Trông vời cố hương - Truyện ngắn của Mông Văn Bốn – Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng

TRÔNG VỜI CỐ HƯƠNG

Đã khuya lắm rồi mà Hào không sao ngủ được, ngoài trời gió bấc rít từng cơn. Lạnh quá Hào kéo chăn trùm kín đầu. Bụng réo vì đói. Bữa tối nay sao lùa mãi mà cơm chẳng thèm vào mồm. Chiều nay nó nhận được thư thằng Nam.

Nó thấy ân hận với Nam, Nam ơi, mày có ghét tao không? Tao có lỗi với mày nhiều, nhưng cũng đã hai năm rồi còn gì sao chẳng bỏ qua cho tao, mày chỉ hỏi thăm con Vàng không. Mà mày sao đoảng thế, thư không ghi địa chỉ, làm sao tao biết gửi thư cho mày. Từ ngày mày bỏ học rồi vào trong Nam theo gia đình tao thấy mình có lỗi lắm. Tao cố gắng học tập theo cách chỉ bảo của mày, nên năm ngoái tao đạt học sinh tiên tiến, học kỳ I năm nay tạo đạt học sinh xuất sắc. Con Vàng vẫn khoẻ và lớn lắm rồi nó đã quen và chơi đùa cùng tao. Mày có tin không. Chính con Vàng vào mùa lũ năm ngoái khi con suối trước làng ta nước tràn về đỏ ngầu, con suối biến thành con sông. Tao chạy ra xem nước, không may trượt chân ngã xuống, Dòng nước cuồn cuộn cuốn tao đi mãi. Lúc tao chới với uống no nước, con Vàng từ trên bờ lao xuống ngoạm lấy tay áo kéo vào bờ. Nếu hôm ấy không có nó tao chết là chắc. Nam ơi, giờ mày ở chân trời nào. Tao ân hận lm. Việc lấy trộm bút kim tinh của Thuý đút vào túi sách mày chỉ có tao biết mà thôi. Chính mày cũng không biết là ai đúng không. Nhưng mày cũng ngang như cua ấy. Cô giáo bảo chỉ cần xin lỗi Thuý và các bạn thì cho qua, mày lại đùng đùng bỏ đi và bỏ học luôn. Tao thì chẳng cơ hội để thanh minh và xin lỗi mày. Nam ơi, hãy tha thứ cho tao. Lần sau viết thư nhớ ghi rõ địa chỉ đấy... Miên man nghĩ, Hào chìm dần vào giấc ngủ cùng dòng nước mắt ân hận ướt nhoè cả gối.

Hào và Nam cùng làng, lại cùng học chung một lớp. Nhưng hai đứa có hai hoàn cảnh khác nhau. Hào là đứa độc tôn của dòng họ Nông làng này. Cho nên được cha mẹ chiều chuông hết mực. Hào hay lêu lổng chểnh mảng việc học tập, năm nào cũng học sinh yếu. Bố Hào là Chủ tịch xã cứ cuối năm là phải lo xin điểm để cho Hào được lên lớp. Ngược lại Nam thì quá cơ cực. Mới 10 tuổi đầu Nam đã phải giúp mẹ mọi việc. Từ chăn trâu, lấy rau lợn, đến trông em, giặt giũ Nam tự làm hết. Lúc Nam mới hơn một tuổi, bố Nam lên đường đi chiến đấu. Hơn một năm sau bố về phép và lần đó để cho Nam có được hai đứa em sinh đôi. Càng ngày càng lớn, hai đứa em của Nam vẫn không chịu lẫy chịu bò, chân tay co quắp lại. Người ta bảo bố nó bị nhiễm chất độc màu da cam. Bố Nam sau lần về phép đó thì đi mãi không về. Nam hỏi, mẹ bảo rồi bố sẽ về và cho con ngôi sao năm cánh đỏ rực. Nam mong, mong mãi mà bố vẫn không về. Nam lớn lên trong nỗi nhớ thương và hy vọng mỏng manh về người cha thân yêu. Bố Nam đã anh dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị, em đâu biết được càng nhớ thương bố, Nam càng vâng lời mẹ chăm chỉ học hành luôn giành lấy nhiều điểm 10. Từ lớp 1 đến lớp 5, năm nào Nam cũng đạt học sinh giỏi. Làm lớp phó phụ trách học tập Nam có trách nhiệm kèm cặp các bạn học yếu, trong đó có Hào. Khi Năm nhắc nhở truy bài, Hào tỏ ra khó chịu. Từ không ưa dần dần Hào sinh ra ghét Nam. Mỗi lần nghe bố nói; Con phải noi gương thằng Nam mà học, nhà nó thì thiếu thốn đủ thứ nhưng do chăm học nên nó học giỏi, con thì chẳng thiếu gì thế mà học hành không ra gì, đi xin điểm mãi bố thấy xấu hổ quá. Nghe bố nói thế như đổ thêm dầu vào lửa, Hào càng căm tức Nam hơn và luôn tìm cách hại bạn.

