CHUYỆN TÌNH KHAU VAI – DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA - Lý luận phê bình của PGS.TS Trần Thị Việt Trung - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam
- Written by Minh Phương
Lý luận phê bình của PGS.TS Trần Thị Việt Trung - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 7/2020.
CHUYỆN TÌNH KHAU VAI – DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
Tôi đã từng đọc truyện ngắn Chợ tình của nhà văn Tày – Cao Duy Sơn viết về Khau Vai với câu chuyện tình của một đôi bạn già (ông Sinh và bà Ếm) đã gần 80 tuổi mà vẫn cứ mỗi năm hồi hộp, đợi chờ mong ngóng… gặp nhau một lần dưới gốc cây sau sau già quen thuộc suốt mấy chục năm qua. Và tôi đã khóc trước vẻ đẹp của tình yêu, trước bi kịch của tình yêu, trước sức sống mãnh liệt không tuổi của tình yêu ở cái xứ xở vùng cao xanh thẳm, dữ dội mà lãng mạn, thấm đẫm tình người này. Tôi cũng đã đọc truyện ngắn Nước mắt Khau Vai của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh (một người gắn bó lâu năm với miền núi) và cũng đã xúc động, xót xa, quặn thắt trước những mối tình dang dở của những người yêu nhau mà không lấy được nhau (bởi vô vàn những lý do khác nhau). Nước mắt của họ trong những lần gặp gỡ ở "Hội tình Khau Vai" – nếu tính cả trăm năm "thì đã đủ làm ngập cả vùng núi đá Khau Vai này rồi". Tôi cũng đã đọc khá nhiều bài thơ viết về chợ tình Khau Vai của các nhà thơ dân tộc thiểu số (và cả của các nhà thơ người Kinh nữa), trong đó có một bài thơ để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc – mà mỗi lần đọc lại vẫn cảm thấy "gai người", thấy nghẹt thở bởi những câu thơ đẫm nước mắt mà nóng bỏng, mà thiêu đốt cả trái tim: "Yêu nhau/ Trao hồn gửi vía cho nhau/ Dù không thành vợ thành chồng/ Nhưng hình bóng hai ta vẫn luôn ở trong nhau./ Em ơi!/ Yêu nhau không lấy được nhau/ Hẹn nhau đi chợ Khau Vai/ Mỗi năm ta gặp nhau một lần"! Ôi cái phiên chợ ấy – cái "Phiên chợ/ Như cái chảo thắng cố/ Nóng lên bao mối tình dang dở./ Phiên chợ/ Như cái thúng cỏ khô/ Chứa chất bao mối tình chờ đợi/ Phiên chợ như một cái địu hoa/ Mỗi năm chỉ nở một lần./ Mỗi năm chỉ nở một lần/ Mà cháy hồng cả trời đất/ Mà ướt đẫm cả một đời/ Khau Vai!". Đó là bài thơ viết về Khau Vai của nhà thơ dân tộc Giáy – Lò Ngân Sủn – một nhà thơ tình nổi tiếng của thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Thế nhưng, khi được đọc cuốn tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - tôi lại bị bất ngờ trước chính mình bởi sự xúc động mãnh liệt trước câu chuyện tình dang dở của đôi trai gái người Nùng và người Giáy trên mảnh đất vùng cao đầy thơ mộng và khắc nghiệt này; và bởi sự cuốn hút tới mức không thể dừng lại, bắt buộc phải đọc một mạch cho tới trang cuối cùng của cuốn sách. Vẫn là câu chuyện về một tình yêu dang dở của đôi trai gái miền núi; vẫn là chuyện mỗi năm hẹn gặp nhau một lần ở Khau Vai để tâm sự, xẻ chia… để vơi đi thương nhớ như một gánh nặng đè trĩu tâm hồn bóp nghẹt trái tim của mỗi kẻ tình nhân sau một năm không nhìn thấy mặt nhau, không nghe thấy tiếng nói của nhau… Thế nhưng, khi đọc cuốn tiểu thuyết này – tôi như đã nhận ra thêm nhiều ý nghĩa tiềm ẩn khác, đã phát hiện ra nhiều giá trị khác – ngoài ý nghĩa, giá trị ngợi ca, khẳng định vẻ đẹp đầy bi kịch của tình yêu, sự "bất tử" của tình yêu. Đó là cái gì vậy? là điều gì vậy mà khiến tôi bị ám ảnh, bị thôi thúc tìm hiểu và tìm câu trả lời khi tiếp cận cuốn sách này? Và cuối cùng, tôi cũng đã "nhận diện ra nó". Đó chính là: với cách tư duy của một nhà văn hóa, dưới góc nhìn và điểm nhìn văn hóa – tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã viết về một tình yêu không trọn vẹn nhưng rất đẹp, rất mạnh mẽ, dữ dội, quyết liệt và đầy chất nhân văn, đậm bản sắc văn hóa tộc người – một cách chân thực, sâu sắc và cảm động. Chính vì vậy, đây không phải chỉ là một truyện viết về tình yêu đôi lứa đơn thuần, mà là một bức tranh sinh động về đời sống văn hóa tinh thần với những phong tục, tập quán, những nghi lễ, những cách suy nghĩ, những lối ứng xử mang nặng tính truyền thống ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực của những con người miền núi trong các mối quan hệ: gia đình, gia tộc và cộng đồng của mình! Bên cạnh đó là bức tranh về thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp, thơ mộng nhưng cũng đầy khắc nghiệt của vùng núi cao – môi trường sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam ngàn năm qua. Trên cái phông nền văn hóa ấy, câu chuyện tình yêu của đôi "trai tài, gái sắc" – chàng Ba, nàng Út được hiện lên một cách sinh động, tự nhiên, chân thực tới mức như đang diễn ra trước mắt người đọc vậy.
