BÀI VIẾT MỚI

Tham luận của ông Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương tại hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác"

Tham luận của ông Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương tại hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác"

trầnminhhaiduong
Ông Trần Ngọc Minh, phó Giám đốc Sở VHTTDL, Chủ tịch hội VHNT Hải Dương ( nguồn: haiduong.gov.vn)
 
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRẠI SÁNG TÁC
TẠI CÁC NHÀ SÁNG TÁC CỦA BỘ VĂN HOÁ THỂ THAO VÀ DU LỊCH

    Tôi xin thay mặt các anh chị em hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Dương xin phát biểu về vấn đề lao động nghệ thuật tại các Nhà sáng tác của Bộ như sau:

    Chúng ta đều biết, là nghệ sĩ dù sáng tạo trong lĩnh vực nào, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc, viết kịch bản hay nhiếp ảnh cũng đều cần có không gian yên tĩnh và môi trường thuận lợi để sáng tạo tác phẩm của mình. Tất nhiên là trước đó các nghệ sĩ đã có quá trình đi thực tế, sống thực tế, quan sát và thu nhận những chất liệu phong phú trong cuộc sống để làm vốn liếng của họ. Để có môi trường thuận tiện và không gian yên tĩnh giúp văn nghệ sĩ tập trung trí tuệ, cảm xúc để sáng tạo ra tác phẩm là điều rất đáng lưu tâm. Những năm xa xưa, Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã tổ chức trại sáng tác cho hội viên, ngay cả trước khi có Hội thì Ty Văn hoá Hải Hưng cũng đã tổ chức trại sáng tác cho những cây bút trong tỉnh. Ngày ấy chưa có Nhà sáng tác nên trại mở ra thường phải gửi ở nhà dân dưới các làng quê, sau đó thì nhờ các công sở, hoặc trường học, nhưng như vậy xảy ra nhiều bất tiện nên tổ chức được địa điểm yên tĩnh chỉ để dành riêng cho việc làm tác phẩm, đó là điều thực sự cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cho sự nghiệp phát triển VHNT nói chung và đối với giới văn nghệ sỹ nói riêng.

    Kính thưa hội thảo.

   Khoảng hơn chục năm trở lại đây các trại sáng tác được tổ chức tại Nhà sáng tác của Bộ Văn hoá đã thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ sáng tạo và hoàn thành tác phẩm. Nhiều tác phẩm có chất lượng đã được thai nghén, hoàn thiện tại các trại sáng  tác này. Riêng Hội VHNT tỉnh Hải Dương, thông qua kế hoạch bố trí dự trại cho Hội của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật – Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức cho hội viên đi dự trại tại Nhà sáng tác, năm thì tại Đại Lải, năm thì tại Tam Đảo, năm thì Đà Lạt, rồi Vũng Tàu. Tuy thời gian tổ chức trại chỉ 15 ngày, nhưng kết thúc trại anh chị em đều có tác phẩm mang về. Số lượng tác phẩm thu được từ các trại sáng tác này có năm nhiều, có năm ít, có thể mỗi tác giả sáng tác một chùm thơ, một số bức ký hoạ, một vài truyện ngắn, cũng có những tác giả dành thời gian hoàn thiện bản thảo của cả một cuốn tiểu thuyết, nhưng đó là kết quả đáng mừng. Những tác phẩm đó đều được nghiệm thu và nộp về Hội để lần lượt giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Cũng có tác giả chưa thể hoàn thành tác phẩm, nhưng họ vẫn xây dựng được đề cương sau thời gian dự trại, họ sẽ dành thời gian hoàn thành tác phẩm. Đánh giá về vai trò của các trại sáng tác, cũng có ý kiến cho rằng, thời gian ngắn thế sao có thể hoàn thành vài tác phẩm. Xin thưa, đối với Hội VHNT tỉnh Hải Dương, trước khi gửi các hội viên đến Nhà sáng tác thì các ban chuyên môn của Hội đã thẩm định những đề cương chi tiết của mỗi người và lựa chọn những người đã có đề cương kỹ hoặc đã có bản sơ thảo tác phẩm mới cử đi. Chúng tôi không chọn những người đăng ký đi dự trại sáng tác mà chưa có đề cương. Vì vậy nên thời gian ở Nhà sáng tác không dài cũng đủ để các tác giả hoàn thành tác phẩm.

    Sau khi tổ chức trại viết tại các nhà sáng tác của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội VHNT tỉnh Hải Dương đều tổ chức tổng kết, lấy ý kiến các thành viên dự trại. Nhiều ý kiến đã được tổng hợp, trong đó, các hội viên từng đi dự trại cho biết, khi đến Nhà sáng tác, cảm hứng sáng tạo thôi thúc và thấy trách nhiệm sáng tác cao hơn, rõ ràng hơn. Bởi vì ở các Nhà sáng tác đều có không gian yên tĩnh mà thơ mộng, điều kiện làm việc rất tốt, mỗi người đều có phòng riêng, rồi bàn viết, đèn sáng, quạt hoặc điều hoà đầy đủ, được phục vụ ăn uống tận tình chu đáo, nên họ không phải bận tâm điều gì mà chỉ tập trung làm tác phẩm. Nhà sáng tác thực sự là nơi làm việc lý tưởng của các văn nghệ sỹ bởi nếu ở nhà mình thì khó ai có thể dành thời gian nửa tháng hoặc một tháng để tập trung vào việc sáng tác trước biết bao yếu tố chủ quan hoặc khách quan chi phối, làm đứt quãng mạch suy nghĩ đang hứng khởi, nên phải vật vã, viết đi viết lại mới hoàn thành tác phẩm. Bởi vậy nên hội viên luôn dành những ý tưởng tốt để đem đến Nhà sáng tác tập trung gọt rũa, chau chuốt, để hoàn thành một cách tốt nhất. Ở đó họ còn được trao đổi với bạn nghề, tham khảo và tiếp thu những ý kiến hay, những chi tiết đắt để bổ sung vào tác phẩm của mình. Cũng bởi vậy nên chúng tôi và người đọc thường thấy những dòng chữ: Viết tại Nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo, Nha Trang, Vũng Tàu hay Đà Lạt dưới mỗi bài thơ, bản nhạc hoặc truyện ngắn, và cả những tập sách dày dặn đến mấy trăm trang.

