PHONG VỊ “NHỮNG LÀN GIÓ TÂY BẮC” - Lý luận phê bình của Lê Thuỳ Giang – Hội văn học nghệ thuật Lai Châu
- Written by Minh Phương
Lý luận phê bình của Lê Thuỳ Giang – Hội văn học nghệ thuật Lai Châu – sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 7/2020
PHONG VỊ “NHỮNG LÀN GIÓ TÂY BẮC”
Tây Bắc là vùng đất vừa hùng vĩ, xinh đẹp, vừa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số và đầy bí ẩn. Chính vì vậy mà bao thế hệ nhà văn từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 đến Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Vi Hồng, Mã A Lềnh… và mãi sau này đã dành bao giấy mực và tâm huyết để viết nên những áng văn bất hủ mà chưa khi nào thấy “hết đất”. Ngày nay, các nhà văn trẻ vẫn không ngừng nhiệt huyết khám phá và truyền tải đến bạn đọc những thông điệp của mình qua các tác phẩm văn học viết về mảnh đất trữ tình này, góp phần vào bức tranh muôn màu của văn học Việt Nam đương đại.
Có rất nhiều tác giả trên khắp mọi miền đất nước viết về Tây Bắc bởi những ấn tượng, tình yêu, cảm xúc… của riêng mình. Nhưng khi tác giả chính là những con người sinh ra, lớn lên hoặc đang sinh sống, làm việc và thấm đẫm trong từng hơi thở của mảnh đất ấy thì tác phẩm của họ có điều gì đặc biệt? Cuộc thi sáng tác truyện ngắn Những làn gió Tây Bắc do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hoà Bình phối hợp với Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã để lại những phong vị rất riêng của những tác giả Tây Bắc đương đại. Mỗi người một phong cách, một lối viết, với những trải nghiệm, vốn sống riêng đã đưa đến cho người đọc những cảm nhận và ý nghĩa riêng biệt.
Thế giới nghệ thuật của hơn 50 tác phẩm của gần 30 tác giả đến từ 6 tỉnh miền núi phía Tây Bắc của tổ quốc đã gợi ra ngồn ngộn, bộn bề cuộc sống của vùng miền núi, trung du nơi đây.
Nhan đề tác phẩm cho thấy các tác giả đã dành nhiều sự quan tâm của mình tới đề tài miền núi: Sự tích Bó Nang Coong (Sa Phong Ba), Men lá (Bùi Thiên Văn), Lão thợ săn rừng Thầm Luông (Nguyễn Xuân Chiến), Hoa Sàng Jàng, Nắng cuối rừng, Hồn Piêu (Kiều Duy Khánh), Cô giáo vùng cao (Vũ Thị Huyền Trang), Bạn tồng, Gai pụt (Nông Quang Khiêm), Lời hẹn từ Phiêng Mạ (Đinh Ngọc Minh), Thung lũng Khe Cua (Đỗ Xuân Thu), Trước ngày xuống bản (Đoàn Hữu Nam), Bản mới (Hoàng Việt Thắng), Tam giác mạch (Hà Minh Hưng), Dưới chân núi Sủng Nhỉ, Gió núi đổi chiều (Nguyễn Trần Bé),…
Quả thực, không gian nghệ thuật miền Tây Bắc đã được các tác giả khắc hoạ khá đậm nét, chi tiết. Ở đó, người đọc có thể hình dung về những ngọn đồi, những khe suối, cánh rừng, những làng bản và chi tiết đến cả không gian từng gian nhà, từng gian bếp, từng góc giường ngủ… Phải có trải nghiệm thực tế, sự am hiểu thì hiện thực đời sống mới đi vào tác phẩm đậm nét, rõ mồn một đến vậy.