Nàng Út là con gái duy nhất của vợ chồng Tộc trưởng Vương Vần Sáng (dân tộc Giáy) ở bản Ma Lé. Trong một lần đi chợ phiên đã gặp và yêu tha thiết một chàng trai dân tộc Nùng, mồ côi cha, sống với mẹ ở bản Pải Lủng. Tuy nghèo nhưng chàng Ba lại có "vóc dáng như thanh niên con nhà giầu. Da trắng như da con gái, môi đỏ, miệng lúc nào cũng cười tươi rói, răng trắng tinh"(1), lại có sức khỏe hơn người "Mình Ba thường làm bằng hai ba người cộng lại"; vì thế dụng cụ lao động nào của Ba "cũng phải to hơn, dài hơn bình thường. Người ta rèn con dao phải mất hai ngày, riêng dao của Ba phải rèn ba, bốn ngày mới xong"(2). Đặc biệt, chàng Ba lại là người con trai rất mực hiếu thảo với mẹ, rất thương người sẵn sàng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (đã không quản nguy hiểm, hút máu độc từ vết rắn cắn trên chân của Út, cõng Út vượt núi, vượt suối… đưa về tận cổng bản Ma Lé…); rất tài hoa nữa (thổi sáo rất hay "tiếng sáo như có linh hồn, quyến rũ…"(3), thuộc nhiều bài hát dân ca Nùng…; và trên hết là chàng Ba đã yêu nàng Út với một tình yêu nồng cháy, quyết liệt, thủy chung nhất mực! Nhưng tình yêu của họ không được cả hai bên gia đình chấp nhận – bởi nhiều lý do. Trước hết, bởi họ thuộc 2 dân tộc khác nhau (Nùng và Giáy) mà cha của nàng Út lại là một Tộc trưởng chỉ có một người con gái duy nhất "thì cái thằng làm chồng nó sau này còn thay ông làm Tộc trưởng", vậy thì: càng "không thể có chuyện một thằng người Nùng làm tộc trưởng của người Giáy được"(4). Sau đó – còn một lý do sâu sa, tế nhị nữa là: Ba lại chính là con trai của người phụ nữ Nùng xinh đẹp – tình yêu duy nhất của ông "dữ dội như sấm sét, tưởng chừng như có thể đánh sập cả ngọn núi, vùi lấp cả vực sâu", nhưng "cuối cùng vẫn phải chịu thua một dòng họ, một tộc người, một luật tục, một nếp nhà"(5) – ông, bà buộc phải xa nhau và đã để lại trong nhau một nỗi đau, một vết thương ứa máu, không thể thành sẹo được – dù đã hơn 20 năm trôi qua. Vì thế, Tộc trưởng Vương Vần Sáng đã quyết định tổ chức "kén rể" cho con với hy vọng gả Út cho một chàng trai người Giáy chính gốc, con một gia đình quyền thế của vùng để "môn đăng hộ đối" đảm bảo cho sự truyền chức Tộc trưởng dòng họ Vương sau này. Thế nhưng cái đêm trước ngày "kén rể" đó, nàng Út đã trốn qua cửa sổ, phi ngựa vượt núi, vượt suối sang bản Pải Lủng để tìm chàng Ba. Nàng Út xuất hiện ở nhà chàng Ba đúng vào lúc: Bà Liểng (mẹ Ba) vừa qua đời (bị ốm, bị sốt rất cao vì quá lo lắng, phiền muộn và đau khổ khi biết người con gái mà chàng Ba yêu, quyết lấy làm vợ - lại chính là con gái của kẻ đã phụ tình bà vì cái chức Tộc trưởng họ Vương bên bản Ma Lé của người Giáy). Nàng Út đã cùng chàng Ba phục tang bà Liểng như một người con dâu Nùng vậy. Tộc trưởng Vương Vần Sáng đã sai người bắt nàng Út về và quyết định gả nàng cho Cố Sầu – một "kẻ ăn người ở trong nhà", rất thô kệch, cục súc, nhưng trung thành với Tộc trưởng (như một con chó săn) lại có sức khỏe, và cơ bản là: "nó có thể thay ông gánh vác dòng tộc này. Để con gái bên cạnh nó thì dù có chết ông cũng yên tâm"(6) (cũng bởi tất cả đám con trai – con các gia