Tham luận của nhà thơ Hải Thanh tại Hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác"

Tham luận của nhà thơ Hải Thanh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc tại hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của các văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác”, diễn ra tại Nhà sáng tác Đại Lải vào ngày 11/10/2016.

 yenbai3

Nhà thơ Hải Thanh và ông Huỳnh Văn Ngàn Giám đốc Trung tâm HTSTVHNT tại Hội thảo ( nguồn vanhocnghethuatyenbai.gov.vn )

CẦN MỘT TIẾNG NÓI ĐỒNG LÒNG VÀ SỰ TIN CẬY, SẺ CHIA...

Nhà thơ HẢI THANH

Tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự vì có 2 Nhà sáng tác (thuộc Trung tâm HTST - Bộ Văn hóa TT&DL) đóng trên địa bàn. Tôi lại có may mắn là hội viên, được công tác tại Hội VHNT. Bởi thế tôi không chỉ được tham gia dự các trại sáng tác mà còn được giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước đến dự trại. Cái cảm giác ban đầu đã trở thành ấn tượng sâu sắc của tôi đối với Nhà sáng tác là: Thứ nhất, nó vui vẻ, đầm ấm; thứ hai, đó là nơi “hâm nóng” bầu không khí sáng tác cho văn nghệ sĩ. Con người, cảnh vật, không gian... đầy thi vị để từ đó văn nghệ sĩ có thể nảy ý sinh tình, sáng tạo và hoàn thiện các tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật phục vụ xã hội. Trong 6 Nhà sáng tác trên toàn quốc, mỗi lần được đến, tôi đều có cảm nhận và luôn chắc chắn niềm tin như vậy.

Sáng tạo văn học, nghệ thuật không ai khác, đấy là tài năng hoặc chí ít cũng phải có năng khiếu văn nghệ. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có lần phát biểu trong một cuộc hội thảo, đại ý rằng: Sự kiện vĩ đại nhất của loài người sau khi phát minh ra lửa là phát minh ra bánh xe. Nhưng bánh xe không có sức kéo, không có lực đẩy cũng chỉ là một đống sắt rỉ. Tài năng chính là đầu tàu kéo cỗ xe xã hội tiến lên phía trước...

Nói như vậy, còn có nghĩa rằng, không có một xã hội nào không cần đến tài năng. Nhưng tài năng hiếm lắm. Cụ Nguyễn Trãi nói: “Nhân tài như lá mùa thu”. Vấn đề là ứng xử với tài năng như thế nào, trước những yêu cầu mới, đầy cam go, phức tạp?

Với VHNT, trước hết là nhận thức. Cá nhân tôi thiển nghĩ, Trại sáng tác là sự ứng xử văn hóa đối với văn hóa mà văn nghệ sĩ đang thực hiện nhiệm vụ chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng của Đảng, của dân tộc. Nói về một hệ thống nhất quán các quan điểm của Đảng ta về văn học, nghệ thuật có thể kể từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Tùy theo từng giai đoạn cách mạng, Đảng có những bổ sung và phát triển phù hợp. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII), Đảng ta đã nêu lên mục tiêu và những nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn học, nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng. Và mới đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) cũng khẳng định: “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị”, trong đó - VHNT vốn đã được xác định là bộ phận tinh tuý nhất của văn hoá – Như tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008).

Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm tới, văn học, nghệ thuật nước nhà đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị có nhận định: “Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức. Một số vấn đề cốt lõi và mới đặt ra trong lĩnh vực này chưa được lý giải thấu đáo, thiếu thống nhất. Công tác tổng kết thực tiễn chưa theo kịp sự phát triển, vì thế có lúc lúng túng, thiếu những quyết sách cơ bản, chủ động; có biểu hiện vừa buông lỏng, hữu khuynh, vừa áp đặt, chủ quan, thiếu tầm nhìn xa. Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá, văn nghệ - nền tảng tinh thần của xã hội - chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng và chưa hiểu đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của văn học, nghệ thuật, chậm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng. Đầu tư cho văn hoá, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả”.

Trân trọng với cách nhìn ấm áp của Đảng và nhân dân ta đối với văn học, nghệ thuật. Đó chính là mục đích tạo ra sự ổn định chung của đất nước, để văn nghệ góp vào tính tích cực của xã hội. Nhưng hiện thực, cho đến nay, đây đó vẫn còn không ít sự thiếu quan tâm đối với tài năng văn học, nghệ thuật. Có người còn mặc cảm rằng, nói đến văn nghệ sĩ là nói đến những sự kêu ca, đòi hỏi, trông chờ một chính sách và sự đãi ngộ. Thực ra không hẳn thế. Đối với VNS, nhiều khi chỉ cần có một tấm lòng. Tiền ư? Cũng cần thiết. Nhưng không bức thiết phải đến sự kêu ca. Nếu có kêu ca thì kêu ở chỗ chi tiêu bất hợp lý, lãng phí ở nhiều phương diện nhưng lại tỏ ra chặt chẽ, tiết kiệm với VHNT mà thôi. Còn bức thiết, đó chính là việc tạo ra không gian sáng tạo rộng rãi, tin cậy, đầm ấm cho VNS. Không có không gian sáng tạo rộng rãi, đôi cánh tự do sáng tạo không bay được; không có sự tin cậy, đôi cánh sáng tạo ngại bay; không có sự đầm ấm, mọi sáng kiến cá nhân bị ghẻ lạnh.

