NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BẦU TRỜI - Bút ký của Trịnh Thị Tâm – Hội văn học nghệ thuật Bình Phước (P2)

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BẦU TRỜI ( TIẾP )

Lịch sử sẽ phán xét

Ông ngồi thoải mái trên xôfa và nói:

- Cháu đến phỏng vấn chú về những chuyện đã qua, nhưng cũng vì những chuyện đó mà “người ta chửi chú quá trời” - Tôi muốn trích nguyên văn lời ông và xin nói rõ, “người ta” không chỉ là lực lượng đối kháng với cách mạng Việt Nam hay những người ra đi sau 1975, mà cả những người tự cho mình là “cấp tiến”. Bằng giọng chậm rãi, rành rẽ, ông kể về những tháng ngày ly tán của gia đình. Cho đến sau này gặp lại, nghe bà Nguyễn Thị Cẩm – vợ ông kể laị, ông mới biết ngay sau khi ông ném bom Dinh Độc lập thì quân cảnh, cảnh sát đã bao vây kín nhà. Phương án đưa vợ con ông ra vùng an toàn mà tổ chức của cách mạng xây dựng bị vỡ. Bà Cẩm cùng hai người con gái còn nhỏ bị bắt vào tù. Ngày 30-4-1975, Sài Gòn thất thủ, người ta phá cửa nhà tù thì vợ con ông cũng ra khỏi nhà tù cùng với những tù nhân khác. Khi ấy Thương Thương mới 5 tuổi và em gái Nguyễn Thị Thanh Phương chưa tròn một tuổi. Cứ thế, bà Cẩm ẵm Thanh Phương trên tay và dắt Thương Thương đi bộ 70 cây số về quê ngoại ở Mỹ Tho. Trong khi đó, ông vẫn miệt mài với nhiệm vụ huấn luyện phi công ở Đà Nẵng. Dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông vẫn phải tạm thời hy sinh sự an toàn và hạnh phúc gia đình, tiếp tục nhiệm vụ quan trọng là huấn luyện bay cho phi công quân sự của cách mạng.

Những năm tháng sau giải phóng, ông vẫn làm nhiệm vụ huấn luyện bay ở Biên Hòa. Sài Gòn sau ngày giải phóng, những người thất trận chưa nguôi ngoai thù hận nên chuyện ném chất bẩn, chọi đá vào nhà hay viết giấy đe dọa không còn là chuyện lạ với mẹ con bà Nguyễn Thị Cẩm. Nhưng rồi bao khó khăn của ngày đầu tái thiết đất nước với những chuyện cơm áo gạo tiền cuốn người ta đi. Còn ông thì cho đến tận bây giờ vẫn nhận được rất nhiều lời chỉ trích, thậm chí chửi rủa. “Người ta” gọi ông là “kẻ trở cờ”, “kẻ cơ hội” với ngụ ý rằng: chẳng có việc ông được cài vào hàng ngũ Việt Nam Cộng hòa mà là ông nhận thấy Việt Nam Cộng hòa không còn đất sống nên “trở cờ” quay lại ném bom Dinh Độc lập để “ghi điểm” với Cộng sản (!?).

Uống cạn ly nước, ông chậm rãi nói:

- Suy cho cùng, họ lập luận như thế cũng có cái lý của họ. Bởi vào thời điểm ấy, báo chí của cả hai phía đều chạy những dòng tít lớn là “Phi công phản chiến ném bom Dinh Tổng thống”.

Thấy tôi ngỡ ngàng, ông nói tiếp:

- Thời điểm ấy, bên mình đang kêu gọi hàng binh trong các lực lượng bỏ súng quay về với cách mạng. Việc báo chí phía mình tuyên truyền như thế là để  kêu gọi những người trong lực lượng không quân Sài Gòn tiếp tục phản chiến. Với chú, vào thời điểm ấy và kể cả bây giờ, chuyện ấy có gì quan trọng chứ! Điều quan trọng là chú đã hòan thành nhiệm vụ và an toàn trở về. Còn đúng – sai, lịch sử sẽ phán xét!

Tôi hỏi:

- Thời điểm đã hạ cánh xuống Sân bay Phước Long và hay tin vợ con bị bắt, chú có chút gì cảm thấy hối hận hay dằn vặt không?

