DÒNG SÔNG HOA - Kịch bản thơ múa của NSƯT Nguyễn Bá Thái - Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội

Kịch bản thơ múa – tác giả: NSƯT Nguyễn Bá Thái - Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Lạt tháng 10 – 2018.

Kịch bản chi tiết : Múa, Âm nhạc và Cảnh trí sân khấu  

Thơ múa: DÒNG SÔNG HOA

Kính tặng hương hồn các chàng trai sinh viên Hà nội, những liệt sỹ anh hùng hữu danh và vô danh còn nằm dưới đáy sông Thạch Hãn từ những cuộc vượt sông trong những ngày “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

1/ Chủ đề tư tưởng: Năm 1972 . Những chàng trai tuổi đôi mươi từ những mái trường dại học ở Hà Nội, theo tiếng gọi của tiền tuyến anh hùng ruột thịt miền Nam. Các anh dã xếp bút nghiên lên đường Nam tiến. Cuộc chiến ác liệt nơi thành cổ Quảng Trị đã làm hàng ngàn thanh niên sinh viên Hà nội nằm lại trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Đặc biệt dòng sông Thạch Hãn với dòng chảy hiền hòa, với chiều ngang hơn trăm mét. Nhưng nơi đây mùa hè 1972 hàng ngàn tấn bom và đạn pháo Mỹ đã trút xuống, khiến cho mặt nước sục sôi nhấn chìm hàng trăm thân trai sinh viên Hà Nội trong những cuộc vượt sông khốc liệt của ngày hè đỏ lửa.
Có một nhà thơ đã xúc động viết những câu thơ cảm khái: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi đôi mươi làm sóng nước. Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Thơ Múa “Dòng sông hoa” muốn ngợi ca những anh hùng đã hy sinh và còn nằm dưới dòng sông Thạch Hãn năm xưa. Những bông hoa mà người ngày nay thả xuống dòng sông Thạch Hãn nhân ngày 27 tháng 7 là những lời tri ân của chúng ta đối với những người đã khuất . Ước mong sao cử chỉ nhân nghĩa đó sẽ còn mãi mãi để làm mát lòng những linh hồn đang nằm dưới đáy sông. Họ đã vì Tổ quốc mà hiến dâng đời trai trẻ trong những ngày hè năm 1972.
 
2 / Nhân vật:
- Người phóng viên nhiếp ảnh ( Thời trai trẻ và sau này khi đã bước sang tuổi xế chiều trở về thăm chiến trường xưa )
- Ba chàng trai được chụp trong bức hình nơi thành cổ Quảng Trị xưa .
- Các chàng trai bộ đội tham gia đánh và giữ thành cổ Quảng Trị và tham gia trận vượt sông Thạch Hãn mùa hè năm 1972 .
- Các cô gái học sinh trường PTTH Lê Duẩn thành phố Quảng Trị của thời hòa bình bốn mươi năm sau.
- Các cựu chiến binh trở về thăm Quảng Trị hôm nay

3/ Thời lượng : Thơ múa “Dòng sông hoa” khoảng 25 phút

4/ Bố cục và hoạt động sân khấu : Thơ múa “Dòng sông hoa” gồm 2 chương, 3 cảnh. Cùng cảnh mở đầu (Ouverture) và cảnh kết thúc (Coda).

Hoạt Động sân khấu :
1/ Ouverture: Cảnh trí sân khấu miêu tả sân ga Hà Nội hồi đó (1972) vắng lặng. Âm nhạc gợi cảnh Hà Nội những ngày mùa hè năm 1972 trong cảnh thời chiến: vội vàng nhưng không ồn ào mà lắng sâu như tâm trạng người dân Thủ Đô anh hùng trong chiến tranh.

Thời lượng : khoảng 2 phút

2/ Mixancen - Cuộc chia tay màu đỏ .
Âm nhạc đưa ta về cảnh nơi sân ga Hà Nội ngày ấy (mùa hè năm 1972) diễn ra một cuộc tiễn đưa cảm động nhưng thầm lặng của những ông bố, bà mẹ, cô bác, anh chị em và bạn bè thân thuộc của các chàng trai sinh viên các trường Đại học Hà Nội được lệnh lên đường tòng quân. Trên sân khấu từng tốp, từng tốp người tạo hình, thành các cuộc chia tay thật cảm động. Một vài tấm biểu ngữ mang dòng chữ viết vội: “Trai Hà Nội ba sẵn sàng” “Chúc các bạn lên đường Nam tiến may mắn Hẹn ngày về lại Thủ đô” được những cô gái Hà nội cầm và giương cao. Những cái ôm hôn của tình mẫu tử. Những cái gạt nước mắt thầm kín của các cô gái cùng trang lứa sinh viên mới chớm nở tình yêu. Những cái bắt tay điềm tĩnh, từng trải động viên của các ông bố với đứa con trai thân yêu...Tất cả những cụm hình tượng chuyển động tạo thành một cuộc chia tay màu Đỏ của những kẻ ở lại hậu phương và người ra tiền tuyến rất thanh thản vì đất nước hữu sự kêu gọi. Một hồi còi tầu hỏa thúc dục lên đường vang lên cắt đứt những dòng chảy của sự chia ly...Các chàng trai tân binh, xốc vội chiếc ba lô và đứng vào đội hình theo hiệu lệnh của người chỉ huy và tiến theo nhịp khúc quân hành.         

