Tham luận của Đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Khanh tại Hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác"

Bài tham luận của Đạo diễn – NSƯT Trịnh Quang Khanh (nguyên Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTTDL, chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định) tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các nhà sáng tác”, diễn ra tại Nhà sáng tác Đại Lải vào ngày 11/10/2016.

yenbai8NSƯT Trịnh Quang Khanh tại Hội thảo (nguồn: vanhocnghethuatyenbai.gov.vn)

THAM LUẬN VỚI TIÊU ĐỀ :

                       HỖ TRỢ                     

                      HỖ TRỢ

                      VÀ TIẾP TỤC HỖ TRỢ TỐT HƠN NỮA !

                                Đạo diễn-NSƯT:TRỊNH QUANG KHANH

Thưa NSND Vương Duy Biên-Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL .

Thưa quý vị !

Là một cán bộ đã từng quản lý Văn hóa và Văn học-Nghệ thuật ở một Tỉnh, đồng thời là một văn nghệ sỹ,hôm nay tôi được Trung tâm hỗ trợ

Sáng tác Văn học-Nghệ thuật mời về dự hội thảo cùng quý vị. Tôi xin trình bầy bản tham luận với tựa đề :

 HỖ TRỢ, HỖ TRỢ VÀ HỖ TRỢ TỐT HƠN NỮA !

Nghe tiêu đề có vẻ hô hào ?

Không, thưa quý vị ! Tôi không hô hào mà là tôi thêm một lần khẳng định chức năng cơ bản của Trung tâm hỗ trợ sáng tác VH-NT theo Quyết định số 2134/ QĐ-BVH-TT&DL ( Tháng 5/2008 ).

Tới nay Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT đang ở tuổi thứ 37, kể từ ngày thành lập 16/7/1976 . Từ cái tên ban đầu “ Ban quản lý các trại sáng tác và an dưỡng” rồi  “ Khu sáng tác” nay là “ Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học-Nghệ thuật. Chín năm đầu ( Từ 1979 đến 1988 )  Ban quản lý…đóng ở Mê Linh ; Tới khi xây dựng được Nhà sáng tác Đại Lải, năm 1988 Ban quản lý các trại sáng tác mới chuyển về làm việc ở Đại Lải để  chỉ đạo công việc chung, rồi từ Đại Lải chuyển về trụ lại ở số 1 Hoa Lư. Từ “ Ban quản lý…”, rồi “ Khu sáng tác…” nay là

“ Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT”. Từ lúc có một nhà sáng tác nay   đã có 7 Nhà sáng tác nằm ở 3 miền đất nước và một Trung tâm.

Chục năm gần đây các Nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo, Đà Lạt, Vũng Tầu, Nha Trang đều được cấp kinh phí xây dựng các đơn nguyên mới, khang trang, to đẹp. Từ năm 2015 có thêm Nhà sáng tác Đà Nẵng; 

Như vậy, do có sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ chủ quản và Vụ ngân sách

Văn xã Bộ Tài chính mà chức năng HỖ TRỢ sáng tác VHNT của Trung tâm ngày một mở rộng và ngày càng có giá trị tích cực đối với sự nghiệp Văn học-Nghệ thuật của đất nước .

Thưa quý vị ! Các Nhà sáng tác thuộc Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT không phải là “ Những sân chơi” như ai đó nói ! Mà đây là nơi quy tụ và hỗ trợ sự lao động sáng tạo của các văn nghệ sỹ tiêu biểu của 10 Hội Văn-Nghệ chuyên ngành Trung ương; Của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam; Của các văn nghệ sỹ thuộc lực lượng vũ trang ( Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) và  của 63 Hội Văn-Nghệ các Tỉnh và Thành phố . Lực lượng hội viên thuộc các đơn vị trên hiện có khoảng hơn 30 ngàn người. Mỗi năm số hội viên về dự trại tại các Nhà sáng tác có khoảng hơn một ngàn người, như vậy so với nhu cầu của các văn nghệ sỹ còn có sự bất cập ! Tôi hy vọng những năm tới có thêm một vài Nhà sáng tác để từng bước giải quyết sự bất cập này .

Thưa quý vị !

Việc khen chê đối với một lĩnh vực hoạt động âu cũng là lẽ thường tình, nhưng khen chê thế nào để hoạt động đó ngõ hầu phát triển đó mới là sự cần thiết. Xoay quanh việc nâng cao chất lượng của các trại sáng tác, có ý kiến cho rằng : Trại mở ra là để cho những ông già tới đó an dưỡng, không viết được gì, hoặc tác phẩm viết ra ở trại sáng tác đem về cất kỹ trong ngăn kéo !..  Nghe được ý kiến này, là người cầm bút ở lứa tuổi “ Xưa nay hiếm” tôi không khỏi chạnh lòng !