Suy nghĩ một chút, ông chậm rãi nói:

- Nếu bảo không dằn vặt là không thực với lòng mình. Cháu nghĩ đi, chú đã an toàn ở vùng giải phóng; vợ con bị bắt khi chú làm một việc động trời với chính quyền Sài Gòn thì bao nhiêu hiểm nguy đang bày ra cho ba mẹ con. Nhưng hối hận thì không. Cuộc đời chú làm gì cũng có suy tính kỹ càng chứ không phải cảm hứng nhất thời hay liều lĩnh. Lúc đó, chú chỉ hy vọng là hai đứa con còn quá nhỏ, bà ấy cũng không liên quan đến việc làm của chú nên họ sẽ không nỡ đối xử hà khắc.

Việc luồn sâu vào hàng ngũ địch là do tổ chức sắp đặt. Ông cũng đã dự đoán tất cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, cả việc vợ con có thể bị bắt, thậm chí bị sát hại sau khi ông ném bom Dinh Độc lập, ông cũng đã lường. Và ông chấp nhận hy sinh, vì đó là sứ mệnh lịch sử mà cách mạng trao cho mình. Suốt bao năm trong vỏ bọc sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hoà, hay tại các trung tâm đào tạo phi công chiến đấu tại Mỹ, ông chưa bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn duy nhất của mình.

Trong câu chuyện, tôi có nhắc lại một đoạn trong nội dung phỏng vấn của Hãng truyền hình CNN đối với ông vài năm trước. Phóng viên của CNN đã đưa ra các con số cụ thể và nói đại ý rằng: Trận chiến giữa lòng Sài Gòn những ngày cuối tháng 4-1975 được dự đoán sẽ là trận chiến ác liệt, tàn phá nặng nề nhất, nhưng cuối cùng đã không xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu do trận ném bom vào Tân Sơn Nhất đã phá hủy phần lớn máy bay chiến đấu và đánh trúng tâm lý sợ hãi của binh sỹ khiến quân lực Sài Gòn không còn khả năng chống trả. Và việc chính quyền Sài Gòn phải sớm đầu hàng đã tránh được một cuộc huyết chiến đẫm máu giữa hai phía. Nghe đến đây, ông suy tư một chút rồi trả lời:

- Những việc chú đã làm là trách nhiệm Quân đội và Nhân dân giao phó. Chú làm không vì bản thân, cũng không vì cá nhân nào, càng không phải để nổi tiếng. Đúng, sai lịch sử sẽ phán xét. Nếu việc chú làm mà góp phần giảm được đổ máu thì những gì bản thân và gia đình chú phải chịu đựng đã được trả một cái giá xứng đáng rồi. Và chú cũng đã trả lời CNN đại ý như thế!

Từ sau 1986, ông thường có mặt trong những chuyến công du của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rồi Thủ tướng Phan Văn Khải. Và trong những lần đó ông đã gặp lại một số đồng nghiệp cũ khi còn trong không lực Sài Gòn. Tôi hỏi gặp lại nhau ông có ngại không? Ông trả lời tỉnh queo:

- Ngại gì chứ! Có người nói những câu xách mé, có người nói rằng chú dại dột vì về với Cộng sản sau giải phóng sẽ rất khó khăn, nhưng họ đã thừa nhận việc chú đã làm là góp phần chấm dứt cuộc chiến sớm hơn và giảm sự đổ máu cho cả hai bên. Họ còn nói rằng nếu là họ thì đã không thể làm như vậy!

Tôi nhìn người anh hùng đang ngồi trước mặt. Trên vai áo ông từng đeo quân hàm không quân cả hai bên là đối thủ của nhau. 22 ngàn giờ bay với nhiều loại phi cơ chiến đấu và dân dụng hiện đại nhất từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu; Chuyện ông bị tình nghi có liên quan đến sự kiện sau giải phóng, một phi công lái máy bay bỏ trốn và ông đã im lặng cho đến lúc mọi việc “ra ngô ra khoai”; Và ngay cả việc người con trai từ bỏ cuộc sống khi tuổi đời còn trẻ cũng bị những kẻ ác khẩu mang ra đàm tiếu… Những vinh quang, cay đắng, những nếm trải cuộc đời, dường như Nguyễn Thành Trung đã trải qua hết thảy. Ông nói sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng trả giá.

Tôi hỏi:

- Sau này thì trắng đen rõ ràng, nhưng vào thời điểm mới xảy ra sự việc viên phi công bỏ trốn và bản thân bị nghi ngờ liên quan, chú có bất mãn không?

Nguyễn Thành Trung cười buồn:

- Nếu nói không là dối lòng mình. Nhưng vào thời điểm ấy, chú thường nghĩ tới những điều lớn hơn để át đi những lăn tăn nhỏ ấy. Có những điệp viên khi mất rồi vẫn không thể công khai danh tính, nhiều năm sau mới được trả lại tên tuổi thì những thiệt thòi nhỏ của mình cho một cục diện lớn, có nhằm nhò gì!

