Tham luận của Nhà viết kịch Ninh Đức Hậu, Uỷ viên Ban chấp hành Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Văn học Trẻ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả Sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà Sáng tác”

Tham luận của Nhà viết kịch Ninh Đức Hậu, Uỷ viên Ban chấp hành Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Văn học Trẻ  Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình  tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả Sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà Sáng tác”

Văn nghệ sĩ Ninh Bình
với các Trại Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Kính thưa quý vị đại biểu:

Trước khi đến Hội nghị này, chúng tôi đã có một cuộc thăm dò dư luận, đối tượng là hơn 150 hội viên hội VHNT tỉnh Ninh Bình, với 2 câu hỏi; Có nguyện vọng đi Trại sáng tác không? Và; Đi Trại sáng tác để làm gì?

Gần 90% số hội viên được hỏi đều bày tỏ nguyện vọng được đi các Trại sáng tác VHNT, và đi Trại sáng tác để Học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác; Sửa chữa, nâng cao  các đề cương hoặc bản thảo thành tác phẩm hoàn chỉnh; Sáng tác các tác phẩm mới tại trại sáng tác.

1-    Học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

Các hội viên của các hội tỉnh lẻ, tỉnh nhỏ rất ít có điều kiện được tiếp cận với các Văn nghệ sĩ đã thành danh của Trung ương, hoặc của các tỉnh bạn, rất ít có điều kiện được gặp gỡ, giao lưu với các văn nghệ sĩ là hội viên trong tỉnh. Điều này còn khó khăn gấp nhiều lần đối với các văn nghệ sĩ ở huyện, ở vùng sâu vùng xa. Ngoài những thông tin được tiếp nhận từ các phương tiện thông tin đại chúng các văn nghệ sĩ hầu như không biết gì hơn, trong khi đó có nhiều các kênh thông tin khác rất bổ ích cho sáng tác thì không nắm bắt được. Chính vì vậy, những ngày ở trại sáng tác anh chị em được thu nạp những thông tin mới lạ, khác hoàn toàn với thông tin đã tiếp cận, qua các cuộc giao lưu, trò chuyện. Đã có nhiều những ý tưởng, những dự định để sáng tác thông qua các cuộc giao lưu này.

Khi tác phẩm được viết dưới dạng bản thảo, nếu ở nhà thì không thể có ai góp ý, cắt bớt, bổ xung, thay đổi cấu trúc, ngôn ngữ…vv… nhưng ở Trại sáng tác điều đó được giải quyết thông qua các buổi trao đổi với một người, hai người, nhóm người có khi của cả trại. Tất nhiên ý kiến của cá nhân tác giả vẫn là quyết định, song, những cuộc trao đổi thực sự bổ ích. Nhiều tác phẩm có chất lượng hơn hẳn khi tác giả tiếp thu những ý kiến góp ý, và cầu thị sửa chữa tác phẩm.

Ở mỗi trại sáng tác các hội viên có dịp được gặp gỡ, và học hỏi kinh nghiệm của những tác giả đã thành danh, những người có kinh nghiệm viết lách. Không ai dạy ai viết văn làm thơ hoặc sáng tạo nghệ thuật, tất nhiên là như thế, nhưng kinh nghiệm của những người có nghề, truyền đạt, phổ biến hoặc trao đổi với những người nghề chưa cao, thì rõ ràng quá bổ ích. Vì vậy, đi trại sáng tác là rất cần thiết đối với các hội viên VHNT các tỉnh.

  2- Sửa chữa, nâng cao  các đề cương hoặc bản thảo thành tác phẩm hoàn chỉnh.

