cần thiết, cần phải được mở rộng, phát triển hơn nữa.
Hướng tới đầu tư theo nhu cầu của tác giả
Hiện tại, với 6 nhà sáng tác, chỉ có thể đáp ứng yêu cầu đến sáng tác cho khoảng 1.500 văn nghệ sĩ mỗi năm, trong khi số lượng hội viên có quyền dự trại sáng tác tới 30.000 người. Thế nên vẫn có văn nghệ sĩ chưa thể tham dự trại sáng tác dù có nhu cầu. Trong khi đó lại có trường hợp được là trại viên rất nhiều lần mà vẫn chưa có tác phẩm hoàn thiện. Chuyện lựa chọn ai được đi trại sáng tác, bảo đảm công bằng là rất khó. Có lẽ, cách làm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là hợp lý hơn cả. NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Tác giả nào muốn đi trại sáng tác thì phải nộp đề cương chi tiết, thậm chí là kịch bản đã hoàn thành. Sau khi được thẩm định, các tác giả được lựa chọn sẽ dành thời gian ở trại sáng tác để hoàn thiện tác phẩm; bản thảo sẽ được các kịch tác gia, các nhà lý luận phê bình sửa lại để kịch bản thực sự có chất lượng”.
Nhiều ý kiến các văn nghệ sĩ cho rằng, hiện nay, mỗi văn nghệ sĩ có 15 ngày dự trại sáng tác mỗi đợt là quá ít, không đủ hoàn thiện tác phẩm. Vì vậy, vài năm gần đây, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật đã thử nghiệm hình thức đầu tư mới: Lựa chọn các văn nghệ sĩ và các đề cương tác phẩm xứng đáng, hỗ trợ các đợt sáng tác dài hơi 3 tháng, 6 tháng, tiến tới hỗ trợ sáng tác theo nhu cầu của tác giả, cho tới khi hoàn thiện tác phẩm. Hướng đầu tư này đã có kết quả và sẽ được chú trọng mở rộng trong giai đoạn 2015-2020.
Tìm đầu ra cho các sản phẩm từ trại sáng tác lâu nay chưa có sự đổi mới. Nhà văn Đỗ Xuân Thu, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, cho rằng: “Cần quảng bá, sử dụng tác phẩm của các trại sáng tác hiệu quả hơn nữa. Cần kết hợp biên tập viên, nhà xuất bản để có đầu ra cho tác phẩm. Với các kịch bản sân khấu, phim ảnh thì giao cho các đoàn nghệ thuật, hãng phim sử dụng. Làm được điều này sẽ tạo không khí sáng tác, thi đua giữa các Hội, giữa các tác giả”.
Việc đổi mới hoạt động tại các nhà sáng tác phải gắn với việc không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho từng loại hình nghệ thuật để văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tác thuận lợi hơn. Với các nhà văn thì chỉ cần giấy bút, máy vi tính là đủ, nhưng với các nghệ sĩ tạo hình, nhất là các nghệ sĩ thị giác thì “đồ nghề” phong phú hơn nhiều, đỏi hỏi phải đầu tư bài bản.
Có thể nói, tiếp tục đầu tư, đổi mới hoạt động, các nhà sáng tác sẽ phát huy giá trị là “ngôi nhà chung” để các văn nghệ sĩ sáng tác hiệu quả. Song, điều quan trọng nhất là bản thân các văn nghệ sĩ cũng cần phải tự đổi mới sáng tạo để có tác phẩm hay, bởi suy cho cùng văn nghệ sĩ mới tạo ra tác phẩm nghệ thuật giá trị, còn các nhà sáng tác chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ mà thôi.
TRẦN HOÀNG HOÀNG
( Nguồn: www.qdnd.vn )