Cũng như mọi buổi sáng thứ hai hàng tuần cả trường đều tập trung chào cờ. Hào xếp cuối hàng, đang lúc chào cờ Hào lẻn về lớp mở cặp sách của Thuý lấy quản bút kim tinh đút vào cặp sách của Nam rồi lại xếp hàng tiếp. Tiết học đầu tiên được mở đầu bằng 15 phút kiểm tra. Cô giáo chép đề lên bảng xong quay xuống thấy Thuý đang loay hoay lục lọi cặp sách. Cô giáo hỏi:

-Thuý, em làm gì đấy?

-Thưa cô, em tìm bút ạ!

Thuý trả lời rồi sụt sịt khóc.

-Em tìm kỹ chưa, hay là quên ở nhà?

-Thưa cô em không quên ạ, trước lúc ra tập trung em còn được đút vào cặp. Cô giáo đi xuống chỗ Thuý. Mọi cặp mắt đều hướng về đó. Có tiếng ai nói;

Bây giờ chỉ còn cách khám từng người một. Cô giáo nói: - Tôi yêu cầu em nào lấy thì tự giác trả cho bạn, - Cả lớp im lặng hồi lâu, không ai nhúc nhích. Cô giáo yêu cầu tiếp;

-Vậy không ai lấy thì lần lượt ra khỏi lớp. Cả lớp lần lượt ra, cô mời bạn cán sự lớp vào tiến hành kiểm tra. Qua ba bàn vẫn không thấy gì đến bàn thứ 4 giở vào cặp sách của Nam khi cô giáo lôi quản bút ra, Nam đứng như trời trồng. Sao lại vậy? Bên ngoài bao con mắt nhòm qua cửa sổ. Cô giáo mời tất cả vào lớp. Cầm quản bút cô bước lên bục giảng, tay giơ cao nói;

-  Nào các em, sau khi kiểm tra tôi cùng cán bộ lớp thấy chiếc bút trong cặp em Nam. Vậy Nam có ý kiến gì không? Nam đứng dậy mặt đỏ tía tai:

-  Thưa cô em không biết, em không lấy!

-Nhưng tôi không hiểu tại sao nó lại nằm trong cặp của em? Em giải thích việc này thế nào?

-Thưa cố em không biết, em không lấy!

-Thôi bây giờ cả lớp chuẩn bị làm bài. Còn chuyện này tôi đề nghị em Nam xin lỗi bạn Thuý và cả lớp coi như cho qua.

Chỉ nghe cô giáo nói xin lỗi, Nam đã vội đút mấy quyển sách vào cặp và nói:

-Em không lấy, em không xin lỗi!

-Nam em bình tĩnh nào, chỉ xin lỗi các bạn thôi mà, việc này tôi sẽ điều tra sau. Nam vẫn kiên quyết: - Tôi không lấy, tôi không xin lỗi! Nam cầm cặp chạy vụt ra khỏi lớp tức tưởi khóc.

Từ hôm ấy Nam bỏ học luôn. Tháng sau Nam cùng mẹ và các em theo gia đình ông chú chuyển vào Lâm Đồng sinh sống. Mẹ Nam bán hết ruộng vườn hương hoả cho bố Hào. Mẹ Nam hỏi Nam: - Nam à, phải bán con Vàng thôi, đi mấy ngày đường, xe cộ chật chội chẳng ai cho đem theo chó đâu.

Nam im lặng, vò đầu bứt tai suy tính. Cuối cùng Nam cũng đưa ra quyết định:

-   Mẹ ơi, mình gửi thằng Hào nuôi. Con thấy chú Hùng quí con Vàng nhà ta lắm.

-Ừ tùy con gửi ai, cho ai cũng được.