Bên cạnh đó, người đọc còn thấy một không gian sinh hoạt đậm chất đời thường của những làng nghề: đan rọ tôm (Rọ tôm), chạm khắc đá (Đá đắng)… ; của cuộc sống hàng ngày bình dị, nghèo khó... Ở một góc khác, người đọc bỗng thấy mở ra một không gian nghệ thuật mới lạ, hoang đường, xa ngái như trong Hoa tử sa (Tống Ngọc Hân), Nắng cuối rừng (Kiều Duy Khánh), Nhân bản hoang vu (Nguyễn Đức Lợi)… Có yếu tố kì ảo, hoang đường như bông hoa tử sa toả ánh sáng xanh, có thể giúp chữa bệnh; có khu rừng nguyên sinh, nơi con sói cứu một đứa trẻ, có ngọn đồi hoang vu xa lánh thế sự… Biết vậy mà người đọc vẫn chấp nhận bởi vẫn thấy ở đó hình bóng của hiện thực đời sống.
Thời gian nghệ thuật của các truyện ngắn “những làn gió Tây Bắc” đa số là viết về thời thực tại, hiện tại. Số ít truyện đẩy lùi về quá khứ: có quá khứ xa xăm, rất xa như thời chưa lập mường, lập bản như trong Nắng cuối rừng (Kiều Duy Khánh), hoặc Sự tích Bó Nang Coong…
Trong cái vòng không gian, thời gian ấy, cả một cuộc sống Tây Bắc hiện lên đầy góc cạnh. Mỗi truyện ngắn như là một mảnh ghép. Ghép tất cả các mảnh ấy lại, ta được một bức tranh về đời sống nơi địa đầu của tổ quốc. Đâu đó có những hủ tục: nỗi sợ bị bắt về làm vợ khi còn quá nhỏ của cô bé học sinh tên Mỷ – Phía bên kia cây cầu (Chu Thị Minh Huệ), của cô gái Dao xinh đẹp “dưới chân núi Sủng Nhỉ” vì bị ép lấy chồng trẻ con, để có những đồng bạc trắng trả món nợ cưới xin, tang ma của gia đình mà hoá điên (Nguyễn Trần Bé); người phụ nữ Thái theo tục Kiêng mái để tang chồng, lẩn khuất những mơ ước về hạnh phúc lứa đôi mới (Hồn Piêu – Kiều Duy Khánh)…
Rồi nhịp sống hiện đại bước chân vào bản làng, kèm theo đó là những thực trạng xã hội đầy đau xót. Những cô gái dân tộc xinh đẹp như Oan không còn là hoa tinh khôi của núi rừng mà thành cô gái hành nghề mát – xa, làm những gì khách muốn (Ra phố - Du An). Tình thầy – trò bị giải thiêng khi những cô học trò dân tộc xinh đẹp như Lứa mỗi tối bị gọi lên phòng riêng của thầy giáo (Lứa không về - Du An)… Có những bản mà “lũ thanh niên nghiện ngập, dạt dẹo đến nỗi gió cũng có thể xô ngã, thổi bay. Hàng chục đứa vào tù, hàng chục đứa chê cơm chê gạo ra “ngủ” ngoài sườn đồi, bạn với lau trắng phất phơ, bỏ mặc vợ con nheo nhóc… vì dính vào ma túy” (Tắm khan – Triệu Văn Đồi). Có những người đàn ông đáng tuổi ông như ông Tham hiếp dâm cho đến chết một đứa cháu gái nhỏ trong xóm nghèo (Đá đắng – Phạm Thị Thuý Quỳnh)… Con người đối với nhau vô tình là vậy. Và đối với cả thiên nhiên cũng khoét sâu đến tận cùng khiến núi cũng nổi giận. Hình ảnh những cơn lũ tức giận, càn quét làng xóm cứ hiện hình trong ẩn ức và trên trang giấy