GIAI ĐIỆU TỔ QUỐC TÔI - Tản văn của Nguyễn Hồng – Hội văn học nghệ thuật Lai Châu
- Written by Minh Phương
Tản văn của Nguyễn Hồng – Hội văn học nghệ thuật Lai Châu – Sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 7/2020
GIAI ĐIỆU TỔ QUỐC TÔI
Đất nước tôi! Đất nước của khúc tráng ca ngàn năm lịch sử ghi dấu ấn, để mỗi tháng bẩy ngậm ngùi tri ân. Khúc tráng ca đau thương chất ngất của những người vợ mất chồng, những bà mẹ mất con như nốt nhạc trầm trong bản nhạc hào sảng của dân tộc, nhắc nhớ thế hệ mai sau về lịch sử, về quá khứ cha anh. Giai điệu đầy tự hào như ngọn gió thổi suốt dọc dài đất nước, cháy bùng khát vọng làm người, khát vọng tự do bay lên. 27/7 với lòng tự hào, với niềm tiếc thương và sự biết ơn sâu sắc, mỗi người con đất Việt thành kính tri ân về những liệt sĩ đã ngã xuống cho nền hòa bình của dân tộc, tri ân những thương binh dành cả thời trai trẻ cho năm tháng đạn bom ác liệt, thậm chí, một phần cơ thể đã gửi lại nơi chiến trường.
Những tháng năm lịch sử hào hùng, đau thương mà bi tráng, mất mát mà không chùn mỏi của đoàn quân cảm tử cho đất nước thái bình sẽ mãi là niềm tự hào cho thế hệ mai sau. Những chàng trai năm ấy “..ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Câu thơ ám ảnh về một thời đạn bom. Thời đại của những khi gian nguy nhất, tuyệt vọng nhất, của hào sảng với chiến công hiển hách ghi dấu ấn non sông. Nhưng ở đó còn là chất lãng mạn nằm sâu trong góc khuất tâm hồn của cả một thế hệ, của những người lính khi nước nhà có biến. Sự lãng mạn được kết tinh từ ngọn gió lịch sử của hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm ào ạt thổi về. Hành trang của “những con người khi Tổ quốc cần, họ biết nói xa nhau” là “chiếc áo đỏ rực như than lửa/Cháy không nguôi trước cảnh chia ly”, để tình yêu sưởi ấm họ trong những đêm đông đồi cao giá rét, để nuôi dưỡng khí phách mãnh liệt, sức chịu đựng phi thường, lòng quả cảm lớn lao đầy chất lính. Trường Sơn khi ấy không chỉ có gầm gào bom đạn, không chỉ có chất ngất đau thương, không chỉ có những khúc tráng ca oanh liệt, mà còn có những ngọn gió đại ngàn thì thầm khe khẽ thôi thúc những đoàn binh đã mỏi mệt canh thâu. Những chàng Vệ quốc tay đeo cây súng, chân đi ghệt da hiên ngang và đầy lãng mạn đã tạc mình vào lịch sử. Để dẫu có nằm xuống nơi đất mẹ vẫn hào sảng đầy thách thức trong “.. áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Anh hùng là không sợ chết ư? Không! Người anh hùng là người cũng sợ chết nhưng biết vượt lên nỗi sợ hãi đó là người anh hùng. Con người không bao giờ là một cỗ máy chiến đấu. Đó là một định nghĩa bằng máu. Chiến tranh không chỉ là chiến thắng kẻ thù mà ở đó còn là chiến thắng chính mình, với tất cả nỗi niềm chiến binh, hi vọng và tuyệt vọng, yếu đuối và can trường, hào sảng và day dứt để rồi có thể ngẩng cao đầu chiến thắng. Chiến tranh không phải trò đùa, càng không bao giờ là ngày hội. Chiến tranh là một thách thức sinh tử đối với toàn dân tộc. Biết kiêu hãnh nhìn thẳng vào nó, sẵn sàng đọ sức với nó, để bước chân người lĩnh băng mình như đoàn quân Tây Sơn thần tốc năm nào không vấp váp, chợn dừng. Mai sau, tất cả có thể sẽ trở thành phôi pha quên lãng nhưng con đường huyền thoại, con đường tình yêu mang tên Trường Sơn sẽ còn sáng chói mãi trong sử xanh, như biểu tượng sáng ngời của phẩm giá một dân tộc không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
Những ngày tháng bẩy, cả dân tộc nghiêng mình tri ân về thế hệ cha anh. Tôi không bao giờ quên ánh mắt mòn mỏi của những người vợ trẻ chờ chồng, những bà mẹ dõi theo tin thắng trận của từng đứa con. Và sự chờ đợi dẫu có mong manh, hi vọng rồi thất vọng nhưng là để đánh đổi cho nền hòa bình của dân tộc. Giá của tự do đắt thế nào ư? Đó là hi sinh và mất mát đầy đau đớn của những người phụ nữ với những tháng năm “sống mòn” trong niềm khắc khoải về người đã ngã xuống nơi chiến trường. Tôi không thể quên hình ảnh của những người lính trở về sau thắng trận với vết thương chằng chịt thể xác. Ở đó còn là những nỗi đau thời hậu chiến. Nỗi đau da cam của hậu thế. Và còn là sự giằng xé đầy tự ti trong mâu thuẫn của những người lính hiên nganh, kiêu hãnh khi ra trận mà hình hài không nguyên vẹn khi trở về. Nhưng trên hết, những người thương binh tàn mà không phế. Họ ghi dấu về những vết chân tròn đầy ý nghĩa với cuộc đời, những cánh tay dấu trong lớp áo mà đem yêu thương tràn ngập muôn nơi. Những người thương binh là anh giáo làng của hậu chiến, là những người chiến sĩ kiên cường trên trận tuyến mới, tích cực tham gia lao động sản xuất. Họ là những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường, để truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng về nghị lực phi thường của người lính cụ Hồ không chỉ trong thời chiến mà cả thời bình. Dẫu một phần cơ thể còn nằm lại nơi chiến trường năm xưa, nhưng họ luôn có ý thức vượt lên nghịch cảnh để hòa nhập với cuộc sống sau chiến tranh. Tháng năm của lịch sử trận mạc đã tạc hình hài họ trong khí phách của những “chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” thì thời bình là những tấm gương vượt khó vươn lên.
Năm tháng sẽ qua đi, tất cả lùi vào quá khứ, kể cả những đau thương, mất mát đến tận cùng trong khổ đau, tuyệt vọng của chiến tranh nhưng những hình ảnh của người lính cụ Hồ sẽ sống mãi cùng non sông. Đó là khí phách sống, thái độ sống kiên cường, bất khuất mà rất hào hoa, lãng mạn. Mãi mãi hậu thế không quên những hi sinh, mất mát của dân tộc này. Dân tộc làm nên lịch sử bởi những chàng trai “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.