Đám đông lùi dần nhìn theo nghẹn ngào xúc động có những tiếng nức nở của các bà mẹ, có những bó hoa Ngọc Hà tươi nguyên của các cô gái được tung lên cao theo đoàn quân và...những cánh tay chới với,vẫy vẫy tiếp tục đưa tiễn những người thân

Thời lượng 3 phút 30

3/Chương một
3/1 Cảnh một: 1/Bức hình chụp vội sau trận đánh .
Trong nền nhạc mô tả chiến trận gay go phù hợp với hình chiếu trên phông nền Cảnh của một góc thành cổ Quảng Trị bị phá lỗ chỗ. Có những mảng tường đổ nát. Những cây khô bị phạt ngang ám khói..
Múa Trio: Có ba chiến sỹ trẻ măng là những sinh viên Hà Nội (mà ta vừa gặp ở lớp midansen trước) mặc đồ quân giải phóng. Người thì đang ngồi lau khẩu súng AK. Người thì nằm bò trên đống gạch đổ nát viết thư....Anh khác đang nằm ngửa như mơ mộng về một ngày chiến thắng được về gặp mẹ già. Mỗi người múa một đoạn tự sự và có lúc như cùng chia xẻ với nhau trong tính cách từng phân đoạn...Bỗng nhiên xuất hiện một anh phóng viên mặt trận với chiếc máy ảnh cũ kỹ. Người phóng viên tới. Cả ba chiến sỹ trong tổ chốt như bừng tỉnh. Các chàng trai cùng tíu tít hỏi han người phóng viên. Họ trao đổi với nhau bằng cử chỉ thân thiết và chân tình của nhưng người lính nơi chiến hào và người hậu phương. Người phóng viên yêu cầu ba chàng trai Hà Nội chụp chung một tấm hình. Một cuộc sắp đặt chụp hình rất vui nhộn (Múa hài hước giữa người phóng viên và ba chiến sỹ trẻ).
Có tiếng súng nổ gần và tiếng xích xe tăng địch. Linh cảm sẽ có cuộc phản công của địch. Ba chiến sỹ trên chốt lúc này vội về vị trí chiến đấu và cuộc chia tay với người phóng viên mặt trận diễn ra thật cảm động. Ba chàng trai chỉ kịp gửi người phóng viên những lá thư viết vội gửi về hậu phương. Họ tiễn biệt nhau trong tâm thế bùi ngùi cảm động...

Thời lượng 3 phút 30 .

2/Cuộc chiến ác liệt không cân sức
Trận đánh lại bắt đầu nhưng có vẻ ác liệt hơn. Có lúc các chàng trai như bị vây hãm tưởng chừng không còn mạng sống. Tuy nhiên với phẩm chất anh hùng ba chàng trai vẫn tả xung hữu đột. Có chàng bị thương nhưng vẫn tự mình băng bó để tiếp tục chiến đấu.... Vừa lúc đó ..xuất hiện trên sân khấu thêm nhiều chàng trai dược tăng cường. (Múa tập thể của các chàng lính mới đến với ba chàng trai trên chốt). Sự hợp đồng chiến đấu kịp thời của họ được thể hiện bằng những động tác chiến đấu rất kỹ thuật. Những động tác mô phỏng những cú tung người trên không như thể bị bom hất tung người. Nhiều động tác và hình tượng múa mô phỏng những hy sinh, hoặc bị thương của các chiến sỹ thật đẹp và mang tính anh hùng ca. Màn múa ngợi ca các chàng trai sinh viên Hà Nội trong những trận bảo vệ vùng đất thành Cổ mình chiếm được (....Lưu ý khi dàn dựng cần tạo nhiều sự kiện gay cấn, xung đột trong tính cách của các nhân vật).
Cuộc chiến không cân sức giữa quân giải phóng và lính Mỹ, cùng quân đội Sài Gòn lại thêm ác liệt hơn bởi trời đổ mưa rào và nước sông Thạch Hãn dâng cao ...... Bên quân giải phóng đã bị thương vong nhiều ...Tuy nhiên các chiến sỹ trẻ vẫn anh dũng chiến đấu... Tiếng loa dụ đầu hàng của quân Sài Gòn ầm ỹ hòa trong tiếng bom đạn khiến mảnh đất thành Cổ trở nên nóng bỏng. Trời đã ngả về chiều... Các chiến sỹ được lệnh rút lui... Trong khi quân giặc truy sát gắt gao..