của các nhà văn như Gió qua cổng trời (Lục Mạnh Cường), Gai pụt (Nông Quang Khiêm): “dòng nước khổng lồ… ầm ầm lao qua gầm sàn…” cuốn phăng tất cả. “Núi lùn dần sau mỗi vụ mưa. Đất lở lói như người bị hoại tử. Núi Mây trơ bộ xương tiền sử” (Nhân bản hoang vu – Nguyễn Đức Lợi). Hình ảnh những con thú ba chân như là một lời lên án cho nạn săn bắn thú rừng (Lão thợ săn rừng Thầm Luông – Nguyễn Xuân Chiến)…;
Con người vì cuộc sống khốn khó, vì mưu sinh, tranh giành mà đứng trước nguy cơ làm mất đi nhân tính, tình người. Đất đai bao đời cha ông vẫn thế, vậy mà chỉ cần vài dự án, lợi ích cá nhân mà tranh giành, đấu đá: Giữ đất (Vũ Thị Huyền Trang), Lời hẹn từ Phiêng Mạ (Đinh Ngọc Minh)… Đứa bé vốn có lòng hướng thiện như Pha trong Bạn tồng (Nông Quang Khiêm) rồi cũng vì môi trường sống mà trở thành kẻ trộm cắp trong bản mình. Lão thầy thuốc trong “hoa tử sa” của Tống Ngọc Hân đâu còn là “lương y từ mẫu” mà là tên cáo già lợi dụng trên thân thể, trên khát vọng “sinh được một đứa con” của người khác mà kiếm lợi cho bản thân. Đáng sợ hơn cả, đôi khi sự vô tình, vô nghĩa không đến từ người dưng mà đến từ những người trong cùng một gia đình. Sen trắng của Tống Ngọc Hân là một truyện ngắn đầy ám ảnh như thế. Thời hiện đại rồi mà mối quan hệ giữa chồng với vợ, giữa nhà chồng với nàng dâu vẫn bị chi phối bởi những suy nghĩ nhỏ nhen, sĩ diện đàn ông, nó lấn át hết cả tình yêu thương, thấu cảm với người phụ nữ…
Bấy nhiêu thôi đủ vẽ lên một cuộc sống xô bồ, khắc nghiệt, rất khác về Tây Bắc so với nhiều tác phẩm ở giai đoạn trước. Nó là ánh xạ của thời thế. Nhà văn đang hướng ngòi bút của mình tới những góc khuất tối tăm nhất của cuộc sống, con người nơi đây. Nhưng ở một góc nhìn khác, những trang viết về đề tài muôn thuở là tình yêu bỗng làm dịu mát tâm hồn. Như tình yêu của chàng trai dân tộc Khàng và cô giáo Hiền trong Hoa sàng jàng của Kiều Duy Khánh chẳng hạn. Tình yêu gắn liền với hình ảnh bông hoa trắng muốt, thơm tho, tinh khiết. Nhưng tình là dây oan, nên những trang viết về tình yêu vẫn luôn đầy những giọt nước mắt. Đó là nỗi đau suốt một đời, khát khao yêu mà không được yêu của cô gái múa xinh đẹp – Giang trong Đêm hoa gạo đỏ (Phạm Thị Thuý Quỳnh); đó là sự hi sinh của Sừa nhận lỗi về mình để vợ thanh thản sống vui vì không sinh được con (Hồn Piêu – Kiều Duy Khánh); là sự che đỡ lúc về già của ông Cón với người yêu dù bà đã hoá điên vì hủ tục (Dưới chân núi Sủng Nhỉ - Nguyễn Trần Bé)… Tình yêu của người núi chân thành và thiêng liêng lắm. Vừa đau xót nhưng cũng vừa tự hào, ngưỡng mộ trước những tình cảm sắt son, nghĩa tình, chung thuỷ của những chàng trai, cô gái nơi đây.