đình quyền thế trong vùng đã… bỏ đi hết khi biết nàng Út đã "trốn nhà theo trai" ngay cái đêm trước ngày Tộc trưởng tổ chức kén chồng cho nàng). Nhưng đúng cái ngày đón dâu ấy thì nàng Út đã "biến mất", còn cô dâu trên lưng ngựa nhà Cố Sầu lại chính là Lả Nhinh – người em họ thân thiết của Nàng Út "đóng thế". Nàng Út và chàng Ba đã có những tháng ngày vô cùng hạnh phúc bên nhau trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng giữa rừng sâu – một nơi rất xa hai bản Pải Lủng và Ma Lé. Trong khi đó, Cố Sầu bẽ bàng, tức tối, căm hận vì "bị lừa", bị mất vợ ngay trước mắt. Hắn dẫn người tới bản Pải Lủng, đốt nhà của chàng Ba, làm náo loạn cả bản Pải Lủng của người Nùng vốn xưa nay rất bình yên, ấm áp tình người. Hắn gây sự và đánh nhau với đoàn người Nùng sang bản Ma Lé để "nói chuyện phải trái" với nhà Tộc trưởng. Hắn như một con thú lên cơn điên, mỗi đêm sang bản Pải Lủng đốt một ngôi nhà của những người họ hàng với chàng Ba và dọa sẽ đốt hết cả làng nếu không đưa được Nàng Út trở về. Giữa hai làng: "ngọn lửa đã cháy quá lớn, cái vực giữa hai tộc người đã sâu tới mức không nhìn thấy đáy rồi. Lũ thanh niên hai bên bạc nhược vì mất ngủ, thức đêm mài dao, canh gác, suy kiệt vì đánh đấm. Người già chỉ biết khóc lóc và cầu khấn tổ tiên phù hộ"(7). Trong những ngày này, ở "ngôi nhà hạnh phúc" giữa rừng sâu, cả hai vợ chồng trẻ: Nàng Út và chàng Ba đều tự nhiên thấy rất nóng ruột, bồn chồn, khó chịu, mất ngủ,… và luôn có những giấc mơ thấy mẹ gọi trở về làng. Lả Nhinh đã chạy cả đêm vượt bao núi, bao rừng để tìm đến ngôi nhà của họ báo tin dữ. Vốn là những người giầu lòng nhân ái, yêu thương đến cả loài vật sống bên mình – nàng Út và chàng Ba quyết định quay trở về nhà, vì không muốn "một ngôi nhà nào nữa bị cháy", không muốn còn nghe thấy những "tiếng khóc than của người già, trẻ con, phụ nữ"(8) – cho dù tan nát trái tim, cho dù "linh hồn đã từ bỏ" khỏi thể xác của hai kẻ đã quá yêu nhau! Họ hẹn sẽ gặp lại nhau vào phiên chợ, ở chỗ lần đầu tiên họ gặp nhau – một lời hẹn định mệnh của đôi trai gái trước lúc chia ly. Nàng Út trở về nhà, đau khổ, ốm liệt giường hàng tháng trời; rồi khi "cái ốm tự đi", nàng trở nên câm lặng, sống như một cái xác không hồn. Cuộc đời làm vợ của Cố Sầu thực sự như một địa ngục đối với nàng. Điều khiến cho nàng "cố sống tiếp" – đó chính là "để chờ đợi mỗi năm một lần được gặp lại Ba ở đây"(9). Nhưng, cũng chỉ được gặp nhau một lần duy nhất, đến phiên chợ Khau Vai năm sau, Ba đã "chờ mãi, chờ mãi" mà không thấy Nàng Út đến! Nàng đã bỏ chàng "mà đi rồi", nàng đã "nhường sự sống cho đứa con bé bỏng" của nàng; nàng đã ra đi như một sự giải thoát tự nguyện khỏi cuộc hôn nhân "cưỡng bức", không tình yêu này! Nàng ra đi, "Trên miệng còn nguyên nụ cười tinh khôi như chưa hề trải qua bao đau khổ chất chồng"(10). Từ nay, cứ mỗi phiên chợ Khau Vai, "ở trên trời", nàng lại được nghe tiếng sáo của chàng; được nghe những bài hát dân ca Nùng ngọt ngào, thấm đẫm yêu thương của chàng; được gặp chàng trong "phiên chợ Tình của muôn đôi lứa yêu nhau mà không lấy được nhau, nhưng trái tim vẫn giành trọn cho nhau".