Khi có kế hoạch mời hội viên đi dự các trại sáng tác VHNT, phần lớn các hội viên đều đã có sẵn bản thảo, hoặc đề cương. Đi Trại sáng tác là điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành tác phẩm. Nhiều người lấn cấn với việc gia đình, xã hội nên dùng dằng mãi chưa hoàn thành tác phẩm, nhưng đến Trại họ rảnh rang có thời gian (dù chỉ nửa tháng), không bị ràng buộc vào các yếu tố khách quan, hơn nữa ở Trại sáng tác các điều kiện về vật chất cũng tương đối tốt hơn ở nhà (đây là so sánh với anh chị em văn nghệ sĩ ở tỉnh lẻ chúng tôi), đặc biệt ở Trại lại có chất xúc tác của các văn nghệ sĩ với nhau, ý chí hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành tác phẩm. Một lợi thế không nhỏ nữa, ở trại có thể anh em sẽ góp ý cụ thể để mình hoàn thành tác phẩm một cách suôn sẻ. Cách nay vài năm ở Ninh Bình có tác giả Nguyễn Văn Thực, ấp ủ đề tài, thai nghén bản thảo nhưng mãi vẫn không viết xong cuốn tiểu thuyết “Mảnh đời gió bụi” nhưng khi được dự trại sáng tác Tác giả đã hoàn thiện nó rất nhanh chóng và có chất lượng. Tiểu thuyết đã được Nhà xuất bản Công An Nhân dân xuất bản. Nhiều tác phẩm của nhà viết kịch Đăng Thanh chỉ khi đi Trại sáng tác mới hoàn thành được, và các tác phẩm hoàn thành ở các Trại sáng tác của ông phần lớn giành được Huy chương vàng ở các Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tiêu biểu như các vở “ Nắng” “ Không được giết màu xanh” “Hạc trắng về đâu”… Còn nhiều tác giả khác cũng chỉ khi đến trại sáng tác mới hoàn thành xong tập thơ, tập truyện ngắn, tập ca khúc hoặc các tác phẩm nghệ thuật khác. Như thế việc được dự trại sáng tác để sửa chữa, đề cương, bản thảo thành tác phẩm hoàn chỉnh là rất quan trọng với các hội viên VHNT.

3- Sáng tác các tác phẩm mới

Có nhiều người nói rằng, không nhất thiết cứ phải đi Trại sáng tác mới sáng tác được. Điều đó hoàn toàn đúng. Đã là văn nghệ sĩ, cái nghiệp sáng tác nó đã ngấm vào máu thì bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều có thể sáng tác được. Nhưng, như trên đã trình bày, đi Trại sáng tác là có dịp gặp gỡ trao đổi học hỏi kinh nghiệm, sửa chữa, nâng cao, hoàn thiện các đề cương bản thảo thành tác phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, đi Trại sáng tác hội viên còn có dịp được đi thực tế đến những vùng đất, đến những địa phương mới, gặp gỡ với nhiều người dân, có khi là các dân tộc khác nhau, có dịp tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hoá… vv … ở các vùng miền. Đôi khi trong các cuộc trò chuyện lại nẩy sinh những ý tưởng, vậy là có thể sáng tác được những tác phẩm mới ở ngay Trại sáng tác. Tháng tư năm nay được sự quan tâm của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT, Hội VHNT Ninh Bình có 15 hội viên được đi dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang Khánh Hoà, ngoaì việc hoàn thành các tác phẩm mà các hội viên đã có bản thảo sẵn ở nhà mang đi Trại, các tác giả còn sáng tác được 1 bút ký, 3 tản văn, hơn 50 bài thơ, 3 ca khúc về đề tài biển đảo. Những tác phẩm này nếu không đi trại thì chắc sẽ không có. Phần lớn các tác phẩm mới viết tại nhà sáng tác Nha Trang của hội viên Ninh Bình đều đã được đăng tải trên Tạp chí Nha Trang của Hội VHNT Khánh Hoà, tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Sáng tác VHNT là do cảm xúc, và cảm xúc nhiều khi xuất hiện khi người sáng tác khám phá ra những điều mới mẻ. Đi trại sáng tác rất gần với việc văn nghệ sĩ được đi khám phá… và chính vậy cảm xúc được nảy sinh và trở thành những hạt mầm của tác phẩm.