Trong khuôn khổ “Những làn gió Tây Bắc” lần này, ngoài những truyện kể về chuyện đời, về những người quanh ta, thì có một nhóm tác phẩm kể về chuyện nghề của những người nghệ sĩ: Đêm hoa gạo đỏ (Phạm Thị Thuý Quỳnh) viết về tâm sự của cô gái trong nghề múa, Tam giác mạch (Hà Minh Hưng) kể về sự tác động của cuộc sống xô bồ, của những giải thưởng danh giá đối với tình cảm của người hoạ sĩ; Nhân bản hoang vu (Nguyễn Đức Lợi) và nỗi cô đơn, hoang vu của kiếp người, của người nghệ sĩ…. Hình ảnh người nghệ sĩ đôi lúc được khắc hoạ thật vừa “tội”, vừa châm biếm: Đầu chít khăn, quần áo rằn ri rũ rượt. Vai đeo ba lô, gối nịt miếng phượt. Máy ảnh gông trên cổ, nhãn nheo nheo, chụp choẹt lia lịa vào đám lau và chân trời. Đứng chụp, ngồi chụp, bò chụp, nằm chụp, chổng đít chụp… Nhìn như đồ thần kinh. Hai chủ nhân ngồi lù lù tựa đống cứt trâu thì chả thấy chào, chỉ thấy lôi xệch người ta ra, bắt diễn mẫu. Mẫu rách nát. Mẫu xỉ nhục! Ấy vậy nhưng họ luôn có khát vọng: Chưa (được giải), nhưng nhất định mai sau em sẽ đoạt giải tầm cỡ hoàn cầu, chị ạ! Họ xác định tư tưởng trong sáng tạo một cách đầy nhiệt huyết, không nề hà khó khăn, dù có lúc “cơm áo không đùa với khách thơ” : Nghệ thuật là phải trả giá anh nhé, phải hy sinh anh nhé, phải đánh đổi anh nhé, phải biết kiên nhẫn chờ đợi thành quả, kể cả có phải chờ hết cuộc đời này, anh nhé… (Nhân bản hoang vu).
Có những truyện ngắn kết thúc có hậu, trong trẻo như một làn nước mát lành len qua tâm hồn người đọc. Nhưng đa số là những truyện kết đầy ám ảnh, day dứt. Đọc xong mà thấy đau trong ngực trái. Bằng cách ấy mà tác phẩm đi vào lòng người đọc và gợi dậy những mĩ cảm, hướng thiện, tin vào nhân tính đầy tốt đẹp và có sức mạnh hoá giải. Nhiều truyện ngắn cũng hướng tới thông điệp giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc trước những biến ảo của đời sống hiện đại.
Mỗi tác giả bằng vốn sống, trải nghiệm và tài năng sử dụng ngôn từ của mình đã phản ánh đời sống vào tác phẩm theo cách riêng của họ. Ta gặp trong “Những làn gió Tây Bắc” những phong vị rất riêng. Đọc Nguyễn Đức Lợi ta thấy sảng khoái trước một ngòi bút đầy màu sắc đương đại, đáp ứng thị hiếu. Người đọc đương đại không dễ dãi, họ thích được giải trí qua những trang viết không quá dài, nhưng cũng phải đủ sâu sắc. Giọng văn của Nguyễn Đức Lợi trong Nhân bản hoang vu cứ tưng tửng, bất cần, có lúc chửi bới, cục cằn, có lúc phóng túng, châm chiếm và đầy hài hước. Cách viết mang màu gió mới, lạ. Nhất là trong cách sử dụng ngôn từ, kết hợp ngôn từ có phần lạ, suồng sã, hài hước, đầy chất liệu đời sống: nghĩa địa tiền, đắc đạo tửu; Sợ rúm cả hĩm vào, kiểm tra cái gì hả giời! Hoàn cầu cái con khỉ, hoàn hồn đi em!... Chỉ để diễn đạt sự nghèo mà Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh bao cách: nghèo điêu tàn, nghèo hoang vắng trong cái sự nghèo thuần chủng, nghèo kiên cố, nghèo hoang nghèo hoắt,… Nhà văn Du An cũng là một người giỏi viết theo lối lạnh lùng, mà đầy ám ảnh. Những lời thoại không phân định trên hình thức. Người đọc cứ thấy đối thoại, dòng suy nghĩ chan chát, liên tiếp, xô đẩy vào nhau.