Nghẹn ngào và xúc động, nhưng khi gấp cuốn sách lại, người đọc lại không có cảm giác đau đớn, xót xa, trĩu nặng tâm tư như khi đọc những Truyện ngắn và các bài thơ trước đây, khi viết về đề tài Khau Vai của các tác giả khác. Một điều gì đó lớn hơn cả nỗi buồn của một tình yêu không trọn vẹn! Phải chăng, đó là vẻ đẹp của lòng nhân ái, của sự hy sinh, của lối ứng xử đầy chất nhân văn của những con người miền núi – những con người chân chất, thật thà, hồn nhiên, lãng mạn, nhưng cũng rất mãnh liệt, quyết liệt, không dễ dàng đầu hàng số phận, lùi bước trước khó khăn, thử thách. Nàng Út xinh đẹp, được nuông chiều từ tấm bé, nhưng lại là một người con gái giầu tình yêu thương (thương đến cả con vật (đàn chó con) khi chúng bị bắt mang đi bán ở chợ, nàng đã cho tiền người bán chó để người đó mang chó con về nhà cho chó mẹ nuôi lớn khôn hơn chút nữa). Vì thế, cho dù vì tình yêu – nàng Út đã dám "cãi lại cha mẹ", dám dẫn người yêu về tận nhà để thưa chuyện với bố mẹ; dám nửa đêm, vượt qua cửa sổ, phi ngựa vượt rừng, vượt suối đến nhà người yêu; dám "đánh tráo cô dâu" trong lễ cưới để trốn cùng người yêu đi tận vào rừng sâu để sống vợ chồng với nhau… Nhưng nàng Út lại cũng vì quá thương mẹ, thương cha, thương bao người dân vô tội của bản Pải Lủng ngày đêm sợ hãi, căng thẳng vì lo bị đập phá, giết hại, bị đốt nhà… bởi sự trả thù điên loạn của Cố Sầu – mà nàng đã phải quyết hy sinh tình yêu và hạnh phúc của cá nhân mình để đem lại sự bình yên cho bao người, đem lại hạnh phúc bé nhỏ cho người cha tội nghiệp, bất hạnh (suốt đời đau khổ vì không lấy được người mình yêu, suốt đời ân hận vì đã làm khổ cho một người không yêu mà phải lấy). Hành vi ấy, lối ứng xử đầy tính nhân văn, cao thượng ấy của Nàng Út khiến cho người đọc không chỉ xót thương nàng, mà còn rất cảm thông, yêu quí, kính trọng sự hy sinh đầy ý nghĩa của Nàng. Có lẽ vì thế chăng mà chàng Ba – từ chỗ: nỗi buồn đau thương nhớ người yêu như một quả núi "đè nặng, đè bẹp" cả trái tim và cơ thể chàng mỗi khi chàng đến chợ Khau Vai mà không gặp được nàng – đến chỗ: "lòng chàng đã thôi không còn nặng trĩu nữa", bởi chàng tin rằng: "Nàng ở trên trời cao" đã luôn nhìn thấy chàng, lòng chàng "như được sưởi ấm, như có một ngọn lửa vừa thắp lên"(11). Chàng đã hiểu và cảm nhận được thứ "tình yêu bất tử" của nàng giành cho chàng ở chính trong các đôi tình nhân đang quấn quýt bên nhau trong ngày Hội tình Khai Vai này.
Với cái kết không có mầu sắc u ám, đau thương, bế tắc ấy; Với cái nhìn dưới góc độ văn hóa (văn hóa ứng xử) – Chuyện tình Khau Vai thực sự không phải là câu chuyện về một bi kịch tình yêu, mà là một câu chuyện cảm động về một mối tình trong sáng, mãnh liệt đầy đắm say nhưng cũng đầy trắc trở - một mối tình dang dở nhưng rất đẹp của đôi trai gái vùng cao có nhân cách, có lối ứng xử văn hóa cao thượng, đáng trân trọng. Đồng thời đây cũng là một cách "giải mã" về một hiện tượng văn hóa, một phong tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao (phía Bắc) – đó là "Chợ tình Khau Vai", phiên chợ đặc biệt được tổ chức hàng năm "vào ngày Hai bẩy tháng Ba… phiên chợ dành cho những người yêu nhau mà không thể đến được với nhau, nhưng không bao giờ quên nhau"(12). Và đây có lẽ cũng là một phát hiện mới từ một góc nhìn mới về ý nghĩa của phong tục đẹp mới được hình thành trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng cao nơi đây của tác giả cuốn tiểu thuyết này!
Như trên chúng tôi đã khẳng định: một trong những điều quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc trong cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu của đôi trai gái vùng cao này chính là việc nhà văn đã đặt câu chuyện tình đó trên cái "phông nền" văn hóa đậm sắc mầu dân tộc miền núi. Đó là bức tranh thiên nhiên với mầu xanh của núi rừng, với dòng sông, con suối; với những nương ngô trên núi đá, những ruộng lúa dưới thung lũng, những vườn rau cải, những nương đỗ tương, những cơn gió lạnh buốt từ khe núi… và dòng Nho Quế như sợi chỉ trắng ngoằn nghoèo giữa biêng biếc những ngọn núi lô xô từ trên cao nhìn xuống… Đó chỉ có thể là khung cảnh thiên nhiên vùng núi cao phía Bắc, nơi sinh sống của bao tộc người thiểu số (người Hmông, người Dao, người Giáy, người Tày, người Nùng…). Trong môi trường thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã, khoáng đạt, đầy thơ mộng nhưng cũng đầy hiểm nguy, thách thức đối với con người ấy – những tộc người vùng cao đã dựng làng, dựng bản, đã dựa vào thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên và đã sống một cách hài hòa với thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã và thơ mộng, đó. Cũng chính từ môi trường sống đặc biệt này, tính cách của những con người vùng cao cũng mang những nét đặc trưng riêng. Họ là những con người rất chất phác, thật thà, hồn nhiên, tự nhiên, ngay thẳng; Họ là những người rất khỏe mạnh, làm ruộng nương giỏi, săn bắn giỏi; nhưng đồng thời họ cũng là những người rất lãng mạn, tài hoa, mãnh liệt và quả cảm. Nắm bắt được bản chất, tính cách và tâm lý của những con người miền núi ấy, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã thể hiện một cách sinh động và đã rất thành công thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của mình. Đó là các nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau, các dân tộc thiểu số khác nhau, có tính cách, có số phận, có những suy nghĩ, những hành động, những lối ứng xử khác nhau trong cuộc sống thường ngày với những hoàn cảnh, những sự kiện cụ thể. Ngoài hai nhân vật chính là nàng Út và chàng Ba, là một loạt các nhân vật khác mà nhân vật nào cũng có những tính cách riêng, không ai giống ai. Điều đó tạo nên một thế giới nhân vật phong phú, với những cá tính, những đặc điểm riêng, sinh động và hấp dẫn.
