Cú hích trong hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật

Lâu nay, việc đầu tư, hỗ trợ tổ chức các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật thường được coi như “trách nhiệm riêng” của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, các hội chuyên ngành.

Hoạt động mỹ thuật “Mùa hè với di sản” được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa tại Ninh Bình cuối tháng 7/2018 quy tụ gần 100 nghệ sĩ tạo hình được xem như là “cú hích” quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật.

cuhichtronghotrovhnt

Khó khăn trong hỗ trợ sáng tác 

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn học nghệ thuật. Nhiều văn bản, chính sách đã được xây dựng, ban hành nhằm thúc đẩy, hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật. Trong đó có Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020. Thông tư 42/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020.

Hoạt động hỗ trợ sáng tác hiện nay đang được triển khai theo nhiều hình thức: Hỗ trợ cho tác giả, tác phẩm qua các hội chuyên ngành; tổ chức trại sáng tác; giải thưởng chuyên ngành, đi thực tế, giao lưu văn học nghệ thuật trong nước, quốc tế ngoài. Bên cạnh đó còn có hình thức hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu từ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ sáng tác này dù ở hình thức nào cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng người được hỗ trợ không nhiều và chưa có tổng kết, đánh giá hiệu quả của việc hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư sáng tác cũng không đơn giản chỉ là cấp kinh phí cho tác giả. Việc sáng tác vốn là vấn đề ý thức cá nhân của tác giả nên các hội khi "chọn mặt gửi vàng" thường chọn tác giả nổi tiếng để khi có chuyện vẫn dễ “ăn nói”. Điều này lý giải vì sao đầu tư cho các tác giả trẻ lâu nay vẫn được đánh giá là chưa thỏa đáng...

Về việc hỗ trợ qua hoạt động tại trại sáng tác, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Ngàn cho biết: Hiện tại, Trung tâm có tại 6 nhà sáng tác: Tam Đảo, Đại Lải (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Trung tâm tổ chức từ 60 - 80 trại sáng tác cho các loại hình nghệ thuật: Văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, văn học dân gian, văn học miền núi, kiến trúc. Trung bình mỗi năm có trên 1.000 lượt văn nghệ sĩ được mời tham gia trại sáng tác. Về mỹ thuật, mỗi năm, Trung tâm phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trung bình 2 trại sáng tác, mỗi trại có từ 15-20 nghệ sĩ tham gia từ 15-20 ngày.

Theo nhiều văn nghệ sĩ, không chỉ mỹ thuật mà ở các lĩnh vực khác, mỗi trại sáng tác Trung ương, tỉnh, thành phố tổ chức thường chỉ có từ 10-20 người tham gia, quá ít so với nhu cầu. Cùng với đó, nhiều trại sáng tác yêu cầu bắt buộc về đối tượng tham gia, đề tài, nội dung sáng tác. Những điều này phần nào đó khiến cho các nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ tạo hình trẻ ít có cơ hội tiếp cận với hoạt động hỗ trợ sáng tác này.

Bước đột phá trong hỗ trợ sáng tác

Là người luôn tâm huyết với sự phát triển của mỹ thuật, Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc, người trực tiếp tổ chức, hỗ trợ tổ chức hoạt động mỹ thuật “Mùa hè với di sản” cho biết: Ban Tổ chức dự kiến có khoảng 50 họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia hoạt động này nhưng ngay trong ngày đầu khai mạc đã có gần 100 nghệ sĩ tạo hình hưởng ứng, tham gia. Trong số đó, không ít người đã bắt tay vào sáng tác, hoàn thành tác phẩm ngay trước giờ khai mạc. Kết thúc đợt sáng tác đã có 76 tác phẩm được hoàn thành, 20 tác phẩm đang tiếp tục được hoàn thiện, rất nhiều những ý tưởng đã được thai nghén. 

Các họa sĩ tạo hình tham gia hoạt động sáng tác này đều trên tinh thần tự nguyện, không phải đóng góp kinh phí. Tại đây, tính ngẫu hứng được đề cao, mọi sáng tác, mọi ý tưởng gì đều được tôn trọng. Các họa sĩ sáng tác trên chất liệu sẵn có. Bên cạnh đó, các họa sĩ còn được tham gia hoạt động khác như dâng hương tại Đền vua Đinh, vua Lê và tham quan động Thiên Hà để tạo cảm hứng sáng tác. Những tác phẩm đã hoàn thành, các ý tưởng sáng tác từ đây đều thuộc bản quyền của tác giả - Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc nhấn mạnh.

Trên cương vị là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, ông Huỳnh Văn Ngàn khẳng định chưa thấy một tổ chức hay cá nhân nào đứng ra tổ chức trại sáng tác hoặc hoạt động tương tự như trại sáng tác huy động được đông đảo văn nghệ sĩ như ở “Mùa hè với di sản”. Các họa sĩ đều được đảm bảo bản quyền tác phẩm.

Ông Huỳnh Văn Ngàn cho biết: Một số tập đoàn lớn cũng tổ chức trại sáng tác về điêu khắc, có mời nhiều nghệ sĩ tham gia. Tuy nhiên, họ toàn quyền sử dụng các sáng tác nghệ thuật. Tại “Mùa hè với di sản” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Du lịch Hoàng Long (Ninh Bình) tài trợ, bản quyền sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc được tôn trọng như mục tiêu, tiêu chí đề ra. Đây thực sự là “cú hích” đối với hoạt động hỗ trợ sáng tác không chỉ trong lĩnh vực mỹ thuật mà trong cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình Phạm Văn Phương cho hay: Những hoạt động quy mô như “Mùa hè với di sản” thường chỉ có Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức được. Rất may là Ninh Bình có những doanh nghiệp yêu nghệ thuật nên đã tổ chức được hoạt động ý nghĩa này. Đặc biệt, doanh nghiệp của Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc đã sát cánh cùng tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn học nghệ thuật ý nghĩa, trong đó có triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) sắp tới.

Theo Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình Phạm Văn Phương, trong 1-2 ngày sáng tác mà có tác phẩm “đứng được” cũng không phải đơn giản. Làm nghệ thuật là làm cả đời. Tuy nhiên có thể khẳng định, sự kiện mỹ thuật “Mùa hè với di sản” giúp khuấy động hoạt động sáng tác trong giới văn nghệ sĩ của cả nước và tỉnh Ninh Bình. Mong rằng sau sự kiện này sẽ có thêm nhiều “mạnh thường quân” khác hưởng ứng, giúp nhân rộng mô hình hỗ trợ sáng tác hiệu quả này.

Họa sĩ Nguyễn Phú Văn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật trẻ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã thống nhất với Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc để hoạt động hỗ trợ sáng tác của Câu lạc bộ trở thành hoạt động hàng năm. Năm 2019, Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động sáng tác nghệ thuật như “Mùa hè với di sản”, mời thêm nhiều nghệ sĩ trẻ các tỉnh, thành phố tham dự.

Nguồn: ICT-Press

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này