Thời lượng : 3 phút 30 .

Cảnh 2:
Vượt sông Thạch Hãn
Trời tối dần. Ánh trăng giữa tháng treo trên bầu trời . Các chiến sỹ từng tốp tập hợp lại trên bờ sông Thạch Hãn. Họ mệt mỏi, tuy thế khi gặp nhau họ vẫn sôi nổi tay bắt mặt mừng và hỏi han nhau về những người bạn sinh viên cùng trang lứa ai còn, ai mất....Các chàng trai bồi hồi xúc động. Họ an ủi nhau và tỏ rõ lòng căm thù giặc bằng những cái ôm, xiết chặt tay nhau... Một hồi còi nho nhỏ như thức tỉnh mọi người.... Cuộc lui binh vượt sông bắt dầu. Có những chàng trai biết bơi thì bình thản nhìn dòng sông nước chảy xiết... Các anh ùa xuống nước theo hiệu lệnh của chỉ huy. Nhiều chàng trai không biết bơi cứ đùn đẩy nhau. Có anh ôm mặt khóc. Nhiều anh túm lấy chỉ huy cầu cứu... Bỗng tiếng bom nổ trên mặt nước ầm ào và tiếng địch truy sát như sắp đến gần... Các chiến sỹ quân giải phóng vội ùa xuống nước. Họ liều mình ôm những bè lục bình trôi trên sông hòng vượt sông. Một ít còn trụ lại trên bờ để cản quân giặc.. Tiếng súng nổ bom nổ trên bờ sông chát chúa. Các chiến sỹ lần lượt hy sinh và trên dòng sông hàng nghìn chiến sỹ đã vùi thây trong dòng nước lũ của sông Thạch Hãn vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Thời lượng: 3 phút

Chương hai : Dòng sông hoa đỏ
Cảnh trí trên sân khấu: Hình ảnh của dòng sông Thạch Hãn êm đềm trôi... Ngày thương binh liệt sỹ 27 tháng 7. Từng đoàn cán bộ, các cựu chiến binh, các em học sinh, sinh viên thành phố Quảng Trị trong bộ đồng phục. Tất cả rất nghiêm trang đến khu tưởng niệm thành cổ Quảng Trị.. Mọi người kính cẩn ngả mũ trước tượng đài các anh hùng liệt sỹ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bỗng nhiên có chàng phóng viên mặt trận năm xưa xuất hiện. Với mái tóc đã điểm bạc sau hơn bốn mươi năm. Ông phóng viên trình ra những bức ảnh ba chiến sỹ mà ông chụp năm xưa. Mọi người xúm lại xem những bức hình. (Một màn múa phục hiện các chàng trai xưa vô tư chụp ảnh trong lúc chiến sự tạm ngưng).. Theo lời kể của người phóng viên già. Mọi người bùi ngùi xúc động khi nhớ lại ..Các chàng trai trong bức hình đều đã hy sinh tại dòng sông Thạch Hãn trong cuộc vượt sông ngày đó. Ngay sau đó mọi người đi tới bờ sông Thạch Hãn...Họ thả xuống dòng sông những bông hoa (múa các thiếu nữ với những bông hoa thả trôi trên dòng nước).

Thời lượng 5 phút

CODA : Lời tri ân
Trên màn hình phía sau hình ảnh dòng Thạch Hãn tràn ngập hoa. Trong tiếng nhạc và lời thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi đôi mươi làm sóng nước. Giữ yên bờ bãi mãi ngàn nãm” ... Một màn múa ngợi ca hoành tráng của những người dân thành phố Quảng Trị ngày nay, đối với các chiến sỹ đã hy sinh trên thành cổ Quảng Trị và trên dòng sông Thạch Hãn năm xưa.

Trong lúc màn múa sôi động của người đương thời tri ân các chiến sỹ đã hi sinh thì từ các phía hình ảnh của các chàng trai sinh viên Hà Nội năm xưa cứ hiện dần, hiện dần và như dập dờn trên sóng nước... Các anh như được ngậm cười thanh thản nơi đáy nước vì đã đón nhận dược sự xẻ chia, tri ân và các anh như được ấm lòng với tình cảnh của người cõi âm và như thấu hiểu được những tấm lòng của người trên dương thế dang ngày đêm tưởng nhớ về các anh .... Màn múa mang tính liêu trai trong ánh sáng mờ ảo của thủ pháp tạo mầu sắc huyền ảo hư hư thực thực và âm nhạc có phảng phất của bài nhạc “Hồn tử sỹ” bi hùng .

Thời lượng 2 phút 30 .

Nhà sáng tác Đà Lạt ngày 11 tháng 10 năm 2018

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này