 Qủa là với phi công Nguyễn Thành Trung, sống chết hay tù tội chẳng thể làm ông lay chuyển. Nhưng những tháng ngày cô đơn giữa đồng đội trong cuộc sống hoà bình thật chẳng dễ chịu chút nào.

Bình Phước – Vùng đất nhiều ân nghĩa

Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung nói sẽ không bao giờ quên phút giây hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến Phước Long (Bình Phước). Qua hàng ngàn giờ bay nhưng với ông, có lẽ đây mới là những giây phút bay đặc biệt nhất trong cuộc đời của người phi công đặc biệt này. Ông kể:

- Kế hoạch ném bom Dinh Độc lập, chú đã sẵn sàng. Nhưng xong nhiệm vụ thì phải có đường ra. Thời điểm ấy, Phước Long là tỉnh đầu tiên được giải phóng. Sau những trận đánh lớn, sân bay Phước Long bị bom pháo đôi bên giã nát bét, hư hỏng khá nhiều. Chú đã yêu cầu Trung ương Cục chuẩn bị sân bay để sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ hạ cánh.

Trung ương Cục đã chấp nhận sửa chữa và có phương án bảo đảm cho Nguyễn Thành Trung hạ cánh an toàn. Ông nói ngày đó, lực lượng công binh phải mất gần 2 tháng mới sửa xong sân bay, vậy mà nhiều đoạn còn phải lót tạm bằng vỉ sắt. Chưa hết, loại máy bay mà Nguyễn Thành Trung sử dụng để thực hiện sứ mệnh lịch sử năm ấy là phản lực F5E - loại máy bay chiến đấu tối tân nhất của Mỹ, đòi hỏi đường bay cất và hạ cánh tối thiểu 3.000 mét, trong khi sân bay dã chiến Phước Long lúc này đường băng chỉ có 1.000 mét và rất gồ ghề.

- Ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam liên tục cho liên lạc hỏi chú có đáp được không? Ông yêu cầu tuyệt đối không được liều. Chú đã căng óc tính toán và quả quyết trả lời “đáp được”!

 Nguyễn Thành Trung bồi hồi nhớ lại những giờ phút lịch sử của đời mình. Giây phút đầu tiên, mảnh đất đầu tiên Nguyễn Thành Trung đáp xuống sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về với cách mạng chính là Sân bay quân sự Phước Long. Dẫu chỉ lưu lại Phước Long một ngày đêm, nhưng sự chào đón nồng ấm của nhân dân, của đồng đội đón một người con, người đồng chí từ trong lòng địch trở về khiến ông rất ấm lòng và tạm thời quên đi những mất mát, hiểm nguy mà bản thân, gia đình phải gánh chịu. Chiếc phản lực F5E sau đó trở thành hiện vật lịch sử. Và tháng 5-2017, Nhà Truyền thống thị xã Phước Long của tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận hiện vật này. Trong ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Phước Long, Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung đã trở lại chiến trường xưa, gặp lại những người đồng chí, đồng đội và người dân đã chào đón mình trong giây phút đầu tiên đáp máy bay xuống vùng đất giải phóng.

Khi tôi khoe Đồng Xoài đã trở thành một thành phố năng động của khu vực Đông Nam bộ, ông hào hứng nói:

- Lãnh đạo tỉnh Bình Phước chọn Đồng Xoài làm thành phố trung tâm hành chính tỉnh là rất chính xác. Ngày trước đã nhiều lần bay qua vùng đất này, chú cứ thắc mắc vì sao chính quyền Sài Gòn lại không chọn Đồng Xoài làm tỉnh lỵ mà lại chọn Phước Long. Bởi từ trên cao nhìn xuống, địa thế Đồng Xoài rất đẹp, có thể nói đẹp nhất khu vực Đông Nam bộ đấy cháu.

Sài Gòn đang giữa những ngày lễ hội sau tết nguyên đán, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung đứng dậy khỏi sofa. Tôi biết ông muốn kết thúc buổi nói chuyện tại đây. Nhìn ông khỏe khoắn, giản dị trong bộ đồ khá trẻ; nhìn đôi mắt nheo cười trên gương mặt phúc hậu, hiền hòa, tôi tự hỏi nếu không phải là lý tưởng, là niềm tin chiến thắng của công lý thì điều gì có thể khiến người đàn ông này sẵn sàng chấp nhận sự an nguy của bản thân, của cả gia đình để làm nên những điều phi thường ấy!?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này