Nàng Út và chàng Ba là hai nhân vật chính mà tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã giành nhiều tâm huyết để khắc họa tính cách và phẩm chất tốt đẹp của đôi "trai tài, gái đẹp" này. Họ đích thực là tinh hoa của núi rừng, của bản làng vùng cao, đặc biệt là nhân vật Nàng Út: Nàng "càng lớn càng xinh đẹp, vừa giống cha, vừa giống mẹ, vừa có cái dữ dội, quyết liệt của bố"(13). Nàng là người mạnh mẽ (thích cưỡi ngựa và cưỡi ngựa rất giỏi); Nàng "chẳng biết sợ cái gì bao giờ. Bóng đêm, ma quỉ, côn trung, rắn rết, hổ báo,… Dường như không có một nỗi sợ hãi nào có thể chạm được đến Út"(14). Nhưng người con gái mạnh mẽ ấy cũng lại là một người con rất tình cảm, rất yêu thương cha mẹ của mình (nàng yêu quí bố nhưng lại rất hay chống lại, cãi lại bố khi không đồng ý với những điều bố nàng nói hay làm; nàng rất thương người mẹ luôn buồn bã héo hon vì không được chồng yêu và nàng: "rất sợ những giọt nước mắt của mẹ". Nàng vui tươi, nhí nhảnh hồn nhiên, bạo dạn… nhưng cũng rất dễ xúc động, mủi lòng và rất hay thở dài – cái "kiểu thở dài rất là buồn"(15) – như là một dấu hiệu, "một điềm báo trước" cho số phận không suôn sẻ, cho những nỗi bất hạnh đang chờ đợi ở phía trước cuộc đời nàng. Nàng là người rất mạnh dạn, chủ động trong tình yêu, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ tình yêu, để được sống chết cùng người mình yêu; nhưng nàng cũng là một người sống ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng, với những người thân yêu trong gia đình… nên đứng trước sự lựa chọn giữa tình yêu, hạnh phúc lứa đôi với sự khổ đau, bất hạnh vì bị "tan nhà, nát cửa" của bao người dân vô tội trong bản Pải Lủng, cùng với sự đau đớn đến tê dại của người cha vì vừa mất vợ, lại mất con – nàng đã quyết định hy sinh tình yêu, hạnh phúc của mình để trở về nhà, chấp nhận làm vợ Cố Sầu, chấp nhận cái chết để "nhường sự sống" cho đứa con trai bé bỏng – niềm vui sống cuối cùng của người cha Tộc trưởng người Giáy đáng thương của mình. Có thể thấy, qua ngòi bút của tác giả cuốn tiểu thuyết, nhân vật nàng Út đã hiện lên thật rõ nét, sinh động – với những nét phẩm chất, tính cách mang đậm chất dân tộc và miền núi. Hình ảnh của Nàng đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc với những tình cảm đan xen: vừa yêu mến, vừa xót xa thương cảm; vừa tiếc nuối, vừa nể trọng… và đã tạo nên một sự ám ảnh khôn nguôi về thân phận của những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao dưới chế độ phong kiến, tộc quyền xưa.