    Ở Hải Dương chúng tôi có một số tác giả hoàn thành những công trình dài hơi ở các Nhà sáng tác. Xin kể tên một vài hội viên làm ví dụ: tác giả Trương Thị Thương Huyền hoàn thành tập truyện ngắn “Mùa cũ” tại Nhà sáng tác Đại Lải, tác phẩm này đã được UBTQ các Hội VHNT Việt Nam tặng giải năm 2005; hoàn thành tiểu thuyết “Thăm thẳm Ktang” tại nhà sáng tác Đà Lạt năm 2011, được trặng giải B giải thưởng VHNT Côn Sơn; tác giả Nguyễn Long Nhiêm hoàn thành tập truyện ngắn “Duyên đất” tại Nhà sáng tác Tam Đảo, tác phẩm này được tặng giải thưởng VHNT Côn Sơn của UBND tỉnh Hải Dương; tác giả Nguyễn Thị Lan hoàn thành công trình nghiên cứu “Văn học nước ngoài trong nhà trường” công trình in thành sách, cũng được tặng giải của UBND tỉnh Hải Dương; tác giả Đỗ Thị Hiền Hoà từng hoàn thành nhiều tiểu thuyết ở các Nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo và Đà Lạt, tiểu thuyết “Trẻ con không sợ ma” được giải B (không có giải A) trong cuộc thi do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn phát động. Tiểu thuyết “Gió chuyển mùa” được tặng giải trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Tiểu thuyết “Thuỷ tinh xanh” được giải trong cuộc vận động viết về công nhân, công đoàn do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức năm 2014. Đó là chỉ nêu một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu của hội viên tỉnh Hải Dương. Còn nhiều tác giả khác hoàn thành nhiều tác phẩm tại các Nhà sáng tác mà trong bản tham luận ngắn này chúng tôi không thể kể hết.

    Từ những ví dụ cụ thể trên, chúng tôi khẳng định, mô hình Nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT của Bộ VHTT & DL là rất thiết thực, rất bổ ích cho từng tác giả nói riêng và cho các Hội VHNT nói chung. Chúng tôi rất mong muốn các Nhà sáng tác tiếp tục đón nhận hội viên của chúng tôi để họ sẽ cho ra đời những tác phẩm xuất sắc hơn.

    Tuy nhiên, hoạt động tổ chức sáng tác cho các văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác, trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT trong toàn quốc theo mô hình và phương thức có từ nhiều năm trước đây. Trong tình hình hiện nay, thực tiễn của đời sống xã hội đã và đang có những diễn biến phức tạp và mau lẹ, đặc biệt là chúng ta đang đi rất nhanh trên một xa lộ thông tin và đang sống trong một ngôi "làng thế giới". Việc tổ chức cho các nghệ sĩ tập trung trong một không gian và thời gian nhất định cũng cần tính đến việc đáp ứng nhu cầu tiếp xúc, thu nhận thông tin và bắt theo nhịp điệu cuộc sống hiện đại của tâm hồn trí tuệ các nghệ sĩ như một "cần ăng ten" thu nhận các tín hiệu của cuộc sống, góp phần hỗ trợ cho những sáng tạo nghệ thuật. Nên chăng, bên cạnh việc phân bổ thời gian cho tổ chức các trại viết cho từng Hội, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT nên phát động các cuộc sáng tác theo từng năm hoặc từng chủ đề, thông báo cho các tác giả có đề cương tốt, triệu tập họ lên các Nhà sáng tác trong thời gian dài hơi để họ có điều kiện cho ra đời những tác phẩm có tầm cỡ. Đây cũng là hình thức tổ chức sáng tác trọng điểm để hy vọng có những tác phẩm có giá trị.

    Rất mong các nhà quản lý tại các cơ sở này nghiên cứu thêm để góp phần tổ chức tốt hơn các hoạt động phục vụ tại các Nhà sáng tác, Trung tâm hỗ trợ sáng tác hiện nay.

    Trên đây là những suy nghĩ cá nhân góp thêm vào diễn đàn “Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác” để mong được động viên, ghi nhận những hiệu quả và thành công là cơ bản, đồng thời gợi mở những suy nghĩ nhỏ bé, mong tìm ra những giải pháp mới, lớn hơn hiệu quả hơn cho các hoạt động này./.

Xin trân trọng cảm ơn.

                                                                             Trần Minh

                                                       Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này