Vâng, đúng là lực lượng tham gia các trại sáng tác, lớp trẻ thường ít hơn lớp già, nhưng các Hội chuyên ngành Trung ương và các Hội địa phương đâu phải không chú ý tới những cây viết trẻ và cũng không phải lớp trẻ thiếu tài năng, cái họ thiếu là : Không có thời gian tham dự trại sáng tác trong 15 ngày, vì đa phần họ còn đang công tác ở các đơn vị . Để khắc phục thực tế  này Hội Nghệ sỹ Sân Khấu, Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh…đã có những trại sáng tác giành riêng cho những cây viết trẻ.

Còn hiệu quả dự trại sáng tác của các gương mặt già thì sao ? Tôi khẳng định là không hề thua kém.

Hàng năm các Hội chuyên ngành Trung ương và 63 Hội VN địa phương đều có văn bản hướng dẫn : Chủ đề cần tập trung, đề tài và thể loại được ưu tiên, thời gian mở trại…Và theo quy định, ai được triệu tập đi dự trại sáng tác đều phải có đề cương chi tiết hoặc bản phác thảo toàn bộ tác phẩm gửi về Ban sáng tác của Hội chuyên ngành hoặc lãnh đạo Hội địa phương, không hề có chuyện “ Đánh trống ghi tên” ! Còn việc ưu ái cho một vài trường hợp có nhưng chỉ là cá biệt . Đến trại, sau buổi khai mạc đều giành 2 đến 3 ngày đầu để mỗi tác giả trình bầy tác phẩm của mình rồi lắng nghe sự đóng góp của các bạn đồng nghiệp. Đây là việc làm rất có tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả ở mỗi trại sáng tác.

Hơn chục năm qua trong lĩnh vực Sân khấu, những kịch tác gia ở lứa tuổi “ U 60”, “ U 70” và “ U80” vẫn là lực lượng chưa thể thay thế và khó lãng quên, ví như các tác giả cao niên : Lê Duy Hạnh, Ngô Hồng Khanh, Trọng Nguyễn,  Hoa Hạ, Phạm Dũng, Nguyễn Kháng Chiến, Mỹ Dung, Lê Thu Hạnh …ở miền Nam. Xuân Đức, Sỹ Chức…miền Trung . Trần Đình Ngôn, Trần Trí Trắc, Phạm Văn Quý, Chu Lai, Chu Thơm, Lê Quý Hiền, Nguyễn Đăng Thanh, Trọng Luyến, Ngọc Thụ, Đăng Minh, Lê Huy Quang, Giang Phong, Trịnh Quang Khanh…ở phía Bắc. Lĩnh vực phim Hoạt hình có các lão tác giả như Viết Linh, Huy Tiếp, Kim Dũng, Ngô Bình Thiểm… 15 năm qua những gương mặt kịch tác gia nêu trên thay nhau có mặt ở các trại sáng tác, tác phẩm của họ được các Nhà hát, các đoàn nghệ thuât, được Phòng Sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam dàn dựng, biểu diễn và Phát sóng. Đa phần những tác phẩm đó được hoàn chỉnh trong các trại sáng tác và được đáng giá khá tốt, ví như “ Huyết Lệnh” của Phạm Dũng ( dự Trại Vũng Tầu năm 2012) được Hội Nghệ sỹ Sân Khấu trao Giải Nhì về kịch bản xuất sắc trong năm, Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng. “ Phật Hoàng Trần Nhân Tông” của Phạm Văn Quý, hoàn chỉnh trong trại sáng tác năm 2014 được tới 6 đơn vị nghệ thuật đàn dựng và được trao Giải Bạc tại Hội diễn SK Tuồng chuyên nghiệp năm 2015. Kịch bản “ Chiến binh” của Chu Lai, hoàn chỉnh tại Trại sáng tác Đà Lạt ( tháng 8/2014) Nhà hát kịch quân đội dàn dựng được trao Huy chương Bạc tại Hội diễn năm 2015. Nhiều kịch bản của các bậc tài danh mà tôi vừa nêu tên đã được trao các giải thưởng hàng năm, được nhận Huy chương các loại trong các kỳ Hội thi, Hội diễn. Bản thân tôi có tới 7 kịch bản dài được hoàn chỉnh tại các trại sáng tác và  những tác phẩm đó đều được dàn dựng , Ví như kịch bản “ Đức Thánh Trần” Nhà hát Múa Rối Việt Nam dàn dựng. Vở diễn được Hội Nghệ sỹ SK Việt trao Giải Nhì về tác phẩm SK xuất sắc năm 2005.  Kịch bản “ Trần Quốc Toản” tôi viết tại trại sáng tác Tam Đảo năm 2012 được Hãng phim Hoạt hình Việt Nam dựng phim, năm 2013 tại Liên hoan Phim toàn quốc được trao Giải Bông sen Bạc, Hội Điện ảnh VN trao giải “ Cánh diều Bạc”. Một vài thí dụ như thế để thấy những tác giả cao tuổi đi dự trại sáng tác không phải là đề ăn chơi như ai đó nói . Mà ở cái tuổi ăn ít, ngủ ít, chơi cũng ngán thì sự “ ăn chơi” đâu còn hấp dẫn ? Chỉ có nhu cầu thiết yếu là đi dự trại để được lắng nghe nhau, để hoàn chỉnh tác phẩm của mình .Chuyện là thế, xin ai đừng nói sai sự thật !