Trong vườn văn Tây Bắc lần này, ta lại thấy một Kiều Duy Khánh viết lách đầy duyên dáng, uyển chuyển, giọng điệu miền núi đúng kiểu so sánh ý niệm, ẩn dụ ý niệm. Văn hoá đi vào ngôn ngữ, từ trong cách nhìn, cách so sánh, ví von của dân tộc. Câu văn của Kiều Duy Khánh đầy hình ảnh so sánh, những so sánh vô cùng thú vị của người thấm đẫm trong mình văn hoá dân tộc Thái. Tác phẩm giàu hình ảnh và chi tiết. Lối diễn đạt đầy bản sắc dân tộc không thiếu trong sáng tác của anh: vui như bông hoa lau gặp gió, đôi mắt thì cứ sáng lấp láy như mắt con chim cu rừng mùa lúa chín nương; Thằng cu bụ và trắng mẫm như con sâu trong ống măng non (Nắng cuối rừng); Ông Pao đã làm xong cái lễ để cúng báo ma nhà hôm nay thằng con trai Khàng nó đi bắt vợ về, ma ông bà ăn con gà chưa biết đi trống, ma bố mẹ uống bát rượu ngô lấy lần đầu để nhận mặt đứa dâu mới nhà họ Vàng Lao, cho dâu mới nó bước vào cửa gỗ chính, sẽ sinh cho nhà họ Vàng đứa trai khỏe như cây gỗ Cò Chìa trên núi đá, đứa gái xinh đẹp như bông hoa Mạ ở núi Po… Nhúa mong tiếng đàn môi của Khàng như cái hạt dẻ đã tách vỏ trên núi, chỉ đợi có mưa để mọc mầm… Nhúa thấy trong bụng cồn cào, nóng xót như ăn nhầm cái nấm có độc (Hoa Sàng Jàng). Trong khi đó thì Đoàn Hữu Nam qua Trước ngày xuống bản lại cho thấy một ngòi bút rất giỏi diễn tả tâm lí, trạng thái nhân vật trong tình yêu và khi bị đưa vào tình huống đầy khó khăn.
Tống Ngọc Hân là một nhà văn nữ giàu bút lực và vốn sống, tưởng như những đề tài miền núi chị khai thác mãi không hết. Tống Ngọc Hân viết chắc nịch, lạnh lùng, nhưng ẩn sâu sau đó là nặng nỗi suy tư về cuộc sống, về tình người. Tống Ngọc Hân giỏi kết cấu truyện với những cái kết bất ngờ và đầy dư âm, ám ảnh của một cây bút kì cựu, giàu kinh nghiệm. Người đọc cứ như bị cuốn vào ảo giác cùng với anh Lú trong Hoa tử sa, để cuối cùng mới ngỡ ngàng mình đã thành con cờ trong tay lão thầy thuốc thâm độc.
Các cây bút Tây Bắc có tuổi đời và tuổi nghề khác nhau. Thật đáng quý trong khi những người trẻ ngày càng bị chi phối bởi thời kinh tế thị trường, thì có những nhà văn rất trẻ vẫn say mê với nghề viết như Vũ Thị Huyền Trang – Phú Thọ. Nông Quang Khiêm – yên Bái, Kiều Xuân Quỳnh – Hoà Bình, Hoàng Việt Thắng – Sơn La… . Vũ Thị Huyền Trang là cây bút nữ viết khoẻ khoắn, đa dạng đề tài. Nông Quang Khiêm trẻ trung, viết hồn nhiên, dung dị. Khiêm viết nhiều về dân tộc Tày của mình. Anh kể chuyện tự nhiên như cuộc sống vốn thế. Và anh biết cách khai thác vốn sống, vốn ngôn ngữ, văn hoá dân tộc, chọn lọc đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên nhưng đầy dụng ý nghệ thuật.
Trong khuôn khổ bài viết ngắn, chưa thể khai thác hết vẻ đẹp của các truyện ngắn dự thi và tài năng của các ngòi bút tác giả. Nhưng ấn tượng chung để lại là mỗi nhà văn với nét riêng của mình, tạo thành từng làn gió, có khi là cơn gió mát lành, có khi làm nóng bừng tâm hồn người đọc. Tất cả bay qua các triền núi, ngọn đồi, con sông, bản làng… Tây Bắc và để lại những dư âm trong tâm hồn người đọc, hướng thiện, đầy tính nhân văn. Đó chính là giá trị mà các nhà văn đã mang đến cho mùa văn, “mùa gió” lần này. Hi vọng trong thời gian tới, những làn gió ấy sẽ trở thành những cơn gió mang trong mình đầy khát vọng “bão” về sự đổi mới, sức dung chứa, giá trị nhân văn cống hiến cho độc giả và đóng góp cho đời văn, đời sống Tây Bắc nói riêng và nền văn học đương đại nước nhà nói chung.