Những năm qua Hội VHNT tỉnh Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT Bộ VH TT và DL, Hội đã cử nhiều đợt hội viên đi Trại sáng tác tại các Nhà sáng tác của Trung tâm. Hiệu quả của các Trại sáng tác mà Hội viên của Hội được dự là tinh thần phấn chấn, cảm xúc dồi dào và sức sáng tạo được nhân lên nhiều lần. Có những tác giả đã lâu năm bị sức ì của đầu óc cản trở, nhưng khi được đi Trại sáng tác thì như được “hồi sinh”, sức viết trở lại và đã có ngay những tác phẩm. Điều thu được quan trọng nhất của các traị sáng tác chính là chất lượng của tác phẩm. Mỗi người đi dự trại sáng tác luôn ý thức được trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, vì vậy hầu như các tác phẩm trung bình đều đã bị chính các tác giả loại bỏ  ngay, chỉ có những tác phẩm từ khá trở lên mới nộp lại cho các Nhà sáng tác. Một kết quả khả quan nữa mà chúng tôi nhận được, là Tạp chí Văn nghệ của địa phương lại dồi dào nguồn tác phẩm có chất lượng tốt để đăng tải.

Trong tham luận này chúng tôi không thể thống kê hết những tác phẩm đã giành được những giải thưởng, những huy chương mà các tác giả của Hội chúng tôi khi tham gia Trại sáng tác giành được. Chúng tôi chỉ xin lấy ví dụ một số tác phẩm của một số tác giả. Đó là Nhà viết kịch Đăng Thành, Huy chương Vàng của Bộ VH TT và DL, của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho các tác phẩm “Nắng”     “Không được giết màu xanh” “Hạc trắng về đâu”…Nhà viết kịch Ngọc Cương giành huy chương vàng của Bộ VHTT và DL, và Giải C của UBTQ LH các Hội VHNT Việt Nam cho các vở “Kho báu” “Tình đất tình người”. Nhà viết kịch Ninh Đức Hậu giành giải C của Bộ VHTT và DL cho các vở : “Đứa con riêng” “Chuyên án cuối năm” Giành giải Vàng của Liên hoan phát thanh Toàn quốc với vở “Giã từ quá khứ”. Tập truyện ngắn “Đi qua đồng cói” của tác giả Vũ Thanh Lịch giành giải C của UBTQ LH các Hội VHNT Việt Nam. Nhà thơ Bình Nguyên giành giải A của UBTQ cho tập thơ “Đi về nơi không chữ” Nhà thơ Lâm Xuân Vi giành giải B của UBTQ LH các Hội VHNT Việt Nam. Ca khúc “ Viết về cha” của nhạc sĩ Mai Công Thắng giành giải A của Hội Âm nhạc Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian của các tác giả Trương Đình Tưởng, Trần Đình Hồng… giành được các giải A, B của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, UBTQ LH các Hội VHNT Việt Nam. Hoạ sĩ Kù Kao Khải giành giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm “Chuyện quê”… và còn nhiều các tác phẩm Văn, Thơ, Kịch bản, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Lý luận PB Văn học, Nghiên cứu Văn hoá dân gian đã giành được các giải của Trung ương và địa phương. Đó là kết quả của các tác giả đã sáng tác hoặc đã hoàn thành tác phẩm tại các đợt đi Trại sáng tác.