Nhân vật Tộc trưởng cũng là một nhân vật khá đặc biệt và đa tính cách. Đó là một Tộc trưởng Vương Vần Tráng mạnh mẽ, quyền uy, giầu có nhất vùng nhưng lại là một người sống lạnh lùng, cô đơn, khép kín lòng mình, cả một đời đau khổ, ân hận vì đã làm cho hai người phụ nữ xinh đẹp nhất hai bản: Pải Lủng (của người Nùng) và Ma Lé (của người Giáy) phải đau đớn, phiền muộn, mòn mỏi và cuối cùng đều "bỏ ông mà đi" – bởi: một người được ông yêu tha thiết nhưng ông buộc phải từ bỏ, không thể lấy về làm vợ (vì ông không dám làm trái lời dạy của tổ tiên, dòng tộc khi lấy một người thuộc dân tộc khác); một người không được ông yêu nhưng lại được ông cưới về làm vợ bởi bà đã quá yêu ông và có khả năng sinh cho ông những người con dân tộc Giáy "thuần khiết", không có sự lai tạp giống nòi). Còn đối với nàng Út, người con gái duy nhất của ông – ông vừa rất yêu thương, chiều chuộng con, nhưng ông lại cũng vừa cứng rắn, sắt đá với con (kiên quyết không cho con lấy người con trai dân tộc Nùng dù rất thương con; đã ép gả con cho một người thô tục, cục súc, tàn nhẫn… nhưng lại là kẻ thân tín của mình… vì muốn đảm bảo cho cái chức Tộc trưởng họ Vương – dân tộc Giáy không rơi vào tay người con trai dân tộc Nùng…). Một nhân vật khác – nhân vật Cố Sầu cũng là một nhân vật có tính cách phức tạp. Vốn là "người ăn kẻ ở" thân tín của Tộc trưởng, Cố Sầu có tài, có sức mạnh – nhưng cái tài, cái sức mạnh ấy lại là của một "con thú dũng mãnh đã thành tinh"(16). Ban đầu, khi còn dưới trướng Tộc trưởng, Cố Sầu thu mình vào như một kẻ "trung thành tuyệt đối" với Tộc trưởng, nhưng khi "vận may tới tay" (được Tộc trưởng gả con gái cho); và nhất là khi bị Nàng Út bỏ trốn trong đám cưới – hắn đã hiện nguyên hình là một kẻ tàn ác, nhỏ nhen và phản phúc (hắn cùng bọn đàn em định sát hại Tộc trưởng để cướp xe chở bạc nhưng không thành). Đây là một nhân vật đáng ghét, nhưng cũng đáng thương trong tác phẩm này. Cố Sầu chính là một kiểu người xấu, người ác trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao trong xã hội cũ.
Ngoài cảm hứng viết về thiên nhiên và con người vùng cao với những đặc điểm cùng những nét tính cách mang đậm chất dân tộc và miền núi, tác giả Nguyễn Thế Kỷ còn có cảm hứng viết về những phong tục tập quán cùng những nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người dân tộc thiểu số (vùng phía Bắc Việt Nam). Miêu tả, phục dựng lại một cách sống động, chân thực những hoạt động văn hóa tinh thần (trong đó có cả những yếu tố văn hóa tâm linh) của cộng đồng các dân tộc thiểu số (ở đây là dân tộc Nùng và dân tộc Giáy) – đã chứng tỏ: Tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một nhà văn có vốn hiểu biết khá sâu sắc, tường tận về bản sắc văn hóa tộc người vùng núi cao; đồng thời lại có sự yêu mến, trân trọng cùng niềm đam mê (nhất định) đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu và tái hiện lại trong tác phẩm của mình những nét bản sắc văn hóa dân tộc đó.
Trong Tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai, theo thống kê của chúng tôi; đã có tới 10 lần xuất hiện những bài hát, tiếng hát dân ca (dân ca Nùng là chủ yếu) được cất lên từ tiếng hát của Nàng Út (trang 47, 70, 177,…); Từ trong lòng của chàng Ba (trang 236) trong tiếng sao của chàng Ba (trang 16). Trong văng vẳng từ khe sâu hay trong lòng đất cất lên (trang 14); Trong tiếng hát ru con của Mẹ chàng Ba (trang 40; Trong tiếng hát của em bé người Nùng đi chăn dê (trang 219); và trong điệu hát ngọt ngào, tha thiết… được cất lên từ chợ tình Khau Vai (trang 237)… Từng trong hoàn cảnh cụ thể, lời hát, giọng hát… được cất lên mang theo những trạng thái tình cảm khác nhau, những ý nghĩa khác nhau, thể hiện một cách đa dạng và sâu sắc thế giới tâm hồn, đời sống tình cảm… của những con người miền núi (rất chân thật, hồn nhiên… nhưng cũng rất tinh tế, lãng mạn và bay bổng). Trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng đã rất chú ý đến việc phản ánh các phong tục, tập tục, các nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Đó là phong tục cưới xin, ma chay của người Nùng, người Giá; là tập tục sinh nở, là những qui định trở thành những nguyên tắc trong đời sống văn hóa tinh thần của các dòng họ, dòng tộc… trong các bản, làng miền núi. Đặc biệt, tác giả đã mô tả khá rõ nét, sinh động và cụ thể phong tục cưới xin của người Giáy, khiến cho người đọc cảm nhận được (thậm chí như được chứng kiến) cảnh một đám cưới với những qui định, những bước thực hiện với những nghi lễ… mang đậm bản sắc tộc người như: Trang phục rực rỡ của cô dâu người Giáy với "tấm khăn to, vuông… đỏ rực… Cô dâu đi đến đâu như có đốm lửa cháy lên ở đấy"; và cô dâu "phải trùm tấm khăn đỏ ấy lên đầu từ lúc bước ra khỏi cửa buồng đến lúc về tận nhà chồng mới được mở ra"(17); cùng với đó là bộ quần áo cô dâu được dệt, thêu cầu kỳ, rực rỡ (trong cả hàng năm ròng); là "đôi giầy vải xanh thêu hoa đào" được cô dâu dùng để đi đường, nhưng "khi đến nhà chồng phải giấu đi, để đi chân đất lên nhà chồng. Đôi giầy cô dâu phải mang về nhà mẹ đẻ"(18); Cô dâu "đeo một chiếc gương trước ngực, một cái túi đựng hành tỏi và ôm theo một con gà trống" (bởi "theo các bà thím bảo: cái gương để đuổi tà ma. Hành tỏi để có nhiều con cái. Còn gà thì để dẫn đường…"(19). Nhà trai đón dâu bằng ngựa, con ngựa "được tết bờm thành những búi tóc lẫn với những dải vải xanh đỏ vàng. Yên ngựa cũng được phủ vải đỏ"(20). Trong đám cưới "lũ thanh niên trai gái thi nhau hát hò rộn ràng vui vẻ. Rượu rót tràn các chén. Lũ thanh niên nhà trai phải uống hết một dãy mấy chục bát rượu xếp đầy mặt bàn ngay từ đầu ngõ. Bà mối lại phải mang bao lì xì đến mừng tuổi hết lượt. Vẫn chưa xong, uống rượu rồi, lì xì rồi, còn phải hát nữa. Hát đến khi nào nhà gái cho vào mới được vào"(21)...
