Khai mạc Trại sáng tác Múa Việt Nam 2022 tại Đà Lạt
- Written by Minh Phương
Ngày 7/5/2022, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức khai mạc Trại sáng tác Múa với sự tham dự của Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
Trại sáng tác đã quy tụ các văn nghệ sỹ là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà lý luận phê bình, biên đạo múa, hội viên múa từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, NSND Phạm Anh Phương nhấn mạnh: “Đứng trước tình hình mới khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao đã tác động trực tiếp đến sự phát triển văn hóa, nghệ thuật. Những yêu cầu bức thiết của thời đại đòi hỏi những người làm nghệ thuật cần liên tục cập nhật kiến thức để phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống, nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới để làm giàu nền nghệ thuật múa nước nhà, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc và hồn cốt dân tộc. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng có thể chuyển tải được nguyện ước, khát vọng của con người Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.”
Trại viết là cuộc hội ngộ của nhiều thế hệ biên đạo, diễn viên múa, lý luận phê bình có nhiều đóng góp cho nghệ thuật múa Việt Nam, đây là dịp để các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa 2 lĩnh vực sáng tác và lý luận phê bình, nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp thiết thực, qua đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Qua trại sáng tác, đội ngũ lý luận phê bình có điều kiện được nâng cao kiến thức, khai thác kỹ năng viết và khả năng nhận diện xu hướng phát triển của nghệ thuật múa, nhằm tạo ra những bài viết có chiều sâu, định hướng chuyên môn và định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng. Với các biên đạo múa, sẽ được bồi dưỡng các kỹ năng sáng tác như: sự gắn kết giữa bản sắc văn hóa dân tộc với hơi thở thời đại, mối quan hệ giữa thực tiễn đời sống với sáng tạo nghệ thuật múa… từ đó nâng cao khả năng hình thành tác phẩm mang tính nhân văn, tính dân tộc, hơi thở thời đại, tính thẩm mỹ nghệ thuật tác động lan tỏa mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của công chúng.
Trong những ngày diễn ra trại sáng tác, các nghệ sĩ cũng sẽ thâm nhập thực tế, tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu thêm về đất và người Lâm Đồng – Đà Lạt, đặc biệt là các vũ điệu dân vũ của các dân tộc tại chỗ như múa xoang của người K’Ho, Mạ, múa Arya của người Churu sẽ là những chất liệu dân gian độc đáo để các biên đạo có thêm nhiều ý tưởng hay, làm nên những tác phẩm múa thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, kết hợp nhuần nhị giữa truyền thống và hiện đại.