Kính thưa quý vị đại biểu

Gần đây trên một vài trang mạng có đưa ra ý kiến của vài cá nhân về Trại sáng tác. Có người cho Trại sáng tác là sản phẩm tàn dư của thời bao cấp, chỉ gây mất thời giờ…chưa có tác phẩm nào ra hồn …Chúng tôi nghĩ đó là ý kiến riêng của cá nhân. Còn thực tế, đi trại sáng tác không hoàn toàn  như vậy. Phần đa những người được đi trại sáng tác đều có ý thức và trách nhiệm của người cầm bút, trước nhất với chính bản thân họ, tiếp đến là trách nhiệm với Hội VHNT địa phương mà họ là hội viên, rồi trách nhiệm với Trung tâm hỗ trợ sáng tác. Có thể bề ngoài nhìn thấy các văn nghệ sĩ chuyện trò tào lao, nhưng thường thì chỉ diễn ra vào các bữa ăn hoặc khi trà lá. Các văn nghệ sĩ miệt mài viết lách, có những tác giả say mê đến độ thức trắng đêm để viết. Cuối trại sáng tác bao giờ cũng có các tác phẩm gửi lại Nhà sáng tác để báo cáo kết quả. Ngoài những tác phẩm được mà ở nhà đi để hoàn chỉnh còn rất nhiều những tác phẩm mới viết nữa. Các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã có tên tuổi ở Trung ương, hay các thành phố lớn, có thể trong số họ sẽ có những người thấy không cần thiết phải đi Trại sáng tác, vì họ thấy việc giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, hay đến trại để sửa chữa, nâng cao hoàn chỉnh các bản thảo là không cần. Nhưng với các văn nghệ sĩ tỉnh lẻ, tỉnh nhỏ, các điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần còn khó khăn thiếu thốn, thì việc hàng năm được đi trại sáng tác vẫn là vô cùng cần thiết, quan trọng, thậm chí còn là ước mơ. Chúng tôi mong rằng, các vị lãnh đạo ngành văn hoá văn nghệ cần tiếp tục duy trì thận chí phát triển thêm các Nhà sáng tác, các đợt trại sáng tác.

Để các đợt đi trại sáng tác mang lại hiệu quả cao hơn nữa, để làm sinh động và ấn tượng cao hơn nữa của mỗi đợt đi sáng tác, chúng ta phải cùng nhau đổi mới cách thức, hình thức, nội dung, phương pháp mở trại sáng tác. Đổi mới không chỉ riêng những nhà quản lý, tổ chức, mà ngay người được đi trại cũng phải đổi mới. Có thể Trại được tổ chức theo chuyên đề. Có thể Trại tổ chức cho Văn nghệ sĩ đi thực tế. Có thể trại sáng tác mời những nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ có uy tín về nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm. Có thể ngay trong một trại sáng tác Nhà sáng tác kết hợp với đơn vị tổ chức Trại tổ chức cuộc thi sáng tác VHNT. Có thể về trại văn học tổ chức các đêm thơ mời hội viên của tỉnh có nhà sáng tác hoặc quần chúng ở nơi đấy tham dự. Trại nhiếp ảnh, mỹ thuật có thể tổ chức triển lãm giới thiệu tác phẩm của nghệ sĩ với công chúng. Có thể tổ chức các đêm nhạc cho các trại sáng tác âm nhạc … vv… Một điều thuận lợi là, các Nhà sáng tác của Trung tâm đều nằm ở các tỉnh, thành phố Du lịch, tập chung nhiều du khách trong và ngoài nước, vì vậy các tác phẩm của trại sáng tác trong từng đợt  có thể trưng bày, giới thiệu luôn để một phần nào đó quảng bá cho thành quả của các văn nghệ sĩ.

Chúng tôi chỉ có một đề nghị nhỏ xin các đồng chí lãnh đạo Trung tâm quan tâm. 1, về chế độ ăn uống nên được nâng lên. 2, có thể hỗ trợ một chút kinh phí đi lại cho người dự trại. 3, phân bổ trại viết theo hình thức, các tỉnh ở Miền Nam thì dự trại ở miền Bắc, miền Trung. Các tỉnh ở miền Trung dự trại ở miền Nam, miền Bắc, các tỉnh miền Bắc dự trại ở miền Trung và miền Nam.

Cuối cùng xin kính chúc các vị đại biểu, các đồng chí lãnh đạo, anh chị em cán bộ công nhân, phục vụ của Trung tâm, ở các nhà Sáng tác sức khoẻ hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công.

 
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này