Có thể thấy, tác giả là một người có sự hiểu biết sâu sắc, cụ thể và có cảm hứng thực sự khi viết mô tả về các nghi lễ, nghi thức trong đám cưới của người dân tộc thiểu số (ở đây là dân tộc Giáy). Điều này đã góp phần tạo ra sự thú vị, sự mới lạ, sự hấp dẫn cho người đọc.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa (của một người có tầm văn hóa), tác giả Nguyễn Thế Kỷ không chỉ ca ngợi một chiều về những nét đẹp của văn hóa phong tục các dân tộc thiểu số - mà bên cạnh đó, tác giả cũng đã thể hiện khá rõ quan điểm phê phán và thái độ không đồng tình của mình đối với những tập tục mang tính hủ tục trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cũng như của các dòng tộc trong các cộng đồng dân tộc đó. Bởi theo tác giả, chính những hủ tục đó nhiều khi đã trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những khổ đau, bất hạnh, dẫn tới những bi kịch trong tình yêu cũng như trong hạnh phúc gia đình – nhất là đối với thân phận của những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Cuộc đời đầy nỗi buồn đau, đầy cô đơn và cuối cùng là dẫn tới cái chết buồn thảm của bà Tộc trưởng (mẹ Nàng Út); Cuộc đời đầy nỗi hận, nỗi căm ghét nhưng vẫn luôn xót xa không thể nào quên được người yêu với mối tình đầu tiên "như một vết thương, đã lành rồi nhưng vẫn âm ỉ nhứng nhối bên trong vết sẹo"(22) của người phụ nữ Nùng xinh đẹp cùng với cái chết tức tưởi trong "cơn sốt đã thiêu đốt những hơi thở cuối cùng của bà" – khi biết được một sự thật phũ phàng: Con trai của bà đã đem lòng yêu và quyết lấy con gái của kẻ đã bỏ bà mà đi chỉ bởi như những suy nghĩ ở trong ông: không thể "cứ thương nhau là lấy nhau rồi pha tạp dòng máu bao đời. Thì mai này, làm gì còn giống Giáy hay Nùng" nữa; "Con ma trong nhà, mỗi sắc tộc mỗi riêng. Từ ngàn đời nay vạn vật vẫn như thế mà trường tồn. Nay làm trái lệ ắt là khởi đầu cho thảm họa"(23). Cũng chính xuất phát từ cái tập tục mang tính hủ tục đó đã khiến cho bản thân ông Tộc trưởng cũng phải gánh chịu nỗi bất hạnh khủng khiếp: cả hai người đàn bà yêu ông đều "đã bỏ ông đi" vĩnh viễn; con gái ông cũng phải từ bỏ hạnh phúc lứa đôi để sống trong "địa ngục gia đình" với một kẻ thô tục, xấu xa, và cũng "từ bỏ ông" ra đi mãi mãi! Ông trở thành nạn nhân của chính mình, của cái tập tục mà ông quyết khư khư giữ lấy đến cùng.
Có thể thấy – đây là một thái độ, một quan điểm đúng đắn, vừa mang ý nghĩa phê phán, vừa giầu tính nhân đạo của tác giả cuốn tiểu thuyết này.