Cả nhà Nam lên đường. Con Vàng vẫn trông coi ngôi nhà cũ, nhưng chủ nhà là gia đình Hào. Mỗi lần phải cho con Vàng ăn Hào hậm hực, do gét Nam, nên Hào ghét lây cả chó. Con Vàng bữa bữa phải cụp đuôi dè dặt ăn. Kể cũng lạ, con Vàng được về nhà này cũng vô tình. Mẹ Nam đi làm về thấy con chó cái bụng mang dạ chửa nằm trong lồng sắt sau xe cứ nhìn mình nước mắt chảy ròng ròng kêu ư ử. Mẹ Nam thấy thương quá, hỏi mua. Mới chỉ về nhà Nam ba ngày nó đã đẻ ra một con chó màu lông vàng. 12 ngày nó mở mắt thì con mẹ nó tự nhiên ốm chết. Nam phải nấu cháo loảng cho nó ăn. Nó vô tư lớn dần theo ngày tháng. Nam quí nó lắm, có hôm gió mùa đông bắc tràn về lạnh buốt, Nam còn lót ổ rơm và đắp chăn rách cho nó, ngày ngày nó quấn quýt bên Nam. Nam đi chăn trâu nó đi theo. Nam xuống suối tắm nó nhảy xuống đùa nghịch cùng Nam như đôi bạn trẻ. Kinh tế nhà Nam càng ngày càng khó khăn. Hai đứa trẻ chỉ biết ăn ngủ, không biết gì. Nam cùng mẹ phải quần quật mà vẫn không đủ ăn, bữa đói bữa no là thường. Mẹ Nam đành phải bán con Vàng. Đi học về không thấy con Vàng ra đón như mọi hôm, Nam hỏi mẹ, Mẹ Nam đành nói thật. Nam giậm chân ấm ức khóc, bắt đền mẹ. Vừa bán chợ trước phiên sau nó đã mò về nhà nằm cạnh bàn nơi Nam ngồi học. Số tiền bán chó Nhà Nam tiêu hết vèo. Đúng là gió vào nhà trống, mẹ Nam lại phải bán con Vàng. Nhưng lần này bà hỏi Nam. Nam không đồng ý bà thuyết phục con:

- Mẹ bán cho cậu nuôi, thỉnh thoảng con lại sang chơi với nó. Chứ để nhà ta lấy gì cho nó mà ăn.

Nghe mẹ nói vậy, Nam nghĩ ừ nhỉ nhà mình bốn miệng ăn thêm nó lại càng khổ. Càng nghĩ Nam càng thương cảnh nhà mình, càng thương con Vàng. Nhưng mẹ đã nói thế thì đành bán nó mặc dù Nam không muốn xa nó. Hôm sau cậu Nam bắt nó, mẹ Nam dặn đi dặn lại mãi: Câu phải xích nó để lâu hãy thả không thì nó lại mò về đấy. Cậu của Nam về cũng xích con Vàng vào cột nhà hàng tháng. Chó hàng xóm thấy con Vàng xuất hiện đã cùng nhau đến tấn công con Vàng. Do bị xích cho nên Vàng ta khó xoay sở mà chống trả, nên bị thương rất nặng, ở má bị toác một miếng khá rộng. Thấy vậy cậu của Nam đành tháo xích. Thế là nó lại có cơ hội về n Nam. Đúng là chó không chê chủ khó. Đi học về thấy con Vàng lại nằm cạnh bàn học kêu ư ử, toàn thân xơ xác máu me đầy mặt, Nam thương nó lắm Nam lấy than hồng giã vụn rắc vào vết thương. Cậu Nam sang tìm con Vàng, Nam bảo: Cậu ơi để con Vàng ở lại với cháu, cháu sẽ bảo mẹ cháu trả tiền lại. Cậu Nam nói: Thôi không phải trả tiền, cậu cho cháu đấy, hãy chăm sóc con Vàng cho tốt đấy. Cậu về đây.

Nam mừng quá rối rít chào: - Cháu chào cậu, cháu cảm ơn cậu.

Thế là con Vàng lại trở về với Nam. Nó lại quấn quýt chơi đùa cùng Nam.

Mới đấy mà đã hai năm Nam phải xa nó. Nhớ nó quá, Nam lại cầm bút viết thư cho Hào "Hào ơi! Tao nhớ con Vàng lắm, chẳng biết còn dịp nào tao được gặp nó không. Tao nhớ bạn bè, nhớ trường, nhớ lớp, nơi chân trời phương Nam chiều chiều tao lại ngóng về phương Bắc nơi có dòng Quây Sơn hiền hoà trong vắt. Tao chẳng bảo giờ quên ngày tao bỏ học. Tao thích học lắm, nhưng vì hoàn cảnh tao đành bỏ mất một năm. Ở ngoài mày cố mà học nhé. Tao hẹn sẽ có ngày tao ra thăm mày và con Vàng".

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này