Thưa quý vị ! Trên đây là 2 vấn đề, tôi vừa thể hiện rõ sự nhận thức của mình, còn việc làm thế nào để tiếp tục  đổi mới, nâng cao hiệu quả sáng tác của các Văn-Nghệ sỹ tại các Nhà sáng tác ?

Tôi xin tham gia như sau :

1-    Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT nên tiếp tục duy trì 3 hình thức mở trại sáng tác :

-         Trại cho các Hội chuyên ngành Trung ương

-         Trại tổng hợp cho các Hội Văn-Nghệ 63 Tỉnh-Thành

-         Trại cá biệt, đầu tư chiều sâu từ 1 đến 3 tháng cho Văn-Nghệ sỹ có năng lực viết các công trinh lớn như : Tiểu thuyết nhiều tập, trường ca, Kịch bản phim nhiều tập, Kịch bản sân khấu về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, nông thôn mới…

-         Các Hội chuyên ngành nên phát huy sự đa dạng các loại trại sáng tác, duy trì các trại sáng tác chuyên sâu  như trại sáng tác phim Hoạt hình, phim tài liệu, phim truyện điện ảnh,phim truyện truyền hình…Trại sân khấu thể nghiệm, trại sáng tác kịch hát cho từng loại hình sân khấu dân tộc…

Nên mở  trại sáng tác, tập trung vào từng mảng đề tài : Về biển đảo, về Rừng, về xây dựng nông thôn mới, về lịch sử truyền thống, về chiến tranh cách mạng…  

2-     Trung tâm nên có các hình thức quảng bá tác phẩm tiêu biểu của các Văn-Nghệ sỹ dự các trại sáng tác. Có thể 2 năm một lần phối hợp với từng Hội chuyên ngành chọn rồi xuất bản đối với nghiên cứu sưu tầm, văn,thơ, kịch bản sân khấu và kịch bản phim,  làm đĩa đối với âm nhạc, tổ chức triển lãm đối với Mỹ thuật và nhiếp ảnh.. . Những công trình, tác phẩm được chọn để quảng bá không trả nhuận bút ( mà có kinh phí để trả càng tốt) nhưng nên có tặng phẩm và giấy ghi nhận. Làm được việc này sẽ kích thích rất thiết thực trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm của các văn nghệ sỹ trước,trong và sau khi dự trại sáng tác.

3-    Các Nhà sáng tác thuộc Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng tôi đề nghị không nên quá nặng về thu, bởi : Hàng năm nếu các vị chỉ đạo doanh thu cao để lấy đó bù chi thì buộc các Nhà sáng tác sẽ giành cơ sở vật chất tốt để kinh doanh, thu hút khách du lịch và khách quá cảnh, vô tình tạo nên sự so sánh của các văn nghệ sỹ khi về Nhà sáng tác dự trại .

Gần đây Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có một quyết định rất tốt đó là trả Nhà hát lớn về cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn, không còn tình trạng cho thuê giá cao để ai có tiền thì vào đó. Hơn chục năm qua Bộ chủ quản đã làm cho Nhà Hát lớn mất đi chức năng cơ bản của nó: Là nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân .

         Là một văn nghệ sỹ tôi hết sức hoan nghênh quyết định trên của Bộ trưởng.Tôi hy vọng là các cơ quan chức năng giao kế thu thế nào để các Nhà sáng tác không như Nhà hát lớn những năm qua .   

Thưa quý vị !

Ở tuổi 37, Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT đã trải qua 5 đời  Giám đốc và hiện nay đ/c Huỳnh Văn Ngàn là 6 . Tôi có cái may là được quen biết và làm việc với 5 trong 6 vị, đó là các đ/c Nguyễn Trí Vượng, Phạm Ngọc Côn, Nguyễn Gia Trường, Nguyễn Văn Đoàn và Huỳnh Văn Ngàn . Các đ/c trên đều hết lòng vì sự phát triển của Trung tâm, ví như Huỳnh Văn Ngàn vì công việc mà hàng chục năm qua anh phải sống xa gia đình, xa vợ con, xa Đà Lạt-Thành phố ngàn hoa để về sống và làm việc tại Hà Nội, riêng việc này đã tạo nên sự “ đáng yêu” trong mỗi chúng ta đối với Huỳnh Văn Ngàn.

Nhiệt tình,trách nhiệm vì công việc, tập thể lãnh đạo đoàn kết cộng với thái độ chân tình của tất cả cán bộ công nhân viên ở các Nhà sáng tác đó là sự hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả đối với các văn nghệ sỹ trong những ngày về dự trại sáng tác . Mong và tin là Trung tâm luôn có điều đó .

Cám ơn quý vị đã chú ý lắng nghe !

                                                                                         T.Q.K. 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này