Có một điểm nữa mà chúng tôi không thể không nhắc đến khi tiếp cận cuốn tiểu thuyết này. Đó là đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả. Có lẽ - do là một nhà ngôn ngữ học – mà ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm Chuyện tình Khau Vai của tác giả Nguyễn Thế Kỷ mang những đặc điểm riêng với một phong cách riêng: Trước hết, dễ nhận thấy – đó là một thứ ngôn ngữ ngắn gọn, giầu sức gợi (hơn sức tả); vì thế ít có những câu văn dài, những đoạn tả lê thê với giọng điệu lâm ly, thống thiết (cho dù đây là một câu chuyện tình dang dowr đầy nỗi buồn). Trong tác phẩm xuất hiện nhiều đoạn đối thoại, lời đối thoại ngắn, gọn, diễn đạt đúng với cách nghĩ, cách cảm, và cách nói của người dân tộc thiểu số với nhau (không có độ khéo léo, cầu kỳ, văn hoa trong cách diễn đạt). Điều thú vị là: tác giả đã sử dụng những từ ngữ, những hình ảnh, những cách nói… rất phù hợp với lối tư duy, lối diễn đạt của người miền núi, nhưng lại không sa vào cách nói "bắt chước" (hay còn gọi là "nhại tiếng") người dân tộc thiểu số. Tác giả không dùng các từ như: "lố, lá, zầy, zà, A lúi, cái tao, cái mày,…" (như một số tác giả người Kinh khi viết về người dân tộc thiểu số) – mà ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm vẫn rất đậm sắc mầu dân tộc, miền núi, thể hiện rất rõ tâm hồn, tính cách, cách cảm và lối nghĩ, lối nói của người dân tộc thiểu số. Ví dụ như một số đoạn văn sau chẳng hạn:
- "Cậu phải cởi dây buộc trong này đi, thì mới sống tiếp được. Vừa nói ông vừa chỉ tay vào bụng Ba. Ba không nhìn ông khẽ nói: - Ông có nhìn thấy gì đâu mà lại bầy cho tôi phải làm gì. Ông già: - Nghe tiếng sao thì biết thôi"(24);
- "Nỗi buồn đang trú ngụ trong cơ thể Ba. Nếu cố gắng thì cũng có thể cất nó đi, nhưng thường thì nó luôn thức, ngay cả khi Ba ngủ. Khi Ba thức, nó ở trên đỉnh đầu, khi Ba ngủ, nó ở ngay trên ngực. Nó đè bẹp Ba xuống sàn, nó khiến Ba mỏng dính đi, mỏng tới mức có thể trải rộng ra như một tấm chăn. Một tấm chăn cũ, lạnh lẽo, thủng vài chỗ…"(25).
- "Lòng dạ Út từ khi có Ba, lúc nào cũng tưng bừng như một con chim vừa biết bay nên luôn tìm lý do để bay mải miết vào bầu trời xanh biếc"(26).
- "Hôm nay, Cố Sầu tao tuyên bố, không tìm thấy vợ không làm người, không giết được thằng Nùng kia không làm người"(27).
- "Mày đi tìm vợ, tìm thấy thì mang về, không thấy thì đi tìm chỗ khác. Vợ mày nó có chân nó tự chạy, đâu phải người ta bắt mang đi…"(28).
Có thể thấy rõ: ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn đã góp phần không nhỏ vào việc khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên, bức tranh về cuộc sống con người dân tộc miền núi, vừa chân thực, giản dị, vừa sống động; vừa giầu tính hiện thực, vừa giầu chất nhân văn.
Viết về đề tài dân tộc và miền núi không phải là điều mới mẻ đối với các nhà văn người dân tộc Kinh. Mỗi một tác giả - với mỗi góc nhìn khác nhau, với những cảm hứng khác nhau – các nhà văn dân tộc Kinh đã có những đóng góp không nhỏ (bên cạnh các nhà văn người dân tộc thiểu số) vào sự phát triển ngày càng đa dạng, phong phú hơn bộ phận văn học đặc biệt, đậm bản sắc văn hóa tộc người này trong đời sống văn học nước nhà thời kỳ hiện đại và hội nhập hiện nay. Với tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai, tác giả Nguyễn Thế Kỷ - dưới góc nhìn văn hóa đã đem đến cho chúng ta một tác phẩm văn chương đẹp, giầu ý nghĩa, giầu bản sắc văn hóa dân tộc, và đã làm xúc động lòng người bởi những giá trị nhân văn sâu sắc được toát ra từ câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người dân tộc thiểu số vùng cao này.
(1) Trang 36, Chuyện tình Khau Vai (Nguyễn Thế Kỷ), Nxb Văn học, 2019.
(2) Trang 37 (sách đã dẫn).
(3) Trang 16 (sách đã dẫn)
(4) Trang 77 (sách đã dẫn)
(5) Trang 118 (sách đã dẫn)
(6) Trang 169 (sách đã dẫn)
(7) Trang 195 (sách đã dẫn)
(8) Trang 200 (sách đã dẫn)
(9) Trang 223 (sách đã dẫn)
(10) Trang 231 (sách đã dẫn)
(11) Trang 236 (sách đã dẫn).
(12) Trang 237 (sách đã dẫn).
(13) Trang 59 (sách đã dẫn).
(14) Trang 73 (sách đã dẫn).
(15) Trang 70 (sách đã dẫn).
(16) Trang 129 (sách đã dẫn).
(17) Trang 152 (sách đã dẫn).
(18) Trang 153 (sách đã dẫn).
(19) Trang 154 (sách đã dẫn).
(20) Trang 155 (sách đã dẫn).
(21) Trang 153, 154 (sách đã dẫn).
(22) Trang 89 (sách đã dẫn).
(23) Trang 120, 121 (sách đã dẫn).
(24) Trang 16, 17 (sách đã dẫn).
(25) Trang 18 (sách đã dẫn).
(26) Trang 46 (sách đã dẫn).
(27) Trang 184 (sách đã dẫn).
(28) Trang 186 (sách đã dẫn).