Nhà nước chăm lo hỗ trợ, đầu tư cho văn nghệ chính là đầu tư cho văn hóa, cho con người, nâng đỡ tâm hồn con người đang bên bờ vực của sự cằn cỗi. Đó là điều rất đáng trân trọng và nhất thiết đó không phải là sự ban ơn hay trả thù lao. Sản phẩm của sáng tạo, giá trị của nghệ thuật không thể tính bằng bao nhiêu tiền hay bao nhiêu ân huệ. Của cho không bằng cách cho. “Cách cho” mà lâu nay ta vẫn quen dùng mỹ từ là “đầu tư”, “hỗ trợ”... cũng chỉ là sự xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trên bước đường dần tiến đến sự hài hòa mà thôi.

Như trên chúng tôi đã đề cập, văn học, nghệ thuật nước nhà đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt. Công nghiệp hóa là một bước nhảy vọt của phương thức sản xuất. Nhưng một nền “công nghiệp tâm hồn” nào có thể tạo ra bước nhảy vọt trong phương thức sáng tạo? Tôi tin rằng truyền thống văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc lúc nào cũng sát cánh, nhắc nhở chúng ta một điều chưa bao giờ cũ: “Phi trí bất hưng”. Và Nhà sáng tác luôn thể hiện vai trò là bà đỡ cho những sự sáng tạo sinh sôi để tiến tới sự hưng thịnh ấy.

Nhà sáng tác thực sự là môi trường tốt đối với văn nghệ sĩ. Đó là sự hấp dẫn cho một tour du lịch, khám phá, giao lưu? Một dịp bứt ra để văn nghệ sĩ dồn tâm cho VHNT? Một bà đỡ mát tay cho những sản phẩm sáng tạo? Vấn đề gì cũng đúng mà không hẳn thế. Ở cơ bản đã tốt. Mặc dù rất ít người nói đến chuyện ăn, vì “Quân tử thực vô cầu bão”, mức ăn dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn là vấn đề đáng suy nghĩ, cân nhắc đối với những khu du lịch trước triền miên những cơn “bão giá”. Còn tác phẩm? Đây mới là vấn đề đáng nói nhất. Nếu tính bình quân mỗi Nhà sáng tác tổ chức 2 trại sáng tác trong 1 tháng cho 15 người; một số ít tác phẩm được giới thiệu trên một số tờ báo trung ương và địa phương; số không nhỏ khác trôi dạt về đâu, những người quản lý NST và cao hơn thế, ai đã đọc, đã có kế hoạch sử dụng, quảng bá, hoặc bàn thảo, rút kinh nghiệm cho sự ra đời của những đứa con tinh thần có giá trị, hay các tác giả chỉ nộp bản thảo đấy để NST báo cáo và thanh toán khẩu phần?

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Trung tâm HTST vẫn là điểm đến hết sức thú vị cho cá nhân tôi và Hội chúng tôi. Hoạt động văn học, nghệ thuật sẽ thêm phong phú và ấm áp hơn khi khắc phục được những điều còn băn khoăn về sự tồn tại, hạn chế để có sự phát triển rỡ ràng, thiết thực hơn. Cá nhân tôi thiển nghĩ, điều quan trọng cho sự đổi mới là nên tổ chức trại theo chuyên ngành và chuyên sâu. Mặc dù phong trào cũng cần thiết, nhưng phong trào nhiều quá, giải quyết được bề rộng lại khiếm khuyết chiều sâu, nên nhiều khi cảm thấy không hiệu quả. Kinh nghiệm thực tế ở Vĩnh Phúc những năm qua cho thấy, mở trại theo hướng chuyên ngành đã có được kết quả rõ ràng hơn. Để đảm bảo cho điều đó, không cách nào hơn là sự gắn kết trách nhiệm giữa Trung tâm HTST và các Hội VHNT từ việc giới thiệu, thẩm định, bố trí kinh phí, thời gian, báo cáo kết quả… theo từng trại, từng năm, từng giai đoạn. Đương nhiên, bên cạnh đó cần có sự tiếp tục quan tâm, động viên của cấp, ngành có liên quan trong việc tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực cho Nhà sáng tác và hỗ trợ cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này